Những góc khuất của chính sách lúa gạo

0:00 / 0:00

Siêu lợi nhuận vào tay doanh nghiệp ngành gạo trong khi nông dân đói nghèo. Các nghiên cứu độc lập cho thấy tình trạng phân phối lợi nhuận đầy bất công đối với người làm ra hạt lúa.

Nông dân thiệt thòi: những số liệu “nhức nhối”

Những số liệu ‘nhức nhối’ được phơi bày trong báo cáo ‘Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao?” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Oxfam thực hiện và chính thức công bố hôm 17/10 tại Hà Nội. Theo đó thu nhập trung bình của hộ nông dân trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 535.000đ/người/tháng tương đương một nửa lương tối thiểu của công nhân lao động. Khu vực này là vựa lúa xuất khẩu của cả nước, với lợi thế sản xuất tốt nhất nhưng vì thu nhập thấp nên chỉ có những hộ gia đình làm trên 2 héc-ta mới có thể sống nhờ cây lúa. Những hộ ít đất hơn phải kiếm thêm thu nhập như chăn nuôi, thủy sản, hoặc làm các nghề phụ khác lúc nông nhàn.

Trả lời Nam Nguyên, PGSTS Phạm Văn Dư, phó Cục trưởng Cục Trồng trọt từ Cần Thơ nhận định rằng, giá lúa không tăng hoặc tăng ít trong khi vật tư đầu vào như lúa giống, phân bón thuốc trừ sâu, chi phí thu hoạch lại từng bước tăng, làm cho lợi nhuận của nông dân ngày một giảm. Ông nói:

Bà con nông dân khi sản xuất một mặt hàng nào đó thì phải được hợp đồng tử tế, biết được giá cả thu mua ngay từ ban đầu doanh nghiệp phải có đầu ra ổn định. Chúng tôi khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị và đảm bảo tất cả thành viên tham gia trong chuỗi này từng bước đều phải có lợi hết

PGSTS Phạm Văn Dư

“Điều đó có lẽ ai cũng thấy được, nhưng để mở ra một hướng mới thì nó không đơn giản. Tôi cho rằng các báo cáo như thế mình đã biết trong nhiều năm qua rồi. Thật ra thì cũng có những kế hoạch để thay đổi, nhưng hiện nay vấn đề cơ bản nhất là vấn đề thị trường, để nhắm tới định hướng một loại cây trồng nào đó, thì cần tính tới tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu ổn định. Ngoài ra bà con nông dân khi sản xuất một mặt hàng nào đó thì phải được hợp đồng tử tế, biết được giá cả thu mua ngay từ ban đầu doanh nghiệp phải có đầu ra ổn định. Chúng tôi khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị và đảm bảo tất cả thành viên tham gia trong chuỗi này từng bước đều phải có lợi hết. Việc thay đổi cấu trúc đó đòi hỏi thời gian chứ không thể nhanh được.”

Nông dân chân lấm tay bùn. AFP
Nông dân chân lấm tay bùn. AFP (AFp)

Sản xuất lúa gạo xuất khẩu chống lưng cho nền kinh tế những khi khó khăn, cũng như được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 20 năm qua. Thế nhưng khi giá gạo tăng cao, phần lãi lớn nhất ở trong tay doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hầu hết là các công ty lương thực nhà nước. Và thật ngược đời, những khoản lợi nhuận lớn này hầu như không giúp thêm lợi ích gì cho hàng triệu người trồng lúa sản xuất trên những cánh đồng nhỏ bé. Báo cáo Ipsard-Oxfam nêu rõ, khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD/tấn lên 900 USD/tấn từ tháng 1 đến tháng 5/2008 thì giá lúa nông dân bán chỉ tăng chưa tới 100 USD/tấn so với mức chênh lệch 470USD/tấn mà các thương nhân và nhà xuất khẩu được hưởng.

Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao

Tại buổi công bố báo cáo, ông Trần Công Thắng thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) được báo chí trích lời nói rằng, trong chuỗi giá trị gạo xuất khẩu nông dân chỉ được hưởng lợi 30% trong khi phải bỏ ra 60%-70% tổng chi phi sản xuất, chưa kể đến những rủi ro thiên tai dịch hại. Điều này là hết sức phi lý vì phần lợi nhuận 70% còn lại trong chuỗi rơi vào các thành phần trung gian và doanh nghiệp xuất khẩu.

Sản xuất lúa gạo xuất khẩu chống lưng cho nền kinh tế những khi khó khăn, cũng như được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 20 năm qua. Thế nhưng khi giá gạo tăng cao, phần lãi lớn nhất ở trong tay doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Bản báo cáo Ipsard-Oxfam nêu rõ vấn đề có thể hiểu là lợi ích nhóm, khi VFA Hiệp hội Lương thực Việt Nam giữ vai trò chủ đạo, trực tiếp điều hành xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, quyết định giá sàn xuất khẩu, phân bổ 80% tổng khối lượng hợp đồng. Cần nhấn mạnh trong VFA các hội viên chủ chốt là hai Tổng Công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc Vinafood1 và Vinafood 2 cùng các công ty con của họ, các doanh nghiệp lương thực địa phương hoặc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Vinafood 1 và vinafood 2 hiện chiếm lĩnh 50% lương gạo xuất khẩu của Việt Nam. Từ nhiều năm qua Chủ tịch VFA là ông Trương Thanh Phong, nhân vật này cũng là Tổng giám đốc Vinafood 2.

Người nông dân mất đất. Courtesy taichinh.vn
Người nông dân mất đất. Courtesy taichinh.vn (Courtesy taichinh.vn)

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan được VnExpress trích lời từ buổi công bố báo cáo cho rằng, VFA mang nặng lợi ích kinh tế, nên khi đề xuất các chính sách, họ chỉ gắn với lợi ích riêng mà chưa hướng nhiều tới nông dân. Trả lời Nam Nguyên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:

“Trong những ngành hàng nào mà tổ chức không tốt thì thường ở đấy nó có bóng dáng của lợi ích nhóm, bóng dáng của việc độc quyền, khía cạnh này…khác, ví dụ như về lương thực về gạo chẳng hạn. Như vậy là nó gây phương hại cho ngành hàng đó, cũng như gây khó khăn cho Việt Nam trong việc xuất khẩu sản phẩm của mình ra ngoài.”

Bản báo cáo Ipsard-Oxfam đưa ra bảy khuyến nghị theo thứ tự lần lượt như: tăng cường liên kết trực tiếp giữa người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo; phải có chiến lược nâng cao phẩm chất gạo và tạo thương hiệu gạo Việt Nam; hình thành các vùng lúa nguyên liệu; ấn định mức giá sàn lúa gạo vào đầu vụ, cân nhắc giá sản xuất và sự khác biệt của mỗi vùng miền. Đáng chú ý nhất là một đề xuất rất cách mạng, đó là Nhà nước cần thành lập ban điều hành lúa gạo với sự tham gia của đại diện nông dân, để người nông dân thực sự có tiếng nói trong quá trình ban hành chính sách và qui định liên quan đến buôn bán lúa gạo.

Trong những ngành hàng nào mà tổ chức không tốt thì thường ở đấy nó có bóng dáng của lợi ích nhóm, bóng dáng của việc độc quyền, khía cạnh này…khác, ví dụ như về lương thực về gạo chẳng hạn. Như vậy là nó gây phương hại cho ngành hàng đó, cũng như gây khó khăn cho Việt Nam trong việc xuất khẩu sản phẩm của mình ra ngoài

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan

Theo PGSTS Phạm Văn Dư cục phó Cục Trồng trọt, hiện nay về mặt chính sách đã rõ ràng, việc chính phủ qui định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải gắn kết với vùng nguyên liệu là bước khởi đầu tốt. Cục phó Cục trồng trọt Phạm Văn Dư cho rằng cần thời gian 5 năm để đồng bằng sông Cửu Long tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, từ đó chia sẻ lợi nhuận tốt hơn cho nông dân.

“Trước đây đã thấy Cty Bảo vệ Thực vật An Giang làm rất tốt, một mô hình điển hình, đầu tư rất lớn. Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ thì có thể có khó khăn, do vậy chúng tôi khuyến khích họ cùng phối hợp, các doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp trên cơ sở bình đẳng. Còn nông dân liên kết với nông dân trước để tạo thành các hợp tác xã kiểu mới, như vậy doanh nghiệp được dễ dàng hơn khi hợp tác với đại diện của nông dân. Ngay cả các doanh nghiệp cung cấp vật tư cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, lúa giống cũng cần liên kết lại, cùng tổ chức những vùng nguyên liệu lớn để cho nhà xuất khẩu có thể hợp tác dễ dàng hơn, thay vì họ phải đầu tư trọn gói.”

Giới chuyên gia đánh giá cao báo cáo công trình nghiên cứu “Ai được lợi khi giá gạo tăng cao” của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cùng tổ chức phi chính phủ Oxfam. Báo cáo đã trình bày những góc khuất của chính sách lúa gạo, nói thẳng nói thật những vấn đề nhạy cảm nhất.

Những nhược điểm của chính sách lúa gạo đã được chính các nhà nghiên cứu của chính phủ vạch rõ. Nhưng việc giải cứu nền nông nghiệp giải cứu nông dân vẫn còn ở phía trước, bởi thay đổi tư duy nông nghiệp và thực hiện đúng đắn không phải là việc dễ dàng.