Tuy nhiên đại diện Tổ an ninh điều tra tỉnh Sóc Trăng khẳng định rằng chỉ người quen mời lên gặp có công chuyện chứ không có gì khác. Quốc Việt tường trình lại việc này như sau.
Cơ quan công an điều tra tỉnh Sóc Trăng vừa trả tự do cho một người Khmer gốc ở miền Nam của Việt Nam sau khi cơ quan này tạm giam ông hai ngày khi ông ấy đến cơ quan công an theo giấy mời để bổ sung hồ sơ hộ khẩu phục vụ cho công tác bầu cử sắp tới.
Mời lên bổ sung hồ sơ hộ khẩu
Ông Tăng Thủy, quê quán ở xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho Đài Á Châu Tự Do biết hồi chiều thứ Bảy, ngày 26 tháng 3 rằng, Trưởng Công an xã Trần Phương Bình đưa giấy mời ông đến Ủy ban xã Viên Bình vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 23 tháng 3 năm 2011 để bổ sung hồ sơ hộ khẩu phục vụ cho công tác bầu cử sắp tới.
Khi ông đến trụ sở Công an, công an lại điều tra ông liên quan vụ kích động sư sãi biểu tình tại tỉnh Sóc Trăng hồi đầu tháng 2 năm 2007, cáo buộc ông hội họp bất hợp pháp và đến gặp gỡ ông Huỳnh Văn Ba, một người mới được trả tự do sau khi bị tù 2 năm vì có liên quan vụ đứng đầu tổ chức khiếu kiện đất đai.
Bị giam giữ và điều tra 2 ngày
Công an xã Viên Bình điều tra khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó công an điều tra tỉnh Sóc Trăng đến bắt ông về tỉnh tiếp tục điều tra và giam giữ đến 5 giờ chiều ngày 24 tháng 3 mới trả tự do cho ông.
Ông Tăng Thủy còn cho biết, hồi ngày 8 tháng 2 năm 2007 vừa qua ông cùng với hàng trăm sư sãi Khmer Krom ở tỉnh Sóc Trăng tổ chức biểu tình ôn hòa tại Tỉnh nhằm kêu gọi chính phủ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng nhân quyền người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Họ cứ khăng khăng truy tố tôi vi phạm Pháp luật là chống nhà nước CHXHCNVN. Họ cứ bóp nghẹt tâm lý, họ hỏi lên hỏi xuống và đe dọa.
Ông Tăng Thủy
Sau khi nhiều sư sãi tham gia biểu tình bị bắt bớ và buộc hoàn tục, ông đã chạy sang Campuchia để xin tỵ nạn. Tuy nhiên cơ quan Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Campuchia từ chối cấp quy chế cho ông sang định cư nước thứ 3 vì lời khai của ông không thể chứng minh rằng chính phủ Việt Nam đàn áp, khủng bố hoặc ông bị tù đày. Ông Tăng Thủy nói:
“Chạy bỏ quê hương, bỏ nhà ra đi ẩn trú ở Campuchia. Sau đó tôi trở về thì họ không buông tha. Họ mời lên, mời xuống cho đến bây giờ. Họ mời lên làm việc vì họ sợ tôi đi gặp anh em, bạn bè rồi tuyên truyền phá hoại trong xã hội.
Họ cứ khăng khăng truy tố tôi vi phạm Pháp luật là chống nhà nước CHXHCNVN. Họ cứ bóp nghẹt tâm lý, họ hỏi lên hỏi xuống và đe dọa. Đối với tôi mà nói, tôi không bao giờ sai (có tội), tôi rất tôn trọng Pháp luật.”
Sư Kim Mươl từng bị Công an tỉnh Sóc Trăng buộc hoàn tục vì kích động sư sãi và người dân tộc trong tỉnh tham gia biểu tình chống Chính phủ Việt Nam vào ngày 8 tháng 2 năm 2007, hiện đang sống tại Thụy Điển nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn còn vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số. Chính quyền Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ tự do báo chí, ngôn luận, đi lại, tụ họp và lập hội, đi ngược lại với những Hiệp ước Nhân quyền đã ký kết.
Hiện nay, chính quyền Việt Nam tích cực trấn áp các phong trào đòi quyền tự do dân chủ, bắt một số cá nhân và nhóm đối lập. Nhiều người đứng đầu các cuộc khiếu kiện đất đai có tiếng nói phê phán chính phủ cũng bị bắt giam với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước, gây rối trật tự xã hội hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước.
Riêng trường hợp ông Tăng Thủy, một người Khmer Krom có tiếng đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam, Sư Kim Mươl bày tỏ quan ngại sâu về số phận ông ấy vì Chính phủ Việt Nam công khai tuyên bố áp đặt và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Sư Kim Mươl nói: "Tôi rất lo ngại về số phận ông ấy vì khi chúng ta có hoạt động, thì Chính phủ sẽ ghét và sẽ thường xuyên mời lên làm việc. Về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và biểu tình ở Việt Nam thì tôi nghĩ rằng Chính phủ đang bóp nghẹt và coi đó là nhóm thù địch chống phá nhà nước. Trong lúc Chính phủ không tôn trọng nhân quyền, những người dân dám khiếu kiện đất đai thì sẽ bị họ ghét và sẽ có nguy cơ bị đàn áp."
Ông Tăng Thủy cũng nói rằng, ông là một người dân tộc thiểu số sinh sống tại Việt Nam. Ông tôn trọng Pháp luật Việt Nam, nhưng ông muốn pháp luật Việt Nam bảo vệ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chứ không chỉ bảo vệ cán bộ viên chức nhà nước. Ông nói, trong quá trình điều tra, ông Lê Thanh Chỉ đại diện Tổ an ninh điều tra tỉnh Sóc Trăng tuyệt đối cấm ông trả lời với bất cứ phóng viên báo chí, đặc biệt là Đài Á Châu Tự Do.
Ông Tăng Thủy nói:
Nếu anh trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, thì họ sẽ truy tố trước Pháp luật. <br/>
Ông Tăng Thủy
“Nước CHXHCNVN không tuân thủ Luật quốc tế mà còn bóp nghẹt các dân tộc. Nếu anh trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, thì họ sẽ truy tố trước Pháp luật. Nhưng bây giờ tôi không sợ gì cả vì tôi cũng là người có lương tâm, tuân thủ Pháp luật, và quy tắc quốc tế nhân quyền. Cho nên tôi không sợ gì cả.”
Liên quan vấn đề này, đại diện Tổ an ninh điều tra tỉnh Sóc Trăng Lê Thanh Chỉ, người trực tiếp điều tra ông Tăng Thủy trong thời gian hai ngày trả lời với Đài Á Châu Tự Do rằng, ông không biết vấn đề này nhưng ông nhấn mạnh trường hợp ông Tăng Thủy là người quen mời lên gặp có công chuyện chứ không có gì khác.
Nhưng sư Kim Mươl nhận định rằng, mặc dù lâu nay người dân bị Chính phủ Việt Nam cấm thành lập Đảng phái khác, cấm thành lập các tổ chức có tư tưởng đa nguyên hay cổ vũ những tư tưởng đi ngược lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Những người này bị tước đoạt quyền tự do và bị đàn áp, nhưng Chính phủ vẫn từ chối là điều đó đang xảy ra thật tại Việt Nam. Quốc Việt tường trình từ Campuchia.
Theo dòng thời sự:
- Một người Khmer Krom khiếu kiện đất đai bị kết án 2 năm sẽ được trả tự do
- Hết thời hạn tạm giam 3 tháng nhưng vẫn bị tù
- Công an vu cáo những người Khmer Krom khiếu kiện đất?
- Một người tị nạn Khmer Krom bị bắt sau khi trở về VN
- Khmer Krom tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền
- Người Khmer Krom ở An Giang, Cần Thơ khiếu kiện đòi đất
- Tổ chức nhân quyền K. Khrom yêu cầu VN giải quyết vụ đất đai tại An Giang
- Chính quyền VN thông báo tạm giam một người Khmer Krom
- An Giang: người biểu tình tiếp tục bị bao vây
- An Giang: 50 gia đình người Khmer Krom bị buộc dời khỏi nơi cư trú