Bà Aung Shan Suu Kyi đến thăm trại tỵ nạn MaeLa tại Thái Lan

Sáng ngày Thứ Bảy 02 tháng Sáu, theo đúng như lịch trình Bà Aung Shan Suu Kyi đã đến thăm trại tỵ nạn MaeLa trong chuyến công du Thái Lan đầu tiên của bà ra nước ngoài.

Mặc Lâm gửi về bản tường trình tại chỗ sau đây.

Trại tỵ nạn MaeLa nằm về phía Đông Bắc cách thành phố Bangkok 660 cây số. Từ mờ sáng chúng tôi đã có mặt để tìm hiểu đời sống và sinh hoạt của hơn 40 ngàn người Miến Điện tại đây. Theo báo cáo chính thức của Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cho biết thì trại MaeLa có ba nhóm người chạy trốn khỏi chính quyền quân sự Miến Điện từ năm 1984. Nhóm thứ nhất gồm 2.115 gia đình đã đăng ký chính thức với 17, 021 người chạy sang Thái với lý do kỳ thị sắc tộc. Nhóm thứ hai gồm 2.353 gia đình với 9.505 người chạy sang Thái vì bị trấn áp với những lý do chính trị. Nhóm thứ ba gồm 5.896 gia đình với 22.500 người là nhóm người đông nhất tuy đang sống trong trại MaeLa nhưng không đăng ký với Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.

Một người tỵ nạn sống trong trại cho biết rằng ai cũng muốn về nhà. Về nhà là ao ước của mọi người hiện nay.

Một phụ nữ Karen phấn khởi hô vang những lời chào đón bà Aung Shan Suu Kyi ngay cả khi bà chưa tới nơi.

Đúng 11 giờ bà Aung Shan Suu Kyi có mặt tại trại tỵ nạn. Bà đi qua hai hàng người đa số là người Karen chào đón. Với cử chỉ thân thiện và hết sức hòa ái, bà Aung Shan Suu Kyi đã nói với đám đông hơn 2500 người đón bà tại một khu đất trống khoảng 4 héc ta sau khi tới trại.

Bà Aung Shan Suu Kyi nói rằng mặc dù không có micro vì trại không cung cấp nhưng bà sẽ cố gắng nói thật to để mọi người cùng nghe. Bà hiểu rằng không ai muốn rời khỏi đất nước của mình và bà xác định sẽ không bao giờ quên người Karen cũng như tất cả người tỵ nạn Miến Điện tại trại MaeLa. Bà cho biết là sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp tốt nhất và nhanh nhất để mọi người có thể an tâm quay về tổ quốc.

Trong một tuyên bố chính thức của Tổ chức Phụ Nữ Karen đang sống trong trại cho biết họ sẽ chỉ trở về lại Miến Điện khi mọi yêu cầu chính đáng được chính phủ chấp nhận. Những điều quan trọng nhất như: Người hồi hương chỉ trở về do tự nguyện và không bị bắt buộc; Chính phủ phải cung cấp đất đai cho họ canh tác khi trở về; Phải tôn trọng tự do tôn giáo và nhất là nhân quyền của người Karen.

Đại diện Liên Đoàn Quốc Gia Karen (trái) và chính phủ Miến Điện (phải) bắt tay sau cuộc đàm phán hòa bình ở Rangoon hôm 06 tháng 4 năm 2012. AFP photo.
Đại diện Liên Đoàn Quốc Gia Karen (trái) và chính phủ Miến Điện (phải) bắt tay sau cuộc đàm phán hòa bình ở Rangoon hôm 06 tháng 4 năm 2012. AFP photo.

Người Karen là sắc dân thiểu số chiếm 7% dân số trong tổng số 50 triệu người Miến Điện. Sau khi chính phủ dân sự lên cầm quyền đã có những nỗ lực đàm phán với lãnh đạo người Karen và hy vọng một cuộc ngừng bắn sẽ diễn ra nhưng con đường dẫn tới những thỏa thuận vẫn còn xa vời.

Ủy ban Trung ương Liên minh Quốc gia Karen (KNU) là tổ chức tranh đấu của lực lượng nổi dậy người Karen do ông Nyein Maung lãnh đạo. Ông này đã được trả tự do sau khi bị kết án 20 năm tù vì tội “phản bội tổ quốc”.

Sau khi bà Aung Shan Suu Kyi thắng cử, bên cạnh những nỗ lực đối thoại với chính phủ dân sự Miến, bà được xem là người có khả năng nối lại những cuộc đàm phán với lực lượng nổi dậy người Karen.

Người dân Miến, bất kể sắc dân nào hầu hết đều mong vấn đề sắc tộc này được giải quyết ổn thỏa để chấm dứt đổ máu từng kéo dài trong nhiều chục năm qua.

Miến Điện có đường biên giới chung với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Lào và Bangladesh nhưng người Karen không chạy sang Ấn Độ hay Trung Quốc vì chính sách thân chính phủ quân sự của hai quốc gia này. Thái Lan là nước duy nhất dung chứa người tỵ nạn Karen cũng như các thành phần khác. Trung Quốc là nước thẳng tay đàn áp người tỵ nạn Miến Điện nhất. Đã từng xảy ra các vụ giết người Karen và nhẹ nhất là lính biên phòng Trung Quốc gửi trả lại những người trốn sang biên giới về lại Miến.

Mặc Lâm tường trình từ MaeLa, Thái Lan.