Đài Loan muốn đóng góp tích cực hơn trong các thảo luận về biển Đông

0:00 / 0:00

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hôm 1 tháng 9 lên tiếng bày tỏ mong muốn được tham gia vào các đàm phán quốc tế về vấn đề biển Đông. Đây không phải là lần đầu tiên Đài Loan bày tỏ mong muốn này. Nhưng để thực hiện được điều này, Đài Loan gặp không ít trở ngại trước mắt.

Thách thức với Đài Loan?

Trong số những nước đòi chủ quyền ở biển Đông hiện tại, Đài Loan là nước kiểm soát hòn đảo Ba Bình, đảo lớn nhất tại Trường Sa nhưng lại dường như là nước ít được chú ý nhất dù nước này không ít lần lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình và quyền được tham gia vào các đàm phán trong khu vực.

Mới đây trong một triển lãm về chủ quyền lịch sử của Đài Loan đối với biển Đông, Tổng thống Mã Anh Cửu nói rằng Đài Loan đóng vai trò quan trọng ở biển Đông và sẽ không vắng mặt trong các đàm phán tương lai liên quan đến các tranh chấp chủ quyền tại khu vực này. Ông nói cụ thể hơn là Đài Loan không thể bị loại khỏi các tham vấn và đàm phán liên quan đến vấn đề biển Đông hoặc thảo luận về Bộ quy tắc về ứng xử giữa các bên ở biển Đông.

Hiện, ngoài Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, và Brunei đều đòi chủ quyền một phần trên biển Đông.

Với vấn đề biển Đông thì Đài Loan có một vị trí khá là khó khăn bởi TQ vẫn khẳng định chính sách một TQ, chỉ có khoảng 30 nước trên thế giới thừa nhận Đài Loan là một nước độc lập ngoài TQ. <br/> -GS Carl Thayer

Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký kết tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông gọi tắt là DOC. Ngay lập tức sau đó, Bộ Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo khẳng định chủ quyền của nước này đối với quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa ở biển Đông. Đài Loan cũng phản đối việc ASEAN và Trung Quốc đã phớt lờ đi quyền hợp pháp của nước này và ký kết DOC mà không có sự tham gia thảo luận của Đài Loan.

Năm 2011, sau khi Trung Quốc và ASEAN ký kết bản hướng dẫn thực hiện DOC, Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng ra một thông cáo khẳng định chủ quyền của nước này tại biển đông, tuyên bố rằng nước này nên được bao gồm trong cơ chế đối thoại tranh chấp và rằng Đài Loan sẽ không nhìn nhận bất cứ giải pháp nào đạt được mà không có sự tham gia của Đài Loan.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc cho rằng việc tham gia của Đài Loan vào những cơ chế đàm phán và thỏa thuận về biển Đông là điều khó khăn do yếu tố chính trị.

“Với vấn đề biển Đông thì Đài Loan có một vị trí khá là khó khăn bởi Trung Quốc vẫn khẳng định chính sách một Trung Quốc, chỉ có khoảng 30 nước trên thế giới thừa nhận Đài Loan là một nước độc lập ngoài Trung Quốc, tất cả các nước Đông Nam Á đều đồng ý với chính sách một Trung Quốc nên vấn đề lại trở thành xung đột trong nước của Trung Quốc mà thôi.”

Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về biển Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington DC ngày 10 tháng 7 năm 2014.
Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về biển Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington DC ngày 10 tháng 7 năm 2014. (RFA photo)

Từ năm 1999 đến 2000, các nước ASEAN đã lần lượt ký thỏa thuận dài hạn với Trung Quốc, thừa nhận chính sách một Trung Quốc. Theo giáo sư Carl Thayer thì thỏa thuận này làm ASEAN gặp khó khăn trong việc tiếp cận Đài Loan một cách công khai.

Do hạn chế về vị thế chính trị, Đài Loan hiện vẫn chưa thể tham gia vào kênh ngoại giao mức 1 trong các đàm phán ở biển Đông mà chỉ mới có thể tiếp cận theo con đường ngoại giao mức 2 từ là không chính thức như tham gia vào Hội đồng Hợp tác châu Á Thái Bình Dương (CSCAP), một tổ chức không chính thức trong khu vực bao gồm các học giả, các nhà nghiên cứu. Năm 2011, Đài Loan cũng đã tổ chức một hội thảo quốc tế về vấn đề biển Đông. Ngoài ra học giả Đài Loan cũng được mời tham gia hội thảo về biển Đông do Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tổ chức hồi năm 2013 ở Washington DC.

Cơ hội hay thách thức?

Cũng giống như Trung Quốc, Đài Loan có đòi hỏi chủ quyền lịch sử trong đường chữ U chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông. Cho đến lúc này cả Trung Quốc và Đài Loan đều không đưa ra được những giải thích rõ ràng về yêu sách đường chữ U. Điều này được coi là một thách thức không nhỏ với Đài Loan trong việc cho thế giới thiện chí và vai trò của nước này trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong vùng nước nhiều tranh chấp này.

Trong bài bình luận được đăng tải trên website của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế hồi tháng 4 vừa qua, chuyên gia về Trung Quốc, bà Bonnie Glaser viết rằng nguồn gốc của sự mất ổn định trên biển Đông nằm ở đường đứt khúc 9 đoạn (hay còn gọi là đường chữ U). Theo bà Đài Loan cần phải nghiêm túc xem xét một tiếp cận tích cực để giảm căng thẳng ở biển Đông bằng cách giải thích rõ ràng ý nghĩa của đường 9 đoạn và phải áp dụng những đòi hỏi về chủ quyền trên biển theo đúng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển của Liên hiệp quốc năm 1982. Bằng cách này, theo bà Bonnie Glaser, Đài Loan sẽ biến thách thức thành cơ hội khi nhắc cho các nước có liên quan và thế giới biết rằng nước này có mối quan tâm ở biển Đông và sẵn sàng là một người chơi hợp tác có tính xây dựng trong việc điều hòa căng thẳng.

Vì lợi ích của mình, Đài Loan không muốn gây thù hằn với các nước ASEAN, cũng như làm tức giận với các đồng minh của mình như Nhật và Hoa Kỳ. <br/> -GS Carl Thayer

Khác với Trung Quốc, các học giả quốc tế đánh giá Đài Loan là nước không có các hành động gây hấn mạnh mẽ và đây có thể coi là một thuận lợi của Đài Loan trong hướng tiếp cận với các nước về đàm phán ở biển Đông. Giáo sư Carl Thayer giải thích:

“Vì lợi ích của mình, Đài Loan không muốn gây thù hằn với các nước ASEAN, cũng như làm tức giận với các đồng minh của mình như Nhật và Hoa Kỳ. Cho nên Đài Loan có đòi hỏi chủ quyền mang tính lịch sử và họ bảo vệ chủ quyền của mình rất nhẹ nhàng. Họ không mang theo cây gậy và hùng hổ về chuyện này.”

Tháng 8 năm 2012, Tổng Thống Mã Anh Cửu đã đề xuất sáng kiến Hòa bình biển Hoa Đông để điều hòa căng thẳng đang gia tăng xung quanh quần đảo đang tranh chấp với Nhật bản là Điếu Ngư. Sau đó Đài Loan đã ký một thỏa thuận đánh bắt cá với Nhật bản, gạt sang bên những khác biệt về chủ quyền. Theo học giả Tống Yên Huy, thuộc học viện Nghiên cứu Á Âu của Đài Loan, một đề nghị tương tự như vậy của Đài Loan tại biển Đông nên được xem xét bởi bất cứ những bên có liên quan ở biển Đông.

Trong một bài phát biểu tại hội nghị về biển Đông ở Wangshington DC vào năm ngoái, học giả Tống Yên Huy cho rằng, mặc dù cơ hội để Đài Loan được mời tham gia vào các đối thoại hoặc đàm phán ngoại giao mức một còn rất mong manh, nhưng khả năng để có những dàn xếp linh hoạt cho phép Đài Loan tham gia vào các hoạt động hợp tác theo DOC đang tăng lên. Nguyên nhân được ông đưa ra là do mối quan hệ qua eo biển Đài Loan giữa Đài Loan và Trung Quốc đang được cải thiện kể từ năm 2008 trở lại đây. Mặc dù lập trường của chính phủ Đài Loan trong cải thiện quan hệ với Trung Quốc tập trung vào vấn đè kinh tế và thương mại nhưng ngày càng nhiều người dân Đài Loan mong muốn có hợp tác qua eo biển Đài Loan liên quan đến biển Đông. Một cuộc trưng cầu ý kiến vào năm 2012 ở Đài Loan đã cho thấy 48% người dân Đài Loan tin là Đài Loan và Trung Quốc nên hợp tác trong việc giải quyết vấn đề biển Đông.

Việc Đài Loan tham gia vào các cơ chế đàm phán ở biển Đông hiện cho thấy cả những cơ hội lẫn thách thức. Những cơ hội và thách thức này một mặt phụ thuộc vào Trung Quốc và ASEAN nhưng một mặt khác, rõ ràng cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí và chính sách của chính phủ Đài Loan.