Buổi nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa tại Praha

0:00 / 0:00

Ngày 25/8/13, Tiến sĩ Nguyễn Nhã có buổi tọa đàm thứ nhì, trong chuyến đi nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Đông Âu và Tây Âu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa. Buổi nói chuyện do nhóm Văn Lang tại cộng hòa Czech tổ chức. Kính Hòa đã hỏi chuyện tiến sĩ Nguyễn Nhã và ban Tổ chức về buổi tọa đàm này.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã được biết là một nhà thuyết trình không mệt mỏi về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 25/8/2013, ông có buổi nói chuyện tại Prague, thủ đô cộng hòa Czech về đề tài này. Đây là buổi nói chuyện thứ hai của ông trong chuyến đi châu Âu lần này qua các nước Czech, Đức và Pháp. Ông nói với chúng tôi rằng,

“Tôi muốn mọi người chia sẻ với tôi về vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi muốn ở Đức, Tiệp, Pháp cũng ý thức được tầm quan trọng của sự thật lịch sử để mà quảng bá.”

“Ở trong nước cũng có người như anh Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới có đặt vấn đề là mặt mạnh của mình là mặt học thuật, và chúng ta nên ủng hộ Philippines. Nếu như vụ kiện Trung quốc của Philippines ra Liên Hiệp quốc mà thắng thì cũng có lợi cho Việt Nam.”

Sự quảng bá kiến thức mà Tiến sĩ Nguyễn Nhã đang làm nằm trong suy nghĩ của ông về một cuộc đấu tranh về mặt học thuật về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, mà để hoàn thành nó cần có sự liên kết của người Việt khắp nơi, bất kể họ có lịch sử, nguồn gốc khác nhau,

“Tôi sẽ đến Berlin nơi mà bị chia cắt trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nay đã có sự hòa nhập. Tôi cũng hy vọng sự hòa nhập như vậy để tránh cái nguy cơ thuộc quốc.”

Chặng dừng chân của Tiến sĩ Nguyễn Nhã tại Prague được nhóm Văn Lang tổ chức. Đây là một nhóm dân sự của cộng đồng người Việt tại cộng hòa Czech. Ông Phạm Hữu Uyển, trưởng ban tổ chức buổi tọa đàm, nói với chúng tôi về nhóm Văn Lang và việc tổ chức buổi tọa đàm,

“Nhóm Văn Lang đầu tiên của một số anh em ở Prague, sau đó thì trở thành của cả Tiệp. Chúng tôi hoạt động với một phương châm là Vì một xã hội dân sự, chú trọng vào hoạt động của các cá nhân, của cộng đồng. Trong cái bối cảnh đó thì chúng tôi thấy rất tâm đắc với hoạt động của Tiến sĩ Nhã , cho nên chúng tôi đã tổ chức buổi tọa đàm này trong một nhà văn hóa ở thủ đô Prague, số người đến tham dự hôm nay được khoảng 100 người.”

Hoạt động của nhóm Văn Lang chủ yếu nhằm vào cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước cộng hòa Czech. Và vì hoạt động với phương châm là một nhóm dân sự, cho nên nhóm độc lập với cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước này. Sự độc lập này đã gây không ít nghi ngại cho phía chính quyền Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói với chúng tôi,

“Lúc đầu khi tôi mới đến đây có vẻ người ta không hiểu nên việc tổ chức không thành. Nhưng sau đó thì tôi thấy có chuyển biến, lần đầu tiên tôi thấy có đại diện cộng đồng, rồi đại diện Sứ quán cũng có mặt. Lúc đầu có sự hiểu lầm nên gây khó khăn, mà nhóm Văn Lang lại không chịu sự liên hệ với Sứ quán, nhưng cuối cùng thì tôi thấy nhóm Văn Lang tổ chức thành công. Họ có một cái khả năng kết đoàn những người có chính kiến khác nhau.”

Chúng tôi có ý định tìm vị đại diện cho Sứ quán Việt Nam đến dự buổi tọa đàm, nhưng vị này không ghi rõ tên tuổi khi đến dự nên rất tiếc là chúng tôi không liên lạc được trong thời gian gấp rút của buổi nói chuyện.

Buổi tọa đàm được đánh giá là thành công. Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã đem đến thủ đô Prague những công trình nghiên cứu của cả cuộc đời ông về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng sa và Trường Sa, để phổ biến cho cộng đồng người Việt tại Tiệp. Nhưng thành công nhất có lẽ là việc nhóm Văn Lang tổ chức được cuộc tọa đàm, nói như tiến sĩ Nguyễn Nhã là có thể kết đoàn được những người có chính kiến khác nhau.

Sự hiện diện của vị đại diện sứ quán tại cuộc hội họp do một nhóm dân sự độc lập tổ chức sau những nghi ngại ban đầu, chứng tỏ rằng sự e ngại về xã hội dân sự của nhà nước Việt Nam đã phần nào được vượt qua. Thực tế cho thấy là xã hội dân sự chỉ làm cho nhà nước mạnh hơn mà thôi. Điều đó được minh chứng bởi cuộc tọa đàm này, rằng nhóm dân sự Văn Lang và nhà nước Việt Nam có cùng một mục đích, đó là chứng minh chủ quyền của nước Việt Nam ở hai quần đảo Trường sa, Hoàng sa và quảng bá chủ quyền ấy đến mọi nơi trên thế giới.