Nguyên nhân nào khiến một nhà giáo phải hành xử như thế và các giáo viên cùng ngành nói gì trước vụ việc này? Hòa Ái tổng hợp thông tin và trình bày trong phần sau.
Uẩn khúc đằng sau một vụ chuyển trường
Hành động uống thuốc trừ sâu tự tử của cô giáo Lý Kim Liên trước mặt ban lãnh đạo tại trường Tiểu học Đặng Văn Bất, ở quận Thủ Đức, TP. HCM gây chấn động dư luận trong mấy ngày qua. Theo văn hóa của người Việt, tự tử dưới bất kỳ hình thức nào cũng bị cho là tiêu cực và hành động nông nỗi, nhất thời hay thậm chí thiếu lý trí của những người đi đến quyết định kết liễu mạng sống của mình. Tuy nhiên, là một cô giáo ở độ tuổi trung niên, gần 20 năm phục vụ trong ngành giáo dục, đồng thời cũng là một bà mẹ đơn thân nuôi dạy 2 đứa con thơ, vì quá phẫn uất mà uống thuốc trừ sâu trước mặt ban lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Thủ Đức dường như được sự cảm thông và đồng tình của công luận.
Câu chuyện bắt đầu 5 năm về trước, cô Lý Kim Liên đang dạy lớp 4 ở trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực thì bất ngờ được chuyển công tác sang trường Tiểu học Đặng Văn Bất với lý do rằng thiếu giáo viên nên nơi nào thừa sẽ chuyển để bổ sung nguồn giáo viên. Dù có làm đơn khiếu nại nhưng cuối cùng Cô Liên cũng phải nhận công tác ở ngôi trường mới.
Cô Liên nhẫn nại làm đơn xin chuyển công tác về trường cũ sau mỗi năm học. Đã 5 năm trôi qua, thay vì đựơc chuyển về trường cũ cô Liên nhận nhận quyết định chuyển công tác đến trường Nguyễn Văn Banh vào ngày 15/8
Sau khi điều chuyển cô Liên sang trường Đặng Văn Bất thì ngay lập tức trường Nguyễn Trung Trực lại nhận về một giáo viên trẻ khác. Chia sẻ với báo giới, một đồng nghiệp của cô Liên ở trường Nguyễn Trung Trực cho biết lý do Cô Liên bị điều đi trường khác không hiểu do ngẫu nhiên hay do sự sắp xếp của hiệu trưởng Nguyễn Văn Cứng vì hiệu trưởng này là em rể của cô Mười, là người có mâu thuẫn với cô Liên.
Cô Liên chuyển qua công tác ở trường Đặng Văn Bất với lời hứa hẹn của phòng GD&ĐT quận Thủ Đức là sẽ chuyển cô về lại trường Nguyễn Trung Trực 1 năm sau đó. Điều trùng hợp xảy ra là cô Mười được chuyển đến trường Đặng Văn Bất với cương vị hiệu trưởng trong cùng khoảng thời gian cô Liên được chuyển về đây. Sự mâu thuẫn giữa cô Liên và cô Mười tăng thêm sau khi cô Liên phản đối việc cô Mười nhận được danh hiệu thi đua và phụ nữ “hai giỏi”. Sau đó thì cô Mười bị kỷ luật.
Vì hy vọng với lời hứa của của phòng GD&ĐT quận Thủ Đức sẽ chuyển công tác trở lại trường Nguyễn Trung Trực, Cô Liên nhẫn nại làm đơn xin chuyển công tác về trường cũ sau mỗi năm học. Đã 5 năm trôi qua, thay vì đựơc chuyển về trường cũ cô Liên nhận nhận quyết định chuyển công tác đến trường Nguyễn Văn Banh vào ngày 15/8.
Uống thuốc tự tử vì quá uất ức
Vào chiều 14/8, cô Liên nhận được lời giải thích từ trưởng phòng GD&ĐT quận Thủ Đức là vì theo nguyện vọng chuyển công tác của cô cũng như hộ khẩu của cô Liên gần trường Nguyễn Văn Banh nên phòng quyết định chuyển cô về cho đúng tuyến. Với lý do trường Nguyễn Văn Banh gần nhà cô Liên vì đúng tuyến và cùng với những thách đố cô Liên đi khiếu nại, tố cáo của những lãnh đạo trong phòng GD&ĐT đã khiến cho cô Liên quá bức xúc và có hành động uống thuốc trừ sâu ngay trước mặt các đại diện cho ban lãnh đạo. Một giáo viên trẻ ở Đồng Tháp chia sẻ cảm nghĩ của mình là cũng sẽ rất uất ức khi ở trong trường hợp tương tự, nhưng sẽ kiến nghị lên cấp trên.
“Như cô giáo hành động như vậy thì cũng đúng. Đóng vai trò một giáo viên thì cũng khó xử cho mình, cũng uất ức. Thì đương nhiên có thực hiện nhiệm vụ đó hay không thì mình gật đầu hoặc mình phản ánh lên trên.”
Chia sẻ của một giáo viên thâm niên 20 năm trong ngành ở Long An:
...quan bênh quan phủ bênh phủ, không giải quyết gì cho mình hết đâu. Cô thấy trong xã hội nói chung, trong ngành giáo dục nói riêng, người ngay thẳng, thiệt thà, trung thực hay gặp nạn lắm. Mình đi theo cái xấu thì mình khỏe lắm. Tại vì người xấu thì nhiều còn người tốt thì ít.
một giáo viên
“Trời ơi, cô mà rơi vào hoàn cảnh như vậy, cô chỉ còn biết cách viết lên trên mạng, trình bày nỗi niềm đau khổ của mình thôi. Chứ bây giờ mình gởi lên cấp trên thì quan bênh quan phủ bênh phủ, không giải quyết gì cho mình hết đâu. Cô thấy trong xã hội nói chung, trong ngành giáo dục nói riêng, người ngay thẳng, thiệt thà, trung thực hay gặp nạn lắm. Mình đi theo cái xấu thì mình khỏe lắm. Tại vì người xấu thì nhiều còn người tốt thì ít. Vô tâm, vô cảm, a dua theo cái xấu thì người ta tồn tại. Mình làm việc tốt thì đôi khi làm hại cho bản thân mình.”
Cô Liên chia sẻ trong nước mắt với báo giới rằng không biết bị chuyển đi có phải vì do cô đã làm đơn lên Đảng Ủy phản ảnh trường hợp cô hiệu trưởng Mười không đủ tư cách một đảng viên, một hiệu trưởng hay vì cô nói thẳng về tiêu cực ở trường như nhiều lần kiến nghị về cơ sở vật chất nhưng không được tiếp thu. Có rất nhiều đồng nghiệp cũ cho báo giới biết cô Liên rất tận tâm trong nghề, tận tụy với học sinh, yêu nghề và là một giáo viên có năng lực, sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải. Cũng có phụ huynh ở trường Đặng Văn Bất nói là cô Liên là một giáo viên tốt.
Trả lời câu hỏi của đài RFA rằng “chuyển công tác vì do đúng tuyến” có thuyết phục hay không, cô giáo ở Long An nói:
“Người ta chỉ gọi là ngụy biện cho hành vi sai trật của người ta thôi. Nếu bản thân cô đó đồng ý đi thì làm sao mà cô buồn đến uống thuốc tự vận. Nếu như cô dạy trong trường đó, cô sẽ hỏi hiệu trưởng tại sao lại đưa cô ấy đi. Đồng nghiệp mình áp bức như vậy mà mình làm ngơ thì đâu có được.”
Các cơ quan báo chí cố gắng liên lạc ban giám hiệu trường Đặng Văn Bất cùng lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Thủ Đức nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do. Sau khi sức khỏe bình phục, vào ngày 20/8 cô Liên đến trường Đặng Văn Bất để hỏi về công tác của mình nhưng bị từ chối cho vào trường vì lãnh đạo nhà trường cho rằng việc cô Liên xuất hiện ở trường sẽ gây ra nhiễu loạn cho học sinh và phụ huynh.
Cho đến giờ phút này, cô Liên vẫn còn rất hoang mang vì không biết mình sẽ công tác ở đâu và nếu có tiếp tục dạy ở ngôi trường hiện tại thì cô phải đối mặt với những gì trong những ngày sắp tới. Không chỉ cô Lý Kim Liên mà còn rất nhiều người quan tâm đang nôn nóng chờ đợi câu trả lời hợp lý hợp tình và đúng theo quy định hiện hành của các cơ quan ban ngành trong lãnh vực giáo dục.
Theo dòng thời sự:
- Những điểm sáng và tối của Giáo dục Việt Nam năm 2011
- Những khó khăn của Đại học ngoài công lập
- Sinh viên với việc làm thời vụ
- Đạo đức học đường
- Vì sao học sinh bỏ học?
- Những vấn nạn trong trường học Việt Nam
- Giáo dục Đại học Việt Nam cần thay đổi hơn nữa từ nhận thức
- Chương trình giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học