Với nghề nông, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui được mùa, cũng không có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn mất mùa. Trong hiện tại, người nông dân trồng dưa ở Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung đang lắc lư, đánh đu trên cảm giác vui buồn lẫn lộn, mà có lẽ thất vọng là nhiều hơn cả!
Nước mắt của người nông dân được mùa
Khắp các cánh đồng dưa dọc hai bên triền sông Thu Bồn, Quảng Nam, dường như đi đâu cũng nhìn thấy bãi biền xanh ngát một màu, những trái dưa tròn, bụ bẫm nằm ngả ngớn trên cát vàng trông như bầy heo cổ tích, chúng vừa ngộ nghĩnh vừa hồn nhiên. Với người nông dân, mỗi sáng ra ngắm bãi dưa trĩu quả của mình cũng đủ no mắt lắm rồi.
Thế nhưng, giá thành phân tro năm nay đắt hơn mọi năm vì đồng tiền rớt giá, giá điện cũng tăng vùn vụt, trong khi đó, muốn có một vụ mùa trĩu quả, người nông dân phải chăm sóc, tưới nước hằng ngày để chống khô hạn, phải ủ gốc dưa cho mát và chọn giống cho ăn khách. Chỉ riêng vụ chọn giống không thôi cũng đã quá mệt với họ. Như trường hợp xãy ra trên bãi dưa Cồn Nổi Thu Bồn năm nay, nhà buôn khuyên nông dân nên chọn giống dưa VN10 có trái to, mọng nước, da láng, nếu chọn không đúng giống của nhà buôn, họ sẽ không quay lại bãi để mua. Người nông dân buộc phải nghe theo nhà buôn, mua tìm mua giống VN10.
Đến mùa thu hoạch, không thấy nhà buôn nào ghé đến, điện hỏi thăm mới tá hỏa rằng năm nay thương lái Trung Quốc chỉ mua dưa giống Nhật Bản, trái nhỏ, dòn, vị ngọt đậm và da hơi dày. Như vậy, cả một đồng dưa rộng cả mấy trăm hecta chỉ còn biết rủ nhau hái quả, kéo xe bò chở đi bán dạo
Hàng loạt cánh đồng dưa trồng toàn VN10. Nhưng đến mùa thu hoạch, không thấy nhà buôn nào ghé đến, điện hỏi thăm mới tá hỏa rằng năm nay thương lái Trung Quốc chỉ mua dưa giống Nhật Bản, trái nhỏ, dòn, vị ngọt đậm và da hơi dày. Như vậy, cả một đồng dưa rộng cả mấy trăm hecta chỉ còn biết rủ nhau hái quả, kéo xe bò chở đi bán dạo, được đồng nào mừng đồng đó!
Nhưng chưa dừng ở chuyện nhà buôn không ăn hàng của nông dân, bỏ nông dân chới với trong vụ, thêm chuyện giá cả rớt thê thảm, nông dân như ngồi trên lửa. Một người nông dân ở Cồn Nổi, Điện Phong, Quảng Nam cho chúng tôi biết anh là người có vườn dưa khá rộng, cả chục hecta. Nhưng bây giờ mỗi sáng ra thăm dưa, anh chỉ biết khóc, khóc thật sự chứ không phải nói đùa. Anh chỉ cho chúng tôi thấy cả một núi dưa vừa hái xong, chất bên cạnh cánh đồng dưa, chuẩn bị đưa lên quốc lộ để bán. Còn trên quốc lộ, đi khắp tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, nhìn đâu cũng thấy cả hàng chục núi dưa nằm san sát nhau, người ta che trại, che lều để ngủ qua đêm, chờ những chuyến xe đêm ngang qua mua vài trái. Người chở xe bò đi khắp các lối xóm rao bán dưa với giá 2000 đồng mỗi ký lô. Với mức giá như vậy, người nông dân có bán hết dưa trên cánh đồng cũng chỉ may mắn lắm thì huề vốn, còn không thì thua lỗ. Mọi ước mơ về một mùa bội thu tiêu tan!
Nhưng bây giờ mỗi sáng ra thăm dưa, anh chỉ biết khóc, khóc thật sự chứ không phải nói đùa. Anh chỉ cho chúng tôi thấy cả một núi dưa vừa hái xong, chất bên cạnh cánh đồng dưa
Chiến lược của những tay buôn
Người nông dân rơi vào cảnh ngộ này có phải vì thương lái ép giá, làm khó họ hay là vì một nguyên nhân nào khác? Bà Huyền, người có mười bốn năm trong nghề buôn dưa từ Việt Nam sang Trung Quốc nói rằng sở dĩ dưa Việt Nam sống được hay là chết yểu cũng bởi lái buôn và thương nhân Trung Quốc. Họ có hẳn một đội ngũ gián điệp chuyên nghiên cứu và đưa ra chiến lược cho mỗi mùa dưa. Những năm trước, người trồng dưa hấu ít, nông dân canh tác nhiều loại rau quả như dưa gan, dưa chuột, khoai mì, khoai lang, đậu bắp, bí đao, đậu phụng.v.v. Chính vì thế, dưa hấu Việt Nam khan hiếm và thương lái Trung Quốc chấp nhận mua giá cao, ít lãi để mồi chài cho vụ sau. Nghĩa là trong những vụ mà nông dân trồng nhiều loại rau củ quả khác nhau, giá dưa tại bãi đã lên đến 6000 đồng trên một ký lô. Trong lúc đồng tiền chưa rớt giá, phân tro còn rẻ, nghề trồng dưa năm đó xem như bội thu.
Vì tâm lý nông dân Việt Nam vốn bị chi phối bởi lợi nhuận và mong mỏi thoát nghèo, hơn nữa không nắm bắt hay phán đoán thị trường được, họ đua nhau trồng dưa vụ sau. Khi dưa đã phủ kín cả cánh đồng, trúng vụ, thì thương lái Trung Quốc bắt đầu giở trò ép giá, làm khó cho thương lái Việt Nam.
Đau khổ nhất, xót xa nhất vẫn là người nông dân Việt Nam, đã nghèo còn gặp nạn. Theo dự đoán của bà, vụ dưa năm nay, nông dân Việt Nam sẽ thua lỗ trắng tay, nhà buôn hy vọng gở vốn trong những chuyến hàng sau, còn thương lái Trung Quốc thì bội lãi
Bà Huyền
Bà Huyền cho biết, năm nay, bà chở ba xe tải dưa ra đến cửa khẩu Mống Cái, cửa khẩu Lạng Sơn, đợi thương lái Trung Quốc sang thương lượng giá, như mọi năm thì báo tin là họ sang ngay, năm nay thì khác, đợi cả ngày không thấy họ sang, đến tối thì họ xuất hiện trong vòng mấy phút, xem dưa qua loa và ngã giá 4000 đồng mỗi ký lô, ngang với giá bà mua dưa tại bãi, xem như bà mất trắng tiền vận chuyển và công cán. Biết mình bị trát, bà vẫn giữ bình tĩnh đợi bạn hàng khác đến mua, hôm sau, bạn hàng Trung Quốc khác đến trả giá còn 3000 đồng mỗi ký và bỏ đi. Cuối cùng, bà phải ngâm ba xe dưa cả ba ngày trời, một phần hao hụt vì dưa chất trong xe, trời nóng khiến hư hỏng hàng loạt, một phần phải lo ăn uống, chuyến đi của bà lỗ hơn 50% vốn, mất gần 60 triệu đồng.
Chính vì thế, về đến Việt Nam, không còn nhà buôn nào dám mua dưa với giá 2000 đồng mỗi ký lô nữa, phải đè giá càng thấp càng tốt để đề phòng bên phía Trung Quốc ép giá, không có đường về. Bà Huyền nói thêm là đau khổ nhất, xót xa nhất vẫn là người nông dân Việt Nam, đã nghèo còn gặp nạn. Theo dự đoán của bà, vụ dưa năm nay, nông dân Việt Nam sẽ thua lỗ trắng tay, nhà buôn hy vọng gở vốn trong những chuyến hàng sau, còn thương lái Trung Quốc thì bội lãi. Vì như mùa dưa năm ngoái, họ mua đắt thì về Trung Quốc bán giá gấp đôi, vẫn lãi, còn mùa dưa năm nay, ép giá nhà buôn Việt Nam, nhưng giá dưa trên thị trường Trung Quốc vẫn ngang giá năm ngoái, nên họ chỉ có lãi và lãi.
Một người nông dân khác tên Hùng, ở Duy Xuyên, Quảng Nam, than thở rằng giá như nhà nước có chính sách ưu đãi cho nông dân về giá điện và khống chế được thương nhân Trung Quốc, hỗ trợ thông tin thị trường thì người nông dân đỡ khổ biết mấy. Nhưng, đó chỉ là chuyện “giá như” trong hàng triệu cái “giá như” đầy tiếc nuối và vô vọng của người nông dân Việt Nam!
Uyên Nguyên, tường trình từ Quảng Nam Việt Nam.