Hà Nội: chung cư mới xây xuống cấp trầm trọng.

Những nhà cao tầng, các chung cư kiểu mới mọc lên khắp phố phường Hà Nội với vẻ đẹp bề ngoài hấp dẫn, thu hút là niềm mơ ước của nhiều người được thuê mướn và dọn vào đó sinh sống. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, nhiều người vỡ mộng.

0:00 / 0:00

Thực tế hết sức phũ phàng: chung cư mới xây đã xuống cấp nghiêm trọng nếu không muốn nói là tòan diện.

Tin tức và hình ảnh phổ biến trên các báo mạng cho biết tại nhiều chung cư ở Hà Nội, người dân bức xúc, than khổ, vì nước chảy tràn ra hành lang. Chủ đầu tư cứ yên lặng. Có kiến nghị lên các kỳ họp hội đồng nhân dân địa phương, chưa thấy ai phúc đáp, hồi âm.

Một số khó khăn, trở ngại khác được các chủ căn chung cư nêu lên bao gồm: cầu thang thoát hiểm giữa nhà rất bất tiện, không có chỗ phơi quần áo, nền gạch bong tróc; ống nước cùng các van khóa nước kém chất lượng, nên để nước chảy tràn lan ra cầu thang, hàng lang; hệ thống thu gom rác tắc cả tuần, không ai giải quyết. Dân cư phải tự nộp tiền thuê đơn vị vệ sinh mơi trường đến thông tắc rác.

Một khu xây dựng ở Hà Nội- Ảnh RFA
Một khu xây dựng ở Hà Nội- Ảnh RFA (RFA photo)

Giải thích về tình trạng xuống cấp của các khu chung cư mới và cũ ở Hà Nội, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết:

“Các chung cư xuống cấp thì người ta phải có bảo hành, ít nhất là một năm, nếu có những cái hư hỏng, người xây dựng phải có trách nhiệm, sửa chữa. Những chuyện xuống cấp nghiêm trọng, nghe nói là các khu nhà ở tái định cư, đấy là một chủ đề khác, chất lượng kém do vấn đề tổ chức, xây theo lối bao cấp, ngày xưa, cho nên chất lượng rất kém, xuống cấp rất nhanh”

Hầu hết các cư dân sống tại những chung cư đều có nhận xét tương tự về chủ đầu tư là họ chỉ khai thác, thu vét tiền của dân, còn việc quản lý tòa nhà chung cư thì rất lỏng lẻo, thiếu hiệu quả. Khi gặp trục trặc về điện, nước, rác, dù có kêu ca mãi, chủ đầu tư vẫn không đáp ứng, nên việc cần kíp phải làm ngay là xuất tiền túi gọi thợ chuyên môn đến sửa chữa gấp.

Ông Phạm Sỹ Liêm tin rằng những bức xúc của người dân sinh sống trong các khu chung cư ở Hà Nội mà báo chí cho là “khổ trăm bề” có cách giải quyết thỏa đáng giữa cư dân và chủ đầu tư:

“Cái này không khó gì cả, Bộ Xây dựng đã đưa ra cái quy chế quản lý chung cư, thế nhưng nhiều nơi không thực hiện, thành phố phải bắt các nơi tuân thủ để làm đúng thôi. Trách nhiệm quản lý chung cư là các chủ sở hữu những căn hộ trong ấy, còn những người quản lý là do các hộ ấy thuê đến làm, nếu muốn quản lý nội dung phức tạp thì phải trả nhiều tiền, quản lý đơn giản thì trả ít tiền, các chủ sở hữu quyết định chứ không ai áp đặt được cả”

Theo mức giá dịch vụ quy định thì tiền nộp cho chủ đầu tư đã bao gồm chi phí quản lý chung, thực hiện hoàn chỉnh các công việc, lợi nhuận của doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã tự ý tăng giá bừa bãi.

Ngoài ra những vấn đề phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân trong khu chung cư như nhà trẻ, trường học, y viện, chợ… nơi nào cũng thiếu.

Bà Tạ Thị Ngọc Thảo, chuyên gia địa ốc, từ Saigon cho biết việc thuê mướn các khu chung cư cùng những dịch vụ đi kèm tại thành phố này được áp dụng đúng theo như những cam kết và quy định rõ ràng:

“Để có một chung cư đúng chuẩn thì việc đầu tiên là phải có luật pháp và chính sách đi kèm, những chung cư không đạt đúng tiêu chuẩn phục vụ cho đời sống của người ở trong chung cư một cách an toàn, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người cư ngụ, thì không cho họ bán hàng (cho thuê chung cư). Nếu họ đưa những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn, mà vẫn để cho họ bán hàng, thì trước hết điều đó thuộc về trách nhiệm các nhà quản lý. Bây giờ thị trường ở Việt Nam có tính cạnh tranh cao, vì đã là cơ chế thị trường rồi, nếu những công ty đầu tư chung cư mà bán cho khách hàng không đạt tiêu chuẩn, chất lượng đúng như cam kết, với khách hàng, điều đó không khác nào con rắn cắn vào cái đuôi của mình, cắn riết cũng tới đầu. Tiếng lành đồn xa, nhưng mà tiếng dữ còn đồn xa hơn nữa”

Một khu chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009- Ảnh AFP
Một khu chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009- Ảnh AFP (AFP photo)

Bà Thảo kể lại khung cảnh của những khu chung cư hiện có người thuê mướn ở Saigon, mà bà thường đến thăm:

“Những căn hộ như thế này về điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp, rồi hệ thống máy lạnh, nước nóng, thậm chí có cả sân chơi cho trẻ em. Tôi thấy rõ sự hài lòng của người dân, là vì chủ đầu tư là những người làm ăn chuyên nghiệp, những người đến ở đã ký hợp đồng ràng buộc chặt chẽ với chủ đầu tư. Còn một bên thứ ba nữa, thay mặt chủ đầu tư và người ở chung cư, đó chính là công ty dịch vụ, chuyên lo chăm sóc suốt cái tòa nhà đó, kể cả về an ninh, phòng cháy, chữa cháy. Ở Hà Nội, tại sao lại có thể để xảy ra tình trạng đáng tiếc giữa chủ đầu tư và khách hàng như thế”

Báo chí và dư luận cho rằng trong khi những bức xúc của người dân sống trong chung cư vẫn chưa được giải quyết, chi phí dịch vụ cần phải được xác định rõ ràng, thì việc thành lập ban quản trị theo quy định của Bộ Xây dựng để làm đơn vị trung gian giữa người dân và chủ đầu tư sẽ giúp dung hòa các lợi ích và nhu cầu.

Đây là sự mong muốn và ước mơ của người dân cũng như các hộ gia đình đang sống trong các khu chung cư tại Hà Nội.