Quả bom nước khổng lồ
Khi xây dựng công trình thủy điện công suất càng lớn thì việc phá rừng làm hồ chứa nước càng chiếm nhiều diện tích. Thí dụ Thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam công suất chỉ 190 MW mà hồ chứa dung tích thiết kế lên tới 700 triệu mét khối nước. Còn như thủy điện Sơn La ở miền Bắc công suất 2.400 MW có hồ chứa diện tích hơn 200 km2, dung tích 9,26 tỷ mét khối nước. Bởi vậy khi nói đến nỗi lo thủy điện người ta thường ví von như những quả bom nước khổng lồ, có sức tàn phá như bom nguyên tử đang treo lơ lửng trên đầu vùng hạ lưu.
GS Vũ Trọng Hồng
Thủy điện Sơn La từng gây nhiều tranh cãi ở Quốc hội Việt Nam khi phê duyệt dự án này đầu những năm 2.000. Các đại biểu Quốc hội quan ngại về sự an toàn của đập thủy điện này vì vị trí nằm trong vùng thường xảy ra động đất. Ngoài ra người ta còn lo ngại những vấn đề khác liên quan tới an ninh chính trị vì công trình nằm quá gần biên giới Trung Quốc. Năm 2002 khi Quốc hội thảo luận về dự án thủy điện Sơn La một đại biểu từng nói rằng nếu đập Sơn La bị vỡ thì một chiếc xe tăng nặng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay xuống hạ lưu trôi ra biển trong vòng nửa giờ, Thủ đô Hà Nội và toàn bộ đồng bằng Bắc bộ sẽ chìm sâu dưới nước.
Thủy điện Sơn La hoàn thành trước tiến độ 3 năm, tổ máy thứ sáu sẽ phát điện cuối năm 2012 thay vì 2015 như dự kiến. Đối với vấn đề an toàn mang tính sinh tử của thủy điện Sơn La, đặc biệt với yếu tố chiến tranh, GS Vũ Trọng Hồng Chủ tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam nhận định:
“Thủy điện Sơn La là cấp đặc biệt, công trình này được đưa ra Quốc hội và cũng đã tranh luận rất nhiều và từ cao trình khoảng 295 đã hạ xuống còn 215-220, là sợ nếu như xảy ra biến cố. Nhưng hồi đó chủ yếu người ta chỉ bàn xem có xảy ra động đất hay không, chứ còn nói chiến tranh thì vô phương rất khó bảo vệ. Về động đất thì cơ quan thiết kế khi đó đã tính toán. Về tích nước thì Nhà nước đã nghiên cứu hạ bớt cao trình xuống khoảng độ mấy chục mét rồi giảm lượng nước. Thứ hai là tăng cường khả năng an toàn của đập thì tôi được biết trong thiết kế đã có mời các chuyên gia kể cả chuyên gia đầu ngành ở các nước Châu âu và ngay cả Trung Quốc. Tôi đã chứng kiến người ta tham gia đóng góp, ngoài tiêu chuẩn Việt Nam người ta đã đưa thêm những tiêu chuẩn rất chặt chẽ.”
Đối với 90.000 người dân thuộc ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phải di dời khỏi khu vực Thủy điện Sơn La, thì thảm họa đã đến với họ ngay từ khi công trình khởi công cuối năm 2005. Người dân đã phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn để sống cuộc đời tái định cư, thường là những chương trình đầy khiếm khuyết không làm hài lòng những di dân bị cưỡng bách.
Tác động tiêu cực nền kinh tế
TS Trần Minh Chí
Các nhà khoa học của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận định rằng các công trình thủy điện đã gây tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Nghiên cứu cho thấy để tạo ra một MW thủy điện thì một dự án phải khai quang khoảng 16 ha rừng, phần lớn là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Theo số liệu 2010, về lý thuyết tổng cổng suất lắp đặt của ngành điện khoảng trên 18.000 MW, trong đó 1/3 là từ thủy điện. Như vậy bên cạnh lợi ích giải quyết cơn khát điện, các công trình thủy điện đã tàn phá biết bao tài nguyên rừng của Việt Nam.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là phải chăng các nhà môi trường đều không ủng hộ thủy điện? TS Trần Minh Chí, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường ở Hà Nội nhận định:
“Nói cho cùng nhà môi trường nào trước hết cũng là một con người, xã hội nào cũng cần năng lượng, nếu không có nguồn năng lượng đủ thì khó có thể làm được gì khác. Thành ra tùy trường hợp, người ta có thể khai thác thủy điện, không nhất thiết là nói không với thủy điện. Nhưng tôi cho rằng nó tùy điều kiện đặc trưng … Bởi vì cái nào cũng vậy thôi, nếu anh phát triển nhiệt điện thì nó cũng có vấn đề, phát triển điện hạt nhân cũng có vấn đề, anh không thể phát triển điện gió ‘phong điện’ với điện mặt trời ngay bây giờ được. Anh không bao giờ có một giải pháp mọi thứ đều tốt, cho nên phải cân nhắc từng trường hợp rất là cẩn thận. ”
Ngành thủy điện, thủy lợi thường tán dương mặt tích cực của các hồ chứa là tích nước chống hạn trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa. Tuy vậy thực tế đã chứng minh hoàn toàn khác, tại miền Trung thủy điện A Vương tỉnh Quảng Nam xả lũ năm 2009 và thủy điện Sông Ba hạ tỉnh Phú Yên năm 2010 đã gây tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản cho vùng hạ du.
Nhận định về sự phát triển thủy điện ồ ạt, đặc biệt là thủy điện bậc thang, GSTS Nguyễn Thế Hùng, giảng dạy ở Khoa Xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhận định:
“Thủy điện giống như một con dao hai lưỡi, nhất là thủy điện bậc thang cần phải nghiên cứu cho kỹ bởi vì nó có hiệu ứng Domino, nếu lỡ mà đập ở trên bị vỡ có thể tác động dây chuyền làm vỡ những đập ở phía dưới. Hơn nữa tình trạng quá nhiều thủy điện ở thượng lưu, nếu không quản lý lưu vực tổng hợp không đưa về quản lý một mối, để lập chương trình điều tiết lũ liên hồ thì nhiều lúc gây khó cho hạ lưu. Thí dụ khi hạ lưu có mực nước cao và mưa lớn mà các hồ lại thi nhau xả lúc cùng một lúc thì lũ chồng chất làm nước lũ dâng rất nhanh có thể gây thiệt hại nhân mạng và tài sản.”
Hiện nay trên toàn lãnh thổ Việt Nam vẫn còn 1.114 công trình và dự án thủy điện đủ loại đủ cỡ. Số liệu này được Bộ trưởng Công thương Vũ huy Hoàng chính thức thông báo cho Quốc hội.
Về chi tiết cả nước đang vận hành 239 công trình thủy điện; 217 dự án đang thi công sẽ hoàn tất trong thời gian từ nay đến 2017; 309 dự án đang được nghiên cứu dự kiến xây dựng dần cho tới năm 2020. Ngoài ra còn 349 dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm.
Video: Đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức
Theo dòng thời sự:
- Liệu đập thủy điện Sông Tranh 2 có bị vỡ?
- Động đất lần thứ 10 tại thủy điện Sông Tranh 2
- Việt Nam Tuần Qua
- Động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2
- Tiếp tục động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh
- Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại
- EVN vẫn cho tích nước hồ chứa Sông Tranh 2
- Đập vỡ, dân chạy đi đâu?
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Khảo sát tình hình động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2