Đời sống công nghiệp thay đổi văn hóa Tết

0:00 / 0:00

Đô thị hóa, đời sống công nghiệp và thời đại công nghệ thông tin có thể đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa và truyền thống ngày Tết của người Việt.

Tết xưa và Tết nay

Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, một nhà hoạt động xã hội dân sự hiện sống ở Hà Tĩnh, thì khó cản trở sự thay đổi theo thời gian đối với văn hóa ngày Tết và ông cho là một diễn biến bình thường.

“Về cơ bản trên đất nước Việt Nam bây giờ vẫn giữ được những tục lệ về ngày Tết cổ truyền. Thực ra là một dịp để người ta nhớ đến nhau, đến quê hương dòng tộc của mình, là cơ hội để người ta thể hiện mối quan hệ đó. Đó là ý nghĩa đầu tiên rất tốt đẹp của người Việt về lễ Tết. Còn so với dòng thời gian thì nó bị chi phối bởi nhiều vấn đề của đời sống xã hội, nhận thức con người cũng như cuộc sống công nghiệp và đặc biệt là hoàn cảnh sống nó làm cho mai một đi để cho phù hợp.”

Nói gì thì nói người Việt Nam dù ở tầng nấc nào của Xã Hội cũng vẫn đón Tết theo hoàn cảnh của mình. Sắc vàng êm ấm của cành mai hay nụ đào e ấp sắc hồng, rồi tắc quất, cúc, trạng nguyên và nhiều loại hoa khác vẫn luôn không thể thiếu vắng trong mỗi gia đình. Người ta sẽ có những chọn lựa tùy theo ngân quỹ, còn với số đông người dân trước tiên phải lo mua sắm chuẩn bị cho thực phẩm dư dùng trong ba ngày Tết.

Về cơ bản trên đất nước VN bây giờ vẫn giữ được những tục lệ về ngày Tết cổ truyền. Thực ra là một dịp để người ta nhớ đến nhau, đến quê hương dòng tộc của mình, là cơ hội để người ta thể hiện mối quan hệ đó

ông Nguyễn Hữu Vinh

Ngày nay sẽ khó thấy cảnh túm tụm ngồi chờ nồi bánh chưng tự gói bên bếp lửa bập bùng của vài thập kỷ trước. Ngay cả những món dưa hành củ kiệu, dưa món cũng ít người tự làm vì mất thời giờ và chưa chắc đã ngon hoặc tiết kiệm. Thị dân ngày nay chỉ chạy vội ra phố là có thể tìm thấy tất cả mọi thứ.

Ông Nguyễn Vịnh, nhà tư vấn cho người trồng cà phê ở Đắc Lắc nói với chúng tôi là thời gian, sự tiện nghi và đời sống khá hơn đã thay đổi nhiều thói quen.

Mỗi dịp Tết về mọi người lại quây quần bên nồi luộc bánh chưng. files photos
Mỗi dịp Tết về mọi người lại quây quần bên nồi luộc bánh chưng. files photos (files photos)

“Thực sự thì cái thú ngày 30 Tết ngồi đùm bánh tét hay gói bánh chưng, vừa gói vừa trông ở bên cái nồi bánh chưng chờ trời sáng…thì không còn nữa rồi.”

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh An Giang có nhận xét khá đặc biệt về tập tục truyền thống ngày Tết. Đó là kinh tế phát triển hơn, đô thị hóa nhiều hơn thì cái mai một lớn nhất là tình người.

“Nói chung giỗ chạp thăm viếng lễ Tết thì cái này vẫn còn duy trì. Thứ hai là nó có phần hình thức hơn, thậm chí người ta nhân lễ Tết để phô trương cái phát triển của gia đình. Về hình thức tăng lên nhưng trong đó nhậu nhẹt cũng nhiều, điều này là không tốt. Người ta hình thức hơn nhưng sự gắn chặt chân thành thì yếu hơn.”

Ông Đỗ Việt Khoa giáo viên ở Hà Nội, một người có quá trình đấu tranh cho công khai minh bạch trong giáo dục và thi cử nhận định về văn hóa lễ Tết hiện nay.

Thực sự thì cái thú ngày 30 Tết ngồi đùm bánh tét hay gói bánh chưng, vừa gói vừa trông ở bên cái nồi bánh chưng chờ trời sáng…thì không còn nữa rồi

Ông Nguyễn Vịnh

“ Có lệnh cấm pháo từ 1993, giờ thì Tết không có tiếng pháo nữa, thay vào đó chính quyền tổ chức bắn pháo hoa. Các địa phương đời sống kinh tế có khá lên, Tết nhất bây giờ nói chung trẻ con thì vẫn hồ hởi nhưng người lớn thì đó là gánh nặng. Cơm áo gạo tiền, quà tết cho xếp cho lãnh đạo bây giờ là một gánh nặng vô cùng lớn. Làm ăn gì người ta cũng nhắm vào cái Tết, người ta coi Tết là dịp để kiếm tiền để kinh doanh hay có người biến Tết thành dịp để ăn tiêu phá phách thậm chí là chia nhau tiền tham nhũng. Tết bây giờ khá là đa dạng không còn là cái Tết đơn thuần nữa.”

Lễ Hội đầu năm. Sohanews
Lễ Hội đầu năm. Sohanews (Sohanews)

Ảnh hưởng không nhỏ của khoa học kỹ thuật

Nhiều người cho là văn hóa tập tục ngày Tết còn chịu ảnh hưởng của sự bùng nổ công nghệ thông tin, Internet làm cho người ta dễ dàng xích lại gần nhau mà không cần phải diện quần áo đẹp và di chuyển để gặp mặt và chúc tụng thăm hỏi. Rõ ràng là mạng xã hội, blog, facebook đã góp phần thay đổi nhiều thói quen của người Việt Nam. Nhà hoạt động Nguyễn Hữu Vinh nhận định:

“Tất nhiên nó có ảnh hưởng, không phải ngày Tết mà ngày thường giao thông trên đường sẽ ít đi, những giao tiếp này khác cũng giảm đi vì những phương tiện như vậy. Chẳng hạn tôi định lấy xe đi đến thăm anh nhưng tôi có email, có điện thoại có ‘chat’ có những phương tiện như vậy tôi biết anh có ở nhà hay không. Những thông tin có thể trao đổi qua đấy không nhất thiết phải đi đến gặp nhau. Ngày Tết cũng như vậy nó sẽ giảm đi rất nhiều những việc đi lại lễ tết, đáng lẽ đi từ nhà nọ đến nhà kia nhưng vì ông chủ nhà đi vắng hoặc có gì bất tiện thì tôi có thể liên lạc trước. Cái đó nó giảm một phần thôi, cho đến nay việc đi lại lễ tết thăm hỏi nhau đặc biệt trong khuôn khổ của vấn đề nghi lễ gia phong giòng họ thì nó có bị ảnh hưởng nhưng không mất đi hoàn toàn.”

(nhiều bạn trẻ )...Không thích gò bó theo khuôn phép truyền thống của ông bà. Tết nhất phải ở nhà đi thăm viếng nhau mồng một mồng hai đến mồng ba là hết, đối với bọn chúng năm nào cũng thế thì nó nhàm và chúng dễ chuyển sang hướng đi du lịch

ông Đỗ Việt Khoa

Qua thông tin báo chí, các công ty du lịch mở rất nhiều tour trong dịp đầu năm âm lịch. Nhiều người Việt Nam đã bỏ lại sự bận rộn với nhiều tập tục ngày Tết để đi du lịch nước ngoài hoặc ngay trong nội địa. Tuy vậy cả hai ông Nguyễn Hữu Vinh và Đỗ Việt Khoa cùng cho rằng chỉ có một thành phần nhỏ giàu có trong số 90 triệu người Việt Nam mới có khả năng đi du xuân ở nước ngoài, trong khi đại đa số người dân công nhân lao động và nông dân đời sống còn nhiều khó khăn.

Tuy vậy ông Đỗ Việt Khoa nhận xét về những thay đổi nhận thức trong giới trẻ, thành phần chiếm hơn 1/3 dân số Việt Nam.

“Tôi thấy nhiều bạn trẻ bây giờ có lối sống phóng khoáng có những thay đổi ghê gớm lắm, cũng không thích gò bó theo khuôn phép truyền thống của ông bà. Tết nhất phải ở nhà đi thăm viếng nhau mồng một mồng hai đến mồng ba là hết, đối với bọn chúng năm nào cũng thế thì nó nhàm và chúng dễ chuyển sang hướng đi du lịch để thay đổi không khí.”

Dễ thấy sự kiện đời sống công nghiệp, tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và dòng chảy thời gian ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống ngày Tết. Trong nhiều trường hợp lại do sự tiếp tay của nhà cầm quyền, thí dụ điển hình là việc thay đổi chợ Hoa Nguyễn Huệ một nét văn hóa đặc trưng của Saigon kéo dài cả thế kỷ, để thay thế bằng “Đường Hoa” như một khu triển lãm hoành tráng tốn kém nhưng lại gò bó vì mục đích tuyên truyền chính trị.

Rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở Saigon trước khi đất nước thống nhất, vẫn hoài niệm về một thời chợ hoa Nguyễn Huệ khó phai mờ.