Thông tín viên Ngọc Lan mô tả lại không khí chuẩn bị đón Tết của người Việt tại quận Cam, miền Nam California.
Không khí Tết tràn ngập mọi gia đình người Việt
Ngay từ giữa tháng Giêng, nhiều ngôi chùa và nhà thờ quanh vùng Little Saigon đã bắt đầu tổ chức gói bánh chưng, bánh tét. Nhiều gia đình không mua bánh chưng bánh tét bên ngoài, thì tự ngâm nếp, ngâm đậu, xào nhân, lau lá, cùng nhau gói bánh để con cháu có dịp hiểu thêm về không khí Tết cổ truyền của tổ tiên.
Và bao giờ cũng vậy, người dân Little Saigon thật sự cảm thấy Tết đến thật gần khi những gian hàng chợ hoa ngay trước Phước Lộc Thọ bắt đầu khai trương. Không chỉ người địa phương, mà từ nhiều thành phố khác, tiểu bang khác, người ta đổ về Phước Lộc Thọ, rộn ràng, náo nhiệt để tận hưởng hương vị Tết từ những khóm cúc vàng rực, những nhánh lan kiêu sa, hay cành đào chớm nụ, bên những bụi mai hàm tiếu, để nhìn những hàng bánh mứt nào hạt sen, củ năng, mứt bí, mứt gừng, mứt dừa, mãng cầu, nào củ kiệu, dưa món, dưa hành, những quầy trái cây đủ món “cầu, dừa,đủ, xài”, và để nghe tiếng pháo giòn giã từ rất lâu vắng tiếng nơi quê nhà.
Tuy không phải là một dịp lễ lạc chính thức theo văn hóa người bản xứ, nhưng hầu như người Việt Nam nào sống quanh vùng Little Saigon cũng ít nhiều đều chuẩn bị cho mình một cái Tết theo phong cách xưa nay.
Là người sống ở Mỹ hơn 10 năm, nhưng cô Shu Lưu, nhân viên văn phòng một công ty địa ốc ở thành phố Fountain Valley, nói “đây là năm đầu tiên của mọi việc chuẩn bị Tết theo phong tục Việt Nam.”
“Thật ra từ trước tới giờ em chưa bao giờ chuẩn bị Tết hết, nhưng từ hồi có người chị từ Châu Âu sang, mà chị thì truyền thống hơn em. Nên cũng cắt hoa đào trồng trước nhà vào trang trí trong nhà, có đi chợ hoa với mẹ và chị gái lựa hoa lan để chưng ngày Tết. Tối Ba Mươi mấy mẹ con cũng có một bữa cơm gia đình, nấu những món hồi nhỏ mẹ em hay nấu như thịt kho tàu, có trứng, cũng có làm dưa chua, làm củ kiệu. Năm nay có đổi mới một chút là biết có người quen làm bánh chưng và bánh tét nên có đặt sẵn bánh chưng và bánh tét và bánh ú nữa. Chắc là đến cuối tuần này sẽ có một bữa thật là thịnh soạn.”
Anh La Quốc Tâm, kỹ sư Hóa, sống cách xa khu Little Saigon chừng một giờ lái xe, chia sẻ, “Năm nay mẹ bên New Jersey và mấy đứa em bên Arizona qua chơi để ăn Tết chung luôn, năm nào cũng vậy. Cũng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chưng bày, đi chợ Tết Phước Lộc Thọ mua mai về cho có vẻ Tết một chút. Cũng bánh chưng bánh tét, còn trái cây thì mua ở chợ Mỹ, cứ thấy trái cây nào tươi tốt thì chưng chứ cũng không theo năm món cầu dừa đủ xài”
Hơn 30 năm ăn Tết tại Mỹ, cô Trần Bội Phương, một cô giáo dạy Việt Ngữ của trung tâm Hồng Bàng, cho biết, “Năm này cũng như mọi năm, mình qua Mỹ hơi lâu, gia đình cũng không có nhiều thành ra ở nhà chỉ có vợ chồng con cái thôi nên cũng đi mua bông mua hoa chưng trong nhà. Ở Cali cái gì cũng đầy đủ thành ra mình tha hồ ra đó thích gì thì mua. Năm nay tôi không mua bánh mứt vì thấy có nhiều màu mè nghe nói bỏ nhiều độc phẩm nên cũng ngại. Mà mua thì cũng không có ai ăn. Chỉ có mua trái cây chưng lên. Từ thứ Bảy tuần rồi là tôi đã kho thịt rồi nên mình ăn trước Tết.”
Tết tốn kém hơn so với các dịp Lễ khác
Dù chỉ là một dịp lễ hội trong cộng đồng người Việt nói riêng và châu Á nói chung, nhưng chi tiêu của người dân nơi đây trong dịp Tết lại có phần tốn kém nhiều hơn so với dịp Lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh.
Anh Tâm nhẩm tính, “Tết Việt Nam thường xài tiền nhiều hơn Christmas hay Thanksgiving tại vì cái gì cũng mua, cái gì cũng xài nhiều hơn. Thường Tết không gọn về một kỳ cuối tuần, Tết chạy dài gần cả tháng. Nhiều cộng đồng tổ chức Tết nên gia đình cũng muốn ra ngoài chơi, chẳng hạn như cách đây hai tuần đã đi chợ Tết của người Hoa rồi. Rồi tới chợ hoa Phước Lộc Thọ cũng mới mở ra tuần rồi, cuối tuần này là Tết chính. Cho nên tiền đi ra ngoài chơi đi ăn uống nhiều hơn là những lễ khác.”
Có người không tốn kém tiền bạc vào việc ăn uống nhưng tiền gửi về cho thân nhân còn ở Việt Nam là một khoản đáng kể.
Tôi nghĩ chi tiêu cho Tết nhiều hơn vì trước Tết tôi còn lo gửi tiền về bên Việt Nam, mộ phần ông bà cha mẹ. Năm nay lại đóng lạp xưởng, đồ ăn bên này gửi về, vì ở Việt Nam bây giờ ngại lắm, không dám ăn mấy cái đó nữa. Tết tiêu nhiều hơn
Cô Bội Phương
Cô Bội Phương cho biết, “Tôi nghĩ chi tiêu cho Tết nhiều hơn vì trước Tết tôi còn lo gửi tiền về bên Việt Nam, mộ phần ông bà cha mẹ. Năm nay lại đóng lạp xưởng, đồ ăn bên này gửi về, vì ở Việt Nam bây giờ ngại lắm, không dám ăn mấy cái đó nữa. Tết tiêu nhiều hơn.”
Đêm Giao Thừa và Mùng Một Tết Quý Tỵ rơi vào Thứ Bảy, Chủ Nhật cũng là cơ hội để người dân nơi đây có thêm thời gian thong thả đón Xuân cùng người thân.
Cô Shu Lưu dự tính, “Năm nay Tết cuối tuần em định thứ Bảy sẽ cho mấy đứa nhỏ đi dạo phố Tết, có thể sẽ đi xem diễn hành Tết năm nay. Rồi lái xe đi thăm bà con, chúc Tết vì em cũng muốn con bé ở nhà cũng lớn nên muốn cho nó biết truyền thống đi chúc tết, đến nhà lấy lì xì.”
Kế hoạch đi chơi Tết của gia đình anh La Quốc Tâm là : “Thứ Bảy này muốn đi hội chợ Tết sinh viên chơi. Đii chợ hoa lần cuối trước khi đóng 30 Tết. Sau đó thì đi chùa Điều Ngự, trước là xem văn nghệ, đón Giao Thừa luôn. Còn Chủ Nhật thường chạy ra Phước Lộc Thọ cho mấy đứa nhỏ coi múa lân, rồi ăn chay đầu năm, rồi đi chùa vậy thôi.”
Tết Nguyên Đán tại Little Saigon, với Hội Chợ Tết Sinh Viên, với chương trình đón Giao Thừa long trọng tại nhiều ngôi chùa quanh vùng, với diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa, với triển lãm của Hội Hoa Lan, và với tưng bừng tiếng pháo làm ấm lòng thêm rất nhiều cho những người Việt Nam sống xa quê trong những giờ phút thiêng liêng này.
Theo dòng thời sự:
- Tết kiệm ước trong mùa suy thoái
- Houston những ngày trước Tết Quí Tị
- Tết trồng cây gây rừng
- Người Việt ở Pháp đón Tết Tây ra sao?
- Chuyên gia phong thủy Quảng Đức gợi ý về năm Quý Tỵ
- Nông Dân với Tết Quý Tỵ
- Tết và kỷ niệm
- Xuân về với Thương Phế Binh
- VN sẽ tiêu thụ hơn 500 triệu lít bia trong dịp Tết
- Nhọc nhằn nghề trồng hoa Tết
- Gần Tết, CPI tăng 1,25%
- Khai mạc Chợ Hoa Tết tại TPHCM