Hơn 34.000 tỷ đồng đổi mới sách giáo khoa

0:00 / 0:00

Sau khi Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt Nam đưa ra con số 34.000 tỷ đồng nhằm đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, một số chuyên gia từng kiến nghị hay đề xuất đổi mới giao dục một lần nữa bày tỏ sự thất vọng và đặt câu hỏi là kế hoạch đổi mới lần này đi về đâu.

Dự án rườn rà, mơ hồ không rõ ràng

Thất vọng là cảm tưởng đầu tiên của giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, sau khi nghe tới con số 34.275 tỷ đồng mà Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa ra để đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.

Từ 1945 tới nay, giáo sư Nguyễn Xuân Hãn nói, Việt Nam có năm lần thay sách giáo khoa, ba lần đầu tập trung thực hiện cùng lúc và trong sáu tháng thì xong. Lần lần đổi mới sách giáo khoa gần đây nhất, ông nói tiếp, là năm 2002 mà cứ mỗi kỳ như thế thì đợt sau bi đát hơn đợt trước.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo, khi xây dựng đề án thì kinh phí dự trù 34.275 tỷ đồng không chỉ dành riêng cho việc đổi mới sách giáo khoa mà còn bao gồm cả việc đào tạo, tái đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, xây dựng cơ sở vật chất và cung cấp thiết dạy học cho các trường.

Trước những lời giải thích của viên chức thẩm quyền trong Bộ Giáo Dục Đào Tạo, giáo sư Văn Như Cương, nguyên hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, thường đánh giá nền giáo dục Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội về mọi mặt, lần này nêu câu hỏi là nếu đổi mới nữa thì đổi mới như thế nào, bắt đầu từ đâu và đến bao giờ mới hoàn thành:

Ra là tất cả những dự án ấy cũng hết sức mơ hồ về chuyện tiền nong chi tiêu như thế nào và cách thức làm việc như thế nào. Đấy là cái thất vọng lớn nhất. Tôi quá ngán ngẩm cho một kế hoạch mà người ta khi thì nói thế này khi thì nói lung tung chẳng thống nhất chẳng suôn sẻ gì cả

giáo sư Văn Như Cương

Bây giờ đưa ra một cái đề án mà chỉ nói đổi mới chương trình và sách giáo khoa mà đến 34 nghìn tỷ đồng Việt Nam thì quá lớn. Nhưng sau đó thì mới biết rõ thêm rằng 34.000 tỷ đồng đó có nhiều hạng mục khác. Sách giáo khoa và chương trình chỉ khoảng 5.000 tỷ thôi, còn 29 nghìn tỷ là dùng cho những việc khác như là bổi dưỡng giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất vân vân các thứ…

Sách giáo khoa là mặt hàng được coi là bán chạy và lợi nhuận nhiều nhất trong nhóm kinh doanh sách (nguồn danviet.vn)
Sách giáo khoa là mặt hàng được coi là bán chạy và lợi nhuận nhiều nhất trong nhóm kinh doanh sách (nguồn danviet.vn) (nguồn danviet.vn)

Thế thì sau đó lại được giải thích là 5.000 tỷ ấy thực chất là sách giáo khoa và chương trình chỉ chiếm độ 100 tỷ thôi còn ngoài ra làm những việc khác. Đặc biệt trong 34.000 tỷ ấy thì có 20 ngàn tỷ dùng cho việc sắm sửa các thiết bị dạy học.

Tất cả những điều những con số vừa nói khiến giáo sư Văn Như Cương hoàn toàn thất vọng:

Ra là tất cả những dự án ấy cũng hết sức mơ hồ về chuyện tiền nong chi tiêu như thế nào và cách thức làm việc như thế nào. Đấy là cái thất vọng lớn nhất. Tôi quá ngán ngẩm cho một kế hoạch mà người ta khi thì nói thế này khi thì nói lung tung chẳng thống nhất chẳng suôn sẻ gì cả.

Theo quan điểm của giáo sư Văn Như Cương, đổi mới giáo dục để đào tạo lớp trẻ có khả năng phục vụ đất nước, phục vụ cho sự biến đổi kinh tế và xã hội của đất nước, thì điều quan trọng bậc nhất không phải chương trình và sách giáo khoa mà cơ bản đầu tiên là phải trả lời cho được, cho đúng cũng như chính xác học để làm gì, học cái gì và học như thế nào:

Còn sau đó chuyện xây dựng chương trình hay viết sách giáo khoa phụ thuộc vào cái định hướng trả lời ba câu hỏi trên. Theo tôi thì vấn đề chương trình và sách giáo khoa không phải là quan trọng bậc nhất bởi khi chưa có một triết lý giáo dục để trả lời đúng ba câu hỏi trên thì nền giáo dục Việt Nam vẫn cứ dậm chân tại chỗ, vẫn là một nền giáo dục nằm trong tư thế bị bại liệt không thể nhúc nhích gì được cả.

Sự độc quyền quyết định và phát hành của nhà nước

Dưới mắt tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty sách Thái Hà, thường tổ chức những buổi hội thảo và workshops cho sinh viên học sinh về các vấn đề kinh tế xã hội, trở ngại của sách giáo khoa cả chục năm đổi mới nhiều bận mà không đi tới đâu chính là vì sự độc quyền quyết định và phát hành của nhà nước:

Điều quan trọng bậc nhất không phải chương trình và sách giáo khoa mà cơ bản đầu tiên là phải trả lời cho được, cho đúng cũng như chính xác học để làm gì, học cái gì và học như thế nào

Cá nhân tôi rất muốn sách giáo khoa phải được xã hội hóa . Thí dụ ở các nước thì có các nhóm tác giả các nhóm chuyên gia có thể làm sách giáo khoa, và các trường học được quyền chọn bộ sách giáo khoa mà họ thấy đúng hoặc hợp lý. Một trường học ở tỉnh Lai Châu dành cho trẻ dân tộc thiểu số và một trường học ở Hà Nội thì có thể hai bộ sách giáo khoa không cần thiết phải giống nhau.

Việc có một bộ sách giáo khoa duy nhất do Bộ Giáo Dục Đào Tạo biên soạn duy nhất như vậy là không mang tính cạnh tranh mà tiền là như nước rót hết vào đó. Sách giáo khoa cách đây vài năm thôi đã cải cách một lần rồi xong bây giờ lại thay đổi. Cứ liên tục thay đổi như vậy thì cứ mỗi lần thay đổi sách giáo khoa lại mua bộ mới và bộ cũ vất đi. Tôi cho việc đấy là một lãng phí rất lớn tiền của nhà nước, mà tiền của nhà nước đấy là tiền của dân. Rõ ràng bộ sách giáo khoa đó phải được đa dạng hóa và phải được xã hội hóa , và người dùng tức những thầy cô giáo và các em học sinh được quyền lựa chọn. Tôi biết rất ít quốc gia nào mà chỉ có mỗi bộ sách giáo khoa độc quyền như ở Việt Nam.

Cải cách theo kiểu này thì vẫn không giải quyết được gốc rễ của vấn đề giáo dục VN. Nếu đổi mới như cái đề án này của BGDĐT thì tôi đánh giá vẫn là cái đổi mới ở ngọn thôi. Vấn đề chính là cần đổi mới ở gốc, tức là hệ thống giáo dục, tư duy ngành giáo dục và ý thức giáo dục, tinh thần giáo dục

tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng

Về số tiền 20 ngàn tỷ trong ngân khoản mà Bộ Giáo Dục Đào Tạo trình với Chính Phủ và Quốc Hội, gọi là để sắm các dụng cụ phục vụ cho giảng dạy, tiến sĩ Nguyễn Manh Hùng trình bày tiếp:

Theo tôi được biết được quan sát thì rất nhiều thiết bị dạy học đó, do Bộ Giáo Dục Đào Tạo giao cho công ty của chính bộ sản xuất, thì nhiều khi những bộ đấy hỏng hóc hoặc là không dùng được thì rất nhiều trường hợp đắp chiếu để đấy.

Phải làm sao cho các trường tự mua bộ dụng cụ dạy học phù hợp với trường của người ta . Có những bộ phù hợp với một trường chuyên ở Hà Nội nhưng có thể không phù hợp với một trường vùng cao hoặc vùng không có điện. Mỗi một trường học thì trình độ của học sinh khac nhau, khả năng của giáo viên khác nhau, ý thức văn hóa của học sinh từng vùng miền cũng khác nhau… thì cũng phải đa dạng hóa những dụng cụ dạy học như vậy. Còn nếu rót một ngân sách rất lớn vào việc này thì cá nhân tôi cho rằng có vẻ là chưa hợp lý.

Cũng như giáo sư Văn Như Cương, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần thiết đổi mới về mặt tư duy và hệ thống trước khi đổi mới về sách giáo khoa:

Cải cách theo kiểu này thì vẫn không giải quyết được gốc rễ của vấn đề giáo dục Việt Nam. Nếu đổi mới như cái đề án này của Bộ Giáo Dục Đào Tạo thì tôi đánh giá vẫn là cái đổi mới ở ngọn thôi. Vấn đề chính là cần đổi mới ở gốc, tức là hệ thống giáo dục, tư duy ngành giáo dục và ý thức giáo dục, tinh thần giáo dục.

Những cái đấy có khi là không tốn tiền, thậm chí không tốn nhiều tiền, đấy mới là cái gốc rễ mới là cái căn bản.

Tóm lại, theo ý kiến của giáo sư Văn Như Cương cũng như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, nếu giáo dục là một sự áp đặt rập khuôn từ trên xuống dưới thì e rằng không có điểm đến cho kế hoạch đổi mới sách giáo khoa hay cải cách đường lối giáo dục.

Một quan ngại khác là với chính sách áp đặt rập khuôn như lâu nay thì khả năng vài ba năm nữa Bộ Giáo Dục Đào Tạo lại phải tìm cách đổi mới nữa khiến giáo viên và học sinh phải gồng mình thay đổi theo mà không được phúc lợi gì.