Chính quyền Thái Lan nói gì về việc bắn tàu cá Việt Nam?

0:00 / 0:00

Vừa qua, 1 tàu tuần tra của Cảnh sát Biển Thái Lan đã nã súng vào các tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến 1 người chết và 02 người bị thương. Vụ việc đã diễn ra như thế nào và phía Thái Lan nói gì về vụ việc này?

Bắn cảnh cáo hay tấn công?

Như tin đã đưa, ngày 11/9/2015 trên vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam – Thái Lan đã xảy ra việc Cảnh Sát Biển (CSB) Thái Lan bắn vào 6 tàu cá của VN đã khiến cho 1 ngư dân chết và 2 ngư dân khác bị thương nặng.

Địa điểm xảy ra sự việc là bên trong lãnh hải của Thái Lan và tàu cá Việt Nam mỗi khi bị bắt giữ thì thường dùng vô tuyến điện để gọi báo cho các thuyền bạn đến và dùng bạo lực để giải cứu, nhằm đe dọa lực lượng tuần tra, hòng chạy thoát. Lực lượng CSB Thái Lan không có ý định bắn giết ngư dân Việt Nam mà chỉ bắn để cảnh cáo. <br/> -Đại tướng Somyot Pumpanmuang

Theo báo chí Việt Nam cho biết, theo lời kể của các ngư dân, trưa 11/9, khi đang đánh bắt ngoài khơi, ba cặp tàu cào đôi của ngư dân Kiên Giang bị canô cao tốc chở khoảng chục người mang theo súng rượt đuổi. Các tàu của Việt Nam đều bỏ chạy. Ca nô nói trên tiếp tục đuổi và bắn khiến ông Ngô Văn Sinh, 38 tuổi, chết tại chỗ. Cuộc rượt đuổi kéo dài suốt 3 giờ còn khiến hai ngư dân khác bị thương nặng.

Tuy vậy, phía Thái Lan khẳng định rằng lực lượng CSB Thái Lan chỉ có ý định bắn cảnh cáo vì bị 6 tàu cá Việt Nam hợp sức để tấn công lực lượng CSB Thái Lan trong lúc làm nhiệm vụ.

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã liên lạc với tiểu khu Cảnh sát Biển tỉnh Narathiwath, Thái Lan là đơn vị quản lý khu vực là nơi trực tiếp xảy ra vụ việc. Và được Đại úy CSB Rath Tharachatkul phó chỉ huy CSB tiểu khu Narathiwath Thái Lan, cho biết:

"Vụ việc này xảy ra ngày 11/9/2015, khi tàu số hiệu P. 528 của CSB Thái Lan đang tiến hành tuần tra trong hải phận Thái Lan cách bờ biển tỉnh Narathiwath khoảng 40 km đã bắt gặp 1 tàu cá Việt Nam tại khu vực cách đảo Loshin khoảng 10 hải lý, đang sử dụng lưới đôi để đánh vét cá. Ngay lập tức CSB Thái Lan đã dùng loa để thông báo cho tàu cá Việt Nam biết rằng đã xâm nhập trái phép lãnh hải của Thái Lan. Sau đó, họ đã áp sát tàu cá nói trên để tiến hành kiểm tra theo quy định, đồng thời cử 1 sĩ quan và 4 nhân viên CSB sang tàu cá nói trên để bắt giữ thuyền trưởng tàu cá.

Một ngư dân bị thương trong vụ Cảnh Sát Biển Thái Lan bắn vào 6 tàu cá của VN ngày 11/9/2015. Courtesy photo.
Một ngư dân bị thương trong vụ Cảnh Sát Biển Thái Lan bắn vào 6 tàu cá của VN ngày 11/9/2015. Courtesy photo.

Ngay lập tức tàu cá Việt Nam đã dùng vô tuyến điện để gọi 05 tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trong khu vực đó đến giải vây, và các tàu cá mới đến đã dùng tàu cá đâm thẳng vào tàu CSB của Thái Lan. Vì thế chúng tôi phải bắn vào tàu cá nói trên nhưng chỉ với mục đích để dọa và để buộc họ phải chấm dứt hành vi đó. Ngay sau đó cả 5 nhân viên CSB Thái Lan đã trở về tàu của mình và cho tàu quay về. Đây không phải là lần đầu những tàu cá Việt Nam có hành động chống lại tàu CSB Thái Lan như vậy, cách đây 2 năm đã xảy ra tình trạng tương tự và 01 sĩ quan CSB Thái Lan trong quá trình kiểm tra bị tàu cá Việt Nam bắt đưa đi và mất tích."

Theo Đài truyền hình Thai TPS cho biết, tại cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Tư lệnh CS Hoàng gia Thái Lan chiều ngày 17/9/2015, Đại tướng Cảnh sát Somyot Pumpanmuang Tư lệnh cảnh sát đã chính thức nói với báo chí về vụ việc này: Đại ý, người đứng đầu Cảnh sát Thái Lan khẳng định rằng:

"Theo báo cáo của Tư lệnh CSB Hoàng gia Thái Lan cho biết, địa điểm xảy ra sự việc là bên trong lãnh hải của Thái Lan và tàu cá Việt Nam mỗi khi bị bắt giữ thì thường dùng vô tuyến điện để gọi báo cho các thuyền bạn đến và dùng bạo lực để giải cứu, nhằm đe dọa lực lượng tuần tra, hòng chạy thoát. Lực lượng CSB Thái Lan không có ý định bắn giết ngư dân Việt Nam mà chỉ bắn để cảnh cáo."

Tòa Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nói gì?

Nếu muốn tìm hiểu về vấn đề ngư dân Việt Nam trong vụ việc này thì có lẽ mời anh lên mạng, vì thông tin của ĐSQ lúc này cũng không có gì hơn trên mạng. <br/> -Cán bộ Đại Sứ quán

Chúng tôi đã liên lạc tới tòa Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan để hỏi về vụ việc này, thì được ông Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân Việt Nam Trần Mạnh Hùng từ chối trả lời. Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi gọi vào số điện thoại của Đại sứ Nguyễn Tất Thành thì nhận được trả lời từ một cán bộ của Đại Sứ quán. Ông này cho biết:

“Nếu muốn tìm hiểu về vấn đề ngư dân Việt Nam trong vụ việc này thì có lẽ mời anh lên mạng, vì thông tin của ĐSQ lúc này cũng không có gì hơn trên mạng.”

Theo VnExpress cho biết, Đại tá Phạm Văn Sáng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, chiều 15/9 cho biết các tàu cá Việt Nam đã vi phạm hải phận nước bạn. Tuy nhiên, hành động xả súng vào tàu cá Việt Nam là phi nhân đạo, vi phạm luật pháp quốc tế.

Được biết ngày 17/9/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên án hành vi đối xử vô nhân đạo của tàu Thái Lan đối với tàu cá Việt Nam ngày 11/9, khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Đồng thời Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu nhà chức trách Thái Lan điều tra, xử lý nghiêm những người tấn công tàu cá Việt Nam.

Do tình trạng cạn kiệt của nguồn hải sản ở vùng biển Việt Nam, nhưng vì kế sinh nhai nên đã có không ít ngư dân Việt Nam phải liều mình để xâm nhập trái phép lãnh hải Thái Lan để đánh bắt hải sản. Nhiều người trong số họ không chỉ phía Thái Lan bắt giữ, xử phạt mà còn nguy hiểm đến tính mạng.