Một trong những bất lợi cho Xứ Chùa Vàng qua đợt lụt lịch sử này là các nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét chuyển bớt sang các nơi khác trong khu vực, như Việt Nam…
Cơ hội thu hút vốn đầu tư
Mặc dù chưa thể thống kê chính xác mức độ thiệt hại là bao nhiêu, tuy nhiên, người ta ước tính những tổn thất từ trận lũ lụt tồi tệ tại Thái Lan có thể sẽ dao động từ 20 đến 30 tỷ đô la. Thảm họa này có thể được so sánh với những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 cũng tại chính đất nước này. Dự báo tăng trưởng GDP của nước này đã phải giảm xuống mức 2,6% từ mức dự báo ban đầu 4,1%. Theo thống kê, kể từ tháng 7 cho tới nay, đã có hơn 500 người thiệt mạng trong các trận lũ lụt và có hơn 1,000 nhà máy phải đóng cửa, trong đó phần nhiều là các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo hãng tin Bloomberg, các công ty Nhật Bản nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất tại Thái Lan gặp rủi ro rất cao vì họ tập trung đầu tư tại đây quá nhiều từ các nhà máy sản xuất xe hơi lớn như: Honda, Toyota, Nissan cho tới các linh kiện điện tử như ổ cứng máy tính Western Digital, hay các đồ điện lạnh: Hitachi, Toshiba.
Indonesia có số dân lớn hơn và nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng lớn hơn, còn Việt Nam lại có số dân đang tăng trưởng.
Ô. Tohru Nishihama
Các trận lũ lụt ở Thái Lan gây ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp linh kiện và phụ tùng của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có cơ sở sản xuất tại đây. Sự thiếu hụt các thiết bị, linh kiện này đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất ô tô trên toàn thế giới, chẳng hạn, do không có nguồn cung cấp linh kiện từ Thái Lan mà hãng Honda của Nhật Bản đã thông báo giảm sản lượng xuống còn 50% tại các thị trường Mỹ và Canada, còn Toyota cũng vậy, phải cắt giảm sản lượng ô tô ở nhiều thị trường khắp thế giới, trong đó Việt Nam cũng bị tác động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng trưởng phòng Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết hậu quả từ trận lũ lụt có thể ảnh hưởng khoảng 30% nguồn cung các linh kiện ô tô của Nhật Bản tại Việt Nam chỉ tính riêng trong tháng 11 và mức tác động này có thể lớn hơn và kéo dài đến tận đầu năm sau, ông cho biết:
“Các hãng của Nhật bị hết, ảnh hưởng đến các nhà cung cấp phụ tùng; cung cấp linh kiện bị ảnh hưởng. Chỉ cần một linh kiện không có là cả cái xe không thể sản xuất được. Thường thì hãng của Nhật bị thôi còn các hãng khác ít bị vì Nhật đặt nhà máy nhiều ở Thái Lan mà. Tháng 10 của họ bị nặng nhất, sang đến mình là tháng 11. Tháng 11 bị cắt 30% còn tháng 12 như thế nào người ta chưa báo nhưng có thể bị cắt tiếp.
Cũng chưa biết bao giờ khôi phục được, chắc cũng phải đầu năm sau, họ bị ngập cũng đã khôi phục được sản xuất đâu. Đợt này thị trường cũng không tốt lắm, nên cũng chỉ khoảng 30-40% sản lượng thôi vì cũng còn số tồn kho từ trước, cho nên sang đến tháng 1 mới ảnh hưởng nhiều.”
Với những trận lũ lụt tồi tệ nhất từ 70 năm qua đang xảy ra tại Thái Lan, các nhà kinh tế Nhật Bản cho rằng giới điều hành công ty nước này đã nhận ra những rủi ro từ việc tập trung đầu tư theo kiểu “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” vì thế họ đang xem xét các biện pháp đa dạng hóa đầu tư trong tương lai tại Thái Lan, cũng như có phương hướng đầu tư sang các nước láng giềng khác, cụ thể là Indonesia và Việt Nam – những thị trường đang trỗi dậy tại khu vực.
Theo phát biểu của ông Tohru Nishihama, kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-ichi có trụ sở ở Tokyo cho thấy Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia thu hút được nhều vốn đầu tư nước ngoài hơn Thái Lan trong năm 2010, dường như đang trở thành điểm đến hấp dẫn vốn đầu tư của Nhật Bản hơn, ông Tohru nhận xét:
“Indonesia có số dân lớn hơn và nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng lớn hơn, còn Việt Nam lại có số dân đang tăng trưởng.”
Thực lực Việt Nam
Câu hỏi được đặt ra là liệu thiên tai ở nước bạn có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam để thu hút vốn đầu tư nước ngoài hay không? Câu trả lời là rất có thể, tuy nhiên nếu chỉ dựa trên một yếu tố là thiên tai để nhà đầu tư quyết định thay đổi toàn bộ chiến lược đầu tư của mình là điều không thể. Dẫu vậy, yếu tố này hẳn cũng sẽ được cân nhắc trong chiến lược lâu dài của các tập đoàn nước ngoài khi chọn lựa điểm đến đầu tư. Nhận xét về vấn đề này, một giáo viên không nêu tên tại một trường đại học Kinh tế ở Hà Nội phân tích:
Bởi vì nguyên vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư cho con người là cả một quá trình lâu dài chứ không phải chỉ vì một cơn lũ lụt mà khiến các nhà đầu tư chuyển hướng ngay.
Giáo viên ĐHKT Hà Nội
“Theo quan điểm của tôi thì vấn đề đầu tư của các công ty nước ngoài đối với Thái Lan trong hoàn cảnh hiện nay là trước mắt sẽ có những khó khăn, nhưng về lâu dài thì các nhà đầu tư không thể quyết định ngay, chuyển hướng đầu tư sang các nước khác, Việt Nam chẳng hạn.
Bởi vì nguyên vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư cho con người là cả một quá trình lâu dài chứ không phải chỉ vì một cơn lũ lụt mà khiến các nhà đầu tư chuyển hướng ngay. Theo quan điểm của tôi thì còn nhiều yếu tố khác.”
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết do ngành công nghiệp sản xuất các mặt hàng phụ trợ tại Việt Nam còn yếu kém, nên các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất khó kiếm được nhà cung cấp các linh kiện tại chỗ, vì thế nếu có đầu tư vào Việt Nam thì họ lại vẫn phải tính đến nhập linh kiện bổ trợ từ các nước khác. Còn về công nghiệp điện tử, thì Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp đơn giản với lợi thế nhân công rẻ mà thôi. Do đó, theo vị này, khi lựa chọn điểm đầu tư, nếu không đầu tư vào Thái Lan thì họ cũng sẽ tập trung vào các nước khác chẳng hạn Phillipines, Indonesia hoặc Malaysia trước khi nghĩ đến Việt Nam.
Lợi thế lúa gạo
Một câu hỏi khác mà cũng nhiều người quan tâm là mặt hàng lúa gạo sẽ ra sao vì Việt Nam và Thái Lan là 2 đối thủ trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Theo báo chí Thái Lan tổng kết, sau gần 4 tháng lụt lội, đến thời điểm hiện nay, ¼ vụ lúa năm nay của quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã bị hủy hoại hoàn toàn. Theo thống kê tạm thời đưa ra hồi đầu tháng, những trận lũ lụt đã khiến đất nước này tổn thất khoảng 6 triệu tấn lúa, tương đương 3,6 triệu tấn gạo. Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp Hội Lương thực Việt Nam, trong một cuộc hội nghị về xuất khẩu gạo hôm 4/11 có đưa ra nhận định không loại trừ khả năng Thái Lan sẽ đứng ngoài thị trường một thời gian dài vì cần khôi phục hạ tầng cơ sở sau trận lũ lụt tai hại vừa qua.
Lật lại câu hỏi về lợi thế cho lúa gạo Việt Nam, một lần nữa vị giáo viên này cho biết:
“Hiện nay lũ lụt ở Thái Lan thì tình hình nông nghiệp ở Việt Nam cũng có những cơ hội lợi thế trên thị trường xuất khẩu, vì giá gạo của Việt Nam sẽ được cải thiện và được thị trường nhiều nước chấp nhận và có lợi thế cạnh tranh hơn so với giá lúa gạo của Thái Lan trong hoàn cảnh Thái Lan đang bị lũ lụt như thế này.”
Hiện nay lũ lụt ở Thái Lan thì tình hình nông nghiệp ở Việt Nam cũng có những cơ hội lợi thế trên thị trường xuất khẩu.
Giáo viên ĐHKT Hà Nội
Trong cuộc Hội thảo định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam diễn ra tại Sóc Trăng hôm 9/11, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn khi sản lượng gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan bị giảm đến hơn 3 triệu tấn do lũ lụt. Tại cuộc họp này, GSTS Bùi Chí Bửu, phó Giám đốc Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam trình bày rằng trước sự cố lũ lụt ở Thái Lan, thế giới đang bị hụt một lượng lúa gạo trắng chất lượng cao, phục vụ người tiêu dùng có thu nhập cao, vì thế đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam.
Tuy vậy, cũng tại cuộc hội nghị này, các chuyên gia cũng nhận xét thị trường gạo chất lượng cao luôn kéo theo một đặc điểm là khó tính, vì thế Việt Nam phải có chiến lược rõ ràng về giá cả, chất lượng sản phẩm, phải xác định mục tiêu là ngoài dành lấy cơ hội còn phải chinh phục mở rộng thị trường cấp cao về lâu về dài.
Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp thì hiện tại rào cản lớn cho Việt Nam lại đến từ xuất khẩu gạo của Ấn Độ và Pakistan, khi hai nước này sẵn sàng tung lượng gạo tồn kho bán ra thị trường thế giới với giá rẻ hơn giá của Việt Nam khoảng 100 đô la/tấn, chẳng hạn loại gạo 5% tấm của Việt Nam có giá $570 đô la/tấn thì giá của họ chỉ rơi vào khoảng $470/ tấn.
Có thể thấy thiên tai lũ lụt ở Thái Lan làm tổn thất rất lớn về sinh mạng và tài sản cho nước bạn, nhưng đây lại đang mang đến một cơ hội mới cho Việt Nam về cả tiềm năng đầu tư sản xuất lẫn xuất khẩu lúa gạo. Câu hỏi quan trọng nhất cuối cùng là liệu thực lực Việt Nam ra sao để có thể bắt kịp những cơ hội mới, có lẽ đây mới là vấn đề chủ quan trọng yếu mà Việt Nam cần phải có trước khi nghĩ tới những yếu tố khách quan bên ngoài.
Theo dòng thời sự:
- Nhiều công ty Nhật chuyển từ Thái sang Việt Nam do lụt
- Thái Lan thâm thủng ngân sách vì trận lũ lụt lịch sử
- Công nghiệp Thái cần 3 tháng để khôi phục lại sau trận lụt
- Ngập lụt tại Thái Lan sẽ kéo dài đến năm 2012?
- Bangkok cầm cự được đến bao giờ trước trận lụt lịch sử
- Hơn 500 người thiệt mạng vì lụt tại Thái Lan
- Giá gạo Việt Nam tăng nhẹ do lũ lụt tại Thái
- Philippines khả năng mua 800 000 tấn gạo của Việt Nam