Dân Thái Lan bảo vệ bờ biển bị xói mòn

0:00 / 0:00

Bờ biển bị xâm thực, xói lở là hiện tượng phổ biến tại nhiều vùng ven biển khắp nơi trên thế giới.

Trước mối nguy đó, người dân địa phương ở nơi bị xói lở như thế cần phải làm gì để giữ đất không bị sóng biển cuốn trôi qua thời gian buộc họ phải di dời đi nơi khác để sinh sống?

Trong chương trình Khoa học- Môi trường kỳ này, chúng tôi giới thiệu cùng quí vị một làng chài ở Vịnh Thái Lan gần đây áp dụng những biện pháp chống xói lở và duy trì lượng sinh vật giúp nuôi sống họ hằng ngày.

Cách thức tự tìm

Làng Ban Bang Bo Lang, thuộc Bang Kaeo, huyện Mueang, tỉnh Samut Songkhram nằm bên Vịnh Thái Lan. Trong hai thập niên qua, bờ biển của làng bị xói lở mạnh. Tình trạng đó xảy ra trên diện tích dài chừng hai cây số dọc theo bờ biển của làng.

Đây là một làng chài nhỏ chỉ có chừng 80 hộ dân với trên dưới 400 nhân khẩu. Tuy nhiên do tình trạng xói lở bờ biển, trước đây có đến 12 hộ dân phải bỏ làng đi tìm nơi sống mới.

Trước tình trạng xói lở bờ biển khiến dân phải ra đi như thế, những người còn lại nghĩ cách làm sao ngăn chặn tình trạng đáng buồn đó.

Từ năm 2008, dân làng do ông trưởng làng có tên Visoot Nuamsiri từng tìm đến những nơi gặp tình trạng xói lở tương tự ở các vùng biển lân cận xem những nơi đó có biện pháp gì hữu hiệu. Cuối cùng họ học được cách dựng nên những hàng rào tre chắn sóng tại khu vực xói lở để giảm thiểu tác động của sóng biển, gió mạnh tại những bãi biển nơi mà họ sẽ ươm trồng những cây đước; bảo vệ khu rừng đước giúp ngăn chặn xói mòn, đồng thời tạo nên khu vực cho cua cá vào sinh sống cung cấp nguồn hải sản cho người dân.

Họ học được cách dựng nên những hàng rào tre chắn sóng tại khu vực xói lở để giảm thiểu tác động của sóng biển, gió mạnh tại những bãi biển nơi mà họ sẽ ươm trồng những cây đước; bảo vệ khu rừng đước giúp ngăn chặn xói mòn, đồng thời tạo nên khu vực cho cua cá vào sinh sống cung cấp nguồn hải sản cho người dân

Hồi ngày 6 tháng 8 vừa qua, chúng tôi đích thân được hướng dẫn về làng Ban Bang Bo Lang và được gặp ông trưởng làng Visoot Nuamsiri và được ông kể lại thời gian khó khăn ban đầu đó:

Vị trí tỉnh Samut Songkhram nằm bên Vịnh Thái Lan. Google maps
Vị trí tỉnh Samut Songkhram nằm bên Vịnh Thái Lan. Google maps (Google maps)

Dự án của dân làng Ban Bang Bo Lang được trình lên huyện, và đến tỉnh. Vị đứng đầu tỉnh Samut Songkhram đã chuẩn thuận dự án của dân vàng và đồng ý cấp cho họ ngân quĩ 50 ngàn bath, tương đương thời giá hiện nay là chưa đến 2000 đô la Mỹ để dân làng triển khai dự án lập rào tre chắn sóng biển, ngăn gió để trồng đước bảo vệ bờ biển của làng.

Đến năm 2010, cùng làng Ban Bang Bo Lang có thêm 9 làng khác tại khu vực Bang Kaeo hình thành nên nhóm phát triển rừng đước. Sau đó Quỷ Nghiên Cứu Thái Lan và Đại học Kasetsart đồng ý hổ trợ tài chính cho hoạt động dựng rào tre chắn sóng chống xói lở bờ biển ở sáu tỉnh nằm ven vịnh Thái Lan. Làng Ban Bang Bo Lang và 9 làng trong nhóm được tài trợ 35 triệu bath cho khoảng thời gian 4 năm kể từ năm 2010.

Sau khi có được kinh phí, dân làng bắt tay vào công việc mua tre về và chung nhau ra dựng rào từ tháng 9 năm 2008. Sang đến tháng 12, họ bắt đầu cho trồng đước sau những lớp rào tre đã được dựng lên.

Người trưởng làng cho biết sang đến năm 2010 họ dựng được số rào chắn tre với tổng cộng chiều dài 4 kilomet. Đến nay, tổng chiều dài rào tre chắn sóng của làng được 7 kilomet

Người trưởng làng cho biết sang đến năm 2010 họ dựng được số rào chắn tre với tổng cộng chiều dài 4 kilomet. Đến nay, tổng chiều dài rào tre chắn sóng của làng được 7 kilomet. Họ phải sử dụng khoảng 400 ngàn thân tre. Trong thực tế có những nơi sóng mạnh, gió lớn dân phải làm vài lớp rào mới đạt được hiệu quả.

Tại làng Ban Bang Bo Lang, không có tre nên họ phải mua tre từ những khu vực khác về để dựng thành rào tre chắn sóng. Ông Visoot Nuamsiri cho biết một trong những điều kiện mà làng đưa ra với những nhà cung cấp tre là cứ 4 kilomet rào tre mà làng mua thì, những nhà cung cấp phải bỏ tiền ra để xây cho làng 400 mét cầu bê tông đi trong vùng rừng đước của làng.

Đây là một sáng kiến được làng đưa ra cho các nhà cung cấp tre để họ cùng góp phần cho làng.

Do tre bị mục, gãy sau thời gian khoảng 3 năm, nên chúng cần được thay thế theo thời hạn đó.

Ông Visoot Nuamsiri cho biết vì sao làng khi chống xói lở bở biển không theo phương thức sử dụng bao cát, cọc bê tông hay xây bờ kè, đê biển như một số nơi khác từng làm. Theo ông này sử dụng tre làm rào chắn là phù hợp hơn cả vì khi dựng rào tre như thế các loài sinh vật biển vẫn có thể len qua những thân tre để vào trong rừng đước sinh sống. Cây tre cũng không gây tác động xấu cho môi trường.

Kết quả

Người dân địa phương thừa nhận sau khi làng họ làm rào tre chắn sóng và gió để trồng đước chống xói lở thì đồng thời những loại sinh vật biển sống trong rừng đước ngập mặn như thế cũng đã tăng lên.

Làng Ban Bang Bo Lang cũng có một khu dành riêng cho cua biển vào đẻ trứng, sinh sản. Trong khu đó không ai được bắt cua. Nếu người dân bắt được cua đang có trứng thì số này phải được đưa đến khu cua đến khi qua mùa cua con đã nở thì mới được bắt cua mẹ. Ông trưởng làng chịu trách nhiệm theo dõi và tiếp nhận những cua mang trứng đưa về nơi dành riêng cho chúng.

Dân làng buộc phải tuân thủ biện pháp đó của làng nhằm duy trì nguồn cua sinh sống trong rừng đước không bị tận diệt.

Trước kia, dân làng Ban Bang Bo Lang cũng từng thực hiện việc trồng đước; thế nhưng gió to, sóng lớn đánh bạt những cây đước bé nhỏ mà họ ươm xuống. Thế nhưng nhờ lớp rào tre được dựng lên, số đước trồng sau này được bảo vệ và lớn lên. Những cây đước nhỏ sau sáu tháng lớn được chừng vài cemtimet và sau năm năm từ khi dự án được triển khai đến nay đã lớn cả thước rồi. Dân làng có thêm được những hàng đước mới mỗi lúc một vươn thêm ra, không để nước biển xói mòn bờ biển của họ nữa. Tính đến thời điểm hiện nay là tháng 8 năm 2013, diện tích khu vực rừng đước của làng lên đến 80 acre.

Sau khi làng có được một số hiệu quả ban đầu qua việc dựng rào tre chắn sóng, bảo vệ và phát triển thêm rừng đước ở địa phương, một số những dân làng từng phải ra đi nơi khác trước đây nay đã trở về làng lại

Sau khi làng có được một số hiệu quả ban đầu qua việc dựng rào tre chắn sóng, bảo vệ và phát triển thêm rừng đước ở địa phương, một số những dân làng từng phải ra đi nơi khác trước đây nay đã trở về làng lại.

Chung tay của cộng đồng

Công việc dựng rào tre, trồng đước để bảo vệ đất, chống xói lở tại làng chài ven biển Ban Bang Bo Lang được tiến hành vào thời điểm từ tháng tư đến tháng 10 hằng năm khi mà nước biển ở mức thấp và thời tiết không có gió bão.

Dân làng làm việc trên tinh thần tự nguyện, khi được huy động đi làm rào tre thanh niên, trai tráng và đàn ông trong làng tham gia và làm theo lịch thường kỳ.

Do được ủng hộ, mô hình rào tre chắn sóng ngăn xói lở và giúp phát triển rừng đước ngập mặn ven biển, làng Ban Bang Bo Lang trở thành một làng điểm cho hoạt động này. Từ đó nhiều đoàn tình nguyện của học sinh, sinh viên các trường, cũng như thanh niên từ các địa phương khác được đưa đến để tham gia công tác thực hành bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trong lĩnh vực này. Đó là lực lượng được cho là một thành phần đáng kể giúp cho địa phương cùng chăm sóc khu rừng đước mới cũng như cũ của làng.

Dân làng chài Ban Bang Bo Lang không sống trong khu rừng đước đó mà dựng nhà dọc ven con sông chảy ra cửa biển của làng. Mỗi nhà đều có thuyền gỗ nhỏ để di chuyển và đánh bắt hải sản ven bờ.

Những căn nhà sàn của dân chài ven sông như thế tại làng Ban Bang Bo Lang ở huyện Mueang, tỉnh Samut Songkhram được xây bằng gỗ hay bê tông nằm sát nhau. Mùi mặn của muối biển và vị tanh của hải sản phảng phất khắp làng với những lưới phơi và thùng ướp hải sản để đưa sản vật địa phương đi bán ở những nơi khác.

Cuộc mưu sinh của dân làng Ban Bang Bo Lang được bảo đảm hơn khi mà vùng đất của họ nay được rừng đước và những lớp rào tre chắn sóng bảo vệ, ngăn xói lở từ những dòng triều lớn từ Vịnh Thái Lan đánh vào.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Hàng Hải và Tài nguyên Bờ biển của Thái Lan công nhận làng Ban Bang Bo Lang là một cộng đồng mẫu tại nước này trong công cuộc bảo tồn rừng đước. Ông trưởng làng Visoot Nuamsiri cũng được tưởng thưởng cho công tác được triển khai trong làng từ năm 2008 đến nay với những thành quả cụ thể cho cuộc sống dân làng.

Có thể nói việc sử dụng tre để làm rào ngăn sóng, chống xói lở và giúp công việc trồng thêm cây đước như ở làng Ban Bang Bo Lang của Thái Lan vừa nêu hoàn toàn khả thi tại nhiều địa phương dọc ven biển ở Việt Nam.

Tuy nhiên cho đến nay chưa có thông tin nào về một hoạt động tương tự như thế ở trong nước. Trái lại, nhiều nơi đang đứng trước nguy cơ bị xói lở trầm trọng và có nơi rừng ngập mặn ven bờ với giống cây đước đặc trưng còn bị chặt phá để nuôi tôm mà không thấy được tác hại của hoạt động đó.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do.

Gia Minh chào tạm biệt.