Đời sống ngư dân Thái Lan tại Songkhla và Satun

0:00 / 0:00

Biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự do vừa có dịp gặp gỡ một số ngư dân đánh bắt ven bờ và nuôi trồng thủy sản của Thái Lan tại hai tỉnh Songkhla và Satun. Mời quí vị theo dõi đôi nét về cuộc mưu sinh của họ qua phóng sự sau đây:

Nghề truyền thống

Mẫu vật còn sót lại của một chiếc thuyền độc mộc được trưng bày tại bảo tàng tỉnh cực nam trên biển Andaman của Thái Lan cho thấy tổ tiên, cha ông nhiều đời của những người dân sinh sống dọc theo vùng biển của những nơi này từng làm nghề đánh cá ngoài biển để mưu sinh.

Cũng như cha ông họ, một gia đình tại làng chài Ban Muang Ngam ở tỉnh Songkhla cách Bangkok chừng 950 kilomet về phía nam và có vùng biển giáp với Việt Nam cùng Malaysia, ngày ngày cũng ra khơi để đánh bắt hải sản. Chiều về họ kéo thuyền lên bãi nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục công việc thường nhật đó.

Tuy nhiên khác với chiếc thuyền độc mộc được đẽo từ một thân cây trưng bày tại bảo tàng tỉnh Satun, nay chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ của gia đình ngư dân mà chúng tôi gặp lớn hơn nhiều và được trang bị máy nổ chạy bằng dầu điesel và những ngư lưới cụ hiện đại chứ không quá thô sơ như cha ông họ ngày trước. Thuyền cũng được sơn phết và trang trí hoa văn rực rỡ.

Phần việc đánh bắt trong ngày do những người đàn ông thực hiện, và chiều về phụ nữ lo phần thu gom cá đánh bắt được để trao đổi mua bán lấy tiền chi dùng cho gia đình cũng như tái đầu tư vào công việc đánh bắt ngày mới.

Làng Ban Muang Ngam có gần 820 hộ dân với chừng 3400 nhân khẩu. Họ là những người theo đạo Hồi hay Phật giáo và đây là nơi chưa hề xảy ra mâu thuẫn giữa tín đồ theo hai tôn giáo khác biệt nhau này.

Nguồn lợi giảm sút

Tuy nhiên, không phải ngày nào ngư dân tại làng Ban Muang Ngam cũng vui mừng vì công sức bỏ ra được đền bù xứng đáng với những mẻ cá nặng thuyền. Theo ông U-mak Suwankek, ngư dân trưởng làng và cùng là chủ nhân của chiếc thuyền vừa mới được kéo lên bãi, thì trung bình thu nhập của họ chỉ chừng từ 1.000 đến 2.000 bath mà thôi, tức khoảng 30 - đến 60 đô la Mỹ một ngày.

Ông này cho biết cách đây chừng chục năm số lượng hải sản ngoài biển nhiều hơn, nhưng nay nguồn hải sản bị giảm sút đáng kể. Lý do được chính ông thừa nhận là do con người đánh bắt một cách tận diệt, bất kể cá lớn, cá bé đều bị săn lùng. Nhiều ngư dân sử dụng những phương pháp như vào ban đêm dùng đèn cao áp để thu hút cá và bắt hết những loại đến quanh thuyền họ.

Hỗ trợ từ chính quyền

Theo ông trưởng làng U-mak Suwankek thì cơ quan chức năng là Bộ Thủy sản, Cục Ngư nghiệp của Thái Lan có thành lập ra lực lượng chức năng để tuần tra, ngăn chặn những hành vi đánh bắt trái phép tức tận diệt sinh vật biển. Ngoài ra cơ quan chức năng còn thành lập những khu bảo tồn trên biển; thế nhưng những kẻ vi phạm vẫn có những hành vi tinh vi qua mặt lực lượng chức năng.

Trước tình hình đáng ngại về nguồn lợi giảm sút khiến cho đời sống khó khăn, ngư dân trong làng Ban Muang Ngam cùng nhau hình thành hợp tác xã để hổ trợ cho nhau trong công việc. Họ nhận được nguồn vốn vay từ chính quyền để trang bị tàu thuyền và các loại ngư cụ. Khoản vốn vay ban đầu mà mỗi thành viên của hợp tác xã nhận được theo ông U-mak cho biết là từ 80 ngàn đến 100 ngàn bath và sau ba năm họ mới phải trả lại dần dần khoản vốn vay ban đầu đó.

Nuôi trồng thủy sản

Đối với những ngư dân tại làng Ban Tan Yong Po ở tỉnh Satun bên biển Andaman thì ngoài hoạt động đánh bắt gần bờ như ngư dân tại làng Ban Muang Ngam, họ còn tiến hành nuôi cá trên biển cận bờ.

Ngư dân Thái Lan nuôi cá trên biển Andaman. RFA PHOTO.
Ngư dân Thái Lan nuôi cá trên biển Andaman. RFA PHOTO.

Tuy nhiên, khác với những bè cá của người Việt Nam tại những làng cá bè trên sông Cửu Long, ngư dân tại làng Ban Tan Yong Po dùng cây và thùng nhựa ghép lại thành bè với lưới phía dưới thành nơi nuôi các loại cá có giá trên thị trường.

Có bè dựng lên một mái nhà lá và chủ nhân ở luôn tại đó để chăm sóc cá và canh giữ không để những thành phần bất hảo đến ăn cắp thành quả lao động của họ.

Theo ngư dân trên chiếc bè nuôi cá có dựng nhà thì họ mua cá con về thả xuống những vuông lưới trong bè, hằng ngày cho ăn thức ăn mà họ chế biến ra. Sau sáu tháng cá lớn và có mối đến mua.

Dù là một chiếc chòi lá trên bè nuôi cá, nhưng người ngư dân tại làng Ban Tan Yong Po có đặt trên mái chòi một tấm pin mặt trời để lấy điện cho sinh hoạt hằng ngày vào ban đêm.

Làng Ban Tan Yong Po có chừng 230 hộ gia đình với hơn 1200 nhân khẩu. Cảnh sống trên bến dưới thuyền của họ khá yên bình vì ngư dân nơi đây nay không còn là nạn nhân của bọn hải tặc cũng như của những tội phạm ma túy hoành hành nữa.

Người trẻ không theo nghề

Tại cả hai làng chài Ban Muang Ngam và Ban Tan Yong Po, chủ yếu những người đàn ông trung niên tham gia công việc ra biển đánh bắt hải sản và đưa về cho các phụ nữ trao đổi mua bán.

Con cháu của họ được đi học tại hệ thống trường cả công và tư. Theo ông U-mak Suwankek thì hiện nay các gia đình ngư dân không còn được con cái giúp đỡ trong công việc ra biển đánh bắt như trước kia nữa vì người trẻ trong làng được giáo dục tốt, có học thức không còn mặn mòi với loại công việc vất vả mà thu nhập không được ổn định như cha ông họ phải làm bao đời qua nữa.

Ông Umak Suwankek bày tỏ nổi lo trong tương lai sẽ không còn mấy người nối nghiệp ra biển kiếm sống nữa. Hầu hết giới trẻ đều theo đuổi những ngành nghề khác có thu nhập cao hơn và ổn định hơn tại những khu công nghiệp mới mọc lên tại nhiều nơi trong tỉnh hay những ngành nghề dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn ngày càng xuất hiện nhiều trong vùng.

Trông người mà nghĩ…

Như trình bày của người ngư dân Thái Lan tại làng Ban Muang Ngam cuộc mưu sinh của họ vẫn còn đầy khó khăn. Thực tế khó khăn đó biểu hiện rõ qua nét mặt và nhà cửa còn tuềnh toàng của họ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với nhiều ngư dân tại các làng chài ven biển của Việt Nam, có thể thấy cơ sở hạ tầng chung và sự quan tâm hổ trợ của chính quyền và ngành chức năng đến được với người ngư dân Thái Lan rõ nét hơn và có hiệu quả.

Con cháu họ được học hành tử tể và tương lai của chúng cũng có hướng mở ra hơn đối với nhiều con cái ngư dân ở những làng chài nghèo dọc ven biển Việt Nam.

Những ngư dân đánh bắt ven bờ của Thái Lan tại những nơi mà chúng tôi gặp còn cho biết những đồng nghiệp ra xa bờ của họ cũng không phải chịu cảnh bị tàu nước khác xua đuổi, bắt bớ như tình trạng của ngư dân Việt Nam tại miền bắc và miền Trung nay phải chịu cảnh ngư trường truyền thống đang bị xâm lấn mỗi ngày mà cơ quan chức năng chưa thể giúp được gì cho họ để giải quyết vấn nạn đó.