Đầu tuần này, nữ thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, hứa hẹn một chương trình 472 tỷ Baht nhằm hỗ trợ nâng giá gạo cho nông dân.
Nếu kế hoạch đi vào thực hiện, giá gạo Thái Lan từ mười ngàn đến mười một ngàn Baht một tấn sẽ tăng thành mười lăm ngàn Baht một tấn.
Thất thoát
Ngay lập tức, những nhà lập pháp thuộc đảng đối lập của cựu thủ tướng Abhisit Vejajiva mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch nâng giá này. Ông Kiat Sittheeramorn, dân biểu Thái Lan, bày tỏ sự quan ngại là kế hoạch tăng giá gạo 50% của tân chính phủ sẽ không có hiệu quả, chỉ làm lợi cho con buôn hay thương lái giàu có chứ không làm lợi cho nông dân nghèo. Đó là chưa nói đến chuyện Thái Lan có thể vi phạm qui định của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, bên cạnh việc thị trường gạo xuất khẩu nội địa chịu lỗ nặng và còn bị cạnh tranh gay gắt hơn bởi một đối thủ đáng gờm là Việt Nam.
Không phải đây là lần đầu tiên mà năm 2008 kế hoạch hỗ trợ nâng giá gạo của Thái Lan đã được áp dụng và đã khiến thị trường gạo xuất khẩu Thái Lan bị thất thoát 16 tỷ Baht.
Kết quả nghiên cứu từ Viện Phát Triển Thái Lan, được dân biểu Kiat Seettheeramorn viện dẫn, cho thấy chỉ một phần ba nông dân được hưởng phúc lợi từ kế hoạch nâng giá gạo của Thái Lan năm 2008, trong lúc cả năm trăm đến sáu trăm ngàn tấn gạo giá rẻ hơn từ các nước lân cận được thương lái Thái Lan tung tiền mua về để được hưởng mức giá chênh lệch tức là mức giá cao hơn trên thị trường nội địa.
Nếu tăng lên thành mười lăm ngàn Baht một tấn theo kế hoạch của chính phủ, chắc chắn Thái Lan sẽ bị lỗ nặng vì không cạnh tranh được với giá gạo rẻ bên Việt Nam.
Ô Pitsanu Sang U
Trước giờ Thái Lan luôn cố gắng giữ vị trí nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong lúc Việt Nam là nước đứng thứ nhì về mặt này.
Theo một doanh gia thuộc Hiệp Hội Hàn Lâm Gạo Xuất Khẩu Thái Lan, ông Pitsanu Sang U, trong các giai đoạn từ tháng Sáu 2010 đến tháng Mười Hai 2010, rồi bước sang sáu tháng đầu 2011 này, thị trường gạo xuất khẩu Thái Lan gặp nhiều thuận lợi nhờ mức cầu tăng cao một cách bất ngờ ở Indonesia, Bangladesh, Iraq, Iran và một số nước Châu Phi.
Nhưng vẫn theo lời ông thì chưa thể nói tình hình xuất khẩu gạo sáu tháng tới ra sao:
“Giá gạo hiện tại của Thái Lan giao động trong khoảng mười ngàn đến mười một ngàn Baht một tấn. Nếu tăng lên thành mười lăm ngàn Baht một tấn theo kế hoạch của chính phủ, chắc chắn Thái Lan sẽ bị lỗ nặng vì không cạnh tranh được với giá gạo rẻ bên Việt Nam. Những thương lái hoặc những con buôn, những nhà đầu cơ tích trữ sẽ theo chiều giá chênh lệch mà hưởng lợi, chỉ đa số nông dân là gặp khó khăn mà thôi.
Và một khi giá thu mua gạo từ nông dân bị con buôn thao túng, thị trường gạo xuất khẩu Thái Lan bị xáo trộn, ảnh hưởng đến tiếng tăm của Thái Lan trên thương trường quốc tế, đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn.”
Việt Nam qua mặt
Một dân biểu đối lập khác, ông Trairong Suwannnakhiri, cũng đồng ý kế hoạch hỗ trợ nâng giá mà tân chính phủ muốn tái áp dụng sẽ nới rộng mức độ đắt đỏ của gạo Thái Lan đối với gạo của Việt Nam, trong lúc phía Việt Nam luôn tìm cách kiềm chế và điều chỉnh giá gạo trên thị trường nội địa mà hậu quả là giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo Thái Lan trong lúc phẩm chất không thua kém gạo Thái.
Vấn đề ở đây, dân biểu Trairong nói tiếp, gạo Việt Nam được bán ra với giá 570 đô la một tấn, còn gạo Thái Lan cao hơn với giá 625 đô la một tấn.
Đã đến lúc Thái Lan không thể tự hào mình độc quyền sản xuất gạo thơm hay gạo hạng nhất nữa, dân biểu Trairong Suwannakhiri cảnh báo, vì phẩm chất gạo thơm của Việt Nam không thua kém gạo thơm Thái Lan bao nhiêu mà lại chiếm lĩnh 70% thị phần khu vực Châu Á.
Báo chí ở Việt Nam đưa tin vụ hè thu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong với sản lượng tám đến chín triệu tấn lúa.
Trái với những vụ trước thường là được mùa mất giá, hiện tại giá lúa gạo kỳ này tiếp tục tăng cao. Trong lúc nông dân phấn khởi vì được giá thì các nhà xuất khẩu trong VFA tức Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam lại quan ngại là giá gạo nội địa quá cao sẽ ảnh hưởng đầu ra xuất khẩu.
Phải nói sản xuất năm nay đạt thuận lợi, lúa hè thu vừa được mùa vừa được giá, cũng chưa bao giờ lúa hè thu tốt như năm nay. <br/>
Ô Nguyễn Trí Ngọc
Vào khi giá gạo thành phẩm lên đến mức mười hai ngàn đồng đến mười bốn ngàn đồng một kí lô tùy loại, thì cục trưởng Cục Trồng Trọt Việt Nam, ông Nguyễn Trí Ngọc, cho rằng vật giá lên cao thì chuyện giá gạo tăng cũng là điều đương nhiên:
“Phải nói sản xuất năm nay đạt thuận lợi, lúa hè thu vừa được mùa vừa được giá, cũng chưa bao giờ lúa hè thu tốt như năm nay. Tâm lý của nông dân thì thường giá cao thì họ trông chờ giá cao hơn nữa. Còn tôi nghĩ nguồn cung năm nay để bảo đảm xuất khẩu của Việt Nam năm nay là tốt.”
Tuy nhiên Viện trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, khẳng định không thể kỳ vọng giá gạo tăng mãi mà cần có biện pháp giữ vững giá trị sản xuất và tiêu thụ lúa gạo về lâu về dài.
Trong khi đó ông Diệp Kỉnh Tần, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, cho hay nếu có dấu hiệu sốt nóng về giá gạo thì nhà nước sẵn sàng dùng lượng gạo dự trữ quốc gia hơn một triệu tấn để làm dịu giá gạo đi.
Trao đổi với phóng viên Nam Nguyên của Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do, ông Diệp Kỉnh Tần nói:
“Việt Nam đang thừa gạo, đang tồn ba triệu tấn gạo, chưa kể dự trữ tồn trong sản xuất và lưu thông.”
Việt Nam coi gạo là mặt hàng chiến lược mũi nhọn, giá gạo lên hay xuống trong nước luôn được theo dõi và kiềm chế trong mục đích bảo đảm xuất khẩu và giữ vững vị trí nước bán gạo nhiều hạng nhì thế giới.
Điều này cũng cho thấy sự quan ngại của phía Thái Lan không phải là không có căn cứ. Trong một lần trò chuyện với đài Á Châu Tự Do nhân dịp kỷ niệm ba mươi lăm năm bang giao Việt Nam Thái Lan, ông Ngô Đức Thắng, đại sứ Việt Nam tại Bangkok, phát biểu rằng trong lãnh vực kinh tế thì bao giờ cũng có hai mặt, hợp tác và cạnh tranh. Rằng Việt Nam và Thái Lan luôn có chương trình hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau trong lãnh vực xuất khẩu gạo hầu giữ vững thị trường của mình trên thế giới.
Điều ông nhấn mạnh ở đây là qui luật của thương trường và chiến lược cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.
Theo dòng thời sự:
- Đột phá trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo
- Việt Nam ngưng hợp đồng xuất khẩu gạo - Thái Lan được lợi
- Giá lúa tăng kỷ lục ngay thu hoạch rộ
- Không 'sốt' nhưng giá lúa gạo cao chưa từng có
- Indonesia nhập gạo Việt Nam
- Yingluck Shinawatra - từ doanh gia trở thành thủ tướng
- Kỷ niệm 35 năm bang giao Việt-Thái
- Bà Yingluck Shinawatra với lời hứa đoàn kết