Con người đó - với bề ngoài chẳng khác mấy một người đạp xích lô, nhưng bên trong lại chan chứa một trái tim ủ máu đồng loại. Trái tim đó thật quá dị biệt với những xác phàm luôn trương nứt bởi máu của kẻ đói rách.
"Tri túc thường túc" hẳn là một lời tri âm luôn được tuyên giáo cửa miệng trong giới quan chức, nhưng lại trở nên hiếm có trong một trường hợp hiếm hoi quan chức cộng sản như Nguyễn Sự - người giữ chức vụ bí thư thành ủy Hội An và vừa thêm một lần nữa biểu tả cho cái đủ của một chức quan: nói đi đôi với làm.
Mùa hè năm 2013, Nguyễn Sự đã trở thành bí thư thành ủy đầu tiên trong lịch sử đương đại của Đảng cộng sản trực tiếp bắt cướp.
Sự kiện quá đỗi hy hữu này xảy ra vào đêm ngày 22/6, khi ông Sự đang chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự sự kiện tái hiện Đêm phố cổ đầu thế kỷ 20 phục vụ cho Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5. Phát hiện một thanh niên có hành tung nghi hoặc, ông đã bám theo. Đúng lúc thanh niên này giật sợi dây chuyền vàng của một du khách, y đã bị vị bí thư thành ủy Hội An “bắt nóng”.
Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vẫn tiếp tục thụt lùi trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI). Kết thúc năm 2012, quốc gia này yên vị ở thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng lại tụt đến 11 bậc so với năm 2011.
Cùng diễn biến theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của TI, một dư luận không thể lu mờ là nhiều “công bộc của dân” đang có tài sản vun vén gấp đến hàng chục ngàn lần gia sản của một hộ nông dân, chưa tính đến hình ảnh “năm gia đình nuôi chung một con bò” hay những đứa trẻ vùng xa phải bắt chuột thay cơm.
“Tay này hay lắm!”
"Tri túc thường túc, chung thân bất nhục - Anh phải tự biết thế nào là đủ! Nói thật, nếu bây giờ một tháng anh thu một tỷ đồng đi chăng nữa nhưng nếu ham muốn của anh ghê gớm lắm thì anh vẫn cảm thấy thiếu. Phải biết "tri túc" thôi. Không chỉ nhìn lên mà phải nhìn xuống nữa. Như ở xã Cẩm Thanh quê tôi, 95% số gia đình có công với cách mạng, 70% là gia đình liệt sĩ. Tôi nhìn những gia đình liệt sĩ đó và tôi nhìn những cán bộ từ thời kháng chiến bây giờ về hưu, có thu nhập rất thấp, thì phải thấy rằng, bây giờ mình đang sướng gấp nhiều lần các đồng chí ấy. Thậm chí có những Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi "chế độ" được đưa về buổi sáng, thì buổi chiều bà đã mất rồi, không được hưởng ngày nào. Cuộc chiến tranh đã đi qua rồi và những người đi trước chúng ta đã ngã xuống, nhưng vẫn còn bao nhiêu những cảnh đời như vậy thì xót ruột lắm, mà mình không làm cách nào khác được!" - Nguyễn Sự đã trải lòng như thế với một phóng viên.
Trong cái lạnh khắc nghiệt Hà Nội vào tháng 3/2013, tâm cảm ấm áp giữa con người với con người chợt bồng bột nhen nhóm. "Tay này hay lắm! Lần đầu tiên Giải thưởng Phan Châu Trinh trao cho một quan chức nhà nước đấy, mà rất xứng đáng" - giáo sư Hồ Ngọc Đại nói với tiến sỹ Nguyễn Quang A trong lúc ông Nguyễn Sự đọc diễn từ nhận giải.
Trong lời tôn vinh trao giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục cho ông Nguyễn Sự, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã đặc tả: "Là một nhà lãnh đạo có quan hệ rất rộng rãi và thân thiết với nhiều nhà khoa học uyên bác, nhiều nhà văn hóa - giáo dục tâm huyết, lại gắn bó sâu sắc với nhân dân trong đời sống hằng ngày, Nguyễn Sự đã thật sự thu hút được về mình cả tầm cao và chiều sâu trí tuệ và tâm hồn của họ, để trở thành người truyền cảm hứng cho Hội An, một trong những không gian văn hóa độc đáo của nước ta ngày nay…".
Liệu những lời lẽ trên có cường ngôn hay quá đáng không?
Hội An lại vừa kỷ niệm 10 năm nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới và cù lao Chàm cũng vừa được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nhiều người dân kể rằng Hội An được như ngày hôm nay là nhờ công của ông Nguyễn Sự.
Nhiều nhà báo trong nước, dù chỉ một lần đặt chân đến Hội An, đã không khỏi chạnh lòng cho những vùng du lịch khác. Họ thốt lên trên trang viết: cái thành phố bé nhỏ, chỉn chu như một bài thơ Đường luật, đi bộ dọc ngang cũng chưa đủ khiến người ta mỏi gối chồn chân mà ám ảnh chi lạ! Hội An mở cửa với Tây phương thuộc hàng sớm nhất, cho đến giờ, mật độ khách du lịch từ bốn phương tám hướng còn đông hơn dân bản địa, mà vẫn giữ được nguyên vẹn là mình. Ấy là nhờ những người như Nguyễn Sự, bởi chẳng có ai yêu và hiểu Hội An như nắm rõ từng đường chỉ tay trong lòng bàn tay mình đến thế.
Hai thái cực
Người ở các địa phương khác vẫn không hết ngỡ ngàng: mỗi năm Hội An đón nhận đến 1,5 triệu du khách, với dân số khoảng 90.000 người, tính trung bình mỗi người dân đón 150 du khách/năm, làm thế nào để Hội An vẫn là mình?
Nhưng chúng ta hãy nghe nhà văn Nguyên Ngọc lý giải về điều mà ông từng bần thần "Hạnh phúc khi nhắc đến Hội An!". Ông chia sẻ: "Văn hóa Hội An rất hay. Thật ra ở Hội An gần như đa quốc gia vậy, nhưng Hội An lại có sức tiêu hóa lạ kỳ, những người từ nơi khác đến ở với Hội An rồi cũng sẽ thành người Hội An… Ở Hội An rất an toàn mà không hề có công an đứng đường, dù khách du lịch, khách Tây rất nhiều, nhưng họ vẫn thoải mái đi chơi, mua sắm".
Nét hay ở Hội An còn nổi bật trong buôn bán. Nguyên Ngọc tâm sự: "Trước đây, có một nhà kiến trúc sư đến đây, anh ta vào một hiệu giày, rất thích kiểu giày đó nhưng lại không thích màu phối này, thế là người chủ tiệm giày giới thiệu anh ta sang cửa hàng khác có kiểu cách mà anh ấy thích"; hay như tại chợ Hội An: "Có một chị đi mua thịt, cô bán hàng hỏi rằng mua thịt này để làm gì, thì chị đấy bảo mua về làm chả giò cúng đám giỗ. Nghe xong cô bán hàng liền bảo, thịt của cô hôm nay không được ngon và chạy sang quán khác giới thiệu".
Còn những người dân ở phố Hội đầy tự hào: Nhà ở Hội An không bao giờ cửa đóng then cài. Bây giờ có nhiều người giàu lắm nhưng dù giàu có đến cỡ nào cũng không hợm hĩnh, không thể hiện là mình giàu có. Thậm chí có việc ở Hội An người ta làm từ thiện có thể hàng mấy trăm triệu đồng nhưng người ta vẫn không nói tên ra. Nếu thấy việc cần giúp những hoàn cảnh khó khăn là họ đóng góp nhưng họ không muốn tuyên truyền tên của họ và số tiền họ đóng góp, họ chỉ cần sự đóng góp của họ đến được địa chỉ thực sự cần thiết.
Hội An xuất phát điểm là một nền văn hóa vật thể, tức là khách du lịch đến Hội An thoạt đầu là để khám phá khu phố cổ. Nhưng đến Hội An càng nhiều thì người ta lại càng thích thú không chỉ về mặt kiến trúc của phố Hội, vì chỉ cần đi vài ngày là hết khu phố cổ đó. Khách du lịch thích ở Hội An cả một cái gì đó rất lung linh, không chỉ bằng những đèn lồng mà sự lung linh ở đây lại thấm vào lòng họ từ nếp sống của người dân Hội An, từ cách hành xử của người dân Hội An. Điều này cực kỳ quan trọng để khách du lịch đến Hội An lại có cảm giác như được trở về nhà của họ.
Một cảm giác rất yên bình và thân thiện…
Chỉ có điều, chất sống thực của Hội An thật khác hẳn với câu chuyện mà Olivier Berger - một giáo viên người Bỉ, vừa kết thúc khóa huấn luyện ngắn hạn về công tác bảo tồn di sản, mô tả rằng tại Việt Nam, cảnh sát nhan nhản ở khắp nơi, nhưng nạn cướp giật không vì thế mà giảm đi. Thậm chí, năm sau còn “phát triển” hơn năm trước.
Hay Natalia Krupxkaia, một nữ du khách Nga thường đến Hà Nội kết hợp với công việc kinh doanh cá hồi, còn ngạc nhiên một cách thành thật bởi một thành phố có bề dày “ngàn năm văn hiến”, nhưng lại “hở ra một cái là bị mất đồ ngay”. Với người đàn bà chịu học tiếng Việt này, thật khó hiểu là với tình hình an ninh như thế, hàng năm Việt Nam lại có thể đón tiếp đến trên 6 triệu khách du lịch nước ngoài – như một con số của ngành du lịch nước này công bố mà cô không mấy tin tưởng vào độ xác thực của nó.
Cho dù Hà Nội có tuyên bố thu hút đến hai triệu du khách nước ngoài hay “mức phấn đấu” gần 4 triệu lượt đối với Sài Gòn cho mỗi năm, vẫn có đến 70-80% du khách trả lời “không có ý định đặt chân đến Việt Nam lần thứ hai” - như kết quả của không ít cuộc khảo sát bỏ túi.
Tri túc cộng sản
Quá xa biệt với giới chức du lịch ở Hà Nội và Sài Gòn, Hội An và Nguyễn Sự lại tô điểm cho nhân tố con người - chiều sâu tận cùng của văn hoá, của kiến trúc.
Công luận đã không ít lần phải thừa nhận rằng có một điều lạ là dân Hội An nghèo nhưng chẳng ai phá nhà cổ làm nhà mới. Thời bao cấp mỗi nhà chỉ sống bằng vài ba khung dệt, nhưng vẫn giữ nguyên nếp nhà như một sự tri ân với cha ông của họ. Họ giữ lại những gì đẹp đẽ của quá khứ, đâu biết ngày mai sẽ thành di sản. Thời đổi mới, nhà nhà làm du lịch, có người giàu lên nhưng cũng chẳng ai đập nhà làm khách sạn. Dân phố không soi mói, nhưng biết quan tâm đến nhau. Điều gì không phải, trái với đạo lý đều khó sống được ở đây. Dù lịch sử đầy biến động, người Hội An vẫn giữ được chiều sâu cốt cách, tâm hồn mình. Nhỏ bé, thân thuộc, không vội vã, không có những con đường rộn ràng, chẳng ai chạy xe quá nhanh. Khi con người sống có trật tự thì trong tâm thức, suy nghĩ cũng chậm lại, nhập thân, nhìn lại mình nhiều hơn. Những con người ấy đã biết tự làm mới mình hàng ngày, tạo ra hồn của phố, sự thân thuộc bình yên và một chút chân quê khiến ai đã một lần tới là nhớ mãi, giống như được trở về nhà.
Dù tự nhận là quê mùa đặc sệt, nhưng cái chân quê của Nguyễn Sự lại được nhà văn Nguyên Ngọc cảm nhận: "Nếu không có Nguyễn Sự sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh túy của người Hội An: trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật. Sở dĩ ông làm được nhiều điều cho phố cổ vì được dân thương. Quan chức ít ai giống anh, liêm khiết, thương dân, biết văn hóa bao giờ cũng mong manh, luôn lo lắng, suy nghĩ, gìn giữ, không chủ quan".
Có lẽ đó cũng là thấm cảm trong lời bình luận của cánh nhà báo trong nước. Một quan chức liêm khiết, yêu thương dân và đối đãi với họ bằng chữ “nhân nghĩa” đã là của hiếm đời nay. Một quan chức thấm “đạo làm quan”, điều hành công việc bằng sự am hiểu văn hóa và lẽ đời lại càng hiếm hoi hơn nữa. Hội An đang có cả hai con người hiếm hoi ở trong một con người.
Con người đó - với bề ngoài chẳng khác mấy người đạp xích lô, nhưng bên trong lại chan chứa một trái tim ủ máu nóng đồng loại. Trái tim đó thật quá dị biệt với những xác phàm luôn trương nứt bởi máu của kẻ đói rách.
Thấy đủ là đủ - đó mới là cái tri túc hiếm có nơi một chức quan cộng sản như Nguyễn Sự.
Vào cái thời sâu mọt chen chúc hơn cả cướp cạn…