Đề mục thời sự trong tuần được chú ý là việc chuyên viên Hoa Kỳ đào tị Edward Snowden khẳng định anh không thể là gián điệp của Trung Quốc, trong khi thân phụ Snowden kêu gọi anh hãy chấm dứt hành vi phản quốc mà quay về nước Mỹ chịu sự phán xử của luật pháp. Cũng trong tuần qua hội nghị thượng đỉnh nhóm cường quốc kinh tế G-8 không đạt được kết quả trong việc giải quyết cuộc chiến Syria theo chiều hướng mà Hoa Kỳ và châu Âu mong muốn. Và đề tài thứ ba là Iran có một vị tổng thống mới với chủ trương ôn hoà.
Kẻ phản quốc?
Trong tuần qua Snowden đã tặng cho Trung Quốc một bàn thắng quý giá trong cuộc đấu khẩu và tranh chấp về vấn đề bảo mật internet và an ninh mạng. Snowden tiết lộ rằng Hoa Kỳ cũng có cả đoàn chuyên viên hacker đông đảo và tài ba chuyên thực hiện những hoạt động do thám trên mạng và tấn công một số mục tiêu trên không gian ảo ở các nước khác, trong số đó có Hồng Kông và Trung Quốc. Việc này khiến Washington khó lòng thống trách Bắc Kinh về những hoạt động tấn công mạng được nói là đã gây thiệt hại hằng trăm tỷ đô la cho nền kỹ nghệ và sản xuất của Hoa Kỳ. Nhưng sau đó Tổng thống Obama lên tiếng về cuộc thảo luận thượng đỉnh với Trung Quốc về vấn đề an ninh mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn phát hình tối thứ hai, tổng thống Obama nói phía Trung Quốc đã hiểu rõ lời cảnh báo thẳng thừng của ông về vấn đề tấn công mạng internet, và chủ t5ich Trung Quốc hiểu rằng việc này rất nghiêm trọng, sẽ làm tổn hại đến tận những nền móng của mối quan hệ song phương. Tổng thống Hoa Kỳ cũng bày tỏ rằng ông nhận thấy chủ tịch Trung Quốc đã củng cố nhanh chóng quyền lãnh đạo trong nước; chủ tịch họ Tập là người trẻ trung hơn, mạnh mẽ và giàu lòng tự tin hơn một số lãnh đạo của Trung Quốc trong quá khứ.
Tổng thống Mỹ cũng nói đừng trông đợi một nhà lãnh đạo của Bắc Kinh mau mắn thú nhận đã bị bắt tại trận, xin lỗi và hứa hẹn không tái phạm. Chủ tịch họ Tập cũng vậy, chỉ nói rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của những cuoộc tấn công mạng ác liệt. Tuy nhiên Tổng thống Obma nói ông cho rằng lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra chú tâm và sẵn lòng bước vào cuộc bàn thảo chiến lược quanh những đề tài đó với Hoa Kỳ.
Trở lại nhân vật trung tâm của cơn bão dư luận quanh vấn đề dọ thám điện thoại ở Hoa Kỳ, anh bị lên án là phản quốc, làm gián điệp cho nước ngoài, nhưng liệu có đúng không?
Câu hỏi này hơi khó, vì mỗi quốc gia mỗi nơi chốn mỗi vị trí đứng đều có những quan niệm và luật pháp khác nhau. Tuy nhiên dù đứng trên cương vị của người Mỹ hay địa vị khách quan từ bên ngoài, thì cũng có thể nói là cho đến nay người này chưa chứng tỏ là một kẻ phản quốc.
Snowden nhấn mạnh là không hề tiếp xúc với chính quyền Bắc Kinh mà chỉ làm việc với báo chí, khi anh tiết lộ và tố cáo chính quyền Washington về hoạt động do thám quan điện thoại và internet đối với công dân của mình, và anh cho đó là xâm phạm quyền tự do cá nhân. Hành vi của anh chưa hẳn là phản quốc, nhưng đã là phạm pháp.
Quan điểm của Snowden bị cả ba ngành công quyền của nước Mỹ là hành pháp, lập pháp và tư pháp phản bác. Công luận Mỹ cũng không dứt khoát bênh vực anh. Cuộc thăm dò ý kiến công chúng Hoa Kỳ của báo USA Today hôm qua cho thấy 54% ý kiến cho rằng cần phải truy tố Snowden . 53% ý kiến cho rằng chương trình do thám này giúp ngăn chặn khủng bố tấn công, nhưng hai phía nói chấp nhận và không chấp nhận biện pháp do thám đó có tỉ lệ phiếu tương đương, và 49% ý kiến nói là việc phổ biến tin tức mật có ích cho người Mỹ hơn là có hại, 44% nói là có hại. Sau này nếu Snowden cung cấp thêm nhiều tin tức quan trọng về hoạt động của tình báo Hoa Kỳ thì anh mới trở thành kẻ phản quốc, vì làm như vậy là gây thiệt hại nặng nề cho việc bảo quốc an dân của chính phủ Mỹ và giúp cho các tổ chức khủng bố hoàn thiện phương pháp tấn công trên đất Mỹ.
Nga bất đồng với cả bảy nước
Nhìn sang châu Âu với hội nghị thượng đỉnh các cường quốc kinh tế G-8, nơi đây Hoa Kỳ và phương Tây đã không thuyết phục được Liên Bang Nga đứng chung trong lập trường giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Nga đứng riêng một mình với ý kiến khác biệt duy nhất trong cả nhóm, sau khi Tổng thống Mỹ Obama không thuyết phục được Tổng thống Nga Putin.
Hãy nhìn tấm hình hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ họp báo chung sau khi họp riêng tay đôi, thì chưa cần ai tuyên bố điều gì người ta cũng thấy hai ông Obama và Putin hoàn toàn bất đồng ý kiến, qua gương mặt “nghiêm và buồn” của cả hai ông. Ông Obama nhìn mông lung, trong khi ông Putin nhìn xuống đất, chẳng ai ngó ai.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhìn nhận là bất đồng ý kiến, khi Hoa Kỳ không thuyết phục được Nga để NATO áp dụng vùng cấm bay trên không phận Syria, là điều Anh và Pháp cũng ủng hộ. Tổng thống Nga vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ Al Assad, phản đối vùng cấm bay, phản đối trang bị quân sự cho cả hai bên, và hai bên không đưa ra được thông cáo chung về việc nên buộc Tổng thống Al Assad rời quyền hành hay không, hay là nên cung cấp vũ khí cho lực lượng kháng chiến chống Al Assad hay không.
Hai nhà lãnh đạo chỉ đồng thuận trong một lời tuyên bố chung là sẽ cùng làm việc để chặn đứng sự đổ máu và giúp nhân dân Syria kiến tạo hoà bình bằng biện pháp chính trị, dựa trên viễn ảnh một nước Syria đoàn kết và dân chủ.
"Vừa đánh vừa đàm"
Lới tuyên bố nhằm nói đến việc sắp tới Nga Mỹ và châu Âu sẽ nỗ lực tổ chức hội nghị quốc tế về vấn đề Syria với sự tham dự của Liên Hiệp Quốc và tất cả các bên như chúng ta vừa nêu. Hoa Kỳ và châu Âu sẽ phải thuyết phục Hội đồng kháng chiến Syria ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Damascus, một điều mà tới nay phía kháng chiến vẫn không đồng ý.
Tình hình Syria cách nay hai tuần đã không lạc quan cho phe kháng chiến, thì nay và sắp tới cũng vẫn như vậy. Damascus sẽ “vừa đánh vừa đàm” với ưu thế quân sự vượt trội với thiết giáp, không quân, trong khi châu Âu và Hoa Kỳ bị ngăn trở trong nỗ lực võ trang cho quân kháng chiến. Kết quả trên mặt trận sẽ quyết định cho kết quả cuộc hoà đàm, một cuộc hoà đàm kéo dài chờ kết quả đó, trong khi quân đội Damascus nỗ lực tấn công tiêu diệt quân kháng chiến và gây hại cho người dân. Con số thiệt mạng sẽ vượt khỏi mốc 100 ngàn trong thàng 6 này.
Nối nhịp cầu hoà bình?
Hiện Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đang ở Bắc Kinh để nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Syria, bên cạnh vấn đề Bắc Hàn. Trung Quốc sẽ không giúp gì cho phươngTây trong vấn đề Syria, nhưng nói đến Bắc Hàn người ta nhớ là Iran vừa bầu lên một vị Tổng thống mới trong tuần qua. Liệu ông Hassan Rowhani có nối lại nhịp cầu hoà bình với thế giới hay không?
Hôm thứ hai Tổng thống đắc cử Hassan Rowhani tuyên bố Iran sẵn sàng tỏ ra minh bạch hơn với thế giới. Ông Rowhani được coi là nhân vật theo đường lối ôn hoà, và nay có thể sẽ là nhà lãnh đạo Iran ôn hoà nhất đối với phương Tây từ hơn nửa thế kỷ nay.
64 tuổi, tốt nghiệp ngành luật ở Scotland, từng là nhà thương thuyết về hạt nhân của Iran, năm 2003 ông Hassan Rowhani đã đình hoãn chương trình hạt nhân này để tạo cơ hội thương thuyết với phương Tây.
Qua lời tuyên bố nói trên nhà lãnh đạo mới muốn ngỏ ý sẽ tỏ ra minh bạch hơn nữa đối với phương Tây về chương trình hạt nhân. Lời hứa hẹn này đem lại nhiều triển vọng cho viễn ảnh một nước Iran không trang bị vũ khí hạt nhân.
Đó là điều mong đợi của cả phương Tây cũng như Liên bang Nga và Trung Quốc.