Bạc Hy-lai: ngôi sao vụt tắt. Vì đâu?

Quả bom chính trị bùng nổ ở Trung Quốc khi Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh Bạc Hy-Lai bị cách chức. Sau đó phu nhân của ông bị câu lưu để điều tra, tình nghi có liên can đến cái chết của doanh gia người Anh Neil Heywood.

0:00 / 0:00

Đây là một vụ án hình sự hay cuộc đấu tranh quyền lực ở cấp lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc?

Trước hết hai trường hợp này liên quan chặt chẽ với nhau và cùng liên quan đến một nhân vật thứ ba, là Cục trưởng cục tư pháp và Giám đốc sở cảnh sát Trùng Khánh Vương Lập-Quân. Ông này từng là cánh tay mặt của Ông Bạc Hy-Lai trong chiến dịch gọi là “xướng hồng đả hắc”, trong đó ông Bạc đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông, tấn công tiêu diệt xã hội đen cùng những hành động tiêu cực cả trong xã hội cũng như trong chính quyền địa phương.

Ông Vương Lập-Quân hồi tháng trước đã bị mất chức sau khi hồi tháng 2 ông nói với ông Bạc về những nghi vấn quanh bà vợ của ông. Ông Vương, bị đưa về chức vụ thấp kém hơn và không có lực lượng an ninh trong tay, đã sợ hãi và phải chạy sang Tứ Xuyên, trốn vào toà lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô, đem theo hồ sơ tố cáo vợ chồng ông Bạc Hy-Lai.

Sáng hôm sau ông trở ra và lập tức bị vòng vây công an bắt giữ, sau cùng bị giải về Bắc Kinh.

Hình sự hay chính trị?

Quốc hội Trung Quốc nhóm họp, tháng 3-2012- AFP video screenshot
Quốc hội Trung Quốc nhóm họp, tháng 3-2012- AFP video screenshot (AFP video screenshot)

Lý do trực tiếp là cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood, khi cơ quan điều tra cho biết là bà Cố Khai-Lai bị "nghi ngờ rất nặng nề" về tội liên can đến âm mưu đầu độc người này.

Nhưng ở bề trong, giới thông thạo về Trung Quốc nhận định rằng đó cũng là dịp để những nhà lãnh đạo ở Trung Ương loại trừ một nhân vật rất nổi tiếng và được lòng quần chúng, cũng được sự ủng hộ của không ít Uỷ Viên trung ương Đảng và nhiều đảng bộ quân đội, tức là có triển vọng chiếm được nhiều phiếu ủng hộ trong dịp thay đổi nhân sự lãnh đạo mười năm một lần trong đại hội đảng thứ 18 sắp tới.

Ngôi sao nhiều tham vọng

Ông Bạc Hy-Lai là người có phong cách hấp dẫn quần chúng và giới ngoại giao nước ngoài. Ông công khai hoạt động để làm nổi bật cá nhân, khác với các cấp lãnh đạo Trung ương của đảng Cộng Sản thường tỏ ra khiêm tốn, tỏ ra mình chỉ là người tuân hành chỉ đạo của tập thể. Có ý kiến cho rằng ông Bạc cũng không dấu ý định leo cao hơn nữa trong bộ chính trị vào kỳ đại hội 18 này.

Trước đây ông Bạc Hy-Lai đã từng giữ chức vụ thị trưởng thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc từ năm 1993. Ông cải biến nơi này thành một địa điểm du lịch và đầu tư nổi tiếng của Trung Quốc.

Qua 2007, sang Trùng Khánh, một thành phố lớn đông dân nhất của Trung Quốc với dân số cả ngoại thành 31 triệu người, nằm sâu trong phía tây nội địa, cạnh Tứ Xuyên, gần Tây Tạng, ông lại làm sạch nơi này, gia tăng đầu tư của nhà nước và thực hiện những dự án dân sinh như làm khu cư trú tập thể cho người nghèo, người già, cùng nhiều dự án khác có tính cách “đem của người giàu chia cho người nghèo”, đưa kinh tế nơi này lên một mức phát triển mới. Lãnh đạo ở Bắc Kinh từng khen ngợi ông và đến thăm Trùng Khánh. Báo chí nhà nước có lúc đã coi đó là mô hình phát triển cho miền Tây. Như thế vì sao ông lại có thể bị Trung ương loại trừ?

“Cờ Hồng” đã rách nát!

Lý do chính là “lá cờ hồng Mao Trạch Đông” trong mọi hoạt động của ông Bạc Hy Lai do chính ông dựng lên, đầu tiên là trong chiến dịch tấn công xã hội đen và tiêu cực. Ông thực hiện sách lược độc đoán và cứng rắn như thời Mao trong chiến dịch này, từng bị nước ngoài lên án xâm phạm nhân quyền, bắt giữ và tra tấn hằng ngàn người, cao điểm là vụ đưa nguyên cục trưởng tư pháp Văn Cường của Trùng Khánh ra pháp trường.

Ưu điểm về phong cách cá nhân và sự hấp dẫn quần chúng cũng như giới đầu tư nước ngoài của ông cũng khiến ông trở thành một biểu tượng lãnh đạo mới có thể vượt cao hơn thành phần trong bộ chính trị hiện tại, là những người được coi là dẫn đạo trào lưu đổi mới, trái ngược với chủ trương của thời cách mạng văn hóa khi xưa.

Điều gì chứng minh việc đó?

Trước khi họ Bạc bị cách chức, sau khoá họp quốc hội vừa rồi, hôm 14 tháng 3 Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo trực tiếp rằng nguy cơ cách mạng văn hóa sống lại là có thật. Lúc đó có thể là lúc Trung ương đã nghiên cứu hồ sơ tố giác của Vương Lập-Quân và có quyết định về ông Bạc Hy-Lai, nhưng còn phải tiếp tục nghiên cứu trường hợp bà vợ là Cố Khai Lai. Ngày hôm sau, 15 tháng 3, ông họ Bạc bay chức Bí thư Thành uỷ và Thị trưởng Trùng Khánh. 1 tháng sau ông mất luôn ghế Uỷ Viên Bộ chính trị Trung ương Dảng.

Ông Bạc Hy Lai cũng thuộc thành phần gọi là “thái tử Đảng” như các cấp lãnh đạo ở Trung ương, vì thân phụ của ông là công thần cách mạng Trung Quốc Bạc Nhất Ba, bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Quốc, sau bị đày ải vì cách mạng văn hóa nhưng lại được trở lại quyền lãnh đạo trong thời Đặng Tiểu Bình.

Họp quốc hội, ông Bạc Hy-Lai phía sau chủ tịch Hồ Cẩm-Đào và Thủ tướng Ôn Gia-Bảo, 9 tháng 3, 2012- AFP photo
Họp quốc hội, ông Bạc Hy-Lai phía sau chủ tịch Hồ Cẩm-Đào và Thủ tướng Ôn Gia-Bảo, 9 tháng 3, 2012- AFP photo (AFP photo)

Một chi tiết nữa, sau khi ông Bạc Hy-Lai rời khỏi chức vụ thì người được tạm thay là phó Thủ tướng Trương Đức Giang, cũng là một “thái tử Đảng”, để cân bằng quyền lực trong giới lãnh đạo trung ương. Các khẩu hiệu phát động phong trào trong thời họ Bạc đều bị gỡ sạch. Phong trào phổ biến nhạc đỏ cũng bị dẹp tan. Như vậy nghĩa là trung ương cương quyết xoá mọi dấu vết của thời kỳ đã bị ngầm lên án là tái phát động cách mạng văn hóa.

Cuối cùng, tương lai ông Bạc Hy Lai ra sao?

Ông họ Bạc được nhiều người ủng hộ, nên có ý kiến cho rằng ông cũng có thể trở lại quyền lực giống như thời kỳ ông Đâng Tiểu Bình lật ngược thế cờ và đưa thân phụ ông là ông Bạc Nhất Ba trở lại chính trường. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể xảy ra ở thời hậu cách mạng văn hóa cách nay đã mấy mươi năm. Trong thời đại ngày nay ở Trung Quốc khó lòng có sự “lật ngược thế cờ” như vậy.