Vụ PCI: Ai đã đưa, và Ai đã nhận hối lộ

Những ngày đầu tháng Tám vừa qua, hàng loạt hãng thông tấn quốc tế, đặc biệt là báo chí Nhật Bản, đăng nhiều bài viết về vụ bốn viên chức Nhật Bản hối lộ một quan chức Việt Nam số tiền lên đến hơn 2 triệu Mỹ kim để được dành quyền thầu tư vấn, không qua đấu thầu một số công trình tại Việt Nam.

0:00 / 0:00

Những ngày gần đây, trên một số website và blog, người ta lại thấy một tài liệu được phổ biến mà độc giả có thể đặt giả thuyết rằng đây là bản dịch tiếng Việt của tài liệu nguyên bản tiếng Nhật được gởi cho các cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu phối hợp điều tra.

Nhiều chi tiết của tài liệu này trùng hợp hoàn toàn với các chi tiết do các hãng thông tấn phổ biến trước đó.

Chúng tôi xin tổng hợp tất cả các thông tin, của các hãng thông tấn và tài liệu vừa đề cập, để trình bày cùng quí vị. Cũng xin nói rõ, rằng chúng tôi trình bày các tài liệu này với tất cả sự dè dặt cần thiết.

Trong phần trình bày này, những thông tin được dẫn từ tài liệu được phổ biến trên Internet sẽ được gọi tắt và thống nhất là “Tài Liệu,” và cũng xin quý vị lưu ý là chúng tôi giữ nguyên văn cách viết của tài liệu ấy, cho dầu một số thuật ngữ và cách dùng tiếng Việt có thể không được quen tai.

Dự án xa lộ Đông-Tây

Chỉ vài ngày sau khi Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam phát biểu trên báo chí Việt Nam, có ý phàn nàn chính phủ Nhật Bản để cho báo chí nước này “viết bài, đưa tin” theo cách thức “không có lợi cho 2 nước Việt Nam, Nhật Bản,” thì các báo Việt Nam đồng loạt đưa tin rằng đường hầm Thủ Thiêm có vết nứt.

Đường hầm Thủ Thiêm là một trong những công đoạn quan trọng trong dự án Xa Lộ Đông – Tây; được triển khai bằng vốn ODA của Nhật Bản, xây dựng bằng kỹ thuật của nhà thầu Nhật Bản, với tư vấn kỹ thuật của công ty Nhật Bản.

Phía Việt Nam, cụ thể là một người Việt Nam, đã nhiều lần nhận tiền hối lộ của PCI, lên đến hơn 2 triệu Mỹ kim.

Báo chí Nhật

Trong khi đó, Việt Nam, nước nhận viện trợ, đóng vai trò quản lý dự án, thông qua Ban Quản Lý Dự Án, PMU.

Những động thái của chính phủ và báo chí Việt Nam xảy ra khoảng nửa tháng sau khi nhiều hãng thông tấn quốc tế, đặc biệt là báo chí Nhật Bản, đưa tin về một vụ trốn thuế và hối lộ liên quan đến công ty PCI của Nhật Bản.

PCI chính là công ty tư vấn trong công trình Xa Lộ Đông – Tây đang được triển khai tại Việt Nam!

Quá trình điều tra, theo thông tin báo chí Nhật Bản, thì cơ quan hữu trách nước này khám phá ra, rằng phía Việt Nam, cụ thể là một người Việt Nam, đã nhiều lần nhận tiền hối lộ của PCI, lên đến hơn 2 triệu Mỹ kim.

Cuộc điều tra, đến lúc ấy, không còn giới hạn bên trong biên giới Nhật Bản, mà bắt đầu lan sang Việt Nam.

Bản Tài Liệu mà chúng tôi trích dẫn cho thấy, Công Tố Viện Địa Hạt Tokyo, vào tháng Sáu năm nay, đã gởi văn thư đến Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để “đề nghị quý cơ quan cùng hợp tác điều tra.”

Tài Liệu viết, các văn bản mà phía Nhật gởi cho chính phủ Việt Nam gồm một “Đề Nghị Hợp Tác Điều Tra,” hai “Biên Bản Trình Bày” của 2 nhân vật từng làm việc cho PCI cung khai hành động hối lộ cho quan chức Việt Nam, và đặc biệt là một “Bản Hỏi” gồm 23 câu hỏi dành riêng cho nhân vật Việt Nam ấy.

Nhân vật này được gọi là Huỳnh Ngọc Sĩ, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn bản phía Nhật gởi cho Việt Nam.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ là Phó Giám Đốc Sở Giao Thông – Công Chánh thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Quản Lý Dự Án Xa Lộ Đông – Tây. Tên ông xuất hiện trong các “Biên Bản Trình Bày” của phía Nhật Bản trong vai trò người nhận hối lộ.

Hối lộ quan chức Việt Nam

Trở lại diễn tiến từ đầu, hồi đầu tháng Tám, báo chí Nhật Bản đồng loạt đưa tin rằng các công tố viên địa hạt Tokyo đã bắt giam 4 nhân vật, đương nhiệm hoặc đã về hưu, của công ty PCI vì có hành vi bị nghi ngờ là “hối lộ cho một quan chức chính phủ Việt Nam.”

Những người của PCI bị bắt gồm một cựu Tổng Giám Đốc, một cựu Giám Đốc Điều Hành, một cựu Giám Đốc Điều Hành Văn Phòng Hà Nội, và một thành viên Hội Đồng Quản Trị.

Ông Kunio Takasu, cựu Giám Đốc Điều Hành PCI bị bắt vì bị tình nghi chuyển tiền cho một quan chức ở Sở Giao Thông Công Chánh, thuộc Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh.

Kyodo News

Bản tin của Kyodo News ngày 5 tháng Tám viết rằng “ông Kunio Takasu, cựu Giám Đốc Điều Hành PCI bị bắt vì bị tình nghi chuyển tiền cho một quan chức ở Sở Giao Thông Công Chánh, thuộc Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh.”

Tổng số tiền phía PCI bị tình nghi hối lộ cho viên chức này lên đến 820 ngàn Mỹ kim.

Theo một bản tin khác, cũng của Kyodo News, ra ngày 6 tháng Tám, thì “phía PCI đồng ý đền bù bằng khoảng 10% giá trị hợp đồng cho quan chức Việt Nam.”

Một bản tin khác nữa, của hãng thông tấn AP, ra ngày 5 tháng Tám, thì cho biết ông Kunio Takasu “bị cáo buộc đưa cho quan chức Việt Nam tổng số tiền có thể lên đến 2 triệu 800 ngàn Mỹ kim.”

Lời khai của Kunio Takasu

Các thông tin trên gần như hoàn toàn ăn khớp với các con số được nêu trong Tài Liệu.

Trong “Biên Bản Trình Bày,” tức là bản cung khai của ông Kunio Takasu, do Tài Liệu phổ biến, có đoạn nói rằng ông Takasu đã được các thành viên cao cấp của công ty PCI nhờ “giúp đỡ lần cuối” vào ngày 11 tháng Tám năm 2006.

Ngày hôm đó, các thành viên cao cấp của PCI, gồm ông Taga Masayoshi, Giám Đốc Điều Hành Cao Cấp, và ông Otsuka Hikoroku, thành viên Ban Giám Đốc, đã hỏi ông Takasu rằng liệu ông “có thể giúp công ty PCI lần cuối cùng trước khi về hưu không?”

Cụ thể, theo Tài Liệu, thì ông Taga hỏi Takasu có thể đi Thành Phố Hồ Chí Minh được không, để nhờ ông đưa tiền cho PMU. Tài liệu viết nguyên văn rằng ông Taga nói là nhờ ông Takasu “đưa tiền qua bàn tay” và họ “cần sự giúp đỡ” của Takasu.

PMU mà phía Tài Liệu nhắc đến chính là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức tuyển chọn nhà thầu của dự án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Bạn nghĩ gì hoặc có tài liệu gì liên quan đến vụ này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ RFA ý kiến hay các tài liệu mà Bạn có được. email: <a href="mailto:vietweb@rfa.org">vietweb@rfa.org</a>

Vẫn theo Tài Liệu, thì ông Takasu khai tiếp, rằng “Đưa tiền cho PMU có nghĩa là đưa tiền hối lộ cho cán bộ công chức cầm đầu, là Giám Đốc Sĩ.”

Ông Takasu khai đã từng đưa tiền hối lộ cho Giám Đốc Sĩ một vài lần “để được Giám Đốc Sĩ tạo điều kiện, giúp đỡ PCI về dự án mà PMU tổ chức tuyển chọn nhà thầu.” Takasu nhận lời giúp PCI đưa hối lộ cho Giám Đốc Sĩ vì “đã mang ơn công ty nên muốn đền ơn lần cuối cùng.”

Takasu sau đó liên lạc với nhân viên PCI tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Cuối tháng Tám, 2006, theo tiết lộ của Tài Liệu, ông sang Việt Nam, “được giao một số tiền mặt 220 ngàn Mỹ kim và đưa số tiền đó cho Giám Đốc Sĩ.”

“Biên Bản Trình Bày” thứ hai, do Tài Liệu phổ biến, nêu chi tiết những lời kể của Sakashita Haruo về việc hối lộ Giám Đốc Sĩ con số 600 ngàn Mỹ kim còn lại.

(Những lòi kể này ra sao? Mời quý vị nghe trong bài kế tiếp, cũng về đề tài này, do Thiện Giao trình bày.)

Thông tin liên quan: