Gẫy đòn bẩy

Trong khóa họp vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Tokyo, lãnh đạo hệ thống tài chính của các nền kinh tế dẫn đầu thế giới không thể nhất trí về giải pháp cứu nguy kinh tế trong khi mọi người đều e ngại nguy cơ suy trầm toàn cầu như Quỹ Tiền tệ đã cảnh báo.

0:00 / 0:00

Chìm sâu bên dưới tình trạng này là hiện tượng mà chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa gọi là "gẫy đòn bẩy" như ông giải thích trong cuộc trao đổi sau đây với Vũ Hoàng.

Giải pháp cứu nguy

Vũ Hoàng: Thưa ông, khóa họp tuần qua của hai định chế tài chính là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới đã kết thúc mà lãnh đạo hệ thống tài chính là các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương không đạt nổi đồng thuận về các biện pháp cứu nguy kinh tế toàn cầu. Chẳng những vậy, người ta còn thấy ra những khác biệt thậm chí xung đột về chủ trương và chính sách của các nền kinh tế dẫn đầu, tại Âu Châu, Á Châu hay ngay ở Hoa Kỳ.

Lần trước, khi khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008 ngay giữa chu kỳ suy trầm tại Mỹ, các nước đều thống nhất kế hoạch đối phó là cấp cứu hệ thống tài chính, nới lỏng chính sách tiền tệ và tung ra các chương trình kích thích kinh tế. Lần này, với nguy cơ suy trầm toàn cầu vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế báo động các quốc gia và cả những xu hướng chính trị trong từng nước lại không đồng ý về giải pháp đối phó. Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng lạ thường này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đang chứng kiến một cuộc tranh luận hầu như "toàn cầu" về các giải pháp cứu nguy kinh tế mà tôi xin được phép tóm lược vào hai hướng giải quyết.

Theo xu hướng cổ điển thì vụ khủng hoảng hiện nay xuất phát từ nạn vay mượn để chi tiêu, của cả khu vực công quyền lẫn tư nhân, nên người ta phải ưu tiên giảm nợ, hạ mức bội chi ngân sách và chịu đựng khắc khổ để cải tổ cơ cấu hơn là lại tiếp tục kích thích kinh tế trong ngắn hạn bằng biện pháp tăng chi. Ngược lại, xu hướng gọi là "kích cầu" thì đồng ý là về dài thì phải giảm bội chi nhưng vẫn cần bơm tiền kích thích số cầu để đạt mức tăng trưởng cao hơn. Từ mấy năm qua, các nước đều ngả theo hướng này hay hướng kia và bây giờ thì mâu thuẫn lên tới mức khó dung hòa. Không chỉ có cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ mà nội tình Âu Châu cũng bị mâu thuẫn đó.

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, nếu cứ cho rằng kinh tế là một con bệnh thì vì sao các thầy thuốc lại không thống nhất được về liều thuốc chữa chạy? Họ không đồng ý về cách chẩn bệnh sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi e là sự thể còn tệ hơn vậy khi nhiều vị thầy thuốc còn muốn hươi cái dao mổ như để băm vào mặt những ai không đồng ý với quan điểm của họ, trong khi bệnh nhân vẫn thấp thỏm trên giường bệnh!

Vũ Hoàng: Tuy nhiên, thuần về kinh tế thì trên cùng một thực tế đó, làm sao có chuyện phe này có lý mà phái kia chẳng sai? Về sự khác biệt trong chủ trương giải quyết, theo lối cổ điển hay kinh điển hoặc theo lối cấp tiến hiện đại chẳng hạn, thì chẳng ai lại có thể tách rời khỏi thực tế kinh tế. Liệu người ta có thể tìm ra một giải pháp thứ ba để dung hòa sự dị biệt hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là mỗi xu hướng chính trị lại thiên về một giải pháp kinh tế và trình bày sự thật phức tạp một cách có vẻ hấp dẫn về lý luận dù là thiên lệch.

Hãy lấy thí dụ Âu châu là hoàn cảnh của Hy Lạp hay Tây Ban Nha bị mắc nợ quá nhiều, dù mỗi nước mắc nợ một cách vì lý do khác nhau. Bây giờ, cánh tả muốn cấp cứu kinh tế của một xứ mắc nợ bằng cách đi vay, cũng tựa như cho người say uống thêm rượu để giã rượu. Cánh hữu thì đòi kích thích nền kinh tế bị bội chi bằng cách cắt giảm chi tiêu, tức là làm kinh tế càng thêm co cụm y như đòi người bệnh phải ăn rau để có thêm sức lao động. Hai toa thuốc trái ngược đó đều được phe này hay phe kia ủng hộ và kết quả là không có đồng thuận!

Tình hình Hoa Kỳ cũng không khác và cuộc tranh cử càng gây tranh luận và thậm chí chụp mũ cáo buộc đối thủ về những điều phi lý khiến cử tri thêm lúng túng khó hiểu. Cũng xin nói thêm là chuyện ấy không chỉ xảy ra ở Âu Châu hay Hoa Kỳ mà tại Việt Nam cũng thế, nếu thời lượng cho phép thì ta cũng có thể trở lại chuyện Việt Nam vào cuối chương trình này.

Hố nợ kinh tế

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (giữa) hội thảo cùng Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab (trái), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima (thứ 2 từ trái), Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf (thứ 2 từ phải) và Chủ tịch hãng Hitachi Nhật Bản, Takashi Kawamura (phải) tại Tokyo hôm 11/10/2012. AFP
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (giữa) hội thảo cùng Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab (trái), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima (thứ 2 từ trái), Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf (thứ 2 từ phải) và Chủ tịch hãng Hitachi Nhật Bản, Takashi Kawamura (phải) tại Tokyo hôm 11/10/2012. AFP (Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (giữa) hội thảo cùng Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab (trái), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima (thứ 2 từ trái), Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf (thứ 2 từ phải) và Chủ tịch hãng Hitachi Nhật Bản, Takashi Kawamura (phải) tại Tokyo hôm 11/10/2012. AFP)

Vũ Hoàng: Thưa ông, chắc chắn là chúng ta sẽ đề cập đến chuyện Việt Nam. Trở lại hoàn cảnh của các nước tiên tiến, qua năm thứ tư của một chu kỳ khó khăn và lan rộng tại nhiều quốc gia hay khối kinh tế, hình như là các nước lâm vào bế tắc khi gặp hai yêu cầu mâu thuẫn và hai chính sách đều có vẻ hợp lý, đó là phải giảm chi ngân sách và chấn chỉnh chi thu mà cũng phải kích thích kinh tế để thoát khỏi nạn suy trầm. Thưa ông, vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có lẽ kinh tế thế giới đang gặp tình huống bất thường, tương tự như một "kỳ điểm" trong toán học, hoặc cái "hố đen" hay vụ "nổ lớn" trong thiên văn học, là khi mọi phương trình thông thường đều không áp dụng được. Hố đen ấy là hố nợ và hiện tượng ta đang gặp là chuyện "gẫy đòn bẩy", khi người ta không dùng được cái đòn bẩy thông thường để chuyện động một vật nặng quá sức mình. Tôi xin được giải thích như sau.

Người ta thường nói "kinh doanh là làm giàu bằng tiền của người khác" trong ý nghĩa là bằng cách đi vay như mượn một cái đòn bẩy. Trong các nền dân chủ cũng vậy, chính trị có thể là tăng chi ngân sách rồi cũng lại đi vay khi ngân sách bị bội chi. Bây giờ xin nói về doanh trường.

Khi đi vay, khách nợ đó muốn gì? Họ có thể vay tiền để kiếm lời và phải tìm ra đủ lời để trả nợ, cả vốn lẫn lãi. Đó là trường hợp lý tưởng cho kinh tế vì thịnh vượng gia tăng cùng sản xuất. Nhưng cũng có người đi vay để đầu cơ vì nghĩ là nhờ đầu cơ mà tài sản lên giá thật mau và nếu thất bại thì lại vay thêm để đảo nợ. Đó là trường hợp đầy rủi ro và là tai họa khi trái bóng đầu cơ bị vỡ. Sau cùng, còn có loại khách nợ bất lương, đi vay tiền để dựng lên tháp nợ, là lấy tiền của chủ nợ này để chiêu dụ chủ nợ khác và sau cùng thì bỏ trốn và để lại một núi nợ.

Thời kinh tế thịnh đạt, khi tiền vào như nước, doanh nghiệp dư tiền trả nợ nên hồ hởi đầu cơ, lấy rủi ro quá lớn và gây ra khủng hoảng tài chính khi bóng bể làm các ngân hàng hết dám cho vay và kinh tế co cụm. Nhu cầu trả nợ ụp xuống cả nền kinh tế trong chu kỳ suy trầm và hiện tượng "gẫy đòn bẩy" xảy ra khi người ta phải trả nợ, là chuyện đang thấy tại Âu Châu, sẽ thấy tại Nhật Bản và có thể xảy ra cho Hoa Kỳ. Gặp hoàn cảnh đó, người ta không thể khắc phục nạn suy trầm kinh tế bằng loại biện pháp tiền tệ hay ngân sách thông thường vì cả nền kinh tế bị hút vào một hố nợ như cái hố đen trong thiên văn học.

Vũ Hoàng: Ông vừa trình bày hiện tượng doanh trường vay nợ quá nhiều và nay đến chu kỳ trả nợ thì như bị gẫy mất đòn bẩy. Ông cũng nói đến chính trường của các nước dân chủ với hiện tượng gây bội chi ngân sách và chính quyền phải đi vay. Chuyện ấy xảy ra như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cách đây hơn 170 năm, và trước Karl Marx mấy chục năm, một nhà xã hội học Pháp đã nhân dịp qua Mỹ tìm hiểu chế độ lao tù nơi đây mà viết ra cuốn "Về Nền Dân Chủ Hoa Kỳ" nổi tiếng thế giới. Đó là ông Alexis de Tocqueville, nhà tư tưởng xuất chúng đã tiên báo nhiều điều chính xác về xã hội công nghiệp hơn hẳn Marx. Ông de Tocquevile cũng nói trước về sự lớn mạnh của Hoa Kỳ nhưng lại có lời cảnh báo rất hiện đại cho các nước dân chủ.

Đó là nền dân chủ có thể tiêu vong nếu nhà nước bao biện bằng luật lệ chi ly phức tạp làm đa số ngụp lặn trong sự đồng dạng mà khó ngoi lên được và nếu chính quyền cứ ru ngủ người dân qua biện pháp chu cấp bằng công quỹ mà thời nay ta gọi là bao cấp. Trong hệ thống chính trị đó, công dân chỉ có cái quyền ngắn ngủi là bầu ra những người làm chủ, sau đó họ lại trôi vào tình trạng mà ông gọi là "lệ thuộc" thật ra chẳng khác gì cái nếp văn hoá "xin cho" mà dân Việt đang nói đến. Dù hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác, nhiều chính quyền Âu Châu và Nhật Bản hay Hoa Kỳ đang rơi vào tình trạng nguy hiểm đó vì cứ đi vay để ban phát lợi ích cho thành phần cử tri của mình và đến ngày phải trả nợ thì hết khả năng kích thích kinh tế.

Nhìn trong dài hạn ở nhiều nơi thì mỗi xứ lại mắc nợ một cách. Thí dụ như Tây Ban Nha mắc họa vì nạn đi vay để đầu cơ vào bong bóng địa ốc và khi bóng bể thì dân chúng sinh sống trong khu vực gia cư bị sạt nghiệp và thất nghiệp, trong khi đó, Hy Lạp vỡ nợ vì chế độ bao cấp quá hào phóng hơn là vì nạn đầu cơ. Nhưng ngày nay cả hai đều gieo họa cho khối Euro. Đây là chưa nói đến hoàn cảnh của nhiều xứ Âu Châu khác sau mấy chục năm thi hành chính sách bao cấp và mắc nợ nên đã tới hồi trả nợ. Hoa Kỳ cũng đang đi tới đó mà thôi.

Chu kỳ suy trầm kinh tế?

Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde (trái), Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okanjo-Iweala (thứ 2 từ trái) và tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Pascal Lamy (thứ 3 từ trái) tại Tokyo hôm 13/10/2012. AFP photo
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde (trái), Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okanjo-Iweala (thứ 2 từ trái) và tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Pascal Lamy (thứ 3 từ trái) tại Tokyo hôm 13/10/2012. AFP photo (Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde (trái), Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okanjo-Iweala (thứ 2 từ trái) và tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Pascal Lamy (thứ 3 từ trái) tại Tokyo hôm 13/10/2012. AFP photo)

Vũ Hoàng: Nếu hiểu không lầm thì trong một chu kỳ suy trầm kinh tế, thông thường cứ sáu bảy năm lại bị một lần, thì người ta có thể áp dụng biện pháp kích thích như bơm tiền hay tăng chi. Lần này thì sau mấy chục năm lạc quan, các nước giàu mạnh đó lại cùng sụt vào hố nợ và phải trả nên các biện pháp thông thường mới vô hiệu sau bốn năm khắc khoải từ vụ suy trầm 2008. Như vậy thì chẳng lẽ các nền kinh tế ấy không có giải pháp thoát hiểm hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi trộm nghĩ là vào cảnh ngộ bất thường hiện nay, có hai yếu tố đang tác động mạnh như một vòng luẩn quẩn. Đó là gánh nợ thì tăng mà đà tăng trưởng lại giảm. Khi gặp bài toán lưỡng nan đó thì giải pháp chấn chỉnh chi thu cho trường kỳ bằng cách giảm chi và tăng thuế sẽ có hậu quả giảm đà tăng trưởng trong ngắn hạn, là trên dưới một năm. Ngược lại, bảo là phải kích thích sản xuất và đầu tư cho tăng trưởng bằng cách tăng chi ngân sách thì lại trở về cái thói đi vay và rồi trút nợ cho đời sau. Vấn đề không phải là nhà nước chi chưa đủ mà là tư nhân chưa có đủ lợi tức để kích thích sản xuất và doanh nghiệp dám bung ra làm ăn để tạo thêm việc làm, nâng cao lợi tức và cả căn bản thu thuế cho ngân sách.

Nếu có, giải pháp thoát hiểm vẫn phải là đặt ra một chỉ tiêu giảm chi trong trung hạn dăm ba năm, mỗi năm giảm một mức nhất định và nhất quyết không tăng chi nếu chưa có nguồn thu tương xứng. Song song, phải cải tổ lại cơ chế kinh doanh và thuế khóa để kích thích sản xuất và nâng sức cạnh tranh của các tiểu doanh thương. Đó là hoàn cảnh chung.

Riêng Hoa Kỳ phải tìm ra điểm dung hoà nội trong năm tới mà thôi. Vì qua năm 2014 là lại có bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống và đến năm 2015 mà không có giải pháp thì sẽ lại gặp tai họa như Âu Châu hay Nhật khi các chủ nợ là người đầu tư vào thị trường trái phiếu hết tin tưởng vào khả năng của chính quyền, làm phân lời trái phiếu sẽ tăng vọt và khủng hoảng bùng nổ.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, là chuyện Việt Nam. Khi các nền kinh tế cường thịnh mà còn gặp nạn như vậy thì mình có thể rút tỉa được bài học gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta trở về chuyện đi vay, và câu hỏi đi vay để làm gì với ba trường hợp đã nói ở trên. Vì nhà nước sai lầm trong chính sách quản lý vĩ mô, các tiểu doanh thương cần đòn bẩy cho yêu cầu kinh doanh thì khó đi vay và không trả nổi tiền lãi. Trong khi ấy, người có quan hệ tốt với chính quyền lại dễ đi vay để đầu cơ, hoặc với tính toán chụp giựt và xù nợ. Vì vậy mà sản xuất không tăng mà người ta lại thổi lên bong bóng. Khi bóng bể, các ngân hàng vỡ nợ làm kinh tế suy sụp và đa số dân chúng bị điêu đứng trong khi thiểu số đại gia có thể lách qua hệ thống lỏng lẻo hiện nay vẫn kiếm lời rất cao rồi bỏ chạy. Các nước tiên tiến mà còn gãy đòn bẩy và bị lao đao nhiều năm liền thì Việt Nam khó tránh nổi kịch bản đáng sợ ấy.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi kỳ này.

Theo dòng thời sự: