Sự đóng cửa của một tờ báo

0:00 / 0:00

Ngày hôm nay 28 tháng 2 báo Sài Gòn Tiếp Thị chính thức nhận được quyết định ngưng hoạt động do Thứ trưởng Bộ thông Tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ký và đề nghị cơ quan chủ quản của báo SGTT là Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư thu hồi giấy phép hoạt động vì không đủ điều kiện tài chính.

Vì viết chuyện chính trị?

Hình ảnh hai vòng hoa tang phúng điếu đặt trước cửa tòa soạn tờ báo SGTT trên đường Ngô Thời Nhiệm Q.3 như một lời chia buồn đầy ấn tượng đối với sự đóng cửa vĩnh viễn tờ Sài Gòn Tiếp Thị và 107 nhân viên tờ báo bắt đầu mồ côi theo nghĩa đen của nó.

Một người đọc và yêu mến tờ báo trong nhiều năm khi nghe tin này chia sẻ:

“Khi biết tờ SGTT ra đời và tờ báo ấy nó lại do bà Vũ Kim Hạnh vốn là Tổng biên tập cũ của báo Tuổi Trẻ thì cách làm việc của SGTT cũng như nội dung tờ báo đưa ra trong nhiều năm luôn cung ứng cho độc giả những tin tức phong phú, những bài viết chất lượng. SGTT đã có chỗ đứng khá lớn trong lòng độc giả. Hôm nay được biết nó bị đình bản dĩ nhiên cũng buồn. Theo những thông tin mà anh em báo chí cho biết thì họ phải đình bản có lẽ vì không được sự hậu thuẫn của chính quyền.”

Theo những thông tin mà anh em báo chí cho biết thì họ phải đình bản có lẽ vì không được sự hậu thuẫn của chính quyền. <br/> -Một bạn đọc

Mặc dù nhiều người nghĩ rằng bà Vũ Kim Hạnh là Tổng biên tập tờ báo từ số báo đầu tiên phát hành ngày 15 tháng 4 năm 1995 nhưng thật ra bà về đây với tư cách là một người có kinh nghiệm và chia sẻ lại cho những anh em khác trong thời gian đầu sau khi bà bị cô lập, ngồi chơi không được đụng tới cây viết trong một thời gian dài khi bài viết về đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh của bà xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ vào năm 1992.

Năm 1995 người phụ trách tờ báo SGTT đầu tiên là Võ Ngọc An và sau đó qua nhiều đời TBT để cuối cùng là ông Nguyễn Xuân Minh người đọc văn bản của Bộ Thông tin và truyển thông đóng cánh cửa tòa soạn với thế giới bên ngoài vào sáng hôm nay.

Năm 2009 SGTT đã phải kiểm điểm một danh sách dài của 100 bài báo nhạy cảm, vi phạm quy định của luật báo chí hay không theo định hướng của Ban tuyên giáo trung ương. Không nói thì anh em tòa soạn cũng biết những bài báo gân guốc này dính tới chính sách sai trái về đất đai, quyền lợi của tập đoàn, nhóm lợi ích, hay hồ sơ tham nhũng của cán bộ cao cấp. Tất cả cộng hưởng lại với nhau khiến áp lực của cấp trên mỗi ngày một nặng hơn lên tờ báo.

Người ta còn nhớ câu nói nổi tiếng của Bộ trưởng Tài chánh Vương Đình Huệ phê bình báo SGTT vào hai năm trước đây: “vì sao báo tiếp thị mà lại đi viết chuyện chính trị?”

Một nhà văn trẻ nhận xét về năng lực tờ báo qua những ngòi bút mà anh cho là ngoài luồng:

“Đội ngũ của SGTT có nhiều người viết thuộc dạng không đi vào trong luồng, một tập thể có nhiều cây viết không ở trong luồng thì có nhiều khả năng rủi ro. Những cây viết đơn lẻ thì không sao nhưng nhiều người với tiếng nói tương đối có trọng lượng mà lại ngoài luồng nằm bên trong tập thể thì sẽ xảy ra những rủi ro ngoài mong muốn.”

Lý do tài chính?

Tập thể phóng viên, nhân viên báo SGTT hôm nhận quyết định đình bản 28/02/2014. Courtesy SGTT.
Tập thể phóng viên, nhân viên báo SGTT hôm nhận quyết định đình bản 28/02/2014. Courtesy SGTT.

Tuy mang tiếng là báo do nhà nước quản lý nhưng SGTT hoàn toàn tìm kiếm nguồn thu từ quảng cáo để nuôi sống chính mình. Với những ngòi bút đa số tăng cường từ Tuổi Trẻ qua, SGTT nhanh chóng tạo cho mình một bản sắc riêng và khi cầm nó trên tay người đọc yên tâm rằng họ đang có một tờ báo đứng đắn và chuyên nghiệp nhất nhì thành phố.

Những cây viết như Đặng Tâm Chánh, Huy Đức, Đỗ Trung Quân, Võ Đắc Danh, Nguyễn Quang Lập, Hữu Bảo, Duy Thông, Công Khanh, Lê Anh Đủ cộng với những chuyên gia được mời như Bùi Văn Nam Sơn, Lê Đăng Doanh, Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Thị Hậu đã gây hưng phấn cho người đọc trên từng số báo. Người ta khó mà tìm thấy một bài viết lá cải nhằm câu khách nào xuất hiện trên SGTT phải chăng đó chính là điều làm cho tài chánh tờ báo suy sụp? Một độc giả thường xuyên và yêu mến SGTT cho biết:

“Tôi không nghĩ như vậy anh à. Thực ra là những chiêu tiếp thị của những tờ báo khác đăng tin cướp, giết hiếp hay xe cán chó thì nó chỉ đá ứng một tầng lớp của những người ham mê các loại tin tức như vậy thôi còn SGTT dù sao chăng nữa với nội dung của họ thì họ thừa sức đề sống nhất là họ rất được lòng các doanh nghiệp có tri thức và không kém vốn liếng. Tôi nghĩ với mức độ quảng cáo như vậy thì SGTT dư sức sống.”

Chị Trần Ngân Hà phụ trách công đoàn cho Sài Gòn Tiếp Thị cho biết cơ quan chủ quản tờ báo đã có lời hứa tìm việc cho nhân viên tờ báo nhưng có rất nhiều trở ngại trong vấn đề này:

“Bên cơ quan chủ quản thì họ cũng xuống làm việc với bên em là báo SGTT. Họ nói anh em nào chưa thu xếp được công việc thì bà chủ quản là Phó Thanh Phượng bà có tuyên bố là bà và Ủy ban sẽ lo việc cho đến người cuối cùng ai muốn về báo nào thì bà can thiệp với Ủy ban để cho về báo đó. Đó là lời người ta nói như vậy thôi chứ tụi em ai cũng biết rằng mặc dù bà nói vậy hay Ủy ban nói vậy nhưng bên nhận họ có nhận hay không nữa. Nói chung là chuyện xin việc thì không thể nói là xin là có ngay. Rồi những tờ báo không có nhu cầu thì làm sao? Thậm chí câu chuyện mà tụi em nghe nói là cơ quan chủ quản sẽ ép tờ Thời Báo kinh Tế Sài Gòn nhận người này người kia bên em vì trước đó họ không muốn nhận nhưng bây giờ ép họ nhận thì em có đứng ra em nói: nếu vậy thì trong trường hợp họ nhận xong vài tháng sau họ kiếm cớ họ đuổi thì lúc đó lấy ai bảo đảm?”

Lúc đầu họ nói là xác nhập mà rồi họ nói vẫn phải đình bản xong mới nhập. Người ta lợi dụng cái sơ hở đó để đẩy tụi em ra. Đó chỉ là cái ý thiển cận của em thôi. <br/> -Chị Hà

Mặc dù dư luận xã hội bức xúc trước những người họ từng yêu mến nay phải mất việc nhưng cũng có những nhận xét khác với số đông vì cho rằng sự đấu tranh của tờ báo chưa đủ để nó tồn tại. Một cây viết trẻ cho biết:

“Đa phần họ cũng là những người trong bộ máy cho nên họ chọn thái độ phản đối nhưng phản đối với thỏa hiệp nửa vời cho quyền lợi và những chế độ khác cho nên mặc dù cũng ấm ức nhưng sẽ không có những phản ứng mạnh mẽ đâu.”

Khi được hỏi phải chăng toàn bộ 107 nhân viên của tờ báo có thể được bố trí tới một cơ quan khác hay chỉ có một bộ phận nào đó mà thôi chị Trần Ngân Hà nói:

“Đó là cái khối nội dung tức là biên tập viên và phóng viên thôi còn mấy anh chị làm ở tòa soạn ở những bộ phận trị sự, hành chánh, văn phòng, quảng cáo phát hành cả trăm con người thì anh hiểu rồi. Thật ra rất khó khăn trong việc bố trí công việc cho họ. Em thì làm công đoàn và trong lúc này phải lo cho anh em về quyền lợi của người lao động, giám sát chuyện đó nhưng em nói thật nếu như trong vài tháng nữa mà không tìm được việc, chưa ai nhận thì tụi em bám vào ai? Chả lẽ suốt ngày gọi điện cho bà Phượng hay Ủy ban, làm sao được? thành ra câu chuyện này còn dài lắm. Anh em bây giờ thật sự mà nói cái cảm xúc giống như tang chế, nó buồn gì đâu!”

Nguyên nhân mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra để đóng cửa tờ báo là không đủ điều kiện tài chánh được chị Hà người lo cho đời sống anh em tòa soạn chia sẻ:

“Cái nguyên nhân sâu xa thật sự theo như họ nói vẫn là nguyên nhân tài chánh dù rằng đối với một doanh nghiệp thì cái chuyện nợ nần vay trả… thì đó là chuyện rất bình thường ai chẳng có nợ để mà hoạt động? Tờ báo cũng như một doanh nghiệp thôi. Tụi em tự làm tự ăn thậm chí nhà cũng tự mua, trụ sở cũng phải tự bỏ tiền ra để mà mua thì vay ngân hàng là chuyện tất yếu thôi, chỉ là chuyện bình thường của doanh nghiệp. Họ nói rằng tụi em làm ăn thua lỗ cho nên phải giải thể. Lúc đầu họ nói là xác nhập mà rồi họ nói vẫn phải đình bản xong mới nhập. Người ta lợi dụng cái sơ hở đó để đẩy tụi em ra. Đó chỉ là cái ý thiển cận của em thôi thật ra em đâu biết thật sự câu chuyện nó như thế nào.”

Vẫn còn chút hy vọng cho tờ báo có thể sẽ tái sinh với một khuôn mặt khác, một ban biên tập khác hay ngay cả một đường lối khác nhưng có lẽ SGTT đã vĩnh viễn trở thành lịch sử của báo chí Việt Nam, vì như nhiều người nhận xét, nó bị bức tử vì không muốn nằm trong luồng, cái luồng mà tất cả các tờ báo Việt Nam khác phải theo.