Khi các phu nhân xin phiếu
Trước hết, điều thú vị là mỗi lần bầu cử Tổng thống ở Mỹ thì các bà phu nhân lại là người đứng ra xin phiếu cho chồng, trổ hết tài hùng biện với những kiến thức xã hội, chính trị sâu sắc, trong sự khiêm tốn và duyên dáng hết mực, để năn nỉ cử tri hãy ủng hộ phu quân của họ.
Tuần trước phu nhân Ann Romney của ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà đã kể câu chuyện tình của bà với phu quân, một người đạo đức và tài ba, sẵn sàng để lãnh đạo nước Mỹ đi tới thành công. Thì tuần này, tối hôm qua, trong đại hội đảng Dân chủ tại North Carolina, đệ nhất phu nhân của nước Mỹ Michelle Obama cũng nói đến đấng phu quân của mình qua một câu chuyện gia đình gây nhiều xúc động cho hằng triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới.
Điều giống nhau là hai bà không hề nói đến hay chỉ trích một điều gì tới đối thủ của chồng, mà chỉ kể chuyện của mình để cùng nhau xin phiếu cho hai vị phu quân đang đối đầu trên đường sự nghiệp.
Điều khác nhau là bà Ann Romney nói về phu quân với những kỷ niệm không phai từ ngày lễ cưới đến lúc thành đạt, mô tả ông như một thanh niên xuất thân từ giới bình dân, một con người chăm chỉ, mực thước, đạo đức, liên tiếp thành công, và là người cần thiết để lãnh đạo nước Mỹ. Bà Michelle Obama cũng kể lại một vài kỷ niệm lứa đôi từ thuở hàn vi, nhưng bà nhấn mạnh ở sự nghiệp học vấn vất vả, gốc gác gia đình không mấy sung túc của họ, để ca ngợi đường lối chính sách thiên về xã hội, tận lực yểm trợ tầng lớp trung lưu của Tổng thống Obama.
Cả hai bài nói chuyện đều được ca ngợi là rất thành công. Tất nhiên trong những đại hội đảng của mỗi bên thì bên nào cũng tràn ngập những tiếng hoan hô. Nhìn qua hình ảnh trên truyền hình thì không có diễn giả nào thất bại trong dip đại hội của người cùng phe như vậy.
Tính công bằng, vô tư trong chính trị?
Sự đánh giá là công việc của dư luận, của báo chí, truyền hình thì thực ra cơ quan truyền thông báo chí nào trước nay đã thiên về đảng nào thì vẫn tiếp tục ngợi khen đảng đó. Cả truyền thông trên không gian mạng, ngoài luồng chính, cũng không tránh khỏi nạn bên ta thiên vị bên mình. Nhiều cuộc tranh cãi rất gay gắt nổ ra, để không đi đến đâu hết. Khó lòng tìm được một ý kiến phê phán khách quan, trong việc nhận định lập trường quan điểm của các đảng phái ở Mỹ, nhất là trong thời gian tổng tuyển cử.
Một ý kiến nào đó được nói lên dù tự hiểu là khách quan đến mấy thì cũng bị nghĩ là phải thiên về một trong hai phía.
Những ý kiến không thiên về bên nào thì thường bị coi là … ba phải. Chẳng hạn, ý kiến nói rằng theo dõi quan điểm lập trường của hai đảng thì thấy…. cả hai đều đúng!
Nhưng sự thật có thể là như vậy. Bởi vì khi nghe những nhà chiến lược, nhà tư tưởng của hai đảng phân tích, biện luận thì khó có thể thấy được bên nào là sai, mà chỉ thấy có khác biệt mà thôi, và sự khác biệt đó rất có thể đều đúng, không sai.
Vì sao? Vì mọi chính sách, chiến lược, kế hoạch quốc gia, quốc tế đều có ưu điểm và khuyết điểm, mà chỉ đến giai đoạn thi hành, gặp những biến đổi thiên hình vạn trạng của thực tế, rồi sau đó nhờ vào tài lãnh đạo, điều hành, ứng xử của các nhà lãnh đạo thì mới rõ thành công hay thất bại.
Nhà hùng biện đại tài
Nói đến những nhà chính trị, nhà kiến tạo chính sách, nhà chiến lược như vậy thì phải nói đến bài diễn văn của cựu Tổng thống Bill Clinton.
Cho đến tối thứ tư ở North Carolina, ông Bill Clinton vẫn không hổ danh là một nhà hùng biện đại tài. Tất cả những đề tài mà ông nói đến trên mọi diễn đàn xưa nay đều được bày tỏ hết sức rõ ràng, hấp dẫn và đầy sức thuyết phục. Dù nội dung tư tưởng của diễn từ có ra sao đi nữa thì cách thức ông Clinton biện luận, giải thích, đặt vấn đề một cách đối lập để nêu ra những ý kiến hay giải pháp chủ quan… luôn luôn hấp dẫn và thuyết phục được người xem trực tiếp.
Nói vắn tắt, cựu Tổng thống Bill Clinton đã có dịp giải thích cặn kẽ những chính sách mà Tổng thống Obama đã áp dụng trong 4 năm nay kể từ ngày nhậm chức.
Nói về những dữ kiện yếu kém nhất và bị đả kích mạnh nhất là tỉ lệ thất nghiệp và sức phát triển kinh tế chưa hồi phục mạnh mẽ, ông Clinton cho rằng Tổng thống Obama đã thừa kế một nền kinh tế quá yếu kém, và chỉ sáu tháng trước khi ông nhậm chức thì đã sụp đổ nặng nề nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1939.
Ông nói rằng Tổng thống Obama đã chặn được đà xuống dốc, đưa nền kinh tế leo ngược lên dốc trở lại, và tuy chưa đủ thời gian để các kế hoạch đem lại tác dụng nhưng cũng đã cứu được biết bao nhiêu ngành kinh tế, cùng với hằng triệu công ăn việc làm liên hệ.
Ông Clinton cho rằng 4 năm để hồi phục kinh tế Mỹ là quá ngắn ngủi, nhưng ông Obama đã kiến tạo được một xã hội tốt hơn là khi ông nhậm chức.
Nhà chính trị lão luyện Bill Clinton nói như vậy là để trả lời một câu hỏi phát xuất từ đảng Cộng hoà, từng được Tổng thống Ronald Reagan hỏi Tổng thống Jimmy Carter vào năm 1980, và đã đánh bại vị Tổng thống Dân chủ để bước vào toà Bạch ốc từ 1981đến mãi 1990.
Những vấn đề quan trọng nhất là giải quyết nạn thất nghiệp, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, giải quyết nợ công, cắt giảm ngân sách, thì ông Bill Clinton nói về đạo luật Phục hồi của chính phủ Obama, là công cụ chặn đứng đà thất nghiệp, đem lại 4 triệu rưởi công việc cho khu vực tư nhân trong hai năm rưỡi vừa qua, cắt thuế cho 95% dân Mỹ, cứu được kỹ nghệ xe hơi thoát cơn hiểm nghèo, cứu hằng triệu công việc của hai hãng G.M. và Chrysler cùng cả một kỹ nghệ phụ tùng xe hơi.
Ông Clinton cũng giải thích về chính sách bảo hiểm y tế thường được gọi là Obamacare, cho là chính sách này đem lại bảo hiểm sức khoẻ cho hằng triệu người nghèo, người già, trẻ em, cắt chi phí khổng lồ đổ ra cho kỹ nghệ bảo hiểm và kỹ nghệ y tế để dồn cho các chương trình Medicare-Medicaid.
Vị cựu Tổng thống đưa ra những phép tính đơn giản để chứng minh kế hoạch giảm chi, giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công của đảng Cộng hoà là thất bại, và chính sách của Tổng thống Obama đang trên đường thành công. Ỡ mỗi lãnh vực mà ông đề cập đến ông Clinton đều nêu lên chính sách của đảng Cộng hoà song song với chính sách của chính phủ Obama để chứng minh bên Cộng hoà sai và sẽ thất bại, bên Dân chủ đúng và sẽ thành công. Tuy nhiên người ta vốn đã hiểu là phải có thêm thời gian để phân tích sâu rộng, kỹ lưỡng hơn nữa mới có thể biết chắc đúng sai trong những vấn đề trọng đại, phức tạp, lồng trong những ngôn từ hoa mỹ hùng hồn của một nhà đại hùng biện như cựu Tổng thống Bill Cllinton.
Thật vậy! Xem truyền hình và hãy bỏ ngoài tai những lời hoan hô vang rền của toàn đại hội, người ta vẫn nhận thấy cựu Tổng thống Bill Clinton quả là một nhà hùng biện đại tài.
Ông rời khỏi chính trường đã 12 năm nay, mà phong độ dường như vẫn tăng lên chứ không hề giảm sút.