Tình trạng bệnh viện quá tải

Tình trạng bệnh viện quá tải đã xuất hiện và tồn tại từ nhiều năm về trước qua các đời Bộ trưởng Y tế.

0:00 / 0:00

Cho tới khi bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn hình ảnh khó tin tại các bệnh viện thì vấn đề lại được báo chí nêu lên một lần nữa. Mặc Lâm có bài chi tiết sau đây.

Ông Nguyễn Quốc Triệu bộ trưởng Bộ Y tế trong nhiệm kỳ trước khi ra trước Quốc hội trả lời những chất vấn gay gắt của các đại biểu về trường hợp của bệnh viện quá tải, đã hứa là sẽ giảm tải bệnh viện trong thời gian ông tại chức, tuy nhiên sau khi mãn nhiệm kỳ, tình trạng quá tải của các bệnh viện trong các thành phố lớn chẳng những không giảm mà còn tăng hơn.

Mắt thấy tai nghe

Tới đời Bộ trưởng Y tế mới, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm một việc mà chính người tiền nhiệm từng làm đó là vi hành tìm hiểu tình trạng quá tải của bệnh viện qua việc tới tận nơi, nhìn tận mặt để tìm giải pháp căn cơ cho một vấn đề đang làm đau đầu những người hoạt động trong ngành y tế. Bà Bộ trưởng đã thu được một bức tranh toàn cảnh hết sức sinh động cho chuyến vi hành của mình khi hàng chục người nuôi bệnh lóp ngóp chui ra từ gầm giường của bệnh nhân để chào đón bà bộ trưởng.

Cảnh đợi chờ ở bệnh viện- RFA photo
Cảnh đợi chờ ở bệnh viện- RFA photo (RFA photo)

Những hình ảnh chen chúc nhau trong các bệnh viện lớn và nổi tiếng của thành phố Hà Nội và Sài Gòn nhanh chóng lan tràn trên hệ thống thông tin đại chúng khiến cho ai trông thấy cũng phải chạnh lòng. Tuy đang sống trong thời bình nhưng sự quá tải của các bệnh viện khiến Việt Nam không hề kém cạnh các bệnh viện dã chiến tại Iraq hay Afghanistan nơi có những cuộc đánh bom hàng ngày với vô số nạn nhân cần chữa trị.

Bà Bộ trưởng chứng kiến hình ảnh của người bệnh nằm chung 3 người một giường, giây nhợ truyền dịch cùng với băng bông rất mất vệ sinh. Người nhà bệnh nhân nằm chen lấn dưới đất khiến hình ảnh càng thương tâm hơn. Giường bệnh được kê thêm tràn lan bên ngoài trên các lối đi, rác rưởi không kịp dọn, ruồi nhặng khắp nơi đã làm những tấm hình trên báo chí trở thành nỗi ám ảnh cho tất cả mọi người nếu họ nghĩ xa hơn một chút về chính bản thân họ khi buộc lòng phải đến bệnh viện trong một ngày nào đó.

Luật cung cầu và vấn đề quy hoạch

Nguyên nhân của tình trạng quá tải thì nhiều nhưng trước nhất vẫn là luật cung cầu. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Dương, chuyên gia xét nghiệm DNA cho biết nhận xét của ông:

“Tôi nghĩ đơn giản hiện nay là cung không đủ cầu do vậy muốn chống quá tải thì phải tăng số lượng bệnh viện lên mà thôi. Cứ để cho bệnh nhân người ta tự nguyện và giải pháp tốt nhất là củng cố và nâng các bệnh viện ở các tuyến chứ không phải chỉ xây thêm bệnh viện ở các tỉnh lớn, hay thành phố lớn mà phải củng cố các bệnh viện ở các tuyến dưới nữa bao gồm cả trang bị và bác sĩ. Bệnh viện phải trang bị tốt và bác sĩ phải được đào tạo tốt và được nuôi dưỡng đầy đủ thì mới đáp ứng được những yêu cầu của xã hội về y tế.”

Chúng ta thấy rằng số dân từ sau 1975 đến nay đã tăng lên gấp đôi mà số bệnh viện thì hầu như mình không xây thêm, trừ một vài bệnh viện tư với số giường nhỏ không đáng kể, vậy thì chuyện quá tải là đương nhiên thôi. <br/>

TS-BS Trần Quang Bính

Luật cung cầu là một lẽ nhưng sâu xa hơn là vấn đề quy hoạch và phát triển bệnh viện khi mức độ dân số tăng theo thời gian. Theo TS-BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẩy thì tình trạng dân số tăng trưởng là nguyên nhân đầu tiên, ông nói:

“Chúng ta thấy rằng số dân từ sau 1975 đến nay đã tăng lên gấp đôi mà số bệnh viện thì hầu như mình không xây thêm, trừ một vài bệnh viện tư với số giường nhỏ không đáng kể, vậy thì chuyện quá tải là đương nhiên thôi. Dân số tăng lên thì số người bệnh cũng tăng lên.

Muốn giải quyết rốt ráo thì phải đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tức là các bệnh viện và chuyện này thì chắc chắn bệnh viện chúng tôi không thể làm được mà phải có đầu tư từ phía nhà nước. Kể cả Bộ Y tế, một mình Bộ Y tế cũng không làm được nếu không có đầu tư từ chính phủ.”

Khám vượt tuyến

overloaded-hospital-250.jpg
Lúc nào cũng đông nghịt người chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Ngọc Dung/www.nld.com.vn.

Theo thống kê thì hiện nay Việt Nam chỉ đạt số giường 20,4 trên 10.000 dân, trong khi các nước trong khu vực đã đạt 33,4 giường. Con số này chỉ tính theo bình quân trên toàn quốc khi chia đều cho các tỉnh, nếu tính riêng cho các thành phố lớn thì con số bình quân này không còn áp dụng được và có lẽ sẽ rơi xuống gấp nhiều lần.

Nhìn từ một góc chuyên môn khác, những lý do khiến sự quá tải ngày càng khó giải quyết hơn chính là vấn đề khám vượt tuyến. Tình trạng dồn lấn về các thành phố đã khiến sự quá tải không thể kiểm soát khi các bệnh viện tuyến dưới bị người dân xem thường do cách chữa trị thiếu hiệu quả.

Theo PGS/BS Lê Chí Dũng thuộc BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM thì việc người dân chạy theo danh tiếng của các bệnh viện lớn chính là nguyên nhân cần phải suy xét:

“Hiện giờ tình trạng quá tải chủ yếu hay gặp ở các bệnh viện chuyên khoa sâu hay một số bệnh viện nổi tiếng đầu ngành. Chuyên khoa sâu thì ở thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì chắc chắn giỏi hơn các tỉnh nên bệnh nhân đổ về nhiều hơn. Thứ hai nữa kinh tế có khác hơn, phương tiện giao thông khá hơn trước thành ra người ta thấy dân ở miền Tây hoặc miền Đông nam bộ người ta đi về Sài gòn dễ dàng hơn ngày xưa.”

Chuyên khoa sâu thì ở thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì chắc chắn giỏi hơn các tỉnh nên bệnh nhân đổ về nhiều hơn. <br/>

PGS/BS Lê Chí Dũng

BS Lê Chí Dũng cũng cho rằng bảo hiểm y tế không kiểm soát cũng góp phần vào việc quá tải, ông nói:

“Chính sách bây giờ cũng thoáng hơn. Hồi xưa điều trị theo tuyến, tuyến dưới chuyển lên tuyến trên, còn bây giờ thì người ta tự do muốn đi đâu thì người ta đi. Bảo hiểm y tế cũng thoáng hơn nếu vượt tuyến bảo hiểm cũng sẽ trả một phần. Do đó tính toán về kinh tế thì người ta chọn bệnh viện có tay nghề cao thì yên tâm hơn. Chính điều này làm cho tình trạng quá tải.”

Về trình độ chuyên môn thì chưa đồng đều ở các tỉnh, thành ra những người họ có phương tiện một tí thì người ta thích lên các trung tâm lớn. Mỗi thứ một chút nó góp tình trạng quá tải ngày một nhiều hơn.

Trung bình mỗi ngày một bác sĩ tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẩy, Ung Bứu, Nhi Đồng hay Chấn thương Chỉnh hình Thành phố phải khám từ 80 tới 90 bệnh nhân. Với số lượng bệnh nhân như vậy thử hỏi sức khỏe một bác sĩ làm sao đảm bảo được cho sự sáng suốt và không vấp những sai lầm đáng tiếc. Nếu do lo ngại lỡ tay gây chết người thì một bác sĩ có tâm lý cầu an sẽ tránh đưa ra những quyết định điều trị khó khăn mang tính đột phá cho bệnh nhân. Người sau cùng nhận lấy kết quả không vui vẫn là các bệnh nhân khốn khổ.

Việc bà Bộ trưởng vi hành không làm cho người dân nào tin tưởng phát sinh từ tuyên bố trước đây của người tiền nhiệm. Ông Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đưa ra biện pháp là kê thêm giường cho bệnh nhân trong khi không đề nghị được một quyết sách nào khác.

hue-hospital-250.jpg
Bệnh viện ở Huế. AFP photo.

Nhận xét về tuyên bố này, TS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẩy chua chát:

“Rốt ráo nhất muốn tránh chuyện này không thể đơn thuần như ý kiến của ông Triệu cựu bộ trưởng Y tế nói là chỉ cần kê thêm giường bệnh! Không phải như vậy. Bây giờ để giải quyết quá tải thì phải xây thêm bệnh viện mới cho đủ số lượng tính theo đầu người dân và đồng thời phải tăng cường nguồn nhân lực, còn không thì chỉ vá đầu này vá đầu kia mà thôi.”

Xây thêm bệnh viện phải đi kèm với đào tạo và trang thiết bị. Nhưng nếu không trang bị cho dân chúng niềm tin vào sự tận tâm, khả năng chuyên môn của các bệnh viện cấp tỉnh thì dân chúng vẫn sẽ tiếp tục kéo về thành phố bất kể sự đông đúc của bệnh viện như thế nào. Trong tâm trí họ thà mất tiền và chịu đựng sự đông đúc mà sinh mạng được bảo đảm, còn hơn nằm trong một bệnh viện trống trải mà một viên thuốc cũng phải hồi hộp không biết sự hiệu nghiệm của nó ra sao!

Muốn giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện cũng như sự quá tải chịu đựng của người dân, trước hết một quy hoạch tổng thể về hệ thống bệnh viện phải được nghiên cứu. Không phải từ cấp thành phố mà phải được nghiêm túc rà soát từ thượng tầng. Những dự án hoành tráng nhưng vô bổ phải chấm dứt để thay vào đó là các bệnh viện cũng như những chương trình đào tạo chuyên gia và bác sĩ cho các tuyến dưới. Đây chỉ là bước khởi đầu nhưng sẽ dần dần lấy lại thăng bằng cho cả hệ thống y tế cũng như niềm tin của người dân trước khi cả hai đổ nhào vì sự vô cảm của những người trách nhiệm.

Theo dòng thời sự: