Diễn biến Quốc Hội khóa 12

Quốc hội khóa 12 sắp sửa kết thúc với bao nỗ lực của các đại biểu nhằm nâng cao hiệu quả của một cơ quan cao nhất nước.

0:00 / 0:00

Thế nhưng vẫn còn đó biết bao trì trệ và trở ngại khiến nhiều đại biểu không thể hoàn thành vai trò mà người dân giao phó cho mình.

Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội liên tiếp hai khóa vừa qua để biết cảm tưởng của ông cũng là người nổi tiếng nhất của quốc hội Việt Nam về những phản biện gay gắt không tránh né đối với các thành viên chính phủ.

Còn nợ dân nhiều

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, xin ông cho biết cảm nghĩ về những điều gì mà ông đạt được cũng như chưa trong hai khóa vừa qua với tư cách là đại biểu quốc hội của đơn vị Lạng Sơn?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ về cá nhân trong suốt hai nhiệm kỳ Quốc hội tôi đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà người dân giao cho. Tuy nhiên phải nói là còn nợ người dân rất nhiều, nhiều chuyện chưa làm được đâu. Thế còn về nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 này tôi xin có cảm tưởng như thế này, sau khi khóa 11 kết thúc, trong danh sách tái cử của nhiều đại biểu xuất sắc như ông Nguyễn Ngọc Trân, bà Tôn Nữ Thị Ninh…thì cũng có dư luận băn khoăn không biết khóa 12 sẽ như thế nào? Nhưng thực tế cho thấy khóa 12 cũng tiếp tục được kết quả của những khóa trước, làm được phận sự của mình.

Về công tác xây dựng pháp luật không xây dựng được nhiều luật như khóa 11 và vẫn còn để tình trạng luật khung nhiều. Chẳng hạn như luật ra rồi phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư… tuy nhiên việc xây dựng pháp luật thì khóa 12 cũng có những bước tiến mới với sự giám sát thực tế, tiếp xúc với đối tượng để điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo thì đấy cũng là mới. Đặc biệt khóa 12 người dân người ta bận tâm nhất là hoạt động giám sát của Quốc hội có tốt hơn.

Theo hiến pháp Việt Nam thì Đảng là người lãnh đạo xã hội, nhưng cái mà quốc hội chờ đợi là thái độ tự nhận thức của chính phủ.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Mặc Lâm: Riêng về hoạt động chất vấn thì sao thưa ông? Nếu so với khóa trước thì khóa này số đại biểu chất vấn có nhiều hơn hay không và đặc biệt là sự chất vấn của họ có hiệu quả như thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Hoạt động chất vấn thì thẳng thắn, nói lên được vấn đề bức xúc của người dân và cũng không tránh né. Thế nhưng cái yếu của khóa 12 này là chất vấn hiệu lực nó không cao. Những vấn đề quan trọng của quốc gia thì nhiều. Cũng có những quyết định được tất cả hài lòng, cũng có những quyết định bấm nút xong nhiều người vẫn còn chưa hài lòng. Cũng có những quyết định có thể nói là phân vân. Thế thì đấy là kết quả hoạt động tôi cho là khóa 12 để lại dấu ấn cho người dân và Quốc hội tận tình với công việc của mình.

Mặc Lâm: Vừa qua Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đọc bản báo cáo trước cuộc họp thứ 9 của khóa 12 cho biết là Bộ Chính Trị quyết định không kỷ luật bất kỳ ai trong chính phủ trong vụ Vinashin. Ông là người phản biện mạnh mẽ nhất trước vụ này tại điễn đàn Quốc hội tháng 11 vừa qua, trước kết quả hoàn toàn trái với mong đợi này ông có cảm giác ra sao?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thì tôi nghĩ như thế này, bản báo cáo mà ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày là bản báo cáo bổ sung, trong đó thông báo về kiểm điểm trách nhiệm đối với Vinashin nhưng nội dung thông báo của ông Nguyễn Sinh Hùng lại nặng về thông báo kết luận của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam...theo tôi nếu có một kết luận như vậy thì tốt nhất Bộ chính trị xét thấy cần thông báo tới Quốc hội thì gửi văn bản thông báo tới quốc hội nơi có trách nhiệm cao nhất của các vị trong Bộ Chính Trị khóa trước tức là khóa 10. Thế còn thông báo qua chính phủ thì tôi nghĩ nó không hợp lý lắm.

Thứ hai nữa, cái mà quốc hội chờ đợi không phải là kết luận đó, mặc dù kết luận đó thì quan trọng. Theo hiến pháp Việt Nam thì Đảng là người lãnh đạo xã hội, nhưng cái mà quốc hội chờ đợi là thái độ tự nhận thức của chính phủ. Đấy mới là điều cần đặt ra. Nhiều khi có thể người ta không kỷ luật mình nhưng mình cũng phải tự nhận khuyết điểm của mình như thế thì tốt hơn.

Nghị quyết về tam nông

Mặc Lâm: Thưa ông nước ta là một nước nông nghiệp nhưng hình như Quốc hội chưa tận dụng hết quyền lực của mình để thiết lập những luật lệ về tam nông hầu giúp người nông dân có đời sống khá hơn, ông có thấy đây là điều cần phải làm nhiều hơn nữa hay không?

nmt-phaply.net.vn-250.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Photo courtesy of phaply.net.vn (Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Photo courtesy of phaply.net.vn)

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong thời gian vừa qua thì phía Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ cũng có những chủ trương về tam nông. Đã ra cái nghị quyết về tam nông và trong làm luật thì cũng đã có một số luật của quốc hội liên quan đến chuyện nông nghiệp nông thôn và nông dân ví dụ như nghị quyết chính sách thuế nông nghiệp.

Tuy nhiên tôi cho là tất cả những cái đó vẫn chưa đủ. Thực sự nông nghiệp của ta hiện nay thì năng suất hiệu quả nó cũng không cao. Nông thôn mới thì cũng đang hình thành thôi chứ chưa phải là rõ nét và đời sống của người nông dân thì còn rất nhiều cực nhọc. Thu nhập thấp và đặc biệt ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì người dân còn quá nhiều khó khăn.

Tôi nghĩ rằng trong những khóa tới thì quốc hội, chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để mà đưa đến chủ trương phát triển nông nghiệp nông thôn và đời sống người nông dân vào trong thực tế.

Mặc Lâm: Nói đến vấn đề ứng cử vào quốc hội thì dư luận nhận thấy ở Việt Nam vẫn còn đề cử một số lớn những vị đang lãnh trách nhiệm trong chính phủ lại kiêm luôn đại biểu quốc hội. Việc này vừa làm cho năng suất làm việc của họ khó thể trọn vẹn, hai nữa hành pháp mà tham gia làm việc trong tòa nhà lập pháp thì đâu còn tính độc lập cần thiết của một nền dân chủ?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Về tổ chức quốc hội thì mỗi nước một khác. Có nước thì các thành viên chính phủ buộc phải ở trong quốc hội, có nước thì không cho phép. Mỗi nước nó có cái lý của nó. Ở Việt Nam từ lâu nay mọi người đều nhận ra là việc các vị trong các cơ quan hành pháp và tư pháp, nhất là hành pháp, tham gia quốc hội nhiều thì cũng không có lợi vì các vị không có thời gian để mà toàn tâm toàn ý cho công việc của quốc hội. Thứ hai nữa đóng hai vai thì vừa đá bóng vừa làm trọng tài thì rất khó.

Trong những khóa tới thì quốc hội, chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để mà đưa đến chủ trương phát triển nông nghiệp nông thôn và đời sống người nông dân vào trong thực tế.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Chủ trương một hai khóa gần đây đã dần dần giảm bớt sự có mặt của các vị bên hành pháp. Tôi nhớ quốc hội khóa 12 này chỉ có 18 vị thôi. Thế nhưng mà cái số anh em lãnh đạo các tỉnh cũng làm công tác lãnh đạo đảng hoặc là lãnh đạo hành pháp thì tham gia hầu hết trong quốc hội. Có thể nói như thế thì rất khó cho các vị đó thực hiện cho vai trò của đại biểu quốc hội.

Tôi nghĩ dần dần mình cũng cần phải làm sao giảm bớt số lượng anh em hành pháp xuống nữa để tạo điều kiện cho chính các vị hoàn thành nhiệm vụ chính của mình. Đồng thời tính chất đại diện cho các tầng lớp nhân dân của quốc hội nó được tăng lên và có nhiều thời giờ hơn toàn tâm toàn ý cho công việc của quốc hội.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Theo dòng thời sự: