Sư cô Minh Nguyên với từ, bi, hỷ, xả

Nuôi dạy một người con đã khó, nên nuôi dạy hơn ba mươi người con còn khó khăn gấp bội.

0:00 / 0:00

Để vượt qua những khó khăn, sư cô Thích Nữ Minh Nguyên, trụ trì chùa Bửu Châu (Tp. Pleiku – Gia Lai) đã nuôi những đứa trẻ cơ nhỡ không phải bằng một cách thông thường mà nuôi bằng sự “từ, bi, hỷ, xả”.

Chăm sóc trẻ mồ côi...

Tiếng chuông chùa ngân vang từ chánh điện chùa Bửu Châu tôn nghiêm. Giữa cái tĩnh mịch chốn đại ngàn, tiếng chuông sau một hồi lan xa vang vọng lại sâu lắng như đánh thức từng ngọn cỏ làm và bừng tỉnh cả một vùng thị trấn nhỏ.

Chùa Bửu Châu nằm khiêm tốn nhưng không kém phần tôn nghiêm trên một khu đất nhỏ của phường Thống Nhất, Tp. Pleiku – Gia Lai. Khi tiếng chuông chùa vang lên vào lúc sáng sớm, cũng là lúc hiệu một ngày mới cho hơn 30 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ đang được trụ trì Thích Nữ Minh Nguyên nuôi dạy trong chùa.

Như một qui trình đã được cài đặt sẵn, hơn 30 đứa trẻ đầu để ba chỏm rời khỏi chiếc chăn ấm là tự tay làm vệ sinh cá nhân và bắt đầu quét dọn sân chùa. Nhưng quan trọng hơn hết, lũ trẻ này luôn bắt đầu một ngày mới bằng một lời cám ơn đấng thiêng liêng, cũng như không quên chào hỏi người mẹ đang nuôi nấng chúng bằng một lời tôn kính. Sư cô Minh Nguyên cũng bắt đầu một ngày mới bằng niềm hạnh phúc của một người mẹ hiểu được những đứa con của mình cần gì:

"Bản thân Sư cũng là trẻ mồ côi. Từ nhỏ Sư đã ở cô nhi và được Sư bà nuôi nên lớn lên cũng phát nguyện làm việc như thế. Nuôi các cháu rồi thì thương lắm. Bản thân mình từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm cha mẹ nên Sư rất thương các cháu. Nhà Phật nói rằng con người sống từ cái tình, cái dục. Cho nên con người sống bằng chất liệu tình cảm. Cho nên thấy các cháu bị bỏ rơi, Sư rất tội”.

Sư cô Minh Nguyên sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em trong đó sư cô là chị cả. Chính bản thân sư cô cũng không nhớ bốn chị em mới vài tuổi đầu đã trở thành mồ côi, phải vào sống ở cô nhi viện tại Tp. Quy Nhơn như thế nào. Sư cô chỉ biết rằng khi đất nước thống nhất, là cô nhi viện bắt đầu bị giải tán và sư cô được sư bà Thích nữ Hạnh Thiện, trụ trì chùa An Thạnh (Tp. Pleiku) mang về nuôi. Lúc đó sư cô vừa tròn 10 tuổi, một cái tuổi đủ lớn để biết đau xót khi lìa xa ba người em còn lại của mình và một cái tuổi biết tủi hờn khi thiếu vắng tình thương cha mẹ.

Bây giờ nhớ lại, chính sư cô cũng không giải thích được vì sao sư bà lại chọn nuôi mình, nhưng sư bà Thích nữ Hạnh Thiện thì vẫn còn nhớ như in ánh mắt đáng thương của Minh Nguyên ngày đó:

“Tôi thấy cô ấy có bốn chị em rất đáng thương nên nhận nuôi cô ấy”.

Sau khi theo sư bà về chùa An Thạnh sáu năm, sư cô Minh Nguyên phát tâm xuất gia theo Phật và biết rằng cuộc đời của bà là Phật pháp và từ bi. Tuy nhiên, chỉ có một điều mà cho đến bây giờ sư còn chưa biết là ba người em còn lại hiện thời đang trôi dạt phương nào.

Đối với người tu hành thì không phân biệt người thân người sơ gì cả. Thấy người ta là mình phải thương và thương bằng cả tấm lòng của mình trong bình đẳng. <br/>Sư cô Minh Nguyên

Gắn mình nơi cửa Phật, cầu an cho chúng sanh là cuộc sống của sư cô Minh Nguyên nhưng đáp trả lại cho đời cơ hội được sống mới là một tâm niệm được sư cô ấp ủ. Những năm tháng sống tại trại cô nhi và chùa An Thạnh, sư cô hiểu được cơ hội được làm người tốt và cái khát khao được một lần vuốt ve quan trọng như thế nào. Sư cô cũng hiểu rằng không ai không xứng đáng được yêu thương. Duyên cơ đến với sư cô Minh Nguyên sau khi tốt nghiệp Đại học Phật học Huế, cách đây hơn 10 năm và trở thành trụ trì tại chùa Bửu Châu. Sư bà Hạnh Thiện cho biết:

“Khi bắt đầu làm trụ trì thì Minh Nguyên thưa với tôi là cô muốn nuôi các cháu không cha không mẹ vì hoàn cảnh cô như thế nên cô thương những người đồng cảnh ngộ. Tôi nghe thì rất hoan hỷ. Hồi tôi mới đem Minh Nguyên về nuôi thì tôi phải nuôi đến 4 cháu trong thời kỳ bao cấp nên các cháu rất khó khăn. Nhưng chính vì trưởng thành trong sự khó khăn đó nên Minh Nguyên rất yêu thương những người có hoàn cảnh vất vả”.

... như một người mẹ

Sư cô Thích Nữ Minh Nguyên. Photo courtesy of daophatngaynay.com
Sư cô Thích Nữ Minh Nguyên. Photo courtesy of daophatngaynay.com (Sư cô Thích Nữ Minh Nguyên. Photo courtesy of daophatngaynay.com)

Từ hơn 10 năm nay, đã bao lớp trẻ em mồ côi, cơ nhỡ được sư cô nuôi nấng và dạy dỗ. Có em được sư cô nuôi ngay từ lúc còn đỏ hỏn. Có em được sư hứa nuôi ngay còn khi nằm trong bụng mẹ:

“Mỗi cháu mỗi cảnh, có cháu bố mẹ đem bỏ trong chùa. Có cháu bị bỏ nghĩa địa, có cháu bị bán tại bệnh viện được đạo hữu mua lại”.

Sư cô kể rằng, cho đến bây giờ sư cô đã nuôi nấng gần 20 trẻ từ lúc sơ sinh, bị vứt ngoài đường. Có lúc một đạo hữu đi chợ, ngang qua một góc vắng thấy một gói đồ động đậy nên mở ra xem thì thấy một đứa trẻ sơ sinh nằm ngậm ngón tay trong lớp quần áo cũ. Cũng có lúc những công nhân xây mộ tìm thấy trẻ sơ sinh bỏ hoang trong nghĩa trang. Cũng có lúc sư cô mở cửa chùa lúc sáng sớm đã thấy trẻ sơ sinh nằm khóc đòi sữa trước cổng chùa. Mới cách đây chưa tròn một năm, khi sư cô đang tụng kinh trên chánh điện, cũng có người bế con bỏ vào chùa rồi đi mất. Mỗi lần như thế, sư cô cũng chỉ mang vào nuôi nấng, xem như ý Trời mà chẳng màng với theo hỏi lai lịch đứa bé. Sư cô trải lòng, điều quan trọng là sư cô nuôi nấng các cháu như thế nào:

“Ở ngoài đời thì cha mẹ thương con, trước tiên thương người thân của mình trước rồi mới thương người ngoài. Còn đối với người tu hành thì không phân biệt người thân người sơ gì cả. Thấy người ta là mình phải thương và thương bằng cả tấm lòng của mình trong bình đẳng”.

Sư cô cho biết, Phật pháp vô biên và có lẽ mãi cho đến cuối đời cũng chưa làm hết được những gì Phật dạy. Tuy nhiên, “từ, bi, hỷ, xả” là một hạt giống trong tâm hồn mà sư cô luôn ươm mầm nuôi dưỡng. Đó cũng như là kim chỉ nam để sư cô không chỉ nuôi mà còn dạy cho các trẻ em nơi đây. Hiện tại, chùa Bửu Châu có hơn 30 trẻ đang trú ngụ nhưng sư cô chưa bao giờ quên tên hay sở thích của em nào.

“Từ, bi, hỷ, xả” – “tứ vô lượng tâm” của người nhà Phật như một nguồn nước mát được sư cô dùng tưới lên hạt giống tâm hồn mình và tâm hồn các con trẻ. Sư cô dùng dùng lời Phật để cảm hóa linh hồn các bé và dùng tình yêu của một người mẹ nuôi chính đứa con của mình để nuôi các trẻ em nơi đây. Các cháu nơi đây lớn nhất cũng mới học cấp hai, nhỏ nhất cũng chỉ chưa tròn một tuổi nên để có đủ thức ăn cho các cháu, đôi lúc sư cô phải bán thêm kinh sách và nhang đèn. Hằng tháng, sư cô cũng gói bánh chưng, bánh tét kiếm thêm tiền để các em được đến trường:

“Sư cũng cố gắng cho các cháu đi học. Em nào học được đến đại học thì Sư vẫn cho đi học. Em nào trí tuệ kém thì Sư cho học nghề sớm. Đến khi các em tự lo bản thân được thì có thể lập gia đình, sống cuộc sống riêng của các em. Em nào có ý thức xuất gia thì Sư cho xuất gia, còn nếu các em muốn sống cuộc đời bình thường thì cũng cho nó sống như vậy”.

Trái tim của người nhà Phật

Các chú tiểu mới vào chùa, ảnh minh họa. AFP photo
Các chú tiểu mới vào chùa, ảnh minh họa. AFP photo (Các chú tiểu mới vào chùa, ảnh minh họa. AFP photo)

Đối với sư cô, khó khăn nhất vẫn là vấn đề nuôi dạy các cháu. Có những cháu đến với Chùa khi đã lên năm, một cái tuổi đủ lớn để phản ứng lại khi không đồng ý. Tuy nhiên, sư cô chưa bao giờ thôi yêu thương con người:

“Chuyện đó thì có gì đâu mà mất kiên nhẫn, tánh tình các cháu thì mình biết chứ”.

Mặc dù các cháu đều để ba chỏm và tụng hai thời kinh mỗi ngày nhưng sư cô cho biết chuyện xuất gia phải là chọn lựa của các cháu. Sự giác ngộ và cái duyên không là một thứ vũ khí sắc bén nhưng có thể là chất kết dính tốt nhất có thể ràng buộc một con người. Dường như điều này đã ứng nghiệm đối với bản thân sư cô Minh Nguyên khi sư cô đến với “Từ, bi, hỷ, xả” bằng cả một dòng máu trong huyết quản một cách tự nhiên nhất. Nhiều người nghĩ rằng người nhà Phật không khóc và luôn giữ một trái tim vô ưu. Tuy nhiên, sư cô Minh Nguyên có một quan niệm khác:

“Chuyện đó (khóc) là không thể tránh khỏi. Người tu hành không phải là cây là đá. Mình chỉ có thể không có tình cảm riêng tư mà đó là một tình cảm bình đẳng. Không phải tu là để trở thành những người vô tri mà chỉ là để biết cách để nó không tổn thương, hay gây yếu đuối cho tâm trí”.

Sư cô kể rằng, nhiều lần bà phải khóc vì thấy những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi vào mùa đông. Trong cái lạnh cắt da của miền rừng núi, nhiều lúc ôm đứa trẻ vài ba ngày tuổi run bần bật, tím tái thịt da, lòng sư cô cứ như tan đi theo từng tiếng nấc của đứa trẻ. Những lúc như thế, sư cô chỉ biết ngoảnh đi lau nước mắt. Tuy nhiên, có những giọt nước mắt mà ni cô dù có lau khô, vẫn còn đau nhói trong lòng:

Người tu hành không phải là cây là đá. Mình chỉ có thể không có tình cảm riêng tư mà đó là một tình cảm bình đẳng. <br/>Sư cô Minh Nguyên

“Nuôi các cháu, khi các cháu trở về gia đình mà được đàng hoàng thì Sư rất mừng. Nhưng có nhiều cháu khi về gia đình lại sống không ổn định. Sư rất thương tâm. Sư cũng xót xa là nuôi cháu được vài năm nhưng chưa đến nơi đến chốn mà gia đình lại dẫn về thì cũng sống “lang bang” nên rất xót xa”.

Hồi kinh mà sư cô hay hướng dẫn các em tụng mỗi tối là kinh Tịnh độ, như một cách chúc phước cho những số phận cơ nhỡ. Tâm nguyện lớn nhất của sư cô Thích Nữ Minh Nguyên là nuôi dạy các cháu đến nơi đến chốn để họ có thể sống hạnh phúc.

Con người thường bắt đầu cuộc đời bằng một tiếng khóc cho thấy mấy ai thoát được khổ ải trầm luân. Tuy nhiên có lẽ điều đó không quan trọng bằng việc họ chọn lựa kết thúc cuộc sống của mình bằng điều gì. Và có lẽ vị sư đáng kính đã chọn sẽ một kết thúc cuộc sống của mình bằng một nụ cười.

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org.

Theo dòng thời sự: