Đảng là trên hết

0:00 / 0:00

Căng thẳng Việt Nam Trung Quốc chưa chấm dứt. Đảng cộng sản Việt Nam thì vẫn duy trì quan hệ mật thiết của họ với đảng cộng sản Trung Quốc, mà những mệnh lệnh gây hấn trên biển Đông, hay những lời nói trịch thượng từ giới ngoại giao Trung Quốc cũng phát xuất từ đảng cộng sản của nước này với tư cách một đảng cầm quyền. Mâu thuẫn này phải hiểu như thế nào?

Quan hệ giữa hai đảng

Theo truyền thông Việt Nam, ngày 30.6, tại Hà Nội, Tạp chí Mặt Trận, Viện Chính sách pháp luật và quản lý cùng các đối tác đã tổ chức hội thảo "Đa dạng hóa tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam". TS Nguyễn Anh Dũng từ Báo Nhân Dân của đảng cộng sản Việt Nam, cho biết:

“Có những vấn đề nhạy cảm mà phía VN và TQ từng thỏa thuận không đưa ra ở những diễn đàn chính thức. Ví dụ Nhân Dân nhật báo (cơ quan của BCH T.Ư Đảng Cộng sản TQ) không đăng tải thì Báo Nhân Dân của Việt Nam cũng không đăng.”

Chỉ có ở chế độ cộng sản thì mới có cái kiểu làm việc giữa hai đảng, nhượng bộ quyền lợi gì đó giữa hai đảng với nhau còn nhân dân thì chẳng có vai trò gì. <br/> -Hà Sĩ Phu

Phát biểu của Tiến sĩ Dũng chứng tỏ rằng quan hệ giữa hai quốc gia thực chất là quan hệ giữa hai đảng cộng sản với đại diện là hai tờ báo đảng lớn nhất nước. Lời “tiết lộ” này của ông Dũng hoàn toàn giống với nhận định của Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến trong nước:

“Chỉ có ở chế độ cộng sản thì mới có cái kiểu làm việc giữa hai đảng, nhượng bộ quyền lợi gì đó giữa hai đảng với nhau còn nhân dân thì chẳng có vai trò gì.”

Một quan sát từ bên ngoài Việt Nam của Tạp chí Jane’s Intelligence, số ra tháng cuối tháng năm đầu tháng sáu năm 2014, cho rằng những vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc trong vòng mấy năm gần đây, từ dự án bauxite ở Tây nguyên cho đến xung đột chủ quyền biển đảo ngoài biển Đông sẽ là một thách thức cho đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam về tính chính danh của nó.

Nhưng có vẻ như cuộc khủng hoảng chủ quyền quốc gia lớn nhất từ năm 1975 đến nay không làm thay đổi cái cách làm việc với nhau của hai đảng cộng sản.

Tạp chí Xây dựng đảng, trong ấn bản online ngày 28/6/2014, đưa tin một đoàn cán bộ cấp vụ dẫn đầu bởi Vụ trưởng vụ bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban tổ chức trung ương đảng cộng sản Việt Nam đi Trung Quốc nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm xây dựng đảng từ ngày 15 đến ngày 24/6/2014. Tức là đoàn cán bộ này lên đường sau khi giàn khoan của Trung Quốc đã kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau khi một chiếc tàu đánh cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc húc chìm vào ngày 26/5/2014. Những cán bộ cao cấp này không phải sang Trung Quốc để mang những phản đối ngoại giao, mà để học tập kinh nghiệm của những người đang ra lệnh tiến hành chiến dịch giàn khoan ngoài biển Đông.

TBT Nguyễn Phú Trọng gặp Ủy Viên Quốc Vụ TQ Dương Khiết Trì tại Hà Nội chiều 18/6/2014.
TBT Nguyễn Phú Trọng gặp Ủy Viên Quốc Vụ TQ Dương Khiết Trì tại Hà Nội chiều 18/6/2014. (AFP)

Sau khi biết được tin này, một cựu đảng viên hiện đang sống tại thành phố Nha Trang cười nói với chúng tôi

“Tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam từ trước đến nay rất mật thiết, họ giúp đỡ nhau trong việc xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ.”

Một cựu đảng viên khác tại TP HCM thì nói đây là một việc làm chẳng có ý nghĩa gì cho quốc gia cả.

Một người dân tại Kontum bình luận về những hành động của đảng cộng sản hiện nay:

"Không phải vô tình nữa, mà tất cả những việc làm của đảng cộng sản Việt Nam cho đến giờ phút này càng ngày càng lộ ra bộ mặt quyền lợi của đảng. Tôi thấy rõ ràng là càng ngày người ta càng tách rời ra khỏi dân tộc Việt Nam."

Chấn động địa cầu?

Ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, mới đây có nói trong cuộc gặp cử tri tại Hà nội rằng dù hữu nghị với Trung Quốc nhưng cũng phải gìn giữ chủ quyền. Việc lên tiếng sau một thời gian dài im lặng của ông Tổng bí thứ trước sự gây hấn của các đồng chí cùng lý tưởng của ông ở Bắc Kinh được giáo sư Trần Hữu Dũng, người thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế xã hội Việt Nam cho là một việc… chấn động địa cầu.

Không phải vô tình nữa, mà tất cả những việc làm của đảng cộng sản Việt Nam cho đến giờ phút này càng ngày càng lộ ra bộ mặt quyền lợi của đảng. <br/> -Một người dân

Tuy nhiên ngay trong buổi gặp gỡ cử tri này ông Trọng cũng nói rằng phải đấu tranh (?) toàn diện để bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Như vậy mục tiêu hàng đầu của ông vẫn là bảo vệ chế độ của đảng ông đang nắm quyền. Và người ta vẫn còn nhớ cách đây không lâu, hồi năm 2013 ông Trọng cũng có nói rằng:

“Hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ hai sau cương lĩnh Đảng. Đảng vẫn là số một.”

Trong khi đó, vào những năm 1990, đứng trước sự khủng hoảng kinh tế và chính trị của Nhật Bản, ông Koizumi Thủ tướng Nhật lúc ấy có nói rằng dù phải phá tan Đảng dân chủ tự do đang cầm quyền của ông để cứu nước Nhật thì cũng phải làm.

Trở lại với câu chuyện các đảng cộng sản làm việc với nhau, từ trước tới nay người ta biết được chuyện này trong một khái niệm gọi là tinh thần Quốc tế vô sản. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, sự đổi màu của chủ nghĩa cộng sản châu Á với màu sắc gọi là kinh tế thị trường, đã khiến cho nhiều người nghi ngại về cái gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản này.

Ngày 30/6/2014 Giáo sư mạch Quang Thắng, Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, trả lời báo điện tử Văn Hóa Nghệ An rằng:

“Làm gì có chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó là một giá trị xa xỉ.”

Ông cũng cho rằng câu nói kinh điển của phong trào cộng sản quốc tế: Bốn phương vô sản đều là anh em đã lỗi thời rồi.

Tuy nhiên ở cuối bài phỏng vấn, ông cũng hi vọng rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại của quốc gia thì rất cần năng lực và kỹ năng lắng nghe từ các cấp lãnh đạo. Và những người lãnh đạo mà ông Mạch Quang Thắng đang hy vọng đó cũng chính là những người vừa gửi đoàn cán bộ đảng cấp cao sang Bắc Kinh học hỏi.