Trong khi đó, đối với đại đa số dân chúng, hiến pháp cũng như tham gia vào quá trình phúc quyết hiến pháp là một việc gì đó rất xa vời. Vậy giữa hiến pháp và nhu cầu hằng ngày đó có mối liên hệ nào không ?
Kinh tế và hiến pháp
Trong lần tiếp xúc cử tri vừa qua, người dân đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình với các đại biểu quốc hội. Rất nhiều ý kiến được đưa ra cho đoàn đại biểu, hầu hết tập trung vào các đòi hỏi cấp thiết liên quan đến cuộc sống hằng ngày như yêu cầu nâng cấp đường xá hay hỗ trợ những vùng bị lũ lụt. Một số ý kiến có chiều sâu hơn đã đòi hỏi chính phủ giải quyết nạn tham nhũng cũng như công khai dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Câu hỏi đặt ra là, tại sao những bức xúc như thế ngày càng nhiều và chưa bao giờ được giải quyết triệt để?
Có ý kiến trả lời là đó chính vì cái gốc của vấn đề chưa được tháo gỡ. Gốc của vấn đề nằm ở bộ khung, một hệ thống chưa vững vàng và không chặt chẽ. Căn bản nhất là một hiến pháp chưa toàn diện vì không xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân. Ý kiến còn cho rằng hiến pháp vi hiến vì không được phúc quyết chính là mấu chốt làm nảy sinh các vấn đề khác.
Ít ai nghi ngờ rằng kinh tế và cấu trúc chính trị của xã hội có liên quan hỗ tương với nhau, xác định bản chất của những liên hệ này lại càng không phải là điều dễ làm”
Kinh tế gia Irwin Stelzer
Trao đổi với chúng tôi, giáo sư David Clair Williams, Giám đốc Trung tâm Dân chủ Lập hiến trường đại học Indiana University nói rằng người dân thường nhìn thấy sự việc qua nhu cầu hằng ngày, nhưng bản chất của vấn đề lại nằm trong cấu trúc hiến pháp. Ông nói:
“Thường thì người ta nghĩ về những nhu cầu cấp thiết như thức ăn hay công việc bởi vì những việc này ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Điều này cũng không có gì lạ, ngay cả đối với người dân nước Mỹ. Nhưng mà tôi tin rằng cái mà họ cần hiểu là cái gốc vấn đề lại nằm trong cấu trúc hiến pháp, và chỉ khi nào cấu trúc đó được giải quyết thì những vấn đề đó cũng được giải quyết”.
Không ai phủ nhận sự phát triển của nền kinh tế Mỹ hiện nay, nhưng ít ai ngờ rằng chỉ cách đây khoảng 120 năm, thu nhập bình quân đầu người của nước này còn thấp hơn cả Jordan ngày nay. Chính nền dân chủ đã lèo lái nước Mỹ đến sự thịnh vượng.
Hiến pháp như xương sườn của quốc gia, là cơ cấu căn bản của toàn xã hội. Nói như nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An, hiến pháp là “luật căn bản, luật gốc, luật mẹ, được quốc hội lập hiến thông qua và nhân dân phúc quyết”. Một hiến pháp toàn dân phải đảm bảo tự do dân chủ của nhân dân trong đó.
Không phải ai cũng nhìn thấy được mối quan hệ giữa tự do dân chủ và phát triển đất nước, đặc biệt đối với một quốc gia có tỉ lệ lạm phát cao và thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp so với thế giới. Tất cả những gì người dân nhìn thấy trước mắt là làm sao để có đủ tiền trang trải thức ăn, làm sao đủ tiền cho con đi học hay làm sao để mua được một chiếc xe tốt hơn để mưu sinh.
Thực tế hiện nay, người dân Việt Nam xa lạ và mơ hồ về hiến pháp. Do đó, họ quên hay không nhận ra rằng hiến pháp chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của họ. Và nguyên nhân chính của những vấn đề hằng ngày như một con phố ngập lụt, một làn dây điện giăng không đúng làm chết người hay một con đường bị đào bới triền miên, không gì khác hơn là một hệ thống không toàn diện.
Dễ dàng để có thể nhìn thấy rằng, thường người dân không quan tâm nhiều đến hệ thống vận hành của nhà nước và chỉ quan tâm đến pháp luật đủ cho nhu cầu hằng ngày của mình. Ví dụ, một bác xe ôm chỉ cần biết làm thế nào để đi đúng luật đi đường là đủ. Thế nhưng, điều chắc chắn là bác xe ôm vẫn muốn có thêm thu nhập và có cuộc sống thoải mái về vật chất.
Để thực hiện điều này, bác nghĩ mình nên kiếm một chiếc xe tốt hơn và phải chạy xe nhiều hơn. Thế nhưng có bao giờ bác tự hỏi “Nếu đường phố được đảm bảo chất lượng, nạn kẹt xe sẽ giảm đi rất nhiều rồi tôi sẽ có được nhiều thời gian để kiếm thêm khách?”. Và người dân hoàn toàn có thể bắt nhà nước làm điều đó, thông qua quyền dân chủ trong hiến pháp.
Irwin Stelzer, một kinh tế gia người Mỹ đã từng nhận định trong một bài viết về mối liên hệ giữa dân chủ, tư bản, thị trường tự do và phát triển kinh tế rằng: “Ít ai nghi ngờ rằng kinh tế và cấu trúc chính trị của xã hội có liên quan hỗ tương với nhau, xác định bản chất của những liên hệ này lại càng không phải là điều dễ làm”. Mặc dù nhận định này đã hơn một thập niên, nhưng giá trị của nó vẫn không hề thay đổi.
Dân chủ và hiến pháp
Nói chuyện với chúng tôi, Đại tá Phạm Xuân Phương, cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt nam với 63 năm tuổi đảng, người vừa có những ý kiến về quyền phúc quyết toàn dân trong thời gian gần đây. Ông cho biết hiến pháp và nhu cầu hằng ngày dĩ nhiên là liên quan trực tiếp với nhau. Ông nói:
“Tôi nghĩ là nó liên quan trực tiếp. Ngoài việc đây là để nhà nước hiểu được lòng dân, đây cũng là vấn đề để nâng cao dân trí, tập dượt cho người dân hiểu và nắm vững quyền công dân của mình, từ đó ứng xử với công việc hằng ngày kể cả công việc làm ăn của mình”.
Về vấn đề này, nguyên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An cũng cho rằng “chỉ có dân chủ tự do mới thật sự tạo điều kiện cho đất nước phát triển vững mạnh”. Nền tảng dân chủ, không đâu khác ngoài hiến pháp toàn dân.
Ông Nguyễn Văn An còn cho rằng để đổi mới và phát triển triệt để và toàn diện, nhà nước “Phải sữa lỗi hệ thống”. Cái hệ thống mà ông đề cập, chính là cấu trúc cồng kềnh trong bộ máy nhà nước; là sự không độc lập giữa lập pháp – hành pháp – tư pháp; và cũng chính là sự mất cân bằng giữa quyền làm chủ của nhân dân, quyền hạn của nguyên thủ quốc gia và vấn đề phân công kiểm soát quyền lực nhà nước. Để chỉnh sửa những điều này, đều phải bắt đầu từ hiến pháp.
Chỉ có dân chủ tự do mới thật sự tạo điều kiện cho đất nước phát triển vững mạnh.
CT Quốc hội Nguyễn Văn An
Nếu hỏi người dân Việt Nam có mong muốn phồn vinh cho chính bản thân và xã hội không, chắc chắn câu trả lời là “có”. Nhưng bắt đầu từ đâu thì có thể nhiều người chưa trả lời được. Yêu cầu cứu trợ, xây thêm đường xá hay minh bạch hóa thông tin chưa đủ để mang đến ấm no cho từng cá nhân. Vì nếu nó đủ, thì những vấn đề đất nước đã được giải quyết từ lâu. Thực tế, những kiến nghị hay yêu cầu đó chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Một ngôi nhà không có nền móng vững chắc, đó là một ngôi nhà có vấn đề và nguy cơ xảy ra rắc rối là điều tất yếu.
Người dân thấp cổ bé miệng không đủ ấm thì muốn áo, không đủ ăn thì đòi gạo. Họ có thể không nghĩ chỉ cần đảm bảo các yếu tố dân chủ, tự do trong hiến pháp, họ có thể mua được rất nhiều áo và gạo. Thế nhưng, đã là lãnh đạo thì phải biết nhìn xa trong rộng, phải biết vấn đề xuất phát từ đâu. Như thế mới xứng với tinh thần “Yêu nước thương dân và vì sự nghiệp phát triển đất nước”.