[ Nghe bài nàyOpens in new window ]
Một hoạt động đấu tranh cho môi trường quan trọng đã thắng lợi tại Việt Nam, và ý tưởng cùng hành động của những người chiến thắng thuộc về một hoạt động của xã hội dân sự đúng nghĩa. Kính Hòa trình bày.
Báo Người Lao Động Tp HCM số ra ngày 28/10 thông báo rằng Chính phủ Việt Nam đã chính thức loại bỏ hai dự án thủy điện trên sông Đồng Nai là Đồng Nai 6 và 6A, với lý do là hai dự án này tiềm ẩn những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và xã hội quá lớn. Trước đó, một tổ chức dân sự quốc tế là Mạng lưới sông ngòi quốc tế đã vui mừng báo tin hai dự án thủy điện nêu trên bị hủy bỏ. Vì nếu chúng được xây dựng thì các hồ chứa nước sẽ phá hủy 128 hectares rừng trong vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Và nếu rừng Nam Cát Tiên phị phá hủy thì vùng hạ lưu tức là vùng Đồng Nai, TP HCM sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Trong thực tế các dự án phát triển ở Việt Nam thường được tiến hành với một quyết tâm chính trị rất lớn của giới lãnh đạo, khi đã quyết định là phải tiến hành. Theo các chuyên gia thì các phản biện môi trường, xã hội, cũng có mặt dưới tên gọi là đánh giá tác động môi trường trong các qui trình thẩm định dự án, rất hiếm khi được sử dụng để dừng một dự án, ngay cả khi nó rất có hại cho môi trường và xã hội chăng nữa.
Các dự án nguy hại bị hủy bỏ
Thế nhưng Đồng nai 6 và 6A đã bị dừng lại.
Việc loại bỏ hai dự án này chính là kết quả làm việc không mệt mỏi của một cá nhân, rồi sau đó là một nhóm những người tình nguyện, đã cùng nhau lên tiếng. Đó là ông Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về rừng, và gắn bó rất nhiều với rừng quốc gia Nam Cát Tiên, nơi được xem là một trong sáu khu dự trữ sinh quyển lớn nhất hành tinh của con người.
Sau đó tôi bèn tập hợp những người ủng hộ tôi mỗi người chung sức chung tay, người thì xây trang web mang tên Cứu lấy nam cát Tiên, người thì hướng dẫn tôi làm bản kiến nghị. Chỉ 1 tháng sau khi đưa bản kiến nghị, chúng tôi đã thu thập được 4250 chữ ký
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói với chúng tôi,
“Khi tiếp cận hồ sơ của hai nhà máy thủy điện này tôi thấy nó không ổn về mặt kỹ thuật và môi trường. Sau khi chủ đầu tư nộp đánh giá tác động môi trường, tôi đã nhờ một số chuyên gia xem xét và họ cũng đồng ý với tôi. Nhưng tôi không ngờ là sự thể rất phức tạp nên tôi đã phải viết một bức thư kêu cứu đến Thủ tướng, kêu gọi Thủ tướng cứu xét vì e rằng các bộ ngành và địa phương tham mưu không đúng cho Thủ tướng.
Tháng bảy 2011 tôi gửi bức thư thì may mắn là các báo đã đưa tin. Điều đó đánh động nên một phong trào rất mạnh. Rất nhiều người đã liên lạc với tôi với mong muốn ủng hộ.
Sau đó chủ đầu tư tiếp tục nộp đánh giá tác động môi trường có chỉ sửa. Tôi thấy không ổn nên tiếp tục gửi thư đến Chủ tịch nước. Sau đó tôi bèn tập hợp những người ủng hộ tôi mỗi người chung sức chung tay, người thì xây trang web mang tên Cứu lấy nam cát Tiên, người thì hướng dẫn tôi làm bản kiến nghị. Chỉ 1 tháng sau khi đưa bản kiến nghị, chúng tôi đã thu thập được 4250 chữ ký.”
Hoạt động mang tính chất dân sự này của nhóm Cứu lấy Nam Cát Tiên đã mang đến nhiều ảnh hưởng. Vào tháng Năm 2013, tổ chức UNESCO đã từ chối trao danh hiệu Di sản thiên nhiên cho Nam Cát tiên, vì hai con đập thủy điện này sẽ làm tổn hại đến khu Bàu sấu được xếp loại Ramsar, tức là một kiểu vùng đất ngập nước cần phải được bảo vệ. Và kết quả cuối cùng như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, hai dự án đã bị chính phủ Việt nam chính thức hủy bỏ.
Nhóm lợi ích thì ở quốc gia nào cũng có, nhưng ở Việt nam thì nó thao túng quá. Ở những nước phát triển thì người ta có hệ thống pháp luật dày đặc, rồi có tự do ngôn luận, người này hay người kia thấy cái sai mà nói lên, khi có luật pháp và tự do ngôn luận thì nó sẽ bị đẩy lùi
giáo sư Nguyễn Thế Hùng
Để có thành quả này Nguyễn Huỳnh Thuật đã bị kỷ luật và không còn làm việc ở Nam cát tiên nữa, nơi anh rất yêu quý và đã giữ gìn được nó cho các thế hệ mai sau.
Đây có lẽ là thành quả to lớn đầu tiên của những hoạt động dân sự tại Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường.
Mối lo ngại về xã hội dân sự?
Song các hoạt động dân sự như vậy ở Việt nam không hề dễ dàng. Cách đây vài năm, trang mạng bauxite Việt nam được một số trí thức lập ra để phản biện dự án khai thác bauxite được cho là tổn hại nghiêm trọng đến môi trường của quốc gia. Hoạt động này đôi khi bị truyền thông của nhà nước chỉ trích. Một sự lo sợ về hoạt động dân sự vẫn tồn tại.
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, một trong những người thành lập trang Bauxite, và là một trong những nhân sĩ đầu tiên ký tên ủng hộ ông Nguyễn Huỳnh Thuật trong việc vận động bảo vệ Nam Cát Tiên, nói với chúng tôi về sự lo ngại xã hội dân sự của nhà cầm quyền,
“Họ luôn luôn lo ngại, những gì không nằm trong tầm tay của họ thì họ lo ngại dù nó có lợi cho đất nước đi nữa.Đó là cái kiểu của họ.”
Người dân đang rất bất an, thậm chí nhiều đại biểu quốc hội cũng đã nói điều đó trên các diễn đàn chính thống rằng người dân không còn niềm tin nữa
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật
Sự có lợi cho đất nước mà giáo sư Nguyễn Thế Hùng đề cập chính là khả năng của những hoạt động dân sự làm minh bạch hóa xã hội, đẩy lùi các nhóm lợi ích đã trở nên rất mạnh trong những năm qua sau cuộc hôn nhân đầy sóng gió giữa độc quyền chính trị của đảng cộng sản và nền kinh tế thị trường. Giáo sư Hùng nói tiếp,
“Nhóm lợi ích ở Việt Nam rất thao túng, tôi cũng biết rõ việc đó trong các công trình thủy điện thủy lợi miền Trung vì tôi có nhiều học trò cũng như bạn bè từ Đại học Bác khoa Đà Nẵng. Nhóm lợi ích thì ở quốc gia nào cũng có, nhưng ở Việt nam thì nó thao túng quá. Ở những nước phát triển thì người ta có hệ thống pháp luật dày đặc, rồi có tự do ngôn luận, người này hay người kia thấy cái sai mà nói lên, khi có luật pháp và tự do ngôn luận thì nó sẽ bị đẩy lùi.”
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Thạch, người phát động phong trào sách hóa nông thôn, một hoạt động dân sự, đã đạt được những thành công bước đầu, nói với chúng tôi rằng xã hội dân sự là mô hình duy nhất để phát triển. Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cũng cho rằng việc đó là vô cùng cần thiết hiện nay,
“Người dân đang rất bất an, thậm chí nhiều đại biểu quốc hội cũng đã nói điều đó trên các diễn đàn chính thống rằng người dân không còn niềm tin nữa. Các hoạt động dân sự với những người có tâm huyết có thể bù đắp được những khiếm khuyết của nhà nước, những nơi mà nhà lãnh đạo không quan tâm tới được.”
Cho đến hiện nay, luật định về tổ chức lập hội của Việt nam vẫn còn nằm trong ngăn kéo của những người có quyền quyết định ở đất nước này. Điều luật này sẽ là điều kiện cần để thúc đẩy các hoạt động dân sự thông qua các hội. Nhưng có vẻ nỗi lo sợ về những gì mình không kiểm soát được vẫn ám ảnh nhà cầm quyền. Và nhóm Cứu lấy Nam Cát Tiên, dù đã đạt được nhiều thành công trong việc giáo dục ý thức môi trường cho cộng đồng, loại bỏ được một mối nguy hại lớn cho môi trường sinh sống của hàng chục triệu người, vẫn là một tổ chức chưa được công nhận.