Tiếng chuông cảnh báo

Sinh trưởng ở Hoa Kỳ, tốt nghiệp đại học Yale, nhà phân tích, chuyên gia tài chính Charlene Chu của công ty Fitch làm việc ở Bắc Kinh đã cảnh báo sự sụp đổ về tài chính của Trung Quốc từ năm 2009.

Tiếng chuông cảnh báo

Năm ngoái, bà nói Trung Quốc sẽ phải đối đầu với cuộc khủng hoảng nợ sau khi tiền cho vay tăng đến gấp đôi tổng sản lượng nội địa. Nhà chiến lược toàn cầu về tài chính Albert Edwards của công ty tài chính ngân hàng đa quốc Société Général SA tại Paris gọi bà là "nữ anh hùng", đáng được thưởng huân chương danh dự nhờ dự báo về bong bóng kinh tế tài chính Trung Quốc.

Công trình xẩy dựng ở Bắc Kinh - Courtesy of thirdage.com
Công trình xẩy dựng ở Bắc Kinh - Courtesy of thirdage.com (Courtesy of thirdage.com)

Cảnh báo này của bà khiến công ty Fitch hồi tháng tư, 2013, hạ thấp điểm đánh giá những món nợ dài hạn tại Trung Quốc bằng tiền địa phương. Đó là lần đầu tiên một trong ba công ty lượng giá tài chính hàng đầu thế giới hạ điểm Trung Quốc.

Bị những nhân vật chóp bu về tài chính của Trung Quốc ghét bỏ, vì đã nhiều lần nói đến thực tế Trung Quốc đang lâm vào trạng huống bành trướng nợ nần đáng ngại, nhưng bà Chu vẫn ca ngợi Trung Quốc đã để bà được tự do phát biểu một quan điểm khá tiêu cực cho xứ này.

Bà mới nghỉ việc tại Fitch hôm 14 tháng 1, sau 8 năm làm việc, và được mời làm chuyên gia cho công ty Autonomous nghiên cứu về ngân hàng. Bà cho biết không có áp lực nào từ phía Trung Quốc cũng như từ Fitch khiến bà nghỉ việc.

Hệ thống "cái bóng"

Charlene Chu đã giải thích về sự hình thành ở Trung Quốc một ngành công nghiệp ngân hàng trong bóng tối, tạm gọi là hệ thống ngân hàng "đen", là cơ chế ngầm mà ngày nay phải chịu trách nhiệm về những số nợ khổng lồ của hệ thống ngân hàng chính thức của Nhà nước Bắc Kinh.

Đúng như bà trình bày trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5, sang tháng 6 Trung Quốc đã lung lay vì nợ xấu khi tổng nợ từ các ngân hàng và các cơ sở tài chính lên đến 198% GDP, so với 125% hồi năm 2011.

Từ năm 2011 công ty Fitch đã bắt đầu tính toán tổng nợ của nền kinh tế bằng cách cộng các tài sản ngoài kế toán chi thu như thư tín dụng, món tài trợ ngoài ngân hàng cùng nợ của các ngân hàng nước ngoài, để tìm ra mọi hình thức tài chính trong nền kinh tế do ngân hàng trung ương công bố.

Lên tiếng lần đầu tiên từ khi về làm việc cho Autonomous, Charlene Chu nói bà biết chắc rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc phải sụp đổ.

"Khu vực ngân hàng đã bành trướng ra thêm từ 14 ngàn tỉ tới 15 ngàn tỉ đô la trong khoảng thời gian 5 năm. Trung Quốc không cách nào tránh khỏi những khó khăn khổng lồ".

Đằng sau những khó khăn đó là một loạt những trở ngại về các quỹ tín thác, những công trình quản lý tài chánh, và nợ ngoại tệ tăng vọt dù chính phủ có nhiều nỗ lực hạn chế sự vay mượn của các ngân hàng lớn.

Những cảnh báo này của bà Chu lại chứng tỏ hiệu nghiệm trong mấy tuần nay khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) không có tiền trả gần 500 triệu đô la cho một quỹ tín thác đã cam kết. Sự kiện này làm nảy ra mối lo sẽ xảy ra tình trạng ngân hàng vỡ nợ như tại Mỹ trong cuộc khủng hoảng tín dụng 2007.

Vụ bội tín của ICBC dường như đã được giải quyết, nhưng nhà phân tích Charlene Chu nói chắc rằng mối liên hệ giữa hệ thống ngân hàng chính thức và hệ thống "đen" sau lưng nó vẫn là một mối nguy.

Bà thường xuyên nhấn mạnh quan điểm mà giới kinh tế gia và giới học thuật Trung Quốc gạt bỏ, rằng các ngân hàng Trung Quốc thường dính líu đến những thương vụ "sau hậu trường" trong nhiều vụ làm ăn "đen" như vậy. Các viên chức và chuyên gia Trung Quốc nói ngược lại, khu vực ngân hàng "đen" với hệ thống ngân hàng chính thức hoàn toàn tách biệt, nếu hệ thống "đen" có sụp đổ cũng không thành vấn đề.

Bà bác bỏ quan niệm đó, vì vụ ICBC vừa nói là một bằng chứng rõ ràng là đã có mối liên hệ chằng chịt giữa hai hệ thống ngầm và chính thức. Nhiều người thấy yên tâm khi khối ngoại tệ dự trữ, ước đoán gần 4 ngàn tỉ đô la, sẽ được dùng để cứu nguy một khi hệ thống tài chính gặp khủng hoảng. Nhưng bà Chu cho rằng đó chỉ là ý mong cho mọi sự tốt lành, vì khối ngoại tệ dự trữ không thể được sử dụng tới mức người ta tưởng, lý do là nó phải được ngân hàng trung ương bù đắp. Khi nhìn vào bảng cân bằng tài chính của ngân hàng người ta không thể đem hết phía "sở hữu" tức là vốn liếng tài sản để yểm trợ cho quỹ dự trữ, mà không lưu ý đến phía "nợ nần" là trách nhiệm tài chánh của ngân hàng.

Những buiding đón chờ các nhà đầu tư Âu Mỹ- Courtesy of dreamstimes.com
Những buiding đón chờ các nhà đầu tư Âu Mỹ- Courtesy of dreamstimes.com (ourtesy of dreamstimes.com)

Khác với phương Tây

Tuy nhiên, trong khi bà nói là không biết quyền hạn của nhà cầm quyền tới đâu trong việc ném tiền ra giải quyết vấn đề, bà cũng cho rằng có nhiều lý do khiến cuộc khủng hoảng của Trung Quốc diễn ra khác với những gì được thấy ở phương Tây. Ở phương Tây các lực thị trường được tung hết khả năng vào trận đồ "nợ nần vay trả trả vay", nhưng ở Trung Quốc có chính quyền can thiệp, và những vụ vỡ nợ được cô lập trong một thời gian, để coi nó như một sự kiện riêng rẽ không lặp lại. Tuy nhiên câu hỏi sinh tử là liệu vào lúc nào những cái gọi là "sự kiện cá biệt" ấy kéo nhau trở thành một làn sóng vỡ nợ? Khi đó chính quyền không thể đối phó theo cách họ giải quyết một sự kiện riêng lẻ.

Tuy chuyên gia Charlene Chu ca ngợi Trung Quốc đã để bà được tự do bày tỏ ý kiến, những nhận xét của bà Chu thực ra đã không gây chút thiện cảm nào với các ngân hàng và công ty tài chính Bắc Kinh, chỉ gây khó khăn thêm cho bà và công ty Fitch. Bà khó tìm ra những thông tin về những dữ kiện bên trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, nhưng không phải tỏ ra ”biết ơn" sự "chiếu cố " của đảng Cộng Sản càng giúp sự phân tích của bà công bằng, vô tư hơn.

Thêm vào đó, bà cho biết vị trí "đứng bên ngoài" khiến bà ít đau lòng hơn là thấy hết những gì đang diễn tiến trên xứ sở này. Vị trí đó khiến bà đi chu du nhiều nơi để kiểm tra sớm nhất công tác xây dựng những "thành phố ma" mà công ty xây dựng khai là đã có 100% người sử dụng. Thực ra các kiến trúc ấy gần như bị bỏ hoang, chỉ có mặt những toán nhân viên bảo trì cùng một số gọi là những doanh nhân nản lòng thoái chí.

Bà nói điều quái lạ là những kiến trúc mới gần như hoàn toàn trống trải nhưng đều có người đã mua hết. Cảnh trạng chứa đựng nhiều mâu thuẫn, nhưng một số lượng đáng kể những tòa bất động sản đã được kiến tạo trong mấy năm qua, trong khi nhiều dự án như vậy vẫn được tiến hành. Điều này là lý do chắc chắn gây lo ngại về bong bóng bất động sản. Trái bong bóng nổ bùng sẽ để lại một nước Trung Hoa rất khác lạ, và đó là nền kinh tế sau khi bùng phát khủng hoảng đáng lo ngại nhất.

Phương Tây có thể áp dụng một loạt biện pháp ngay lúc nghiêng nghiêng khởi sự sụp đổ, nhưng Trung Quốc khó lòng chịu nổi đà tăng trưởng chậm lại , như một nền kinh tế "đi xe đạp" thường được nói tới, hễ chậm quá, muốn dừng lại là đổ nhào.

Ảnh hưởng quốc tế

Những building bỏ trống ở Thượng Hải - Courtesy of chinasnippets.com
Những building bỏ trống ở Thượng Hải - Courtesy of chinasnippets.com (Courtesy of chinasnippets.com)

Theo bà Chu, nền kinh tế xứ này là một thị trường phát triển với một mạng lưới an sinh xã hội rất chắc chắn. Nếu lãnh vực tài chính gặp vấn đề, mức tăng trưởng sẽ phải chậm lại nhiều trong một thời gian dài, và đó là lúc khủng hoảng. Nhiều nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nhận thức được cuộc chơi "đánh đu với tinh" như hiện nay, nhưng với nền kinh tế và chính trị lệ thuộc vào đà tăng trưởng 7%, họ vẫn chưa thể có quyết tâm giựt bỏ mâm cơm an sinh xã hội. Vấn đề chính ở chỗ đó. Cuộc khủng hoảng tệ hại, và để cho tình trạng kéo dài chỉ khiến hậu quả tệ hại hơn, nhất là đối với cả hệ thống tài chính quốc tế.

Them vào đó là vấn đề giới kinh doanh nội địa Trung Quốc vay mượn ngoại tệ. Thẩm quyền tài chính Hồng Kông cho biết ngoại tệ chảy vào Trung Quốc đã tăng gấp hơn 4 lần trong ba năm qua, vượt quá ngưỡng 1 ngàn tỉ đô la.

Chính vì thế khi gánh nợ càng kéo dài, phần thua thiệt của quốc tế càng gia tăng. Trung Quốc còn ổn định ngày nào là nhờ ngày đó còn it lệ thuộc vào nguồn ngoại tệ bên ngoài. Khi trạng thái thay đổi, tình hình càng thêm bấp bênh, giới đầu tư sẽ mất đi khẩu vị về thị trường Trung Quốc như trước đây.

Các nhà đầu tư không thể lơ là trước những vấn đề ngày càng trầm trọng của hệ thống tài chính Trung Quốc. Họ đã bắt đầu rất thận trọng khi mở túi tiền bỏ vào nền kinh tế thứ nhì thế giới này. Và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa tuyên bố Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên đẻ trở thành nơi thu hút đầu tư đứng đầu thế giới.