Theo kế hoạch thì vào ngày mai, 2 tháng 4 năm 2013, Tòa án Hải Phòng bắt đầu xét xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn gồm Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Vệ về tội danh “giết người” vốn quy định mức án cao nhất là 20 năm tù; xét xử bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn), bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) tội danh “chống người thi hành công vụ” có mức án cao nhất là 7 năm tù.
"Vừa đá bóng vừa thổi còi"
Trong “biến cố Tiên Lãng”, khi các quan chức Hải Phòng “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì công luận có thể hình dung số phận của gia đình Đoàn Văn Vươn ra sao qua phiên toà mà công luận lại nghi ngại có “án bỏ túi”; nếu nói theo lời của cựu Hội thẩm Nhân dân Võ Văn Tạo thuộc Toà án TP Nha Trang, thì “Không cần phải thông minh mới hiểu, lãnh đạo Hải Phòng muốn kết tội anh em ông Vươn thật nặng, hy vọng công luận ‘thông cảm’ cho sai trái của Hải Phòng”.
Nhưng bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn, tiếp tục khẳng định:
Đến giờ phút này gia đình chúng tôi vẫn giữ nguyên một quan điểm là không có tội và tất cả hành động chỉ là để bảo vệ tài sản của gia đình mình. Đúng theo như lời bác Hồ nói là giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, và họ chính là những người đến cướp đất của chúng tôi và việc chống trả của gia đình chúng tôi là rất bình thường. Nếu rơi vào bất kỳ người dân nào thì họ cũng sẽ hành động như vậy.
Qua bài “Âm vang tiếng súng Đoàn Văn Vươn”, blogger Phạm Đình Trọng nhận xét rằng “ Người dân phập phồng lo lắng cho số phận người hùng mở đất Đoàn Văn Vươn trước sự xét xử của pháp luật, nhưng người dân cũng chờ đợi phán quyết của pháp luật, của cơ quan tổ chức cán bộ, của cơ quan kiểm tra đảng đối với những ông quan cai trị dân nhưng ngày càng xa dân, ngày càng đối lập với dân”.
Nếu ngay khi dân oan Đoàn Văn Vươn cùng gia đình lâm nạn, nguyên bí thư đảng uỷ Phạm Văn Doanh tại địa phương của ông Vươn là xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) nêu lên câu hỏi rằng do đâu mà một người thừa bản lĩnh, thừa quyết tâm, nghị lực và niềm tin, thừa cả sự khôn ngoan vì chiến thắng “Thần Biển” như Đoàn Văn Vươn lại vướng vòng lao lý, thì GS Hoàng Xuân Phú, qua bài “Nhân vụ Tiên lãng bàn về công vụ” cũng nêu lên nghi vấn rằng “ Vì sao lại có kết cục bi thảm như vậy ?”. Và GS Hoàng Xuân Phú cảnh báo “ Sẽ còn bi thảm hơn nếu những người cầm quyền không rút ra bài học hợp lý để xử lý đúng vụ này”.
Tha hóa trong quản lý đất đai
Blogger Osin Huy Đức đề cập tới “tiếng vang” của “quả bom Đoàn Văn Vươn”, lưu ý rằng “Vụ nổ không chỉ gây rúng động nhân tâm mà còn giúp nhìn thấy căn nguyên các xung đột về đất đai. Quyền sở hữu nói là của ‘toàn dân’, trên thực tế,
Sau “trái bom Đoàn Văn Vươn”, chúng ta biết, khu đất đầm mà anh có không phải là đất được nhà nước giao mà là đất do gia đình anh phải lấn biển, khai hoang. Suốt 5 năm “trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya”, biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài hai cây số, tạo nên bãi bồi màu mỡ và một khu đầm nuôi tôm cá rộng gần 40 hecta. Cũng nơi đây, anh Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì khi cha mẹ mải làm, con gái của anh đã rơi xuống cống.
Đừng nói chuyện thu hồi, lẽ ra chính quyền Tiên Lãng phải xấu hổ khi ký quyết định giao cho anh Vươn phần đất của chính anh, phần đất mà anh Vươn đã phải gắn bó suốt 20 năm, đã đổ cả mồ hôi và máu. Nếu như, quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, thì cách khai hoang, lấn biển của gia đình anh Vươn phải được coi như một hình thức thụ đắc ruộng đất mà từ xa xưa cha ông ta đã áp dụng cho người dân để ngày nay Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau.
Trong bài “Âm vang tiếng súng Đoàn Văn Vươn” vừa nói, blogger Phạm Đình Trọng cũng không quên lưu ý rằng tiếng súng Đoàn Văn Vươn phản kháng quyền lực Nhà nước chỉ là cái ngọn, còn cái gốc chính là luật đất đai đã tước đoạt quyền làm chủ của người nông dân trên mảnh đất của chính họ. Rồi đại tá Phạm Đình Trọng phân tích về “cái gốc” này:
Cái gốc là sự tha hóa, sự xa dân đến mức đối lập lợi ích với dân, sự lợi dụng quyền đại diện Nhà nước quản lý đất đai nhưng ứng xử với đất đai không vì lợi ích Nhà nước, không vì lợi ích toàn dân mà chỉ vì lợi ích của cá nhân và phe nhóm. Sự tha hóa của quan chức đại diện Nhà nước quản lý đất đai đã xuất hiện ở mọi miền đất nước tạo nên dòng người dân mất đất cầm đơn đi khiếu kiện nối dài trong thời gian. Nhưng sự tha hóa của quan chức trong quản lý đất đai như được dung túng. Chưa có nỗi oan khuất mất đất đai của dân nào được giải quyết thỏa đáng, chưa có sự tha hóa nào của quan chức trong quản lý đất đai được nghiêm trị và sự tha hóa cứ lan rộng, kéo dài. Trong xử lý đất đai ở bãi biển xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có yếu tố của sự tha hóa đó.
Đừng nói chuyện thu hồi, lẽ ra chính quyền Tiên Lãng phải xấu hổ khi ký quyết định giao cho anh Vươn phần đất của chính anh, phần đất mà anh Vươn đã phải gắn bó suốt 20 năm, đã đổ cả mồ hôi và máu. <br/>-Blogger Osin Huy Đức <br/> <br/>
Dù Đoàn Văn Vươn không trực tiếp cầm súng hoa cải nhưng, theo blogger Phạm Đình Trọng, Đoàn Văn Vươn là “thủ lĩnh, là linh hồn, là người tiêu biểu cho ý chí lấn biển, mở cõi, mở mang đất sống cho gia đình, cho quê hương và cho đất nước”. Hay nói tổng quát hơn về xã hội VN ngày nay, thì “Tiếng súng Đoàn Văn Vươn là sự bùng nổ của mâu thuẫn đang chứa chất ở nhiều nơi trong xã hội ta hôm nay, mâu thuẫn giữa người nông dân lao động trên mảnh đất mồ hôi xương máu của họ với hệ thống quyền lực nhân danh Nhà nước quản lý mảnh đất đó”.
Khi đề cập đến nhóm “cường hào đỏ” qua vụ Đoàn Văn Vươn, blogger Nguyễn Nghĩa cho rằng ông Vươn tiêu biểu cho thế hệ VN mới “dám nghĩ bằng kiến thức tiên tiến, dám mạo hiểm bằng niềm tin mãnh liệt của bản thân” – đặc điểm của những người thành công nhất thế giới như Bill Gates, Steve Jobs, Michael Dell…
Dồn dân vào bước đường cùng
Qua bài “Nhóm cường hào cộng sản qua vụ Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, Hải Phòng”, blogger Nguyễn Nghĩa so sánh anh hùng Đoàn Văn Vươn với các "đại gia đỏ" của thời cộng sản hậu tem phiếu này khi các đại gia đều móc ngoặc với chính quyền, đều làm giàu một cách mờ ám, bất chính và không bao giờ dám công khai tài sản. Sau khi chiến thắng thiên nhiên biển cả hùng vĩ, Đoàn Văn Vươn cùng gia đình lại đành thúc thủ trước “cường hào đỏ” mà tác giả Nguyễn Nghĩa cho là “mất tính người” khi anh cùng nhiều người thân lâm vòng lao lý, gia đình tan nát, nhà cửa bị bình địa, đầm thuỷ sản bị niêm phong, cá tôm bị “xã hội đen cấu kết với chính quyền” hôi sạch…Nhưng blogger Nguyễn Nghĩa khẳng định:
Anh Đoàn Văn Vươn đã hành động đúng… Anh Vươn đã thực hiện quyền thiêng liêng nhất mà bất cứ 1 người nào sinh ra trên quả đất này đều có quyền được hưởng: quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc cho mình, quyền được bảo vệ mồ hôi nước mắt mà mình đã đổ ra. Anh Vươn là anh hùng trong lòng tôi.
Qua bài “Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ”, GS Hoàng Xuân Phú lưu ý hai tiếng “công vụ” cứ lặp đi lặp lại, “vang lên tiếng chuông dồn dập trong buổi chiều tà, khi cái ác hoành hành nhân danh công vụ để ức hiếp dân lành, khiến tâm hồn bất an, lương tri bứt rứt”; và sau khi giải thích ý nghĩa đích thực của “công vụ”, thì GS Hoàng Xuân Phú nhấn mạnh rằng vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng vi phạm tất cả những tiêu chí liên quan, nên, theo ông, không thể xem là một “công vụ theo nghĩa tử tế”.
Hành động sai trái ấy khiến giới cầm quyền phải chọn lựa, thứ nhất, là nếu coi đó là công vụ thì sẽ phải trả lời nhân dân câu hỏi “Tại sao chính quyền này lại có loại công vụ tệ hại, ức hiếp người dân như vậy?”; thứ hai, nếu không coi đó là một công vụ thì có nghĩa là không thể buộc cho ông Đoàn Văn Vươn cùng người thân tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”, mà thay vì thế, phải “nghiêm trị những kẻ mạo danh công vụ để trục lợi, hại dân và bôi nhọ công vụ”.
GS Hoàng Xuân Phú chắc hẳn không quên nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý trong “biến cố Đoàn Văn Vươn” mà ông cho là còn “cao hơn cả pháp luật, bền hơn cả chế độ” khi “ Đất đã giao cho dân sử dụng bao nhiêu năm nay, dân đã đổ biết bao công sức và tiền của để cải tạo và gây dựng, bây giờ chính quyền thu hồi mà không bồi thường, rồi giao cho cá nhân khác, thì chẳng đạo lý nào chấp nhận được”. Giáo sư Hoàng Xuân Phú kết luận:
Anh Đoàn Văn Vươn đã hành động đúng… Anh Vươn đã thực hiện quyền thiêng liêng nhất mà bất cứ 1 người nào sinh ra trên quả đất này đều có quyền được hưởng: quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc... <br/>-Blogger Nguyễn Nghĩa <br/>
Tiếng nổ đã phát ra, không thu lại được nữa. Vấn đề còn lại chỉ là đánh giá và xử lý như thế nào? Nếu cương quyết trừng trị bọn lộng hành, tham nhũng và trả lại công bằng cho người dân, thì mới hy vọng khôi phục được niềm tin của nhân dân và sự bình yên của xã hội. Nếu tiếp tục lấp liếm, xử lý một cách thiên vị cho phía công quyền và dồn tội lên đầu nạn nhân, thì sẽ góp phần đẩy đất nước vào một chu kỳ loạn lạc. Bức xúc dồn nén khắp nơi, có lẽ đã ở mức tới hạn của phản ứng dây chuyền. Tiếng nổ ở Tiên Lãng ngày 5/1/2012 chỉ dừng lại ở vai trò cảnh tỉnh để phục hồi công bằng và luân lý, hay sẽ trở thành tiếng nổ khởi đầu cho loạt nổ lan rộng tiếp theo, điều đó phụ thuộc vào cách xử lý của những người cầm quyền đối với vụ Tiên Lãng.
Nhân dân oan Đoàn Văn Vươn cùng người thân bị đưa ra toà án Hải Phòng về tội gọi là “giết người” và “chống người thi hành công vụ” phát xuất từ một công vụ sai, nhà thơ Trần Mạnh Hải cảm tác bài “Gió Tiên Lãng” với những vần thơ:
lần đầu trong thời cộng sản
một người nông dân
bắn vào chính quyền
đã chiến thắng
Đoàn Văn Vươn
gió Tiên Lãng thổi anh ra khắp nước
lấy mạng sống giữ ruộng vườn
khi chính quyền thành bọn cướp
từ thân phận con lươn
anh nổ súng trước
để được làm con người
đất của dân máu và nước mắt
sao cướp ngày đến cướp mồ hôi?
…
Đoàn Văn Vươn
anh phải bắn để còn chân lý
chứng tỏ mình còn là người
khi lòng dân biến thành vũ khí
chính quyền sao nhốt được gió trời?
Đoàn Văn Vươn
không ai nhốt được lịch sử
không ai bỏ tù được quê hương
gió Tiên Lãng dựng biển bờm sư tử
gió hoa cà hoa cải gió tình thương…