Các tổ chức chính trị-xã hội: cần thiết bỏ biên chế hay không?

0:00 / 0:00

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận vừa đưa ra kiến nghị cần bỏ biên chế đối với các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội dân sự trong chủ trương tinh giảm biên chế của Chính phủ Việt Nam.

Gánh nặng ngân sách

Vào cuối tháng Mười, Luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói với truyền thông quốc nội rằng bên cạnh tinh giảm biên chế đối với khu vực hành chính công thì phải bỏ biên chế các tổ chức chính trị-xã hội và xã hội dân sự do Nhà nước quản lý.

Nhóm các tổ chức chính trị-xã hội tại Việt Nam mà Luật sư Trần Quốc Thuận đề cập đến, bao gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn và Hội Cựu chiến binh cùng 28 hội khác với ước tính chi phí kinh tế-xã hội hàng năm dao động vào khoảng hơn 45 ngàn đến hơn 68 ngàn tỷ đồng, tương đương từ 1% đến 1,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố hồi năm 2016. Thống kê của Bộ Tài Chính cũng cho thấy tổng chi dành cho nhóm tổ chức chính trị-xã hội và xã hội dân sự tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 10 năm, tính từ 2006 đến 2016.

Theo báo cáo của VEPR thì hiện có khoảng gần 440 ngàn thành viên trong các tổ chức chính trị-xã hội và xã hội dân sự. Ngân sách nhà nước phải chi trả lương cho số thành viên của các hội, tổ chức đoàn thể này ước tính vào khỏang 14 ngàn tỷ đồng.

Không có một nước nào giống Việt Nam mà trả lương cho đến tổ dân phố cả. Các tổ chức này như một cơ quan Nhà nước. Cho nên các tổ chức này cần giảm (biên chế) thật mạnh và thật sát sao, nếu cần duy trì thì họ phải tự cân đối chi tiêu. Điều này thì trong nhiều nghị quyết của Đảng trước đây đã từng đặt vấn đề rồi, nhưng không làm được<br/>-LS.Trần Quốc Thuận

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh rằng ngân sách nhà nước không thể nuôi nổi một bộ máy cồng kềnh, bên cạnh hơn 2 triệu công viên chức nhà nước và hơn 7 triệu người hưởng trợ cấp, lương hưu lại còn gần năm trăm ngàn thành viên của các tổ chức chính trị-xã hội và xã hội dân sự như hiện nay. Do đó, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng để giảm gánh nặng ngân sách thì phải tính đến bỏ biên chế đối với các tổ chức chính trị-xã hội và xã hội dân sự. Luật sư Trần Quốc Thuận nói với RFA:

“Những tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội hiện thời đang ăn lương thì các tổ chức này hoạt động theo hành chính từ trung ương xuống tới địa phương. Không có một nước nào giống Việt Nam mà trả lương cho đến tổ dân phố cả. Các tổ chức này như một cơ quan Nhà nước. Cho nên các tổ chức này cần giảm (biên chế) thật mạnh và thật sát sao, nếu cần duy trì thì họ phải tự cân đối chi tiêu. Điều này thì trong nhiều nghị quyết của Đảng trước đây đã từng đặt vấn đề rồi, nhưng không làm được.”

Đồng quan điểm với Luật sư Trần Quốc Thuận, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết ông ủng hộ việc giảm biên chế đối với hai khu vực, thuộc chính phủ lẫn phi chính phủ. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình lý giải vì sao cần thiết phải bỏ biên chế các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội dân sự:

“Ý kiến của ông Trần Quốc Thuận cũng hợp lý ở chỗ là nói gần nói xa chẳng qua nói thật, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam cũng ‘nửa mùa’, cũng giả hiệu. Trên thực tế thì cũng là phụ họa, ăn theo nói leo thôi. Đến chừng nào còn hưởng lương ngân sách thì vẫn không thể hiện được bản chất của xã hội dân sự là xã hội tự nguyện. Cho nên khi nào vẫn còn hưởng lương thì vẫn còn hình thức là cánh tay nối dài của cơ quan Nhà nước, của cơ quan công quyền thôi.”

Duy trì nhưng độc lập tài chính

Tổng thống Mỹ Barrack Obama gặp gỡ đại diện một số tổ chức dân sự Việt Nam, ngày 24 tháng Năm, 2016, tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama gặp gỡ đại diện một số tổ chức dân sự Việt Nam, ngày 24 tháng Năm, 2016, tại Hà Nội. (AFP)

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình khẳng định các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội của quốc gia. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông thì đa số các tổ chức xã hội hiện nay ăn lương nhà nước nhưng hoạt động không mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình không ngần ngại gọi đó là “thành phần ăn bám” tiền thuế của dân.

Một ví dụ điển hình mà Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong tháng Chín vừa qua, dư luận phẫn nộ đối với Hội Phụ nữ Việt Nam trước hoàn cảnh của một bà mẹ đơn thân nghèo khó, ở Long An, bị cưỡng hiếp và làm đơn xin đi tù. Facebooker Bạch Hoàn trên trang Facebook cá nhân đã gọi Hội Phụ nữ Việt Nam là những người vô dụng qua vụ việc vừa nêu. Facebooker Bạch Hoàn viết là Hội Phụ nữ như mù, như điếc, như căm trước một thân phận phụ nữ khẳng định mình bị oan khiên và tủi nhục. Hay một trường hợp khác mà dư luận cũng chỉ trích nặng nề không kém liên quan thông tin được báo giới đăng tải vào cuối tháng 10 về một Bí thư đoàn học viện ở thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận ép bạn gái phá thai dù có thể vô sinh.

Các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam cũng 'nửa mùa', cũng giả hiệu. Trên thực tế thì cũng là phụ họa, ăn theo nói leo thôi. Đến chừng nào còn hưởng lương ngân sách thì vẫn không thể hiện được bản chất của xã hội dân sự là xã hội tự nguyện. Cho nên khi nào vẫn còn hưởng lương thì vẫn còn hình thức là cánh tay nối dài của cơ quan Nhà nước, của cơ quan công quyền thôi<br/>-TS. Trịnh Hòa Bình

Theo nhận định của Luật sư Trần Quốc Thuận và Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình với RFA thì Việt Nam rất cần các tổ chức xã hội dân sự để hỗ trợ cho Chính phủ trong nhiều lãnh vực của xã hội. Thế nhưng, cả Luật sư Trần Quốc Thuận và Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình đều khẳng định những tổ chức xã hội dân sự cần phải hoạt động đúng theo tiêu chí của hội và độc lập về tài chính để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chức năng đại diện cho các hội viên.

Tờ Quân đội nhân dân, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản, hồi trung tuần tháng Bảy, đăng tải một bài xã luận về vai trò của xã hội dân sự tại Việt Nam. Tuy nhiên, bài xã luận chỉ tập trung vào các biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động lợi dụng xã hội dân sự chống phá Đảng và Nhà nước, mà hình thái hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở trong nước không do Chính phủ thành lập và điều khiển được gọi là “tổ chức chống phá”.

Đại diện một số tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam nói với RFA từ đầu năm 2017 đến nay, những hoạt động như đưa kiến nghị, phản biện xã hội trên báo chí, hay mạng xã hội của các tổ chức phi chính phủ có vẻ khởi sắc và cấp thời hơn, góp phần giúp cho Chính phủ điều chỉnh hay giải quyết nhanh chóng những bất cập trong xã hội. Mặc dù vậy, các tổ chức dân sự không được cấp phép vẫn bị đàn áp mạnh mẽ hơn, đặc biệt Hội Anh Em Dân Chủ là một trong những mục mà tiêu nhà cầm quyền Hà Nội đang ráo riết xóa tên.