Lễ Lao Động với Người Việt ở Mỹ

Hôm nay là ngày Lễ Lao Động của Hoa Kỳ. Lễ Lao Động có hơn 100 năm trước, nhằm mục đích vinh danh những đóng góp của giới lao động cho xứ sở này. Hoa kỳ có trên 155 triệu công nhân viên.

Hằng năm cứ vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng Chín là người dân Mỹ được nghỉ Lễ Lao Động. Đây là một trong những dịp lễ lớn của Hoa Kỳ.

Vì được "nghỉ bắc cầu" từ thứ Bảy trước đó, nên người Mỹ thường đi cắm trại, đi biển hay tụ tập nhau đi picnic ngoài công viên, hoặc là ở nhà nướng barbecue. Nhưng cũng có người dùng thời gian được nghỉ để thăm viếng bằng hữu, như anh Linh chia sẻ:

"Lễ Lao động thì ở nhà nghỉ thôi, có lẽ cũng đi thăm mấy người bạn..."

Vào dịp lễ, cũng có người phải đi làm vì sự cần thiết của công việc nhưng họ được trả lương phụ trội như lời giải thích của cô My, từ California:

"Nếu làm việc ngày lễ thì được trả overtime. Thường thường overtime thì tùy hãng; có chỗ trả ngày đó là một rưỡi, có nơi trả gấp đôi, và có khi còn được trả tới gấp hai rưỡi".

034_972946-250.jpg
Công nhân một xí nghiệp hạt điều ở SG. AFP photo (Công nhân một xí nghiệp hạt điều ở SG. AFP photo)

Đã từng sống và đi làm tại Việt Nam trước khi vượt biển tìm Tự Do, anh Linh nói là tại Việt Nam, giới công nhân và nông dân không được đối xử công bằng:

"Ngày Lễ Lao Động ở Việt Nam cũng được nghỉ nhưng thực sự ra, ở Việt Nam, chính phủ Cộng Sản nói là hai tầng lớp công nhân và nông dân là hai tầng lớp để bảo vệ và xây dựng xã hội chủ nghĩa nhưng mà đấy chỉ là vấn đề trên giấy tờ mà thôi.

Ngày hôm nay, sau 37 năm thì thực tế đã cho người dân trong nước cũng như người ở hải ngoại tị nạn cộng sản thấy rõ ràng là lực lượng công nhân và nông dân bị bóc lột một cách rất là thậm tệ. Cho nên những lời nói của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam là những chiêu bài để dụ dỗ công nhân và nông dân mà người ta không ý thức được thế đứng của mình, và chỉ là công cụ cho đảng cộng sản Việt Nam lợi dụng mà thôi."

Trong khi đó, anh Thắng là một công nhân đang làm việc tại Galveston thì so sánh lễ lao động ở Mỹ và ở Việt Nam như sau:

"Ngày lễ Lao Động ở Mỹ đúng nghĩa là Lễ Lao Động để vinh danh người công nhân đi làm cho xứ Mỹ này. Còn ở Việt Nam, cũng là Lễ Lao Động nhưng thực chất là họ lợi dụng công nhân, để bóc lột người công nhân. Nhờ người công nhân đó mà đưa đảng Cộng sản lên.

Tuy nói là Lễ Lao Động nhưng thực chất là để họ vinh danh đảng Cộng sản, thì đó là một sự bóc lột của đảng Cộng sản với người dân mà nhất là bóc lột giới công nhân. Cho nên ngày Lễ Lao Động không còn là ngày Lễ Lao Động của người công nhân nữa. Mặc dù là Lễ Lao Động mà người công nhân vẫn phải đi làm. Họ làm quần quật trong ngày đó nhưng vẫn không đủ để sống. Trong khi ở Mỹ này ngày lễ Lao Động thì người công nhân họ được vui chơi."

Anh Thắng nói thêm rằng, vào ngày Lễ Lao Động tại Việt Nam cũng có ca nhạc mừng công nhân, nhưng không dành cho những công nhân không phải là đảng viên:

Anh Thắng

"Buổi tối cũng có nhạc, đại nhạc hội này kia để mừng cho những công nhân xuất sắc tiên tiến nhưng những thành phần đó thì toàn là đảng viên, đoàn viên thanh niên của đảng cộng sản TP HCM thôi, chứ người công nhân mà không nằm trong thành phần đó thì đâu có được dự đâu."

Là nhân viên của thành phố Houston, Anh Linh cho biết công nhân ở Hoa Kỳ luôn được bảo vệ, đặc biệt là những nơi có nghiệp đoàn:

"Quyền lợi của người lao động được bảo vệ một cách tối đa. Tụi em thì có Union (nghiệp đoàn), thành ra mỗi lần có sự cố gì xảy ra thì nghiệp đoàn đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của mình."

Cô My cho biết thêm về sự bảo vệ cho công nhân viên như sau:

"Có được bảo vệ dưới luật của nước Mỹ, như là không được mướn trẻ em chưa đủ tuổi đi làm. Một cái tốt nữa là chính phủ có định số lương tối thiểu cho mọi người nên người chủ không có ngược đãi mà trả lương thấp."

Hiện nay với tỷ lệ thất nghiệp khá cao tại Mỹ, nhiều người cũng lo ngại cho tương lai, nhưng anh Linh thì tin tưởng vào những quyền lợi mà chính phủ Mỹ dành cho người dân:

"Ở Hoa Kỳ đi làm mà bị mất việc thì được tiền thất nghiệp. Trong thời gian đó thì mình đi kiếm việc làm khác, hoặc giả là mình đi học thêm để có skills để mình có công ăn việc làm tốt hơn."

Nhưng cô Hương Trương thì cho biết là cô không đi làm vài năm nay tuy nhiên cô không xin tiền thất nghiệp vì cô tự ý nghỉ việc:

"Coi như thất nghiệp mấy năm nay rồi nhưng tôi không xin tiền gì hết vì tôi tự động nghỉ. Trong gia đình cũng yên ổn thành ra nghỉ, chỉ làm part-time thôi".

Một cuộc đình công của công nhân tại Việt Nam, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
Một cuộc đình công của công nhân tại Việt Nam, ảnh chụp trước đây. AFP photo.

Trong khi đó cô Lan từ tiểu bang Oklahoma nói rằng cô rất may mắn vì từ lúc qua Mỹ đến nay, vợ chồng cô chưa hề bị thất nghiệp:

"Lễ Lao Động ở Việt Nam không phải là ngày Labor Day như ở đây đâu mà là ngày 1 tháng 5, ngày Quốc tế Lao động. Tụi cháu từ hồi qua Mỹ tới giờ chưa có phải thất nghiệp bao giờ."

Hiện nay nước Mỹ đang ở tình trạng kinh tế kém và thất nghiệp cao. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ đang khoảng 8%, dù vậy, so với Âu Châu và Việt Nam thì nạn thất nghiệp ở Hoa Kỳ còn thấp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, vai trò của giới công nhân trở thành rất quan trọng, nhất là trong dịp lễ Lao Động và mùa tổng tuyển cử vào tháng Mười một sắp tới. Nạn thất nghiệp là một vấn đề nan giải của chính quyền Tổng Thống Obama và có thể làm cho chiếc ghế tổng thống của ông bị lung lay trước sự chỉ trích của đảng Cộng Hòa trong mùa tranh cử và sự bất mãn của giới công nhân.

Và đây cũng là một điểm vô cùng khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nếu đảng Dân chủ đang cầm quyền không giải quyết được nạn thất nghiệp thì đảng Cộng Hòa có thể sẽ được dân bầu lên thay thế để phục vụ quốc gia.

Còn ở Việt Nam với chế độ độc đảng thì đảng Cộng sản có toàn quyền sanh sát và giới công nhân vẫn là giới phải luôn cúi đầu làm việc và chịu đựng mọi sự bất công, dù cho có bao nhiêu biểu ngữ tuyên truyền ca ngợi họ là những người anh hùng Lao Động.

Theo dòng thời sự: