Cuộc sống của ba gia đình phụ nữ, quê Bình Thuận, vượt biên lần thứ hai, đang ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư tại Jakarta-Indonesia, hiện ra sao và những ngày sắp tới của họ như thế nào, phóng viên Hòa Ái tường trình nhân chuyến thăm gặp vừa qua.
Cuộc sống được an toàn
Những giọt nước mắt dâng trào, những vòng tay ôm xiết, những nụ cười rạng rỡ là hình ảnh chúng tôi chứng kiến khi theo chân nữ ký giả Shira Sebban lần đầu tiên đến thăm ba gia đình phụ nữ vượt biên lần thứ nhì tại Trung tâm Giam giữ Nhập cư ở Jakarta, Indonesia.
Bà Shira Sebban, người gây quỹ giúp đỡ một số gia đình ở La Gi, Bình Thuận vượt biên đến Australia nhưng bị Chính phủ Úc trao trả về Việt Nam hồi tháng 7 năm 2015, đến thăm nhóm 18 người vừa được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp cho quy chế tị nạn trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 6 năm 2017.
Mặc dù thời tiết mùa hè ở thủ đô Indonesia rất oi ả, tuy nhiên phía sau cánh cửa sắt phòng giam, điều kiện sống của nhóm 18 người khá thoải mái. Bên trong phòng giam có máy điều hòa, những tấm nệm để ngả lưng và nhà vệ sinh. Hàng ngày họ được cung cấp ba bữa ăn đều đặn. Chi phí ăn ở và y tế được Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) chi trả. Hàng tháng, IOM còn gửi đến họ một số vật dụng sinh hoạt cần thiết. Thi thoảng, họ được cảnh sát mở cửa phòng giam cho đi lại cũng như các em nhỏ được vào phòng máy vi tính.
Cuộc sống tuy có phần an tâm vì được an toàn, thế nhưng đời sống tinh thần luôn gắn liền với lo lắng và sợ hãi. Những hồi ức về chuyến vượt biên đến Úc, về giây phút bị đưa vào tù ngay sau khi máy bay hạ cánh tại phi trường Việt Nam, về những tháng ngày tù đày, về cách đối xử phân biệt của chính quyền và nhà trường đối với các gia đình vượt biên…được chia sẻ. Hoàn cảnh sinh tồn lo cho gia đình của các bà mẹ sau khi bị trao trả về nguyên quán rơi vào bế tắc do bị chính quyền bêu danh trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở địa phương, những lời hăm dọa và nhục mạ của giáo viên dành cho các thanh thiếu niên của các gia đình vượt biên…lần lượt được kể lại với những người đến thăm gặp.
Bà Trần Thị Thanh Loan và bà Trần Thị Lụa đã bị chính quyền Việt Nam kết án tù từ 30 đến 36 tháng tù giam theo điều 275 về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Nhưng những truy bức và khó khăn tại Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh, đến mức những người phụ nữ này quyết định vượt biên lần thứ nhì và thà chết trên biển cả. Dù được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho quy chế tị nạn trong chuyến vượt biên lần hai, nhưng nỗi lo lắng và sợ hãi vẫn luôn hiển hiện không chỉ trong những ngày sắp tới họ sẽ đi đâu về đâu mà thân nhân ở quê nhà sẽ ra sao khi chính quyền thường xuyên tra hỏi liên quan chuyến vượt biên lần thứ nhì.
“Ông xã em về ngày 30 tháng 5 và mãn án tù.”
Bà Trần Thị Thanh Loan cho biết chồng mình, ông Hồ Trung Lợi vừa thụ án xong 2 năm tù giam.
“Chuyến vượt biên thứ hai thì ông xã em trong tù bị đánh. Nhân viên xuất nhập cảnh có vào để điều tra ông xã em.”
Bà Loan đã được nói chuyện trực tiếp với chồng và được ông cho biết bị tra khảo trong tù về chuyến vượt biên thứ nhì của vợ con. Ông Lợi được công an yêu cầu trình báo khi đi khỏi địa phương và ông cũng nói với vợ vào ngày 13 tháng 6 sẽ trình báo xin đi khám chữa bệnh vì mắt trái không còn thấy đường và sức khỏe rất yếu kém.
Bên cạnh nỗi lo lắng và sợ hãi thường trực, ba gia đình phụ nữ vượt biên lần hai cũng luôn canh cánh lòng biết ơn đối với các ân nhân và cộng đồng cư dân mạng hết lòng giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần.
“Em cũng thay mặt 18 người, rất là xúc động và rất cảm ơn Chính phủ Indonesia, Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), bà Shira, chị Grace Bùi, chị Ngọc Nhi đã đồng hành giúp đỡ tận tình cho tụi em. Tụi em rất mong muốn mọi người giúp đỡ thêm để tụi em có cuộc sống mới ở nước thứ ba.”
Theo như chia sẻ của ký giả Shira Sebban với RFA trước đây, bà rất quan tâm đến việc học hành của 12 em nhỏ. Trong khi cố gắng liên lạc với trường học dành cho học sinh được quy chế tị nạn ở Jakarta để các em được đến trường, bà Shira mang quà đến cho các em nhỏ những máy tính bảng, sách vở, dụng cụ học tập…Nhờ qua trang mạng xã hội Facebook, ký giả Shira Sebban cũng kết nối với cô Sunshine Biskaps, từng là một thuyền nhân Việt khi cô còn rất nhỏ hồi thập niên 80, hiện đang sinh sống và làm việc ở Indonesia và bạn bè của cô. Nhóm của cô Sunshine kêu gọi quyên góp giúp đỡ ba gia đình thuyền nhân ở Jakarta và một người bạn của cô nhận giúp đến dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư.
Lo lắng cho tương lai
Niềm vui được gặp gỡ và được giúp đỡ từ nhóm người địa phương là niềm an ủi rất lớn đối với ba gia đình vượt biên. Thế nhưng, họ lại bị buộc phải ký giấy tờ chuyển đến trại tị nạn Semareng, trên đảo Java bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 7 tới đây, theo quyết định của Bộ Di trú Indonesia.
Cô Grace Bùi, người luôn tận tình giúp đỡ ba gia đình phụ nữ vượt biên cho chúng tôi biết nhóm 18 người này được cấp quy chế tị nạn, có nghĩa là tất cả họ sẽ được định cư ở một nước thứ ba. Tuy vậy, không ai có thể biết bao giờ họ sẽ được đi định cư và quốc gia nào sẽ nhận họ. Cô Grace Bùi cũng cho biết thêm cuộc sống của họ ở trại tị nạn Semareng trong thời gian tới không biết sẽ kéo dài bao lâu, mặc dù mọi chí phí cũng sẽ do IOM lo liệu.
Thời gian thăm gặp ba gia đình vượt biên lần hai cũng đến hồi kết thúc. Phút giây bùi ngùi, lưu luyến tiễn biệt cùng những lời động viên an ủi và cầu chúc mọi sự sẽ bình an. 18 người quay lại với bữa cơm trưa trong lặng lẽ cùng sự hoang mang cho những ngày sắp tới của cuộc hành trình định mệnh nhiều rủi ro và vô định.