Những bất ổn trong ngành Than (Phần 2)

Trong quá trình hoạt động, ngành than và môi trường có những tác động đến nhau rất lớn.

Vấn đề hoàn thổ trong ngành than đã được giải quyết như thế nào trong thực tế? Lượng tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng đóng vai trò gì trong tương lai?

Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình như sau:

Thách thức công tác hoàn thổ

Căn cứ vào sản lượng khai thác hàng chục triệu tấn than mỗi năm, Tập đoàn Than thải ra hàng trăm triệu tấn chất thải rắn. Việc hoàn thổ sau khi khai thác hoàn tất là trách nhiệm với cộng đồng. Tuy nhiên, ngay từ cách nhìn nhận sự việc, đây là một vấn đề không đơn giản. Theo như ý kiến của ông Hoàng Việt Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh, cho biết:

“Thực ra việc hoàn thổ là không thực hiện được. Hoàn thổ là cái từ của Việt Nam, tức là anh phải trả lại đúng như cái vị trí và cái độ cao như thế, thì không thể thực hiện được.

Mà bây giờ theo pháp luật Việt Nam quy định, đấy nó gọi là cải tạo phục hồi môi trường, theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.”

coal-mine-2-250.jpg
Hình chụp mỏ than ở phía Bắc tỉnh Quảng Ninh ngày 28 tháng 10 năm 2007. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam.

Tự thân các thuật ngữ không thể khắc phục được sự tổn hại về môi trường, mà cần phải có các hoạt động cụ thể. Về cách thức trồng cây trên các bãi thải, ông Dũng cho biết rằng:

“Có những nơi chúng tôi trồng cây lần thứ 4, thứ 5 và đổi 5 loại cây thì nó mới sống được. Ví dụ ở bãi thải Nam Đèo Nai như anh nói, từ thời Pháp để lại, chúng tôi phải trồng cây đến 5 lần.

Thực ra thì đất bãi thải đó, mà nếu muốn trồng được cây thì chúng tôi phải làm như thế này. Người ta đào những cái hố ra, người ta đổ những cái đất gọi là đất thịt nhẹ. Tức là đất ở đây là đất sét thịt nhẹ rất là nhiều. Chớ còn nếu như không, mà trồng lên đấy thì có lẽ là không sống được.”

Đất đá đổ thải thường nghèo kiệt dinh dưỡng, lại đa phần bị nhiễm a xit. Những cây trồng hoàn nguyên môi trường ở đây có phát triển được hay không là một đáp án thuộc về tương lai. Công tác xử lý lượng đất đá thải này là thách thức không nhỏ. Theo ông Hoàng Việt Dũng, tình hình cải tạo môi trường ở Quảng Ninh như sau:

Có những nơi chúng tôi trồng cây lần thứ 4, thứ 5 và đổi 5 loại cây thì nó mới sống được.

Ô. Hoàng Việt Dũng

“Hiện nay là theo quy định, những nơi nào đã kết thúc đổ thải, tức là không đổ thải nữa thì là tiến hành cải tạo phục hồi môi trường. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiến hành một số vị trí, địa điểm. Chỗ nào đã kết thúc đổ thải, chúng tôi đã triển khai xanh xong hết rồi. Còn những chỗ năng đổ thải thôi.”

Tuy nhiên, những đánh giá việc khắc phục hoàn nguyên môi trường khai thác than khó có thể chính xác nếu căn cứ trong ngắn hạn. Theo như ông Lê Minh Chuẩn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than từng phát biểu, phải 40 đến 50 năm sau mới có kết quả cụ thể. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp, nhiều tỷ đồng được bỏ ra, song cây chỉ sống lay lắt được vài năm rồi tàn lụi.

Do đó những thực tế về công tác hoàn nguyên môi trường tại những bãi thải của ngành than cần được thường xuyên cập nhật trước công luận. Vì Tập đoàn Than - Khoáng sản cũng chính là đơn vị triển khai 2 dự án khai thác bô xit ở Nhân Cơ và Tân Rai vùng Tây Nguyên. Những quan ngại lớn về vấn đề môi trường chẳng phải là không có cơ sở, khi các bãi thải than rộng mênh mông và hoang vu vùng Đông Bắc vẫn đang đập vào mắt dư luận.

Bài toán năng lượng bất ổn

coal-mine-250.jpg
Các công nhân đang di chuyển than trên một chiếc thuyền cập bến tại Sông Cầu ở Bắc Ninh. AFP photo.

Bên cạnh công tác hoàn nguyên môi trường, giải quyết nhu cầu than tăng rất nhanh trong thời gian tới cũng là một vấn đề nổi cộm không kém của ngành than. Để giải quyết bài toán năng lượng, Tập đoàn Than – Khoáng sản đặt nhiều hy vọng vào bể than đồng bằng sông Hồng, với trữ lượng dự báo đến 210 tỷ tấn, gấp 20 lần lượng than Quảng Ninh. Thính giả Đài Á Châu Tự Do có thể nghe ý kiến của một nhà khoa học liên quan ngành than không muốn nêu tên, phát biểu về số liệu dự báo này, như sau:

“Nhưng mà đấy không là trữ lượng, đấy chỉ là phỏng đoán của các nhà địa chất cách đây mấy chục năm thôi. Không phải trữ lượng đâu, không phải reserves đâu, là resources thôi ông ạ. Còn phải thăm dò mới ra trữ lượng, trữ lượng nó ít hơn nhiều. Phải thăm dò, phải khoan thì mới ra trữ lượng chính xác được. Người Mỹ, người ta nói trữ lượng - reserves riêng, mà resources riêng.

Ta nói thế là không đúng, ta nói triển vọng thôi. Phỏng đoán thôi, có thể sai số 80%.

Vì quá trình khoan dầu khí đấy. Khoan ở hàng nghìn mét, hàng mấy km người ta thấy những vỉa than. Thế bây giờ các nhà địa chất mới dự đoán là như thế thôi. Tôi xin thông báo với ông là, trữ lượng than của trên toàn thế giới hiện nay còn có 861 tỷ thôi.”

Hướng đi của lãnh vực năng lượng Việt Nam có vẻ ẩn chứa nhiều bất ổn, một khi trữ lượng bể than đồng bằng sông Hồng đến nay chỉ là những số liệu thuần túy mang tính dự báo.

Nhưng mà đấy không là trữ lượng, đấy chỉ là phỏng đoán của các nhà địa chất cách đây mấy chục năm thôi. <br/>

Một nhà khoa học liên quan ngành than

Hiện có quá nhiều yếu tố về tác động tự nhiên và xã hội cần làm rõ trong quy trình khai thác bể than đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, công nghệ khai thác có thể áp dụng cho bể than này vẫn chưa có gì cụ thể. Những kinh nghiệm khai thác hầm lò vùng Quảng Ninh không thể áp dụng ở vùng sông Hồng. Theo ý kiến của nhà khoa học này thì:

“Bây giờ trước mắt phải nghiên cứu thử. Chứ còn đấy cả hàng chục triệu dân, vừa thóc như vậy là phức tạp lắm. Không phải lấy ngay xơi được đâu, vài chục năm nữa, chứ không phải vài năm nữa.

Bây giờ là cho thí điểm 2 vùng thôi, tốn kém lắm nhưng mà cũng đã xong đâu.”

Vì vậy, hướng khai thác chọn lọc để tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng than cần được thực thi nghiêm túc hơn. Sử dụng tài nguyên quốc gia không có chiến lược thì chắc chắn sẽ bị cạn kiệt. Tăng nguồn thu ngân sách từ khai thác tài nguyên không phải là xu hướng phát triển bền vững.

Nếu không trù tính về trữ lượng có hạn của nguồn tài nguyên, mà tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác, liên tục xuất khẩu; chắc chắn ngành than Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng mất cân đối trong tương lai gần.

Theo dòng thời sự: