Người đóng quỹ bảo hiểm tại Việt Nam gần đây tỏ ra lo lắng vì có tin nguồn quĩ mà họ để dành như thế có thể bị ‘vỡ’. Một khi quỹ vỡ thì khoản tiền dành cho khi về già cũng như lúc đau ốm, hoạn nạn của họ tích lũy sẽ mất. Vậy thực tế quản trị quỹ thế nào và lo lắng của người đóng tiền bảo hiểm ra sao.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam trong năm 2016 đã có 45 tỉnh, thành bội chi quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT); 8 tháng đầu năm 2016, đã có trên 40 tỉnh - thành phố có số chi vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT với tổng số tiền hơn 3.500 tỉ đồng.
Nguyên nhân đưa đến tình trạng được cho là đáng ngại như thế được một số chuyên gia quan tâm vấn đề phân tích.
Tiến sĩ - Bác sĩ trung tá quân đội Đinh Đức Long hiện làm việc tại Sài Gòn trình bày:
Nguy cơ vỡ là do lạm dụng quỹ, sử dụng không đúng mục đích thôi. Trong bệnh viện chúng tôi còn có trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế: cũng một căn bệnh chữa bằng thuốc ngoại hay thuốc nội đều khỏi nhưng người ta vẫn dùng thuốc ngoại vì sẽ được ăn hoa hồng cao hơn hoặc được mời đi nước ngoài hoặc tài trợ việc khác.
Cụ thể như một bệnh nhân bị cảm cúm với các triệu chứng đau đầu nhưng có thể được chỉ định đi chụp CT, nội soi tai mũi họng (vì ngạt mũi), hoặc chụp X-quang (vì nhức xương)…
Sử dụng sai dịch vụ khiến người thừa kẻ thiếu và cung cấp không kịp thời là chuyện thường thấy khi khám BHYT.
"Ngày trước xuống khám thứ 2 thì khoảng 3 ngày sau có kết quả. Nhiều khi 3 đến 4 ngày chị lấy được thuốc có khi cả tuần chị mới lấy được thuốc. Lâu nay chị không khám bảo hiểm, chị khám tư không."
“Sau này chị không biết làm sao nữa. Nhưng mà hiện tại chị khám tư không à, chị không có đóng bảo hiểm, chị đâu có sử dụng đâu. Tại vì giờ chị khám ở đây cả tuần mới lên lấy thuốc, trong khi đó chị đi làm công ty đâu cho chị nghỉ phép nhiều đâu”.
“Mà thấy bảo hiểm chứ giờ zô đây những toa thuốc không có tiền cũng chết. Không có tiền nó đâu có chi trả đâu. Nó nói không có thuốc không”.
Những trường hợp bệnh nặng, điều trị bằng những toa thuốc có giá chục triệu trở lên thì gần đây bệnh viện thường báo lại cho người sử dụng BHYT là không còn thuốc. Một bệnh viện chuyên khoa hạng một và là bệnh viện khám và điều trị ung thư đầu ngành tại Sài Gòn báo hết thuốc để điều trị khiến cho nhiều bệnh nhân và cả người thân hoang mang.
"Bệnh này là dạng bệnh ngặt nghèo rồi. Mà bệnh lâu dài chứ không phải một ngày một bữa. Mà nếu BHYT mà không hỗ trợ được á thì chắc có lẽ là thua. Người dân nghèo là đều chết hết. Phải chịu thôi".
"BHYT nó vỡ không biết nguyên nhân nó như thế nào? Cầu xin nhà nước lo cho dân làm sao chứ bệnh này là bệnh lâu dài mà nhà nước không lo cho dân thế này rồi cái tiền đó đi đâu không biết nữa? … Còn mấy ông nhà nước lo cho dân chu đáo chứ ông nào lên cũng nói hay lắm 'lo cho dân', 'lo cho dân' rốt cuộc ông nào cũng lên làm 1 mớ, rồi thôi xong…chỉ có dân là chết, là thiệt thôi".
Hiện tại Nhà nước đang vay phần lớn ngân sách quỹ này để đầu tư vào các dự án kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, giải thích:
“Việc quỹ bảo hiểm của Việt Nam dùng tiền để cho chính phủ vay là một chuyện người ta đã công nhận. Cái chuyện chính phủ vay tiền đó để đi đầu tư vào những dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng là điều rất nguy hiểm”.
Một nguyên nhân khác được nêu ra là tỷ lệ già hóa dân số ở Việt Nam đang tăng lên dẫn đến số người hưởng BHXH tăng theo. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều doanh nghiệp nại lý do làm ăn thua lỗ tìm cách trốn bảo hiểm xã hội. Chỉ riêng từ năm 2010 đến 2013, cơ quan BHXH khởi kiện khoảng 4000 doanh nghiệp trốn BHXH.
"Mỗi một toa thuốc có 5-6 trăm thôi, còn mấy người kia thấy đóng nhiều tiền lắm. Đóng vậy thì mình đóng được. Còn đóng mấy chục triệu, mấy trăm triệu thì chắc để chết luôn quá".
Phía người đóng bảo hiểm hạn chế tiêu dùng để dành tiền đóng vào qũi bảo hiểm với mục tiêu lúc về già hay khi gặp ‘trái gió, trở trời’ có khoản bù đắp. Họ trông chờ phía quản trị xã hội phải bảo đảm nguồn quĩ sinh lãi để đáp ứng yêu cầu khi cần của người tham gia.