Vụ việc ngư dân ở Quảng Ngãi, ông Trương Đình Bảy bị bắn chết ở khu vực biển Trường Sa trong tháng 11 vừa qua khiến dư luận phẫn nộ trước sự thờ ơ và tắc trách của các cơ quan thực thi pháp luật VN trong việc bảo vệ ngư dân ở ngư trường truyền thống. Qua các vụ tai nạn xảy ra ở Biển Đông ngày một nghiêm trọng hơn, liệu rằng ngư dân Việt vẫn còn bám biển và họ mong muốn điều chi trong mỗi lần ra khơi kiếm sống?
Ai bảo vệ ngư dân trên biển?
Mặc dù truyền thông trong nước loan tin Bộ Quốc Phòng VN chính thức điều tra vụ việc ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết ở Trường Sa hôm 26 tháng 11 qua lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Võ Trọng Việt nhưng hình ảnh những giọt nước mắt uất nghẹn trên gương mặt người thân khi xác ông Bảy được đưa lên từ hầm cá ở Sa Kỳ, Quảng Ngãi khiến sự phẫn nộ của dư luận lên đến đỉnh điểm vì ngư dân Việt bị bắn chết ngay trên ngư trường Biển Đông thuộc chủ quyền sở hữu của VN mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ các cơ quan chức năng. Dư luận hoài nghi vụ việc sẽ rơi vào quên lãng vì đã gần 2 tuần lễ ngư dân Trương Đình Bảy mất mạng mà Nhà nước VN vẫn chưa chính thức xác nhận quốc gia nào có trách nhiệm cũng như không có động thái khẩn trương nào cho thấy nỗ lực tìm kiếm công lý cho ngư dân Việt.
Trong khi những người quan tâm đặt câu hỏi với chính phủ Hà Nội các lực lượng chức năng như lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quân, Không quân ở đâu, không đến tiếp cứu khi ngư dân Việt bị tấn công, bị hành hung, bị cướp, bị giết hại ở ngư trường Biển Đông thì các tàu cá của ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi vì chén cơm manh áo.
Những người quan tâm đặt câu hỏi với chính phủ Hà Nội các lực lượng chức năng như lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quân, Không quân ở đâu, không đến tiếp cứu khi ngư dân Việt bị tấn công, bị hành hung, bị cướp, bị giết hại ở ngư trường Biển Đông
Hòa Ái liên lạc với ông Phan Quang ở Nha Trang, chủ tàu cá KH90746TS bị tàu lính Trung Quốc tấn công hồi tháng 2 năm ngoái cho biết dù rất sợ trong mỗi chuyến đi nhưng không có chọn lựa nào khác. Ông Phan Quang chia sẻ:
“Đợt đó bị mất mấy trăm triệu. Chính quyền cũng có tới, bên Hội Nghề cá cho được 3 triệu, còn Báo Lao Động miền Trung cho 80 triệu. Tại vì thấy thiếu thốn nhiều quá rồi bên phường làm giấy cho vay bên hộ cận nghèo một trăm mấy chục triệu”.
Ông Phan Quang cho biết thêm đã gần 2 năm qua, ông vẫn tiếp tục đánh bắt xa bờ ở khu vực biển thuộc chủ quyền của VN và số nợ vẫn còn nguyên vì chỉ trả được tiền lãi hàng tháng mà thôi.
Trao đổi với đài ACTD qua điện thoại, 1 chủ tàu cá ở Cà Mau kể lại vì sao con trai của bà bị bắt tù ở Thái Lan:
“7, 8 năm nhưng đi cạn không hà. Mới có khoảng 2 năm đi xa hơn. Tại vì biển nhà không có cá mắm nên phải đi chồm chồm xa ra. Đi xa như vậy cũng nghi không biết phải biển của người ta hay không vì mênh mông nhưng chồm ra như vậy chắc là biển người ta rồi”.
Bà chủ tàu cá ở Cà Mau này phải dò hỏi thông tin, chuẩn bị tiền bạc và nhờ cậy sự giúp đỡ của người khác để chuộc con mình về. Bà cho biết thêm không dám liên lạc trực tiếp với cơ quan chức năng địa phương hay Đại sứ quán VN tại Thái Lan vì sợ gặp rắc rối do tàu của mình vi phạm lãnh hải của nước khác. Bà nhấn mạnh với Hòa Ái:
“Thì kiểu như bị bắt thì phạt rồi tiền ăn uống này kia thì phải có thôi nhưng thông tin nhà báo đưa ra quá thì khổ cho mấy người còn ở tù bên Thái Lan nữa. Giờ thôi đi, đừng lên báo nữa. Lên rồi tội nghiệp vì không can thiệp được mà mấy người còn bị kẹt ngoài đó khổ lắm”.
Trong giai đoạn vừa qua tôi có tiếp xúc với một số ngư dân ở Thanh Hóa. Khi ra Hà Nội, họ nói rằng hiện nay ngư trường đánh bắt của họ gần như mất trắng hoàn toàn. Họ chỉ ra ngoài biển độ 15 đến 17 hải lý thì đã bị lực lượng các tàu cá Trung Quốc xua đuổi
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Ngư trường đang mất dần
Thế còn số phận của những ngư dân đánh bắt gần bờ trong những năm qua như thế nào? Luật sư Nguyễn Văn Đài từng tiếp xúc với các ngư dân Thanh Hóa nói với đài RFA:
“Trong giai đoạn vừa qua tôi có tiếp xúc với một số ngư dân ở Thanh Hóa. Khi ra Hà Nội, họ nói rằng hiện nay ngư trường đánh bắt của họ gần như mất trắng hoàn toàn. Họ chỉ ra ngoài biển độ 15 đến 17 hải lý thì đã bị lực lượng các tàu cá Trung Quốc xua đuổi. Trong khi đó với khoảng cách 17 hải lý trở lại thì lực lượng Biên phòng hay các lực lượng Cảnh sát biển của VN có thể ra đó để bảo vệ ngư dân nhưng ngư dân cho biết hoàn toàn vắng bóng các lực lượng thực thi pháp luật của VN trong khu vực đánh cá của ngư dân như vậy”.
Những ngư dân Hòa Ái tiếp xúc được đều cho biết ngư trường truyền thống ở Biển Đông từ lâu nay đã là 1 ngư trường “đầy bão táp” và là nỗi hãi hùng đối với họ khi ngày càng có nhiều “tàu lạ” tấn công, cướp phá thậm chí hung hãn dùng súng cướp luôn mạng sống cũng như không biết khi nào phải chịu cảnh là tù nhân nơi các quốc gia láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Brunei…
Những người ngư dân chất phác này mong mỏi họ được hỗ trợ thêm thông tin cũng như được sự trợ giúp nhiều hơn từ các cơ quan chức năng, đặc biệt từ lực lượng Cảnh sát biển VN:
“Nói chung ra nếu ngư dân đánh bắt xa bờ cần sự hỗ trợ của bên Cảnh sát biển cho ngư dân yên tâm bám biển. Thí dụ như mình đi làm, có việc gì đó, mình kêu thì có họ liền, ý là họ ở sau lưng để ủng hộ ấy mà”.
Qua vụ việc mới nhất ngư dân Quảng Ngãi, ông Trương Đình Bảy bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa, dư luận lên tiếng chính quyền VN ngay lập tức cần phải có những hành động thiết thực để bảo vệ ngư dân. Qua các trang mạng xã hội, lời tuyên bố của Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cảnh sát biển VN hồi đầu tháng 3 năm 2013 rằng lực lượng này tăng cường túc trực 24/24 ở những nơi đảo xa, thậm chí đi ngay bên cạnh để bảo vệ ngư dân đã được nhắc lại. Đồng thời, cư dân mạng yêu cầu lời tuyên bố này hơn bao giờ hết phải được thực thi.
Không mạnh mẽ lên tiếng như cư dân mạng nhưng những ngư dân Việt tâm tình với đài ACTD rằng họ cũng mong như vậy nhưng rồi họ tự đặt câu hỏi bao giờ ước mong ước mong sẽ sẽ thành hiện thực?