Phái đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam vừa đi Trung Quốc sau khi hai bên thực hiện hai hội nghị cấp cao về quốc phòng và ngoại giao. Chuyến đi này có ý nghĩa gì đặc biệt?
Đây chỉ là hành động thực hiện những điều thỏa thuận trong hai kỳ hội nghị vừa nói, đặc biệt là cuộc đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng lần thứ hai trong tuần lễ cuối tháng tám vừa qua. Trong cuộc đối thoại này, hai bên đã thảo luận về quan hệ quân sự và phương sách giải quyết vấn đề biển Đông.
Riêng về quân sự, hai bên đã thỏa thuận tiếp tục mở rộng quan hệ quân sự sang những lĩnh vực mới, như đã trình bày trong chương trình này hôm 31 tháng 8.
Vì thế nên chuyến thăm sáu ngày của phái đoàn Việt Nam do một bí thư trung ương Đảng, là Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị quân đội Việt Nam, hướng dẫn, theo lời mời của nhân vật tương nhiệm bên phía Trung Quốc, chỉ là hoạt động thực hiện những thỏa thuận trong hội nghị đối thoại quốc phòng lần thứ hai vừa được nói tới.
Tuy nhiên thời gian công du của phái đoàn quân sự cao cấp Việt Nam kéo dài tới 6 ngày. Người ta tự hỏi hai nước chủ và khách sẽ làm những gì trong khoảng thời gian đó?
Không phải là đoán định về những gì chưa xảy ra, nhưng đây là cuộc gặp gỡ giữa hai bộ phận chính trị của hai quân đội, là thành phần thiết yếu để động viên tư tưởng và tinh thần chiến đấu của quân đội các nước Cộng Sản, nên có thể hai bên sẽ trao đổi và thăm dò nhau về lập trường quan điểm trong các vấn đề nóng trong khu vực, cũng như quan điểm của hai bên về quan hệ quốc tế của riêng từng nước, liên quan đến những vấn đề nóng đó. Các sĩ quan Việt Nam còn có thể sẽ được tham quan để nhìn tận mắt sức mạnh quân sự của xứ láng giềng Trung Quốc khổng lồ.
Nòi về những chuyến thăm viếng dài ngày của các phái đoàn quân sự cao cấp giữa hai nước bạn bè hay đồng minh, thì người ta còn nhớ trong thời gian Đức Quốc Xã và Liên xô còn giữ hiệp ước bất tương xâm trước năm 1939 là năm khởi động thế chiến thứ hai, Đức có mời một phái đoàn quân sự Liên xô cấp cao nhất sang thăm.
Trong chuyến thăm đó Đức đã phô bày toàn bộ những khí cụ quân sự tối tân nhất của thời bấy giờ cho cho các lãnh đạo quốc phòng và tư lệnh quân đội của Liên Xô được nhìn tận mắt, như các sư đoàn xe tăng Panzer và các sư đoàn không quân với các máy bay chiến đấu Messerschmitt, lúc đó còn là máy bay cánh quạt, nhưng Đức tự hào là hơn hẳn các phi cơ Âu Mỹ.
Người Nga trở về nói với nhau tại sao người Đức không dấu diếm bí mật quân sự mà lại như khoe khoang để hù dọa Nga phải sợ mà ngồi im nếu có chiến tranh. Rồi sau đó quả nhiên Hiltler thanh toán Ba Lan thần tốc, Pháp tuyên chiến, rồi cả Tây Âu cùng với vương quốc Anh chìm vào khói lửa... Staline đã ngồi im thật, nhưng sau nữa thì Nga cũng bị tấn công, hoàn toàn bất ngờ. Nhưng đó là chuyện cũ của lịch sử, không phải chuyện thời sự ngày nay.
Trở lại chuyện ngày nay với tình hình Việt Nam-Trung Quốc hiện tại, thì giới quan sát còn chú ý đến một sự kiện được loan báo cùng lúc phái đoàn quân sự Việt Nam lên đường sang Trung Quốc. Đó là tin bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna sẽ đến Hà Nội để họp với ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam vào cuối tuần này.
Và tương tự như chuyến đi của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc là ông Đới Bỉnh Quốc sang Hà Nội để họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt–Trung, ngoại trưởng Krishna cũng tới Việt Nam để cùng Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ tọa Hội nghị Liên hợp song phương lần thứ 14. Nghị trình hội nghị được nói là nhằm chú trọng phát triển sâu rộng mối quan hệ toàn diện, hình thành quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ đến Việt Nam lần này còn là để làm việc với người tương nhiệm tại Hà Nội nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sang New Delhi vào tháng tới. Tháng tới cũng là thời gian Thủ tướng Nhật thăm Ấn Độ, mà báo chí nói là cũng để thảo luận đối tác chiến lược. Ông Thủ tướng Nhật cải chính điểm này, nhưng không nói về tin đi Ấn Độ. .
Và Thủ tướng Việt Nam hiện đang thăm viếng chính thức Indonesia, theo lời mời của Tổng thống Susilo Bambamg Yudhodyono. Chuyến đi này cũng được loan báo là nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hầu nâng cao mối quan hệ song phương lên tầm mức chiến lược.
Hôm nay còn có tin hai nước đã thỏa thuận sẽ tuần tiễu phối hợp tại vùng biển ranh giới, cũng thuộc vùng biển Đông mà Trung Quốc gom vào đường ranh giới Lưỡi Bò. Đó là lãnh hải ngòai khơi quần đảo Natuna của Indonesia. Quần đảo này cách bờ biển Cà Mau của Việt Nam 620 km về hướng Nam đông Nam, cách Côn Sơn 550 km.