Mặc dù bao nhiêu sự can ngăn từ Hoa Kỳ và châu Âu, Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas đã ra trước Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc và đọc một bài diễn văn lịch sử vào hôm thứ sáu, chính thức nạp đơn yêu cầu Đại Hội Đồng chấp thuận cho Palestine trở thành một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.
Lá đơn lập tức được đa số các quốc gia thành viên Đại Hội Đồng hoan nghênh, như cả thế giới đã dự đoán. Nhưng còn nhiều quốc gia trong Liên Hiệp Quốc không hài lòng và không chịu chấp nhận sự kiện này, trước hết là Israel, sau đó là Hoa Kỳ, đồng minh quan trọng và thiết yếu của Israel, trong khi châu Âu tỏ ra không hài lòng. Tại sao những nước này không chấp nhận sự kiện đó, trong khi họ vẫn thường nói là họ đang hướng mọi hoạt động ngoại giao vào mục đích sẽ chấp nhận một quốc gia Palestine độc lập bên cạnh xứ Do thái?
Trước hết nguyên do chính mà Israel nêu ra là vấn đề lãnh thổ. Israel nói luôn luôn sẵn sàng đàm phán và ủng hộ một quốc gia Palestine độc lập bên cạnh nước Israel được Palestine chấp nhận, nhưng Israel lại không thể đồng ý khi Palestine đòi phải có toàn bộ lãnh thổ bờ Tây sông Jordan, phía Đông Jerusalem, và dải Gaza, gồm toàn những phần lãnh thổ đã bị Israel chiếm giữ từ cuộc đại chiến ở Trung đông năm 1967.
Israel cũng tuyên bố bác bỏ đề nghị của Palestine như một điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán, là Israel phải ngưng ngay mọi công trình xây dựng các khu định cư cho người Do thái trên những lãnh thổ này.
Tuy bốn thành phần hoà giải quốc tế, gọi là Quartet Trung đông, gồm cả Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Bang Nga, đều can ngăn ông chủ tịch Palestine vì sợ chính họ bị đưa vào thế khó xử, nhưng chủ tịch Mahmoud Abbas vẫn nhất quyết đưa trực tiếp vấn đề Palestine độc lập ra trước Liên Hiệp Quốc, là vì sự bế tắc trong tiến trình đàm phán hoà bình giữa Palestine, Israel, với sự dàn xếp của bộ tứ Quartet Trung đông.
Cuộc đàm phán đã khởi sự từ gần 20 năm nay, nhưng lúc chạy lúc ngừng, gần đây đã bế tắc không thể giải quyết gần một năm nay. Sự bế tắc chính yếu là do Israel nhất quyết không trao lại toàn bộ những phần lãnh thổ đó cho Palestine, thể hiện bằng cách không chịu ngưng xây dựng liên tục những khu định cư Do Thái trên phần lãnh thổ mà họ chiếm được sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 với các nước láng giềng Trung Đông gồm Ai Cập, Sy-Ri, Jordan . Hoa Kỳ với tư cách đồng minh thân thiết nhất và là nước bạn không thể thiếu của Israel, đã gây đủ mọi thứ áp lực với Israel nhưng Israel vẫn không nhượng bộ.
Từ lúc chủ tịch Mahmoud Abbas có ý định đòi gia nhập Liên Hiệp Quốc, bộ tứ quốc tế đã dự tính đưa ra một bản tuyên bố để ngăn chặn việc làm của ông Abbas, nhưng thấy không thể thành công, nên hôm thứ sáu họ đã ra thông cáo chung đề nghị nối lại cuộc hoà đàm giữa hai bên Israel và Palestine. Tuy nhiên tất cả giới ngoại giao ở mọi phía đều không thể tìm ra được một công thức nào cho những đề tài trọng tâm của cuộc tranh chấp, mà cả hai bên liên quan có thể chấp nhận được.
Tóm tắt lại, những vấn đề đó bao gồm vấn đề hai bên nhìn nhận lẫn nhau trong khi vẫn cứ mâu thuẫn về biên giới, vấn đề định cư người Do thái trên lãnh thổ chiếm đóng từ 1967, số phận của những người Palestine đang tị nạn bên ngoài lãnh thổ của họ, vấn đề an ninh của cả hai xứ, việc sử dụng và kiểm soát nguồn nước, vấn đề chủ quyền lãnh thổ phía đông Jerusalem, vấn đề tự do di chuyển của người Palestine trong lãnh thổ do Israel chiếm giữ sau cuộc chiến 1967.
Bằng mọi giá, Hoa Kỳ vẫn kiên quyết ủng hộ Israel, và châu Âu cũng bênh vực người Do Thái. Sau thế chiến thứ hai châu Âu và Hoa Kỳ, lúc đó cả Liên Xô dưới thời Staline, đã hết sức giúp người Do Thái định cư trên lãnh thổ của người Palestine do Anh Quốc bảo hộ, từ năm 1947-1948. Năm 1947 Liên Hiệp Quốc ra một nghị quyết chia đôi Palestine, dành cho Israel môt nửa, nhưng chưa lập quốc. Trước đó trong thế chiến thứ hai, 6 triệu dân Do thái ở châu Âu đã bị Đức Quốc Xã tàn sát trong các trại tập trung và lò sát sinh khủng khiếp. Sau 1947 khối Á Rập phản đối nghị quyết Liên Hiệp Quốc, đánh phá tàn sát người Do Thái, trong khi xứ này tuyên bố trở thành quốc gia độc lập, cũng chiến đấu quyết liệt. Hai bên tàn sát nhau, có lúc tới vài ngàn người thiệt mạng trong một chiến dịch.
Sự ủng hộ Israel vẫn tiếp tục còn vì lý do đa số những người Hồi giáo tại các nước Á Rập ở Trung đông đều chống Mỹ và châu Âu. Những nước Hồi giáo có ảnh hưởng nhất là Syria, Iran, trước đây còn có Ai Cập và Iraq nữa. Cả trong những nước Hồi giáo có chính quyền thân Mỹ như Á Rập Xê-Út, Liban, ngày nay là Iraq, Afghanistan, cũng đều có nhiều người kiên quyết chống Mỹ và châu Âu, từ trước khi có những hành động khủng bố của tổ chức Al-Qaeda. Họ chống đối phương Tây vì những lý do xung đột tôn giáo từ thời Trung Cổ và vì vấn đề Israel tranh chấp với Palestine, cũng là một dân tộc vong quốc trở về đất tổ. Điều trớ trêu là thánh địa của Do thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo đều là cùng một chỗ ở tại Jerusalem.
Trong bối cảnh đó Hoa Kỳ chỉ có một mình Israel là đồng minh ở Trung đông để đối kháng ảnh hưởng của khối Á Rập. Israel còn là nước không Hồi giáo. Có gần 6 triệu dân Israel theo đạo Do Thái, trong dân số hồi năm 2011 là 7 triệu 700 ngàn, phần còn lại theo Hồi giáo và những tôn giáo khác. Đạo Do Thái thờ cùng một Đức Chúa Trời với đạo Thiên Chúa La Mã và đạo Tin Lành, tuy rằng Do Thái giáo không nhìn nhận Tân ước với chúa Giê-Su là ngôi Ba con Đức Chúa Trời, mà họ chỉ thờ kính Cựu Ước. Do đó người dân Mỹ và châu Âu vẫn muốn chính phủ của họ ủng hộ Israel.
Nếu không có sự ủng hộ tích cực của Mỹ với châu Âu và tinh thần chiến đấu vô cùng dũng cảm cùng tài năng quân sự vượt trội của người Israel thì từ năm 1947 đến 1967 xứ sở nhỏ bé này lúc đó chưa đầy 5 triệu dân đã bị các láng giềng Á Rập tiêu diệt trọn vẹn, không có đất chôn thây.
Nay trong tình hình đó liệu việc xin làm thành viên Liên Hiệp Quốc của Palestine sẽ có kết quả ra sao?
Trước hết Chủ tịch Mahmoud Abbas đã trở thành vị anh hùng của Palestine sau bài diễn văn lịch sử tại Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ sáu tuần trước. Toàn thể dân chúng Palestine trên dải bờ Tây nồng nhiệt đón chào bày tỏ sự ủng hộ ông Abbas, sau một thời gian dài ông bị lu mờ trước lập trường hiếu chiến của lực lượng Hamas đang trấn đóng dải Gaza.
Điều này càng khiến ông cứng rắn trong sách lược đối với Israel. Về việc lập quốc của Palestine thì Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã họp hôm thứ hai, trong tiến trình cứu xét lá đơn của Palestine, mà riêng thủ tục của việc này cũng phải kéo dài hết mấy tháng, trong khi Hoa Kỳ đã nói rõ là sẽ phủ quyết, dù rằng việc này đưa Hoa Kỳ vào vị thế chống lại ý nguyện của đa số quốc gia trên thế giới.
Khi bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo An, Palestine vẫn có quyền yêu cầu Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết cho Palestine từ một thực thể chính trị chỉ có tư cách quan sát viên thường trực của Liên Hiệp Quốc trở thành một quốc gia quan sát viên của Liên Hiệp Quốc, tuy vẫn không phải là một thành viên của Liên Hiệp Quốc. Tư cách này giúp Palestine được quyền tham gia các cơ chế của Liên Hiệp Quốc, được dự phần trong các Hiệp ước quốc tế, kể cả Toà án Công lý quốc tế hay Toà hình sự quốc tế.