Hàng ngàn công nhân đình công ở Hà Nội

Hàng ngàn công nhân của nhà máy Canon liên doanh với Nhật Bản tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội đã đình công đòi chủ tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

0:00 / 0:00

Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 7 tháng 6, hàng ngàn công nhân ca đêm của nhà máy Canon ở khu công nghiệp Bắc thăng Long, Hà Nội đã đồng loạt đình công để yêu cầu chủ tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện điều kiện làm việc.

Một nữ công nhân giấu tên thuộc nhà máy Canon cho chúng tôi biết thông tin như sau:

"Phòng nào cũng có công nhân đình công hết vì không tăng lương. Từ 4 giờ tụi em nhận được thông tin từ bạn là đình công, nên sáng nay bọn em đi làm còn bị những người đình công ngăn cản không cho vào công ty. Tụi em đi làm đều phải về hết, không dám vào làm".

Các công nhân ca đêm của nhà máy Canon bắt đầu ca làm việc của mình từ 9 giờ tối và kết thúc vào 6 giờ sáng. Nhưng vào 4 giờ sáng ngày 7 tháng 6, toàn bộ công nhân ca này đã đồng loạt ngừng làm việc và hô hào yêu cầu được tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Sau đó các công nhân này đã tập trung phía bên ngoài cổng nhà máy từ sáng sớm cho đến tận chiều ngày 7 tháng 6 vẫn chưa giải tán.

Nữ công nhân giấu tên cho biết phần đông các công nhân của nhà máy Canon đều bất bình về điều kiện làm việc của nhà máy đưa ra cho công nhân.

<b>Lương công nhân tụi em quá thấp, sản lượng tăng mà áp lực nhiều nên mọi người mới đình công.</b>

<b>Nữ công nhân</b>

"Lương cơ bản của tụi em bây giờ mới có 2,450,000 đồng, trước Canon là lương cao nhất khu công nghiệp mà bây giờ là thấp nhất khu công nghiệp. Đợt vừa rồi nhà nước có chính sách bảo tăng lương nhưng công ty em quyết định trong năm nay không tăng nên mới có đình công. Lương công nhân tụi em quá thấp,

Các công nhân Cty Canon tập trung để đình công mỗi lúc mỗi đông trước trụ sở Cty vào lúc 8 giờ sáng ngày 7 tháng 6, 2012. Source kienthuc.net
Các công nhân Cty Canon tập trung để đình công mỗi lúc mỗi đông trước trụ sở Cty vào lúc 8 giờ sáng ngày 7 tháng 6, 2012. Source kienthuc.net (Source kienthuc.net)

sản lượng tăng mà áp lực nhiều nên mọi người mới đình công".

Vào ngày 1 tháng 5 năm 2012, Việt nam áp dụng mức lương tối thiểu mới cho công nhân viên chức hưởng lương nhà nước, theo đó mức lương tối thiểu của đối tượng này được tăng thêm 26,5%.

Tuy nhiên công nhân các nhà máy ngoài nhà nước và liên doanh không thuộc đối tượng điều chỉnh tăng lương đợt này. Năm 2011, Việt nam đã có một đợt tăng mức lương tối thiểu cho các công nhân thuộc các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo nghị định 70/2011/NĐ-CP.

Nghị định này chia ra 4 mức lương tối thiểu theo vùng, vùng cao nhất là 2 triệu đồng một tháng và vùng thấp nhất là 1,400,000 đồng một tháng. Mức này sẽ được giữ nguyên cho đến hết năm 2012.

Liên quan đến vụ đình công tại nhà máy Canon, đài RFA đã tìm cách liên hệ với phòng nhân sự của nhà máy nhưng không nhận được câu trả lời. Nhân viên trực phòng nói người phụ trách đang bận họp nên không thể trả lời.

Trong khi đó công nhân nhà máy cho biết họ vẫn chưa nhận được một phản ứng chính thức nào từ nhà máy về các yêu sách của họ.

Các cuộc đình công của công nhân các nhà máy tại Việt Nam đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là vì lương và điều kiện làm việc.

Báo cáo của Bộ Lao động thương Binh và xã hội năm 2011 cho thấy số lượng các cuộc đình công trong năm đã tăng gấp đôi so với năm 2010.

Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2011 đã có hơn 800 vụ đình công. Từ năm 1995 đến năm 2011, cả Việt nam có khoảng hơn 4,100 vụ đình công, trong đó hơn 74% các vụ đình công xảy ra tại các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.