Không dễ thực hiện chuyện khai thác chung ba bên trên biển Đông

0:00 / 0:00

Ngày 14 tháng 5, năm 2017, bên lề Thượng đỉnh sáng kiến Vành Đai Con Đường do Trung Quốc chủ xướng, diễn ra tại Bắc Kinh, đại diện của Philippines lên tiếng đề nghị ba nước Philippines, Việt Nam, và Trung Quốc cùng hợp tác khai thác tài nguyên chung tại khu vực biển Đông đang tranh chấp giữa một số nước.

Ngày 16 tháng 5, năm 2017, Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines lặp lại lời đề nghị này trong một cuộc họp báo tại thành phố Davao, Philippines.

Không dễ thực hiện

Đề xuất khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học chung tại các vùng tranh chấp ở biển Đông là không mới. Vào năm 1994, Philippines và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận nghiên cứu khoa học chung trên biển Đông. Sau đó, vào năm 2005 Trung Quốc cũng được mời tham gia vào sự hợp tác nghiên cứu khoa học chung, với những hoạt động thăm dò địa chấn lòng biển được triển khai tại một vùng biển rộng đến gần 150 ngàn cây số vuông, tại khu vực trùng với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Đến năm 2008, thỏa thuận này không được tiếp tục do công luận và Quốc hội Philippines cho rằng hoạt động khảo sát địa chấn này vi phạm hiến pháp Philippines vì diễn ra trên một vùng rộng lớn mà Manila đòi chủ quyền.

... không có một thực thể nào ở Trường Sa là có vùng đặc quyền kinh tế, chính vì vậy mà chúng ta còn phải chờ xem.<br/> - Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp <br/>

Bình luận về lời đề nghị mới của Philippines về việc hợp tác khai thác chung, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á nói:

“Philippines nếu muốn khai thác chung thì phải cân nhắc tiền lệ đó, tới phán quyết của tòa trọng tài vào năm ngoái, khi xác định vùng Trường Sa rất là hạn chế, vì không có một thực thể nào ở Trường Sa là có vùng đặc quyền kinh tế, chính vì vậy mà chúng ta còn phải chờ xem.”

Phán quyết của tòa trọng tài mà ông Lê Hồng Hiệp nhắc đến là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế có trụ sở ở Hà Lan, là án lệnh cho vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông. Phán quyết đưa ra vào năm 2016 nói rằng tất cả các đảo nhỏ và bãi cạn, hay còn gọi là thực thể, ở vùng Trường Sa đều không được công nhận là có một vùng có thềm lục địa bao quanh. Vì vùng biển này nằm sát bờ biển phía Tây Philippines nên nước này có một vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế lớn trùm lên vùng này. Và đây có thể sẽ làm cho lý do quốc hội Phi phản đối mạnh hơn cả năm 2008.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới của chính phủ Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề pháp lý liên quan đến đề nghị của Philippines:

“Tất cả những vấn đề đó liên quan đến vấn đề lãnh thổ là các thủ tục pháp lý của các quốc gia tham gia, Nhà nước, Quốc hội, của các nước phải xem xét phê chuẩn, nên tôi cho rằng đây là một quá trình dài.”

Ông giải thích rõ vấn đề pháp lý của các quốc gia chính là tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển chồng lấn nhau của các quốc gia đó. Các quốc gia không thể thỏa thuận những vấn đề đi ngược lại với tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình.

Tuy nhiên ông Trần Công Trục cũng công nhận rằng giải pháp khai thác chung cũng là một giải pháp thực tiễn:

“Đây cũng là một giải pháp tạm thời để giải quyết tranh chấp, khi mà các bên ngồi đàm phán, hoặc chưa ngồi đàm phán, mà có những vấn đề căng thẳng, tìm ra những lĩnh vực có thể hợp tác được, thì đây cũng là một đề xuất mang ý nghĩa thực tiễn. Tất nhiên, vấn đề là anh xác định phạm vi hợp tác đến đâu, đối tượng là cái gì. Ai là người tham gia, vị trí, vị thế của các bên ngồi với nhau như thế nào là câu chuyện còn phải đàm phán. Khu vực quần đảo Trường Sa được xác định trên cơ sở nào?”

Ông nói thêm rằng giải pháp khai thác chung cũng nằm trong những phương cách để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh xung đột chiến tranh giữa các quốc gia có tranh chấp ở đây là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Brunei, Malaysia, và lãnh thổ Đài Loan.

Việt Nam có chấp nhận?

Ảnh chụp từ trên một hòn đảo ở Trường Sa ngày 21 tháng 4 năm 2017.
Ảnh chụp từ trên một hòn đảo ở Trường Sa ngày 21 tháng 4 năm 2017. (AFP photo)

Khi được hỏi khả năng Việt Nam chấp nhận lời đề nghị của Philippines về việc khai thác chung, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định:

“Về cơ bản Việt Nam không phản đối việc hợp tác khai thác chung. Việt Nam cũng đã tiến hành hợp tác khai thác chung với Malaysia, hay với Trung Quốc trong vịnh Bắc bộ chẳng hạn. Tuy nhiên đối với các khu vực khác mà chưa phân định xong, thì Việt Nam có xu hướng thận trọng hơn, ví dụ như khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ chẳng hạn, phía Trung Quốc cũng đã từng đề xuất khai thác chung, nhưng Việt Nam chưa đồng ý vì Việt Nam muốn phân định trước và khai thác chung sau. Tương tự như vậy, khu vực Trường Sa vẫn đang có tranh chấp, đang có các vùng biển chồng lấn, chính vì vậy nếu tiến hành khai thác chung Việt Nam trước tiên sẽ xem xét khai thác chung là ở khu vực nào, có phù hợp với lợi ích và chủ quyền quốc gia của Việt Nam hay không.”

Vào năm 2011, khi bình luận với đài RFA về dự án nghiên cứu địa chấn chung Philippines, Việt Nam, và Trung Quốc, kéo dài từ năm 2005 đến 2008, một chuyên gia Việt Nam là Tiến sĩ Trần Trường Thủy, lúc đó là Giám đốc trung tâm nghiên cứu biển Đông trực thuộc Bộ ngoại giao Việt Nam nhận định:

“Trong khi các bên không giải quyết được tranh chấp thì các bên cùng gác lại tranh chấp để cùng phát triển hay cùng khai thác các tiềm năng. Việt Nam đã tham gia rất nhiều và về nguyên tắc là ủng hộ các giải pháp cùng phát triển. Vấn đề là để tìm ra các khu vực cũng như phương thức hợp tác thì cần phải có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Theo quan điểm của Trung Quốc mà cùng phát triển trong khu vực đường lưỡi bò thì không chấp nhận được bởi các nước xung quanh, kể cả Việt Nam.”

Phán quyết của tòa trọng tài vẫn có giá trị pháp lý

Đường lưỡi bò mà Tiến sĩ Trần Trường Thủy đề cập là một ranh giới đứt khúc chín đoạn trên biển Đông mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình. Theo tuyên bố chủ quyền này thì đến 90% diện tích biển Đông là của Trung Quốc, và đường lưỡi bò này lấn sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia.

Về cơ bản Việt Nam không phản đối việc hợp tác khai thác chung. Tuy nhiên đối với các khu vực khác mà chưa phân định xong, thì Việt Nam có xu hướng thận trọng hơn...<br/> - Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Đường này đã bị phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ.

Trong phát biểu trả lời báo chí tại Davao, Philippines vào ngày 16 tháng 5, Tổng thống Philippines có nhắc tới phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và nói rằng hiện nay ông không có ý định làm áp lực với Trung Quốc về việc thi hành phán quyết này.

Trên thực tế từ khi lên cầm quyền một năm nay, ông Duterte đã không đề cập đến phán quyết này với Trung Quốc, mặc dù nó rất có lợi cho Philippines.

Tiến sĩ Trần Công Trục nhận xét về tính pháp lý của phán quyết này:

“Phán quyết trước đó mà nói rằng bây giờ không nói đến nó, là không dùng đến nó là không phải đâu. Nó vẫn tồn tại như là một nội dung của luật pháp quốc tế, mà bất kỳ một bên nào, một thành viên nào của cộng đồng quốc tế này đều có thể sử dụng để phục vụ cho việc bảo vệ lợi ích của mình.”

Ông nói thêm là hiện nay có nhiều ý kiến chỉ trích Tổng thống Phi về những tuyên bố và động thái xích lại gần Trung Quốc của ông này, tuy nhiên đó có thể là những biện pháp khéo léo để tránh sức mạnh của Trung Quốc, giữ quyền lợi của quốc gia, cũng giống như thái độ của Việt Nam với Trung Quốc hiện nay.