Một nghị định mới đây của chính phủ Việt Nam đã ra đời nhằm ngăn chận hơn nữa sự tự do thông tin.
Nghị định 72
Chính phủ Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo vừa ra một nghị định gọi là nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, công bố ngày 31/07 và có hiệu lực từ ngày 1/09/13. Như cái tên của nó, nghị định này khá dài để có thể bao trùm hết các vấn đề nó nêu ra ở trên. Nhưng cái bất thường và được nhiều người sử dụng Internet, và nhất là các thành viên của các mạng xã hội như facebook, hay chủ của các trang blog cá nhân quan tâm là những người này sẽ không được đăng tin từ các nguồn khác và chỉ được đăng các thông tin cá nhân của họ mà thôi. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, giải thích rõ ràng vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với báo điện tử VNexpress,
"Tôi khẳng định trang thông tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp."
Lời khẳng định này đã được hãng thông tấn Pháp AFP trích lại trong bảng tin ngày 1 tháng tám của họ. Việc này cho thấy tính chất đặc biệt của nghị định 72 đã làm cho công luận thế giới quan tâm.
Sự ra đời và phát triển của Internet đã thực sự làm thay đổi sự trao đổi thông tin của xã hội Việt Nam hiện đại, sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền không còn hiệu quả như xưa, sự tự do phát biểu đã có cơ hội phát triển dù các phương tiện truyền thông chính thức do đảng cộng sản nắm giữ vẫn không cho phép điều đó.
Năm 1986, đồng thời với sự khởi đầu của cải cách kinh tế, đảng cộng sản cũng nới lõng sự kiểm sóat đối với tầng lớp văn nghệ sĩ. Nếu như ngày hôm nay nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhìn về sự việc ấy một cách đau buồn rằng đảng cởi trói cho nhân dân, thì Andrew Lam, một nhà văn gốc Việt thành danh ở hải ngọai nhận xét về vai trò của Internet đối với tự do phát biểu ở Việt Nam hiện nay rằng,
“Internet đã tạo điều kiện cho họ chiếm lại khoảng không gian công.”
<br/>Tôi khẳng định trang thông tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp.<br/> - Ông Hoàng Vĩnh Bảo
Sự độc quyền của đảng cộng sản trong việc nắm giữ truyền thông không còn nữa. Đảng cộng sản chỉ có thể kiểm soát giấy và mực trong các nhà in, nhưng những đốm điện tử nhị phân lan truyền thông tin như chớp đến mọi ngóc ngách thì không thể được. Cựu Bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp là người đầu tiên, dù vô tình, đưa ra khái niệm hai dòng thông tin Lề phải của nhà nước, và Lề trái của dân chúng. Trong cuộc cạnh tranh giữa hai dòng ấy dường như Lề phải ngày càng đuối sức và thậm chí biến thành lá cải như lời phát biểu đầy quan ngại của ông thứ trưởng Nguyên Bắc Son cách đây không lâu.
Với mục đích tự nhiên và tự thân là đưa thông tin, các trang mạng lề trái phát triển mạnh mẽ và thu hút đông đảo người xem dù thường xuyên bị phía bên kia ngăn chận cấm đoán. Nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang blog cá nhân Một góc nhìn khác, phát biểu với chúng tôi không lâu trước khi anh bị bắt,
“Trang blog cá nhân của tôi thực sự là một tờ báo, được nhiều người xem, so với tờ Nhân dân, tờ báo chính thống của đất nước này thì nó được xếp trên cả ngàn bậc mà. Thông tấn xã của nhà nước được đầu tư tổ chức bộ máy một cách kinh hoàng, rất nhiều tiền của mà có được cái gì đâu.”
Các trang mạng đã thực sự trở thành những tờ báo, mà là báo tư nhân, nên đảng cộng sản không hài lòng chút nào cả vì họ chủ trương không cho phép báo tư nhân. Ông Hòang Vĩnh Bảo nói tiếp về việc không cho phép các trang cá nhân tổng hợp thông tin,
"Nếu cứ mỗi blog lấy bài báo chỗ này chỗ kia đưa lên thì đã trở thành báo tư nhân."
Sức mạnh của mạng xã hội
Sự xuất hiện của các mạng xã hội như Tweeter, Facebook lại càng làm cho truyền thông lề trái thêm mạnh mẽ. Việc xuất bản thành công quyển sách truyện Trại súc vật, khắc tinh của cơ quan tuyên truyền cộng sản, được lan truyền cho hàng triệu người biết trong vài giây đồng hồ, lời nói không cẩn trọng của bà bộ trưởng y tế sau vụ trẻ em tử vong vì tiêm chủng, đã nhanh chóng tập hợp một lực lượng đông đảo trên mạng đòi bà từ chức.
Quan chức cùng cơ quan công quyền khó mà trốn tránh công luận vì mạng xã hội. Các nhóm cùng mục đích, từ nấu ăn cho đến đòi sửa đổi luật lệ và Hiến pháp, thậm chí đòi xóa bỏ sự độc tôn của đảng cộng sản cũng được thúc đẩy bởi các mạng xã hội.
Không thể che giấu, và không thể ngăn cản sự thành lập các nhóm chính là nỗi lo buồn của đảng chính trị chủ trương chuyên chính dưới ngọn cờ búa liềm.
Có vẻ như để đối phó với mạng xã hội, nhằm giữ vững sự tập trung chuyên chính của mình, đảng cộng sản đã âm thầm ngăn chặn về mặt kỹ thuật, dù rằng họ không bao giờ công khai chuyện này.
Thông tín viên An Nhiên của chúng tôi đã ghi lại trả lời của một nhân viên công ty cung cấp dịch vụ Internet là Viettel như sau,
"Hiện giờ, đối với trang mạng facebook đang có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cơ quan có chức năng đã chặn…"
Song có vẻ như sự ngăn chận không chính danh bằng kỹ thuật đó cần được tiếp sức bằng những biện pháp pháp lý, và nghị định 72 đã ra đời.
Cách đây không lâu, cũng nhờ vào Internet và mạng xã hội, mà một nhóm trí thức đã đề đạt một kiến nghị của 72 vị, được gọi là kiến nghị 72, nhằm yêu cầu nhà cầm quyền thực thi nhiều tự do hơn mà điều căn bản là xóa bỏ sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản.
Thông tấn xã của nhà nước được đầu tư tổ chức bộ máy một cách kinh hoàng, rất nhiều tiền của mà có được cái gì đâu.<br/> - Nhà báo Trương Duy Nhất
Nay một nghị định nhằm ngăn chận tự do thông tin lại ra đời và trớ trêu thay lại mang tên là 72.
Trong một bài viết cho trang mạng Bauxit Việt Nam, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà tranh đấu cho dân chủ trong nước đã so sánh sự tự do khai thác thông tin trong thế giới ngày nay khi có những công cụ của mạng xã hội và Internet, với mục địch của chủ nghĩa cộng sản mà người sáng lập nó là Karl Marx đã tuyên bố. Ông bảo
"Sự hưởng thụ theo nhu cầu, không hạn chế, và sự cống hiến theo năng lực của bản thân."
Như vậy có lẽ biểu tượng mang ý nghĩa tuyệt vời của Facebook là ngón tay cái giơ lên lại có cùng một mục đích với búa và liềm của đảng cộng sản.
Nhưng hình như những người đứng đầu đảng cộng sản không nghĩ như thế và họ đã làm ra nghị định 72.