Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị mua lại

Năm 2011 đã qua đi nhưng hệ lụy từ chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đối phó với lạm phát vẫn còn lưu lại, nhất là đối với các doanh nghiệp thiếu vốn.

0:00 / 0:00

Việc họ bị các tập đoàn lớn mạnh có khả năng tài chính thâu tóm đang là một xu hướng mới diễn ra tại Việt Nam. Tìm hiểu vấn đề này, Vũ Hoàng trình bày trong phần sau đây.

Thiếu vốn

Với lạm phát cả năm chốt ở mức hơn 18%, năm 2011 đánh dấu một năm đầy khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cơn thiếu vốn do chính sách cho vay tín dụng siết chặt.

Trong điều kiện tài chính gắt gao như vậy, một trong những biện pháp “thoát thân” và hợp với qui luật đào thải trong môi trường đầy cạnh tranh là sự hợp nhất, sáp nhập những doanh nghiệp cùng ngành hoặc cùng lĩnh vực hoạt động.

Trên nguyên tắc, có hai loại hình sáp nhập. Một là, khi các doanh nghiệp tự nguyện cùng hợp tác, hướng tới chung mục tiêu là lợi nhuận cao hơn, đồng thời, tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng qui mô kinh doanh, giảm thiểu chi phí. Hai là xu hướng sáp nhập do một công ty quá khó khăn, một doanh nghiệp cùng ngành khác, chẳng hạn sẽ mua lại công ty đó. Chuyện này không phải là tự nguyện nhưng vì sự khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ, nên họ bị bắt buộc phải sáp nhập và xu hướng bị bắt buộc này đang là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam.

evn-telecom-250.jpg
Nhân viên EVN Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Source EVN4.

Có thể nêu lên một số thương vụ nổi bật đã và đang diễn ra như trường hợp giữa hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific sáp nhập vào Vietnam Airlines để giải quyết các khó khăn tài chính hiện thời. Hay trường hợp “tái cơ cấu” EVN Telecom, trong đó người ta dự đoán nhiều khả năng tập đoàn Viettel sẽ thâu tóm EVN Telecom.

Điểm đáng chú ý, trong năm qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu ngành mặc dù kinh doanh khá tốt nhưng vẫn nằm trong “tầm ngắm” mua lại một phần hoặc toàn phần từ các tập đoàn lớn nước ngoài. Chẳng hạn, gần đây một quĩ đầu tư của Singapore muốn mua lại FPT. Hoặc Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm cũng đang là đối tượng tiềm năng cho các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư dưới góc độ sáp nhập. Trong lĩnh vực tài chính, có ngân hàng cổ phần Sacombank đang bị đồn là sẽ bị thâu tóm do tình hình kinh doanh có nhiều vấn đề. Ngoài ra là hàng loạt các công ty bất động sản cũng đang nằm trong giai đoạn thương thảo cho các vụ mua bán.

Tránh phá sản

Trao đổi về vấn đề này với chúng tôi, TS Vũ Ngọc Xuân, giảng viên chính Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét:

“Tôi cho rằng môi trường Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần đông, nên sức chịu đựng của các doanh nghiệp khi gặp chính sách tiền tệ thắt chặt là kém. Khi tình hình kém thì các doanh nghiệp có xu hướng sáp nhập vào với nhau để tăng tính cạnh tranh, sức chịu đựng trong điều kiện khắc nghiệt của thị trường.

nhưng vì tình hình tài chính khó khăn, để tồn tại tránh phá sản thì các công ty phải sáp nhập vào với nhau<i>.</i>

TS Vũ Ngọc Xuân

Khi 2 doanh nghiệp cùng ngành nghề sáp nhập lại với nhau, doanh nghiệp mà yếu hơn thì chắc chắn bộ máy quản lý hoặc lãnh đạo sẽ phải thay đổi hoàn toàn. Chính vì thế xu hướng nắm quyền điều hành, nhiều cổ đông lớn của công ty cũ người ta sẽ không muốn sáp nhập, nhưng vì tình hình tài chính khó khăn, để tồn tại tránh phá sản thì các công ty phải sáp nhập vào với nhau.

Khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, doanh nghiệp ngày càng khó khăn thì xu hướng các doanh nghiệp sáp nhập sẽ ngày càng nở rộ.”

Cũng còn nhớ lại hồi tháng 9 vừa qua, số liệu từ Bộ Kế hoạch đầu tư cho thấy có đến gần 50,000 doanh nghiệp Việt Nam phá sản hoặc không còn hoạt động kể từ đầu năm. Chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã phải nhấn mạnh đến sự khó khăn của các doanh nghiệp trong năm qua bắt nguồn từ nguyên nhân lãi suất vay quá cao, nguồn tín dụng hạn hẹp. Còn phát biểu với báo chí trong nước, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam cũng phải thốt lên "rất ít người vay được ở mức dưới 17%/năm."

Thua trên sân nhà

jetstar-pacific-250.jpg
Máy bay của hãng hàng không Jetstar Pacific. RFA screen cap/jetstar.com.

Tuy thế, mặc dù đối mặt với những khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa và nhỏ vẫn hoạt động tốt, có thị phần chi phối và tỷ lệ lợi nhuận cao. Vấn đề nảy sinh ở đây là khi gặp chính sách tiền tệ siết chặt, nhiều doanh nghiệp vay nợ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản và lúc này các tập đoàn nước ngoài có thế lực tài chính nhảy vào cuộc, tiến hành các cuộc mua lại và thâu tóm. Hai điều kiện cần và đủ đã được đáp ứng: Họ chọn mua các doanh nghiệp Việt Nam đầu ngành nhỏ và vừa, có tiềm lực tốt nhưng lại thiếu vốn hoạt động.

TS Vũ Ngọc Xuân cho biết tiếp:

“Nhưng khi tiền tệ thắt chặt, thì doanh nghiệp vay nợ gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản và lúc này là điều kiện để các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính để mua lại các doanh nghiệp tốt của Việt Nam với giá rất phải chăng. Đó là điểm bất lợi. Khi họ mua lại, họ chiếm lĩnh thị trường, thì lúc đó Việt Nam sẽ rơi vào tình huống thua trên sân nhà trên rất nhiều lĩnh vực mình có lợi thế cạnh tranh.”

Rõ ràng đây là điểm bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù kinh doanh có lãi, hiểu tốt thị trường nội địa nhưng khi gặp khó khăn về huy động tiền trả nợ ngân hàng, thì việc bị các tập đoàn nước ngoài mua lại là điều dễ hiểu.

Khi họ mua lại, họ chiếm lĩnh thị trường, thì lúc đó Việt Nam sẽ rơi vào tình huống thua trên sân nhà trên rất nhiều lĩnh vực mình có lợi thế cạnh tranh.

TS Vũ Ngọc Xuân

Không lẽ Việt Nam không thể giải quyết được vấn đề này? Theo TS Xuân, về mặt vĩ mô, chính phủ cũng nhận ra điều đó, để tăng sức mạnh của các công ty cổ phần mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, Chính phủ có xu hướng sáp nhập lại với nhau. Cụ thể đó là trường hợp của Jetstar và Vietnam Airlines. Mặc dù có thể tạo ra sự độc quyền tạm thời, nhưng về mặt tài chính, sẽ đảm bảo được các doanh nghiệp chủ đạo thoát được cơn sóng gió.

Về phía các doanh nghiệp tư nhân nòng cốt, Chính phủ cũng không muốn bị các tập đoàn nước ngoài mua quá nhiều. Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt dưới góc độ là chấp nhận tỉ lệ lạm phát hơi cao một chút nhưng lãi suất sẽ hạ giảm từ từ, nhằm giảm nhiệt chi phí lãi vay.

“Như vậy, xu hướng sắp tới sẽ là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đưới góc độ là hạ dần lãi suất sẽ không để doanh nghiệp lâm vào tình trạng quá khó khăn.”

Có thể nhận thấy, một chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng linh hoạt và thận trọng cũng đang là một trong 7 giải pháp lớn mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới ban hành đầu năm nay. Hi vọng rằng với những biện pháp vĩ mô hữu hiệu mà chính phủ đang quyết tâm thực hiện, năm 2012 sẽ hứa hẹn một môi trường kinh doanh có những cải thiện hơn, để các doanh nghiệp yên tâm làm ăn trong khi các mục tiêu vĩ mô khác không bị xáo trộn và đánh đổi.

Theo dòng thời sự: