Chặt cây mở đường, dân phản ứng

0:00 / 0:00

Lãnh đạo Hà Nội hôm thứ Tư 7 tháng Sáu cho biết việc đốn hạ hay dịch chuyển 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, để xây tuyến vành đai 6 làn xe, chỉ mới là phương án đề xuất và bất khả kháng mới chặt cây.

Các nhà hoạt động môi trường và các nhóm bảo vệ cây xanh ở thủ đô cho biết sẽ chống lại dự án được cho là thiếu minh bạch và không màng đến ý dân thủ đô.

Báo chí trong nước hôm 6 tháng 6 trích lời lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết việc di chuyển số cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng chỉ mới là phương án đề xuất, còn quan điểm của lãnh đạo thành phố là trong đầu tư xây dựng nếu có ảnh hưởng tới cây xanh thì ưu tiên một là phải bảo tồn cây khi xử lý.

Tin được loan tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên Giáo thanh ủy Hà Nội tổ chức với sự có mặt của lãnh đạo Sở Xây Dựng, đơn vị tư vấn là Tổng Công Ty Giao Thông Vận Tải TEDI-CTCP và bên đầu tư dự án là Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội.

Không nhất thiết là cứ phải chặt hạ bằng ấy cây xanh, không cần thiết phải mở 3 đến 6 làn đường. <br/> - Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn <br/>

Đây là dự án Đường Vành Đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long trên đường Phạm Văn Đồng có chiều dài 5,5 Km còn chiều rộng sẽ được nới ngang thành 6 làn xe thay vì chỉ 2 làn như hiện nay.

Theo ông Võ Nguyên Phong, phó giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội, việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng trong dự án Vành Đai 3, trục giao thông huyết mạch của Hà Nội, là điều cấp thiết khi tình trạng lưu thông xe cộ trở nên quá tải. Song song với việc nới rộng đoạn đường Phạm Văn Đồng nằm dưới thấp, dự án tuyến đường cao phía trên cũng được khởi công với vốn ODA từ Nhật Bản, dự kiến hoàn thành cuối 2019.

Thế nhưng kế hoạch giải tỏa hàng cây xanh lâu năm trên đường Phạm Văn Đồng được loan ra lại trùng vào đúng thời điểm Hà Nội bị nắng nóng cao độ bất thường tính từ 45 năm nay, thì dư luận trong dân đa phần phản đối nhiều hơn là ủng hộ.

Cư dân Hà Nội Nguyễn Đức Giang, đang hành nghề lái xe ôm, nói rằng ông thấy tiếc những vòm lá xanh mát của những cây xà cừ lâu năm mà có thể sẽ mất đi trên nút giao thông Phạm Văn Đồng:

Toàn là cây tốt có từ xa xưa, bóng mát của cây xanh tạo cảnh quan, nó hút bụi hút khí hơi xa máy xe ô tô, chặt đi là hủy hoại môi trường sống của chính những người đang lưu thông hàng ngày trên đường. Cây xanh đấy có phải tự nhiên ngày một ngày hai mà có đâu, trồng đã bốn năm chục năm nay rồi, từ hồi tôi còn bé tạo đã có bóng má, bây giờ người ta bảo mở rộng đường người ta qui hoạch là tôi không ủng hộ. Mà một cây xanh đấy thực ra nói về tiền cũng rất đắt, công chặt là ba bốn mươi triệu, rồi bán đi cũng rất nhiều tiền. Mấy hôm nay Hà Nội rất nóng, nhờ cây xanh đấy mà Hà Nội dịu mát. Lá phổi của thành phố không còn nữa thì sẽ ô nhiễm môi trường,không tốt cho sức khỏe con người.

Cũng từ Hà Nội, nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn nói đề xuất dịch chuyển cây xanh trên đại lộ Phạm Văn Đồng của Ủy Ban Nhân Dân thành phố làm mọi người nhớ lại vụ chính quyền đòi triệt hạ thay thế một lúc gần sáu ngàn cây xanh trong lòng phố Hà Nội hồi 2015 khiến phong trào Vì Một Hà Nội Xanh bùng phát mạnh mẽ:

Chính quyền thành phố Hà Nội mấy hôm nay họ cố gắng tranh thủ, phân tích, giải thích, đồng thời hứa nghiên cứu tất cả những phương án tối ưu nhất và hợp lòng dân. Thật ra việc mở rộng đường Vành Đai 3 cũng là điều tốt nhưng chưa đến mức cấp thiết lắm vì hiện nay bắt qua sông Hồng có tất cả nào là cầu Thăng Long, cầu treo Nhật Tân, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Sắp tới đây Hà Nội sẽ nghiên cứu làm 2 cây cầu mới nữa cũng bắt qua sông Hồng để giải tỏa vấn đề giao thông Hà Nội, nối liền các đường Vành Đai 2, Vành Đai 3, Vành Đai 1 và trung tâm thành phố. Thế thì không nhất thiết là cứ phải chặt hạ bằng ấy cây xanh, không cần thiết phải mở 3 đến 6 làn đường. Chỉ cần mở rộng ra hai bên thêm một ít nữa, bỏ cái giải phân cách chiếm rất nhiều diện tích lòng đường đi, xén hai bên mỗi bên thêm được mấy mét và chỉ cần một chiều đi một chiều về. Đấy là giải pháp tốt nhất, tránh lãng phí ngân sách quốc gia, đồng thời không gặp phải sự phản kháng của nhân dân.

Sở Xây Dụng Hà Nội cho báo chí biết theo phương án do đơn vị tư vấn cung cấp, đã được Ban Quản Lý dự án chấp thuận, trên tuyến đường có tổng cộng 1.315 cây thì 142 cây được giữ nguyên vị trí, 158 cây sẽ được dịch chuyển, còn lại 1.015 cây được chặt hạ. Tất cả 1.015 cây bị hạ đều nằm trong phạm vi cần mở rộng và các đường dẫn lên dẫn xuống tuyến trên cao.

Đây mới chỉ là đề xuất của bên cơ quan tư vấn cho chủ đầu tư là Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội. Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội cũng chưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, theo ý kiến của những người hoạt động về môi trường ở Hà Nội thì từ cung cách làm việc của chính quyền Hà Nội nói riêng, có thể hiểu bản thân Hà Nội cũng đang nghiêng về phương án này. Anh Nguyễn Anh Tuấn, một trong những người sáng lập Green Trees, một tổ chức bảo vệ môi trường ở Hà Nội, nói với đài Á châu Tự do:

Nó như một cách để thử dư luận vậy, có phản ứng gì thì nó sẽ nóng ran lên ở thời điểm này, nhưng khi các phản ứng trở nên nhàm rồi thì Hà Nội sẽ thực hiện.

Trên tinh thần bảo vệ môi trường ôn hòa và hướng tới phát triển bền vững, Green Trees tin rằng hoàn toàn có các phương án khác để vẫn bảo đảm yêu cầu phát triển giao thông đô thị mà vẫn giữ được hai hàng cây đang đóng vai trò rất quan trọng trong môi trường xanh cũng như sức khỏe cho người dân, nó rất quí như vậy thì không nên chặt.

Trao đổi, lắng nghe, minh bạch, cầu thị là yêu cầu của Green Trees đối với lãnh đạo thành phố Hà Nội trong dự định hạ đốn một lúc cả ngàn cây xà cừ lần này, anh Nguyễn Anh Tuấn nói tiếp:

Nó như một cách để thử dư luận vậy, có phản ứng gì thì nó sẽ nóng ran lên ở thời điểm này, nhưng khi các phản ứng trở nên nhàm rồi thì Hà Nội sẽ thực hiện. <br/> - Anh Nguyễn Anh Tuấn

Tạo một kênh đối thoại giữa người dân với thành phố và những cơ quan chức năng đang có nhiệm vụ phát tiển cơ sở hạ tầng. Kỳ vọng của Green Trees là trước khi quyết định họ cần có những hoạt động cụ thể như tổ chức hội thảo mở với chuyên gia trong và ngoài nước, rồi các tổ chức xã hội dân sự như kiến trúc, qui hoạch đô thị, cây xanh đô thị, để mà đưa ra những phương án đi đến sự đồng thuận cao nhất. Sau đó thì phải công khai rộng rãi kết quả buổi hội thảo, như thế sẽ tháo gỡ được bức xúc để mọi người cùng hướng tới sự lựa chọn mà đại đa số có thể chấp nhận được. Rõ ràng, minh bạch và cầu thị.

Đối với giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học, Công Nghệ Và Môi Trường trước đây, qui hoạch và phát triển đồng nghĩa với thay đổi và mất mát, dụ án đường Vành Đai 3 cũng không nằm ngoài qui luật đó:

Khi tin nói có thể chặt phá hay di chuyển khoảng 1.300 cây thì ai cũng xót xa. Nếu làm đúng theo như báo cáo của ông phó giám đốc Sở Xây Dựng thì tôi nghĩ đấy là đúng đắn và minh bạch. Chỉ có điều những cơ quan trách nhiệm, các xã hội dân sự và người dân quan tâm đều phải theo dõi sát sao để làm sao cho chủ trương nói ra thì đúng như vậy nhưng thực tế thì có gì sai trái không.

Bài toán đưa ra là cần bảo tồn tối đa cây xanh khi thực hiện làn đường đó, không chỉ một công ty tư vấn của Sở Xây Dựng mà cả dân và rất nhiều tổ chức trong nước ngoài nước cùng giải bài toán đó. Tôi thí dụ như tổ chức Hà Nội Xanh của thanh niên đấy, họ phác thảo ra ngay một đề án đơn giản làm thế nào giữ lại cây xanh chứ không nhất thiết phải chặt phá cây đi như thế.

Theo Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, trong dự án chỉnh trang mở rộng tuyến đường Phạm Văn Đồng thì yêu cầu về qui hoạch cảnh quan kiến trúc rất được chú trọng. Trong trường hợp bất khả kháng, tức là bắt buộc phải di chuyển hay chặt hạ, thì thành phố bảo đảm những cây được trồng mới phải tương đương với hệ thống cây xanh đã được trồng trên đường Võ Chí Công. Đó là chưa kể những loại cây cỏ đi kèm theo hầu tạo một không gian hài hòa, thân thiện với môi trường đồng thời toát lên vẻ đẹp hiện đại của thành phố.