Trả giá đắt
Tuần trước Hoa Kỳ và châu Âu có vẻ như chỉ áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với Nga nghe như những biện pháp bề ngoài không có tác dụng đáng kể. Nhưng tuần này Hoa Kỳ và châu Âu đã hội họp và tiến tới những biện pháp khá mạnh, để trừng phạt hành vi sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga. 4 ngân hàng lớn của Nga bị ảnh hưởng vì liên quan đến những viên chức Nga bị cấm vận. Hội nghị Thượng đỉnh G7 của Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Nhật, Canada quyết định tạm ngưng hoạt động của nhóm G-8, 7 nước còn lại gọi là G-7 sẽ họp chính thức tại Brussels mà không có Nga.
Chính sách đó đã lột cái vỏ bề ngoài trước đây, và có tác dụng lập tức. Cuối tuần trước thị trường chứng khoán của Nga lao dốc mạnh. Chỉ số MICEX tính bằng tiền Rúp bị mất 3%, trong khi chỉ số RTS tính bẳng đô la mất tới 3,6%. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Nga giảm từ hơn 1,1% đến gần 2,7%, sau khi mất tới ba bốn % lúc đầu phiên giao dịch cuối tuần. Cổ phiếu của Gazprom giảm gần 1%, trong khi công ty khí đốt Novatek mất gần 10% trị giá cổ phiếu. Đáng chú ý là Novatek có phần sở hữu của doanh gia Gennady Timchenko, là người bị phương Tây cấm vận. Điều này chứng tỏ chính sách cấm vận cá nhân cũng gây ảnh hưởng kinh tế không nhỏ. Giới chuyên môn dự đoán GDP kinh tế Nga năm nay sẽ giảm sút gần 2% chỉ vì phương Tây trừng phạt.
Như vây là đúng như bà Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, rằng Nga sẽ phải trả giá đắt cho hành động sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga. Nhưng ngược lại khi tấn công vào nền kinh tế Nga, kinh tế châu Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi Nga phản công về kinh tế-thương mại.
Chừa lại hai búa
Trước hết, châu Âu là bạn hàng lớn nhất, là thị trường xuất nhập khẩu chính của Nga, chiếm gần 50% kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga trong 9 tháng đầu năm 2013, phần lớn là nguyên liệu thô.
EU nhập khẩu khí đốt của Nga tới 1 phần ba nhu cầu, và xuất khẩu máy móc, thiết bị sang Nga. Nếu quan hệ kinh tế thương mại gián đoạn hay bị hạn chế, thì Nga là phía bị thiệt hại nặng hơn. EU có thể nhập khí đốt đông lạnh từ Hoa Kỳ, đắt hơn nhưng tháo gỡ được sự lệ thuộc vào Nga.
Tuy nhiên người ta hy vọng chiến tranh kinh tế thực sự sẽ không xảy ra, vì Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo trong nhóm G-7 tuyên bố giữ lại mà chưa áp dụng các biện pháp cấm vận mạnh mẽ hơn nữa trong lãnh vực nhiên liệu và tài chính, thương mại, để khuyến khích Nga thay đổi chiều hướng chính sách về Ukraine. Hành động này không khác nào chuyện Trình Giảo Kim chỉ biết ba chiêu đánh búa, nay phải chừa lại hai chiêu để dùng sau.
Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tuyên bố sẽ tung ra những biện pháp mạnh mẽ nhất hiện đang "treo" lại, nếu Nga xâm lấn thêm đất đai của Ukraine. Mặt khác Hoa Kỳ và EU cũng nỗ lực sớm hoàn thành hiệp ước đối tác thương mại- đầu tư xuyên Đại Tây dương, giống như để điền vào chỗ trống của Moscow.
Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ không sử dụng hành động quân sự ở Ukraine, nhưng khi nhóm G-7 nói là tạm hoãn sử dụng thêm những biện pháp mạnh mẽ, ông Obama tuyên bố vấn đề Crimea chưa phải đã xong, và ngày nay không ai có thể dùng võ lực để vẽ lại bản đồ địa lý cho nước láng giềng. Mùa hè này Hoa Kỳ và NATO cũng sẽ tổ chức hai cuộc tập trận có sự tham gia Ukraine. Những sự kiện này có ý nghĩa gì?
Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt là những hành động cảnh cáo đối với Nga, nhưng được xác định là chỉ cảnh cáo về kinh tế, trong khi phương Tây xác định không dùng biện pháp quân sự để tránh cho Nga cảm thấy bị khiêu khích. Các cuộc diễn tập quân sự là biện pháp song song để đề phòng cũng như tỏ quyết tâm ngăn chống hành động xâm lăng thêm nữa của Nga nếu chẳng may ông Putin bất ngờ xua quân tiến sang Đông Âu.
Không dồn vào chân tường
Việc đình hoãn các đòn kinh tế tài chính với Nga là kế sách đáng được tán thưởng. Trừng phạt kinh tế là hành động cảnh cáo để nước Nga thấy hậu quả trước mắt của chính sách xâm lăng Ukraine. Sự cảnh cáo nào cũng cần chứng tỏ hai tính chất: hiệu quả và sức mạnh lớn hơn trong tương lai. Nếu tung hết sức mạnh vào đòn cảnh cáo, nước Nga sẽ đem hết tiềm năng kinh tế để chống đỡ, và khi bị thiệt hại nặng có thể Moscow liều lĩnh xâm lấn mạn đông Ukraine, và "phóng lao theo lao" tiến thẳng sang phía Tây, tới Ba Lan và xa hơn nữa, để gỡ lại những thiệt thòi về kinh tế.
Đó là điều không ai mong muốn. Chiến tranh kinh tế xảy ra sẽ gây thiệt hại cho cá hai phía, nhưng chiến tranh quân sự giữa Nga với NATO sẽ là ngày tận thế. Và hai tuần trước đây Nga đã trấn an Ukraine, nói Kiev không có lý do gì phải lo âu, và quan hệ song phương phải luôn luôn được giữ trong hoà bình, ổn định.
Nhưng lời của Tổng thống Putin liệu có đáng tin không?
Crimea đã nằm trong tay Liên Bang Nga, tình hình đó không thể đảo ngược. Nga tỏ ý không tiến tới thêm nữa ở Ukraine, mà có vẻ muốn hòa hoãn trở lại. Tổng thống Putin rất coi trọng Hội nghị Thượng đỉnh G-8 và đã chuẩn bị rất kỹ ở Sochi, nhưng khi bị tẩy chay ông vẫn tuyên bố dù các nước không dự hội nghị thượng đỉnh G-8 thì ông vẫn để ngỏ cơ hội tái nhóm một khi Hoa Kỳ và châu Âu thay đổi ý hướng.
Đối chiếu Nga-Ukraine với Trung Quốc-biển Đông
Trạng huống của Ukraine khiến người Việt Nam không khỏi nghĩ đến mối quan hệ môi hở răng lạnh với Trung Quốc. Liệu có thể rút ra bài học nào?
Có thể thấy Trung Quốc im lặng một cách bàng quan để "tọa sơn quan hổ đấu", theo dõi diễn tiến hành động xâm lấn của Nga xem sẽ đi về đâu. Và Trung Quốc có thể đã rút ra bài học về quyết tâm của phương Tây. Tuy nhiên bối cảnh điạ chính trị Việt Nam-Trung Quốc ngày nay khác xa bối cảnh của Ukraine với Nga.
Hành động tương tự như Nga làm với Crimea thì Trung Quốc đã làm với Hoàng Sa, và cũng là chuyện đã rồi. Còn đối với Trường Sa và Việt Nam, Philippines, Trung Quốc phải canh chừng thái độ của Hoa Kỳ và phương Tây cũng như quyết tâm của Việt Nam, Philippines. Một khi Việt Nam, Philippines cùng với phương Tây tỏ quyết tâm mạnh mẽ thì Trung Quốc phải hiểu là không thể làm càn ở biển Đông hay biển Hoa Đông.
Thêm vào đó, yếu tố địa lý và nhân hòa của Trường Sa và Philippines không thuận lợi cho hành động xâm lấn như vị trí của Crimea đối với Liên Bang Nga.
Hải quân, không quân Trung Quốc chưa đủ sức tung hoành biển khơi, trong khi Việt Nam nỗ lực tăng cường quân lực với vũ khí và kỹ thuật của Nga, Israel cùng các nước khác. Quân Trung Quốc không dễ nhấn chìm hải quân Việt Nam trên biển Đông nếu người Việt Nam quyết tâm chiến đấu. Được như vậy Bắc Kinh sẽ không dại dột mở cuộc chiến rộng lớn, mà chỉ dùng chiến thuật "tằm ăn dâu" để gặm nhấm lãnh thổ Việt Nam và lấn chiếm lãnh hải biển Đông.
Hành động của Hoa Kỳ ở Đông Âu cũng cho thấy Washington sẽ dứt khoát hay không một khi đồng minh quân sự Philippines hay Nhật Bản bị xâm lấn.
Còn ở biển Hoa Đông, Trung Quốc càng phải cân nhắc kỹ hơn đối với Nhật Bản, một đối thủ quân sự đáng kiêng dè, nếu không nói là Tokyo có lực lượng trên biển hùng mạnh hơn lực lượng hải không quân của Bắc Kinh.