Hàng ngàn người Việt sinh ra và lớn lên trên vùng Biển Hồ ở Campuchia, không có đất ở, đất sản xuất. Quanh năm họ lấy ghe làm nhà, lấy nước làm kế mưu sinh. Nguồn nước sạch vẫn là vấn đề lớn đối với họ.
Biển Hồ ở Campuchia là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á nằm bên dòng sông Hậu thuộc địa phận của tỉnh An Giang. Vùng Biển Hồ được Ủy ban di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là khu dữ trữ sinh quyển thế giới hồi năm 2007.
Nước sạch tại vùng Biển Hồ quý như vàng?
Vùng Biển Hồ ở tỉnh Siem Reap, tỉnh Kampong Chhnang và sông Mekong dọc theo các tỉnh Kandal và Prey Veng đang thu hút hàng ngàn gia đình người Việt. Cuộc sống của họ chủ yếu sống bằng nghề chài lưới và kiếm thêm thu nhập nhờ khách du lịch.
Ngày nay, vì tỉ lệ thất nghiệp cao ở Việt Nam mà nhiều người Việt sang Campuchia tìm kiếm việc làm. Tại vùng Biển Hồ và sông Mekong ở Campuchia, làng nổi người Việt càng tăng nhu cầu dùng nước sạch cũng tăng mạnh.
Mấy năm nay, mình phát hiện người dân sống theo mé sông làm nhà cầu rồi đưa xuống sông. Chuồng heo chuồng bò cũng đưa xuống sông. Nước sông ngày càng ít thành ra mình cảm giác nước dơ. Bên chính quyền đâu có ngó tới mình. Chính quyền Campuchia không quan tâm
Ông Đặng Khươn
Ông Đặng Khươn, đại diện cho hơn 80 gia đình người Việt sống theo mé sông Mekong thuộc xã Svaylos, huyện Peamchor, tỉnh Prey Veng chia sẻ: "Chỗ mình nước dơ lắm, lấy nước từ dưới sông lên xài, ăn uống ở đó luôn. Vùng này khó khăn, xa xôi, thành ra không có đường đi. Phương tiện đi đứng khó khăn lắm. Mùa nước thì hay bị ngứa. Ở khu vực mình, có 80 gia đình người Việt Nam. Campuchia cũng có hai mươi mấy gia đình.
Mấy năm nay, mình phát hiện người dân sống theo mé sông làm nhà cầu rồi đưa xuống sông. Chuồng heo chuồng bò cũng đưa xuống sông. Nước sông ngày càng ít thành ra mình cảm giác nước dơ. Bên chính quyền đâu có ngó tới mình. Chính quyền Campuchia không quan tâm, không lo cho mình vấn đề nước, vệ sinh, đời sống.
Nguyện vọng của người dân trong làng là tính xin được khoan hai giếng nước sạch trên bờ. Có giếng nước sạch sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nước. Nhưng người dân chưa gặp được chương trình hoặc bên Hội nào giúp đỡ.”
Hầu hết gia đình sống trên vùng Biển Hồ ở Campuchia là người nghèo khiến có không ít người đang phải sống trong cảnh thiếu nước và phải chấp nhận dùng nước bẩn, kém vệ sinh đã khiến nhiều trẻ em bị mắc bệnh.
Thầy Trần Văn Tư, Hiệu trưởng Trường học tình thương nuôi dạy trẻ em nghèo ở Biển Hồ thuộc xã Chong Khneas, tỉnh Siem Reap cho biết trường đang nuôi dạy hơn 300 trẻ em. Tất cả các gia đình Việt Nam hiện đang sinh sống tại Biển Hồ Campuchia có con em từ 6 tuổi trở lên đưa đến trường sẽ được ban lãnh đạo của trường nhận nuôi dạy. Các em được ăn ở tại trường miễn phí để tránh các em đi ăn xin trôi dạt trên vùng Biển Hồ.
Hiện, trường đã có một máy lọc nước nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình khác đang sống trong tình trạng thiếu thốn nước sạch.
Thầy Trần Văn Tư: "Chúng tôi có một máy lọc nước cho các em uống miễn phí. Ăn uống nước lọc. Còn giặc đồ ở dưới sông nhưng cũng có một số em bị bệnh do thiếu nước sạch."
Chúng tôi rất khó chịu và lo lắng cho sức khỏe con cái nhưng không biết làm thế nào. Tôi sống ở đây gần 10 năm, thấy nước đục như vậy. Muốn được nước sạch để uống khó như muốn được vàng một ký
Chị Keng Chin
Cách thành phố Siem Reap khoảng 30 cây số về phía Tây Nam, tại xã Keopor, huyện Srok Pouk cũng có khoảng 300 gia đình người Campuchia sống trên làng nổi. Cuộc sống và hoàn cảnh của họ không khác gì hàng ngàn người Việt ở xã Chong Khneas. Hầu hết người dân không có nước sạch để dùng. Do hoàn cảnh khó khăn, kinh tế eo hẹp buộc phải dùng nước bẩn, kém vệ sinh.
Chị Keng Chin, người Campuchia sống trên nhà nổi ở xã Keopor cho biết: "Chúng tôi rất khó chịu và lo lắng cho sức khỏe con cái nhưng không biết làm thế nào. Tôi sống ở đây gần 10 năm, thấy nước đục như vậy. Muốn được nước sạch để uống khó như muốn được vàng một ký (kg)."
Campuchia không hưởng ứng Ngày Nước Thế giới?
Hằng năm, các quốc gia trên thế giới đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Nước Thế giới 22/3 nhưng Campuchia không hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm nay. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nước Thế giới, Liên Hiệp Quốc cũng ra thông cáo kêu gọi cộng đồng trên toàn thế giới quan tâm về tầm quan trọng của tài nguyên nước, môi trường, thực phẩm, đặc biệt là đối với những cộng đồng sống trên vùng Biển Hồ, bờ sông, vùng khô cạn, vùng sâu vùng xa…v.v.
Theo thông cáo, nước là trung tâm cuộc sống của cộng đồng trên toàn thế giới. Tất cả mọi người cần nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cơ bản như để uống và nấu ăn, vệ sinh cá nhân, đảm bảo sức khỏe. Và nước cũng cần thiết cho ngành công nghiệp và du lịch trên toàn thế giới.
Thông cáo còn thúc giục các thành viên của Liên Hiệp Quốc khai thác tối ưu các điều kiện về tài nguyên nước giúp cho phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ được tài nguyên và môi trường, giải quyết cơn khát của người dân trong khu vực.
Hằng năm, các quốc gia trên thế giới đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Nước Thế giới 22/3 nhưng năm nay Campuchia không hưởng ứng. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nước Thế giới, LHQ ra thông cáo kêu gọi cộng đồng trên toàn thế giới quan tâm về tầm quan trọng của tài nguyên nước, môi trường...
Trong khi đó, chính phủ Campuchia cho biết chính phủ đã kết hợp với các tổ chức ngoài chính phủ tăng cường hợp tác để khai thác và cung cấp nước sạch cho dân. Kể từ năm 2007, chính phủ thường xuyên đề xuất các tổ chức ngoài chính phủ trong và ngoài nước giúp xây nhà máy lọc nước, hoặc khoan giếng nước cho dân. Một số tổ chức có đến nghiên cứu dự án nhưng không thực hiện được do đường xá khó khăn.
Chính quyền tỉnh Siem Reap là ông Ly Morng nói: "Chúng tôi rất lo ngại về tình trạng sức khỏe của dân. Những đề xuất của chúng tôi vẫn chưa có sự giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất chính phủ và các tổ chức làm việc liên quan để đào giếng hoặc cung cấp máy lọc nước cho các vùng thiếu nước sạch."
Trang mạng của “Cambodia Tour” xem Campuchia là nước đang phát triển và có khoảng 40% người dân nghèo đang sống thiếu nguồn nước sạch.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2012, vẫn còn khoảng 11% dân số thế giới, tương đương khoảng 780 triệu người không tiếp cận được với nguồn nước sạch.