Tony Lâm – người Việt đầu tiên bước chân vào chính trường Hoa Kỳ

0:00 / 0:00

Sau 40 năm có mặt tại Hoa Kỳ, ngoài việc từng bước vượt qua những khó khăn, trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa để ổn định cuộc sống, biến mảnh đất này thành quê hương thứ hai, người di dân gốc Việt còn khẳng định được bản ngã của mình qua việc thành công ở nhiều lãnh vực, ngay cả trong chính trường Hoa Kỳ.

Trong số các chính trị gia gốc Việt, phải nhắc đến ông Tony Lâm, người Mỹ gốc Việt đầu tiên bước chân vào nghị trường dòng chính, trong vai trò nghị viên của thành phố Westminster, nơi tập trung đông nhất người Việt tị nạn ở miền Nam California. Sự dấn thân của ông có thể xem là tiền đề cho sự tham gia tiếp theo sau đó của những người trẻ khác như cựu Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn, cựu Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh, Thị Trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí, Thị Trưởng thành phố Garden Grove Nguyễn Bảo, và gần đây nhất là Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn.

Ông Tony Lâm, 79 tuổi, từng phục vụ trong binh chủng Hải Quân thuộc QLVNCH 3 năm. Giải ngũ năm 1958, ông bắt tay vào làm kinh tế thông qua các công ty dân sự của Mỹ.

Nguyên nhân tranh cử

Rời Việt Nam từ ngày 21 Tháng Tư, 1975, sang Mỹ ông định cư ở Florida trước khi chuyển về sinh sống ở thành phố Westminster từ năm 1977 đến nay.

Ông Tony Lâm ra tranh cử vào chức nghị viên lần đầu vào năm 1992 và đắc cử luôn cả 2 nhiệm kỳ sau đó. Ông chính là người khởi sự cho chương trình diễn hành Tết Nguyên Đán trên phố Bolsa, cho chương trình hội chợ Tết, cho ngày kỷ niệm Quân Lực VNCH, cùng một số công trình phúc lợi khác cho thành phố

Tuy nhiên, cuộc đời làm chính trị của ông cũng gặp nhiều sóng gió như chính đời sống của tị nạn của người dân Việt nơi đây.

Ngọc Lan có buổi nói chuyện cùng cựu nghị viên Tony Lâm, người Việt đầu tiên bước chân vào chính trường Hoa Kỳ

Ông Tony Lâm: Lý do mà tôi tham gia vào chính trường và tham gia vào vấn đề bầu cử, ra ứng cử làm nghị viên thành phố Westminster vào tháng 6 năm 1992 là vì trước đó, một số các anh em trong hội cựu chiến sĩ có xin phép với thành phố để tổ chức ngày quân lực thì bị một nghị viên nói "Các anh muốn tổ chức ngày quân lực thì về Việt Nam tổ chức." Điều này đã dấy lên sự bất mãn và khó chịu của nhiều người, trong đó có tôi. Đó là một trong những lý do mà tôi quyết định chắc mình phải tham gia vào chính trường để có tiếng nói để họ có thể nể vì mình, vì lúc đó chưa có một người nào tham gia vào chính trường cả. Lúc đó tất cả đang còn mới mẻ quá.

Một nghị viên nói "Các anh muốn tổ chức ngày quân lực thì về Việt Nam tổ chức." Điều này đã dấy lên sự bất mãn và khó chịu của nhiều người, trong đó có tôi. Đó là một trong những lý do mà tôi quyết định chắc mình phải tham gia vào chính trường để có tiếng nói, để họ có thể nể vì mình

Ông Tony Lâm

Tuy nhiên năm 2000 thì tôi cũng đã là một nạn nhân của vụ biểu tình và ảnh hưởng rất nhiều trong thể xác cũng như tinh thần cả vấn đề tài chánh cá nhân. Tôi bị mổ tim, tôi bị mất địa danh nhà hàng, đó là vấn đề thù cá nhân mà mang đến những tai hại đó.

Ngọc Lan: Lý do biểu tình là gì ạ?

Ông Tony Lâm: Lý do là họ nói Tony Lâm là nghị viên Việt Nam không ra biểu tình chống Trần Trường. Như vậy Tony Lâm là cộng sản, chỉ có vậy thôi. Gia đình tôi là địa chủ di cư vào Nam, mình đã bao lần phụ trách vấn đề chống phiến loạn của tòa đại sứ Hoa Kỳ mà đến qua đây lại gặp vấn đề một nhóm người luôn luôn chụp mũ mọi người bằng danh từ cộng sản để chụp lên đầu mọi người. Đó là lý do thôi.

Sau vụ tôi bị biểu tình năm 2000 thì tôi bắt đầu thấy chắc mình rất chán chường, ảnh hưởng cả thể xác lẫn tinh thần nên chỉ cố gắng làm cho hết nhiệm kỳ rồi sang tiệm ăn và quyết định về hưu. Nhưng chẳng hiểu sao đến giờ vẫn còn là một người hoạt động.

Ngọc Lan: Năm 2002, sau khi ông chấm dứt nhiệm kỳ của mình, ông có nghĩ sẽ bước ra khỏi con đường chính trị luôn không?

Ông Tony Lâm: Vâng, tôi nghĩ như vậy nhưng rồi lại đắm đuối hết chuyện nọ đến chuyện kia.

Ngọc Lan: Ông nghĩ đó là nghiệp của mình? Hay là bởi vì điều gì?

Ông Tony Lâm: Đúng. Tại ngồi yên nhưng mà cây muốn lặng mà gió chẳng đặng đừng thành ra cứ bị cuốn theo chiều gió. Đó là lý do là lý do tôi chẳng biết lúc nào ngưng. Có lẽ ngưng là khi nào mình chuyển từ bại thành xuội thì mình ngưng thôi.

Ngọc Lan: Công việc hàng ngày của ông là gì?

Ông Tony Lâm: Tôi đang làm part time vai trò cố vấn cho các tổ hợp y tế của Cal Optima là một cơ quan y tế do county điều hành. Ngoài ra tôi còn điều hành tiệm Lee Sandwiches, đó là công việc thường ngày. Ngoài ra tôi cũng giúp đỡ cho mấy ứng cử viên tham gia vào dòng chính.

Ngọc Lan: Nhìn lại đời sống chính trị ở thành phố Westminster này và trong cộng đồng Việt Nam mình ở đây, trong đó ông là người đầu tiên và đến hôm nay mình đã có những người bước đi xa hơn, ông thấy thế nào?

Ông Tony Lâm: Trong hướng nhìn của tôi, tôi chỉ mong giới trẻ làm được những điều tốt đẹp và không thể gọi là chia năm xẻ bảy, kèn cựa nhau. Nếu chúng ta có ý tưởng như vậy thì không bao giờ khá được là vì đất nước này quá rộng lớn, cơ hội quá lớn để cho chúng ta cùng làm việc bảo nhau cùng vươn lên, là một tập thể phải đoàn kết, quan trọng nhất là vấn đề đoàn kết, lẽ dĩ nhiên là rất khó chứ không dễ dàng

Tôi chỉ mong là cộng đồng mình lớn mạnh và số người hiểu biết về công dân giáo dục ở đây khác hẳn với đất nước mình. Nếu chúng ta bảo được nhau, làm được việc chung thì chúng ta có thể tát biển đông được. Đó là lý do tôi mong đợi tương lai của giới trẻ

Ông Tony Lâm

Chính trị với tôi không phải là vấn đề đam mê mà trong lòng tôi muốn làm gì cho cộng đồng chúng ta nở mày nở mặt vì tất cả mọi người ai cũng có nỗi đau thương của mình, bỏ lại đất đai, mồ mả ông cha lại, bỏ nước ra đi, tài sản mất hết, thân nhân cũng mất theo. Tất cả những sự kiện đó, chúng ta lập lại một cuộc đời mới mà cuộc đời mới này đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều để mà làm sao tự mình tháo vát có thể sống còn được tại đây trong lãnh vực ngôn ngữ, trong lãnh vực văn hóa và nhiều sự học hỏi, ngay cả sự.. Không nói gì hơn, tôi chỉ mong là cộng đồng mình lớn mạnh và số người hiểu biết về công dân giáo dục ở đây khác hẳn với đất nước mình. Nếu chúng ta bảo được nhau, làm được việc chung thì chúng ta có thể tát biển đông được. Đó là lý do tôi mong đợi tương lai của giới trẻ. Nhìn một cách tích cực, tôi thấy giới trẻ đóng góp rất nhiều chuyện tốt đẹp, mà cộng đồng này phải tự hào về sự đóng góp tích cực.

Ngọc Lan: Sắp sửa kỷ niệm 40 năm người dân mình có mặt ở đây, để nói một điều gì đó về ước mơ, ông muốn nói điều gì?

Ông Tony Lâm: Tôi chỉ ước mong mọi người sẽ cố gắng xây dựng một gia đình đầm ấm. Tôi luôn nói không ai giúp mình bằng mình tự lo thân mình. Đó là một điều chắc chắn.

Ngọc Lan: Xin cám ơn ông Tony Lâm về cuộc trò chuyện này.