Không thích nhưng vẫn phải xài!
Theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong tình hình Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ Hoàng Sa cho tới Trường Sa. Chiến tranh là điều nhân dân hai nước không ai mong muốn, nhưng trong lịch sử, Việt Nam đã triền miên bị người Trung Quốc xâm lăng. Gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới 1979, ngoài ra còn có trận chiến Hoàng Sa 1974 và Trường Sa năm 1988.
Theo Bộ Công thương, trong những năm gần đây nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc luôn ở mức trên 10 tỷ USD. Dự kiến trọn năm 2012 mức nhập siêu từ Trung Quốc sẽ lên tới 13 tỷ USD. Thị trường tiêu dùng Việt Nam tràn ngập hàng tiêu dùng Made in China từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, rau quả, thực phẩm chế biến cho tới hàng điện máy xe ô tô xe máy. Không những thế Việt Nam còn lệ thuộc vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và nhiều ngành sản xuất khác.
Người Việt Nam không thích hàng hóa Trung Quốc nhưng vẫn không từ bỏ được chúng. Một bà nội trợ ở TP.HCM phát biểu:
“Người nào cũng không muốn xài hàng Trung Quốc…nhưng mà tại vì nó rẻ, quần áo giày dép đầy ra… nồi cơm điện máy móc gia dụng của nó rẻ hơn hàng của Nhật, Ý, Đức…nên vẫn phải xài. Có những thứ người ta tẩy chay Trung Quốc như trái cây, rau củ quả thì người ta tẩy chay thật…người ta ít ăn, thế nhưng đồ dùng người ta vẫn thích đồ Trung Quốc hơn đồ Việt Nam…nhưng bây giờ nhà nước hô hào ghê lắm, người Việt Nam xài đồ Việt Nam.”
Người nào cũng không muốn xài hàng Trung Quốc…nhưng mà tại vì nó rẻ, quần áo giày dép đầy ra… nồi cơm điện máy móc gia dụng của nó rẻ hơn hàng của Nhật, Ý, Đức…nên vẫn phải xài. <br/>Một bà nội trợ ở TP.HCM <br/>
Riêng trên lãnh vực dệt may da giày, có thể nói ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng này sẽ gặp khủng hoảng nếu vì lý do nào đó Việt Nam không nhập khẩu nguyên liệu và máy móc từ Trung Quốc nữa. Theo lời Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, hiện nay để có để có kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, mỗi năm phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho dệt may và da giày khoảng 6 tỷ USD. Trong đó phần riêng cho nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc là trên dưới 2 tỷ USD.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là điều gì sẽ xảy ra khi ngành dệt may da giày mất nguồn cung cấp nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc. Ông Diệp Thành Kiệt nhận định:
“Chắc không cần lý giải nhiều cũng có thể thấy được những tác hại của nó. Vì lý do gì đó nếu nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc hoàn toàn ngưng trệ không qua Việt Nam được, thì có thể ảnh hưởng từ 30% tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may da giày. Nếu mất nguồn nhập khẩu thì chúng ta sẽ khó lòng tạo ra được một lượng xuất khẩu tương ứng được.
Chúng tôi cho rằng đây không phải là trường hợp đặc biệt của riêng Việt Nam vì hiện nay sự phát triển toàn cầu và có sự phân công của các nước trên thế giới, không có một nước nào có thể chủ động 100% vật tư nguyên liệu cho ngành xuất khẩu của họ, cho nên thường phải dựa vào nhau. Chúng tôi nghĩ rằng nếu quả thật nguồn nguyên liệu này vì lý do gì đó bị cắt ngang, thì rõ ràng chúng ta sẽ gặp khó và không thể cùng trong một lúc mà có thể xoay trở được ngay tìm nguồn nguyên liệu thay thế, dĩ nhiên có thể thay thế được một phần nhỏ thôi.”
Thay thế không dễ dàng
Trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông mà nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại là sự gây hấn của Trung Quốc có thể làm khởi phát chiến tranh. Chưa kể giới nhân sĩ trí thức thường đề cập đến việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc như một hình thức thể hiện sức mạnh toàn dân. Ông Diệp Thành Kiệt nhận định là cần phân định cho rõ, nếu vì quan hệ căng thẳng với Trung Quốc mà đi đến chỗ tẩy chay thì chắc chắn người tiêu dùng Việt Nam sẽ tẩy chay hàng hóa made in China, đó là những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tuy vậy, theo ông Kiệt về nguyên liệu dệt may và da giày thì cũng có một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, đối với những doanh nghiệp có chủ động trong việc chọn nguồn nguyên liệu thì họ sẽ tìm cách thay thế bằng những nguồn nhập khác, dù có thể có giá cao hơn một chút. Còn đối với một số doanh nghiệp mà vật tư được chỉ định, thì như đã biết với một số thương hiệu để có được giá thành cạnh tranh người ta thường tập trung và phát triển nguyên liệu ở một khu vực nào đó, như Đài Loan hoặc Trung Quốc. Do đó họ muốn chỉ định nhà cung ứng từ những nơi này, để từ đó họ có nguồn sản xuất tập trung giá thành tốt hơn, chất lượng đồng nhất. Trường hợp này nếu muốn làm động tác tẩy chay sẽ phải mất thời gian và ít nhất phải trong một mùa. Ông Diệp Thành Kiệt tiếp lời:
“Để thay thế nguồn vật tư từ Trung Quốc thực lòng phải nói là không dễ dàng thực hiện trong một vài năm mà phải tốn kém khá nhiều thời gian. Chính vì vậy với những gì đang diễn ra trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ở khu vực Biển Đông, vấn đề này cũng làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày nói chung rất quan ngại.”
Để thay thế nguồn vật tư từ Trung Quốc thực lòng phải nói là không dễ dàng thực hiện trong một vài năm mà phải tốn kém khá nhiều thời gian. <br/>Ông Diệp Thành Kiệt
Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu độc lập từ TP.HCM. Ông tỏ ra nghi ngại hậu quả của tranh chấp Biển Đông gây ảnh hưởng cho thị trường tiêu dùng Việt Nam. Ông nói:
“Người Việt Nam có nhiều cách biểu lộ khác nhau, nhưng nếu chuyện Biển Đông mà gắn vào hàng hóa Trung Quốc thì nó sẽ dẫn đến một hệ quả khác. Hiện nay rõ ràng cán cân thương mại giữa Việt Nam Trung Quốc mất cân đối rất lớn. Và nhân dân Việt Nam vẫn còn rất nghèo, hàng Trung Quốc giá rẻ, phục vụ tất cả các đối tượng, nói cách khác tiền nào của đó. Nếu mà vì vấn đề biển đảo mà dẫn đến tẩy chay hàng Trung Quốc thì tôi nghĩ nó sẽ dẫn đến những hậu quả khác rất khó lường, chuyện nào ra chuyện đó thì nó tốt hơn.”
Có lẽ cái khó bó cái khôn, nếu người Trung Quốc biểu tình tẩy chay hàng Nhật sau khi có căng thẳng về chủ quyền đảo Senkaku tức Điếu Ngư mà người Nhật chiếm giữ, thì ngược lại người Việt Nam không được phép biểu tình và cũng chẳng có khả năng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Đây là một thực tế trần trụi và đau đớn.
Theo dòng thời sự:
- Thuyết đấu trí
- Nạn ỷ thế làm liều
- Gẫy đòn bẩy
- Liên minh thuế quan
- Sở hữu chồng chéo làm ngân hàng tròng trành
- Nhà nước và phát triển
- Đi tìm sự dung hòa kinh tế
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Cải cách ngân hàng VN gặp khó khăn
- Doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn dễ dàng?
- Ngân hàng Nhà Nước giảm lãi suất của một số hạng mục
- Suy Trầm Hay Khắc Khoải?