Việt Nam đầu tư quá ít vào du lịch với chỉ 2 triệu USD là tin được báo trong nước đăng lại dựa trên đánh giá của tạp chí Forbes. Theo thẩm định của Forbes thì khoản đầu tư này không thể đáp ứng tiềm năng và tham vọng của ngành du lịch khi muốn tăng doanh thu và nâng lượng khách quốc tế lên gấp đôi vào năm 2020.
Hiện trạng ngành du lịch
Mặc dù chú trọng đến du lịch và luôn cho đó là ngành kinh tế mũi nhọn, khoản đầu tư mà Việt Nam bỏ ra trong lãnh vực này chỉ bằng 2% so với các nước bạn trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Đây là khoản đầu tư mà tạp chí Forbes cho là quá khiêm nhường so với tiềm năng và tham vọng đạt thêm doanh thu cũng như thu hút gấp đôi lượt khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2020.
Tất cả những người hiện tại trong bộ máy điều hành, quản trị và phát triển du lịch đều là những người không có trình độ.<br/> - Nguyễn Văn Thái, hướng dẫn viên du lịch
Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc điều hành công ty du lịch lữ hành Lửa Việt, phân tích:
“Thông tin này tôi cũng mới đọc trên mạng và bản thân tôi nghĩ rằng có thể có sự nhầm lẫn. Nếu bảo Việt Nam đầu tư cho du lịch 2 triệu đô thì cực kỳ phi lý. Bây giờ một dự án của VINGroup hay FLC của Thanh Hóa thôi là mấy chục triệu đô rồi, thậm chí có cái lên tới hàng trăm triệu đô, thì chả có một cơ sở nào khi nói Việt Nam chỉ có đầu tư 2 triệu đô. Hai triệu đô đó, khoảng mấy chục tỷ thôi, có thể là để cho xúc tiến, để cho quảng bá, mình phải nói rõ.
Việc thứ hai, nếu anh chỉ đầu tư 2% so với Thái Lan thôi mà anh đạt được bằng 20% hay 25% của Thái Lan thì cái đó là quá siêu rồi chứ gì nữa. Tôi nhắc lại mình phải hiểu đầu tư là kể cả nhà nước kể cả dân bỏ vốn đầu tư du lịch, thì con số mỗi năm chắc chắn phải lên tới hàng tỷ đô.”
Như vậy, vẫn theo lời ông Nguyễn Văn Mỹ, phải hiểu vấn đề mà báo trong nước không nói rõ là:
"Số liệu đó thật ra của nhà nước đầu tư cho quảng bá PR thôi, và như vậy thì phải nói rõ nếu đầu tư 2 triệu cho chiến lược phát triển, quảng bá thì cái này là thực tế và có thể. Nhưng phải phân biệt có thể Thái Lan họ có những phương pháp điều tra, họ tổng kết toàn bộ ngân sách để PR cho ngành du lịch Thái Lan. Việt Nam thì cái này chỉ mới của nhà nước còn tư nhân thì không nắm được cho nên có thể có những cái so sánh khập khiễng."
Bạn Nguyễn Văn Thái, từng sống nhiều năm ở nước ngoài, từng du lịch qua hàng chục quốc gia trên thế giới, hiện là hướng dẫn viên du lịch cho một công ty lữ hành lớn ở Việt Nam, cho rằng 2 triệu đô la mà chính phủ bỏ ra để phát tiển du lịch thì chẳng là bao, hơn nữa:
“Ở đây vấn đề tiền chỉ là bề nổi của một tảng băng, cho thấy chính phủ quá hời hợt trong việc quảng bá du lịch. Hai triệu là quá nhỏ, hơn thế nữa khoản đầu tư vào nhân lực và nhân sự thì còn nhỏ nữa, hầu như không có sự để ý về huấn luyện hay là chiêu mộ nhân tài nước ngoài về đóng góp cho ngành du lịch nước nhà.
Tất cả những người hiện tại trong bộ máy điều hành, quản trị và phát triển du lịch đều là những người không có trình độ. Hầu như không có người nào đã từng du học, hay những người có kinh nghiệm và những người từng kinh doanh trong lãnh vực tư nhân mà được tham gia để cùng điều hành bộ máy quản trị. Kể cả sau này có nâng lên 20 triệu hay 200 triệu đi nữa thì vấn đề ở chỗ người quản lý sử dụng tiền đấy như thế nào mới là vấn đề mấu chốt.”
Cơ quan chủ quản ngành du lịch Việt Nam, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, vừa đề xuất một khoản tiền đầu tư cho ngành du lịch trong nước là 5 triệu 250 ngàn đô la, bên cạnh 13 triệu đô la để thành lập quĩ xúc tiến du lịch.
Việt Nam hy vọng thu hút gấp đôi lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 so với gần 8 triệu lượt năm 2015. Nếu được vậy thì ngành du lịch sẽ giúp GDP Việt Nam chạm ngưỡng 10% trong 5 năm tới.
Trở ngại
Theo Tạp Chí Forbes, 70% vốn đầu tư vào ngành du lịch Việt Nam đến từ các công ty lữ hành, khách sạn, vận tải và những dịch vụ hưởng lợi từ lãnh vực du lịch.
Nếu chúng ta không đầu tư một cách bài bản thì lượt khách quốc tế đến Việt Nam không thể lớn mạnh được.<br/> - Ông Trần Long, TGĐ Công Ty Du Lịch Việt
Tuy nhiên trước nhu cầu và đòi hỏi càng ngày càng cao của khách nước ngoài, Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức và trở ngại về nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Ông Trần Long, tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Du Lịch Việt, cho rằng Việt Nam chưa đầu tư nhiều cho ngành du lịch kể cả tài chính cũng như con người:
“Bởi vì chính phủ chưa quan tâm sâu sắc và chưa đầu tư cho ngành du lịch một cách sâu rộng. Chính những yếu tố đó mà trong những năm gần đây mình thua thiệt so với các nước trong khu vực.
Là một công ty du lịch chúng tôi mong chính phủ ra một nghị định cho ngành du lịch, cần một người đứng mũi chịu sào để ngành du lịch phát triển hơn nữa. Trong khi chúng ta coi ngành du lịch là một ngành kỹ nghệ không khói nhưng nếu chúng ta không đầu tư một cách bài bản thì lượt khách quốc tế đến Việt Nam không thể lớn mạnh được. Còn nếu chúng ta làm được những điều đó thì chắc chắn ngành du lịch Việt Nam sẽ cất cánh và sẽ chiếm ít nhất là 10% GDP của Việt Nam.”
Số liệu từ những buổi hội thảo nhằm phát triển ngành du lịch Việt thời gian qua cho thấy có nhiều lý do khiến 70% khách quốc tế không quay lại Việt Nam, trong đó có các vấn đề như an ninh cá nhân, tắc nghẽn giao thông, tai nạn xe cộ, tình trạng ô nhiễm và những dịch vụ du lịch nghèo nàn.